Mỹ triển khai thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines
Trong tuyên bố chung hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Philippines sẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của nước này, đồng thời sẽ thúc đẩy việc xây dựng và đưa vào sử dụng 5 căn cứ quân sự đã được xác định trong thỏa thuận hợp tác quốc phòng hiện có giữa hai bên.
Ý định thực sự của Mỹ đằng sau những kế hoạch này rõ ràng là muốn lợi dụng vị trí chiến lược quan trọng của Philippines để chi phối khu vực và kiềm chế Trung Quốc.
Vị trí chiến lược
Theo tuyên bố chung này, Mỹ và Philippines có kế hoạch đẩy nhanh việc thực hiện toàn diện Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng 4 căn cứ quân sự mới và hoàn thành việc xây dựng lại 5 căn cứ hiện có trong thỏa thuận. Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andoron tuyên bố để đẩy nhanh tiến trình thực hiện EDCA, Mỹ sẽ chi 66,5 triệu USD trong năm nay và năm tới để sửa chữa và nâng cấp các cơ sở hiện có của căn cứ không quân Cesar Basa ở phía Bắc Manila, doanh trại Fort Magsaysay ở trung tâm đảo Luzong và căn cứ không quân Lumbia ở phía Bắc đảo Mindanao thuộc miền Nam Philippines, đồng thời xây dựng các cơ sở huấn luyện mới, kho vật tư và các cơ sở khác.
Ngoài 3 căn cứ trên, quân đội Mỹ cũng được phép sử dụng căn cứ không quân Antonio Bautista trên đảo Palawan và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở thành phố trung tâm Cebu. Trên thực tế, quân đội Mỹ đã sớm xây dựng các cơ sở quân sự ở 5 căn cứ nói trên, nhưng do cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không “mặn mà” với sự hiện diện của quân đội Mỹ nên ngoài việc xây dựng một nhà kho bên trong căn cứ không quân Cesar Basa, các dự án xây dựng ở các căn cứ khác luôn ở trong trạng thái bị đình trệ.
Trong tuyên bố chung mới nhất, cả Mỹ và Philippines đều từ chối công khai vị trí cụ thể của các căn cứ mới. Tuy nhiên, các nhà phân tích nước ngoài cho rằng 3 trong số 4 căn cứ mới nằm trên đảo Luzon và 1 còn lại nằm trên đảo Palawan. Trước đó, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines Bartolomé Vicente Bacaro tiết lộ Mỹ muốn xây dựng thêm một số địa điểm quân sự mới cho quân đội nước này ở Philippines để thiết lập tình huống phòng thủ chung đáng tin cậy hơn giữa hai nước. Theo ý định của Mỹ, một trong những địa điểm quan trọng này nằm ở tỉnh Kagayan, cực Bắc của đảo Luzon, 3 địa điểm khác nằm ở vịnh Subic thuộc tỉnh Zambales thuộc đảo Luzon, tỉnh Isabela ở phía Đông Bắc đảo Luzon và tỉnh Palawan nằm trong vùng Biển Đông.
Theo một chuyên gia phân tích quân sự, trong những năm gần đây, các quân chủng Mỹ liên tiếp đưa ra khái niệm tác chiến mới, lấy “tác chiến theo kiểu phân tán” làm hạt nhân. Philippines nằm ở phía đối diện với eo biển Bashi của Đài Loan, vị trí địa lý quan trọng này khiến quân đội Mỹ coi Philippines là khu vực lý tưởng để thực hiện khái niệm mới này.
Còn theo hãng thông tấn AP, tỉnh Cagayan của Philippines nằm ở phía đối diện với đảo Đài Loan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với một cuộc xung đột trong trường hợp xảy ra. Tờ Eurasia Info của Thụy Sĩ thì cho rằng vị trí địa lý của Philippines phù hợp với khái niệm “tác chiến căn cứ tấn công viễn chinh” được đề xuất trong Kế hoạch thiết kế lực lượng 2030 của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Khái niệm tác chiến này yêu cầu lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cơ động và nhỏ gọn phải được triển khai rải rác trong “chuỗi đảo thứ nhất”, thực hiện các cuộc tấn công hỏa lực tầm xa.
Tháng 3/2022, trung đoàn tác chiến ven biển đầu tiên được thành lập của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã tập trung diễn tập khái niệm tác chiến mới này trong cuộc tập trận “Vai kề vai” ở Philippines. Tờ Eurasia Info còn cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ luôn lo ngại rằng các lực lượng quân sự được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ thiếu khả năng hậu cần khi đối mặt với các cuộc xung đột khu vực, và việc sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines có thể giúp người Mỹ giải quyết vấn đề này.
Trở lại vịnh Subic
Căn cứ hải quân ở vịnh Subic sẽ là trọng điểm để quân đội Mỹ tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự. Vịnh Subic nằm ở bờ Tây đảo Luzon của Philippines, đối diện Biển Đông, là một trong những cảng quan trọng. Thực dân Tây Ban Nha là những người đầu tiên xây dựng căn cứ hải quân ở đây, sau đó quân đội Mỹ tiếp quản nó. Sau Chiến tranh thế giới 2, quân đội Mỹ đã mở rộng đáng kể căn cứ hải quân này và vịnh Subic trở thành một trong những căn cứ quân sự ở nước ngoài quan trọng nhất của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Sau Chiến tranh Lạnh, nhóm binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi đây vào tháng 11/1992.
Bên cạnh những động thái như việc Công ty Cerberus Capital Management LP của Mỹ mua lại một phần của vịnh Subic như là cách chuẩn bị trước cho việc hải quân Mỹ quay trở lại nơi đây thì một loạt động thái thăm viếng ngoại giao đã diễn ra giữa 2 nước cũng cho thấy rõ ý đồ này. Kể từ đầu năm 2022, hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines tăng lên từng ngày. Cuộc tập trận “Vai kề vai” (Balikatan) tháng 3/2022 được cho là có quy mô lớn nhất trong lịch sử hai nước, với sự tham gia của 3.800 binh sĩ Philippines và 5.100 binh sĩ Mỹ. Cuối tháng 11/2022, sau chuyến thăm Philippines, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố Mỹ sẽ viện trợ thêm 7,5 triệu USD cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển Philippines để nâng cao năng lực chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giám sát trên biển và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.
Song song với động thái quay trở lại của Mỹ là phản ứng từ phía một số chính khách và hội nhóm của người dân Philippines với thái độ ngược lại. Một diễn đàn có nhiều ảnh hưởng trong dư luận Philippines đã tổ chức cuộc hội thảo lớn, trong đó các chuyên gia tham dự cho rằng việc cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm căn cứ quân sự sẽ làm tăng nguy cơ Philippines bị lôi kéo vào chiến tranh bất đắc dĩ. Chưa kể, việc trả đũa của các nước lớn sẽ chỉ khiến người dân Philippines phải chịu thiệt thòi trước tiên.