Mỹ và câu chuyện mất trộm vũ khí

Thứ Tư, 12/04/2023, 17:11

Tờ The Intercept (Mỹ) mới đây đã đăng tải bài điều tra tiết lộ rằng một số lượng khí tài, trang thiết bị quân sự hiện đại trị giá gần 1 triệu USD đã bị đánh cắp khi đang trên đường đến tay quân đội Mỹ đang đóng tại Syria và Iraq. Chưa hết, số vũ khí này được cho đã rơi vào tay ISIL, Taliban và các lực lượng vũ trang khác đang đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Thông tin này đã khiến Washington D.C. “dậy sóng” và một lần nữa khơi lên cuộc tranh luận về việc vũ khí Mỹ nên được đưa đến đâu và trao cho ai.

Câu chuyện quen thuộc

Đây không phải lần đầu tiên người Mỹ phải đối diện với sự thực rằng vũ khí của họ đang được trang bị cho chính kẻ thù của họ. Cách đây gần ba năm, văn phòng tổng thanh tra của Lầu Năm Góc công bố kết quả điều tra cho biết các lực lượng Mỹ đã “đánh mất” số khí tài, trang thiết bị quân sự tổng giá trị tới 715,8 triệu USD khi tham chiến tại Syria.

Mỹ và câu chuyện mất trộm vũ khí -0
Nhiều người ở Mexico biết về chuyện vũ khí được tuồn từ quân đội vào tay những kẻ tội phạm.

Đây là cú giáng mạnh vào uy tín của Lầu Năm Góc do chỉ vừa mới hơn một năm trước đó, họ đã ra lệnh ném bom vào chính các kho đạn dược của mình tại tỉnh Kobani, Syria. Mục đích là khiến cho số đạn dược mà quân đội Mỹ để lại sau khi rút khỏi Syria không bị rơi vào tay khủng bố. Hành động trên trở nên vô nghĩa vì hai lý do: đã có quá nhiều vũ khí, khí tài bị ăn trộm và bán cho kẻ thù của Mỹ; và ngay cả những quả bom cũng chẳng thể tiêu hủy hết số đạn dược để lại.

Mới đây một lính đánh thuê quốc tịch Mỹ và sáu công dân khác của nước này đã bị thương sau khi một máy bay “cảm tử” không người lái đâm vào tiền đồn RLZ (tên mật) của quân đội Mỹ tại miền bắc Syria. Đây chỉ là một trong khoảng 80 vụ tấn công khác nhau vào những toán quân Mỹ còn đóng ở Syria. Thông cáo chính thức của Nhà Trắng cho rằng các nhóm phiến quân có liên hệ với Iran đứng sau những vụ tấn công này, và Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho không quân Mỹ tấn công đáp trả. Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, chiếc máy bay không người lái sử dụng trong vụ tấn công có nguồn gốc từ Mỹ và nhiều khả năng nằm trong số khí tài đã bị ăn trộm trước đó.

Trong số tài liệu mật mà tờ The Intercept lấy được có hồ sơ chi tiết về từng vụ trộm vũ khí tại Iraq và Syria trong vòng hai năm qua. Trường hợp mất mát nhiều nhất xảy ra vào đầu năm 2021 khi một xe tải chở vũ khí bị ăn trộm khi đang trên đường đến căn cứ không quân Erbil ở miền bắc Iraq. Phía Mỹ chỉ phát hiện ra xe tải bị trộm khi phương tiện dừng lại giữa đường tại khu vực do các đồng minh người Kurd quản lý. Kẻ trộm đã lấy đi những thùng chứa bộ phận súng cao xạ và lựu đạn 40 mm. Các cơ quan điều tra của Mỹ không thể tìm ra bất kỳ nghi phạm nào.

Bốn tháng sau vụ trộm trên, quân đội Mỹ lại mất 2.100 viên đạn 5,4 mm và các thiết bị quân sự khác. Lần này “vụ trộm” xảy ra ngay trên chiếc trực thăng Blackhawk chuyên chở hàng từ căn cứ không quân Al Asad đến căn cứ Erbil. Số đạn dược này được dành cho một lực lượng đặc nhiệm giấu tên của Mỹ đang đóng ở gần biên giới Iraq-Iran. Hơn một tháng sau khi đơn vị trên bị trộm, họ bất ngờ báo cáo rằng đã tìm thấy một thùng đạn chứa 1.680 viên. Không ai biết 420 viên đạn còn lại ở đâu.

Trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự ở châu Phi, số lượng những vụ trộm vũ khí, khí tài tại khu vực này cũng đang trên đà tăng mạnh. Sự chú ý của công luận Mỹ đang đổ dồn vào vụ cướp táo bạo xảy ra vào cuối năm ngoái tại căn cứ không quân Mỹ 201 tại tỉnh Agadez, Niger. Cơ sở này giống như “con mắt” của Mỹ theo dõi toàn khu vực Bắc và Tây Phi. Cũng vì thế mà căn cứ 201 được bảo vệ vô cùng cẩn thận. Vành đai an toàn bao quanh căn cứ có bán kính 25 km, có hàng rào dây thép gai và tháp canh, và luôn được máy bay không người lái tuần tra.

Vào ngày 3/11/2022, một xe tải chở tiền lương cho các lao động Niger làm việc tại căn cứ 201 bị cướp khi đang đi qua ngôi làng gần đó. Bọn cướp được trang bị tiểu liên và súng máy hạng nhẹ, đi trên ôtô bán tải bất ngờ chặn đường xe tải. Tài xế xe tải buộc phải dừng lại để bọn cướp lấy đi mất hai bao tải chứa 40.000 USD. Đến khi lính Mỹ đến hiện trường thì bọn cướp đã “cao chạy xa bay” từ lâu.

Chuyên gia nghiên cứu tài chính quân sự William Hartung của viện nghiên cứu chiến lược Quincy (Mỹ) nhận xét: “Lầu Năm Góc thuê công ty tư nhân Amentum để bảo vệ căn cứ không quân 201. Amentum được trả 37 triệu USD, nhưng không thể bảo vệ nổi một xe tải chở tiền lương... Nhưng chúng ta cũng phải nói về “lỗ hổng” thông tin trong nội bộ quân đội. Vụ trộm này từ thời điểm đến phương thức thủ đoạn đều quá hoàn hảo. Không thể loại trừ khả năng thông tin về xe chở tiền đã bị tuồn ra ngoài”.

Không thể tin ai

Trong những vụ trộm vũ khí xảy ra liên tiếp luôn có “bóng dáng” của các đồng minh Mỹ. Đây là sự thật mà ngay cả người Mỹ cũng phải thừa nhận. Một báo cáo của văn phòng Tổng thanh tra Lầu Năm Góc viết: “Lãnh đạo các lực lượng đồng minh của chúng ta coi thiết bị, vật phẩm quân sự mà chúng ta viện trợ cho họ như một nguồn “thu nhập ngoài”. Trong khi các sỹ quan cấp thấp lấy vũ khí của đơn vị mình đem bán ngoài chợ đen, cấp trên của họ lại trở thành “tay trong” cho những kẻ trộm ăn cướp khí tài trên đường vận chuyển... Mỹ cần phải sớm gây áp lực lên lãnh đạo những chính phủ đồng minh để buộc họ có biện pháp thanh trừng lực lượng của họ”.

Mỹ và câu chuyện mất trộm vũ khí -0
Binh lính Mỹ và quân nổi dậy Syria được trang bị khí tài hiện đại.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, cảnh sát Niger thông báo họ đã bắt giữ 15 đối tượng có liên quan đến vụ cướp ở gần căn cứ không quân 201, trong đó có một thiếu úy quân đội nước này. Tuy vậy cảnh sát không thể thu hồi số tiền bị cướp. Phía Niger cũng lên tiếng cảnh báo rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào quá trình xét xử các đối tượng khả nghi, kể cả khi là đồng minh của họ can thiệp. Nhiều nhà quan sát nước ngoài đã tỏ ý nghi ngại về sự trung thực và tính răn đe của phiên tòa này.

Còn nhớ khi Taliban phát động đợt tổng tấn công vào các thành phố Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia này, dư luận phương Tây đã có phen ngạc nhiên trước các khí tài mà phiến quân đem ra chiến trường. Ngoại trừ những đơn vị dân quân sử dụng trang thiết bị cũ từ thời chiến tranh Liên Xô, bộ binh Taliban chính quy được trang bị không thua kém gì quân đội của một quốc gia cỡ vừa. Theo chuyên gia về Afghanistan Andrew Radin tại viện nghiên cứu RAND (Mỹ) thì: “Taliban có ba nguồn trang thiết bị quân sự chính. Đó là Trung Quốc, Pakistan, và Mỹ... Taliban mua vũ khí Mỹ vốn được trang bị cho quân đội Afghanistan nhưng lại bị đem bán trên thị trường chợ đen. Vũ khí bị ăn trộm là mối họa “kép”. Chúng vừa là trang bị cho phiến quân, vừa là phương tiện để Taliban “rửa tiền” số lợi nhuận kiếm được từ buôn bán thuốc phiện”.

Ở Iraq, tình hình đang dần xấu đi. Quân đội Mỹ đang “sát cánh” bên cạnh hàng chục lực lượng đồng minh khác nhau - quân đội chính phủ Iraq, quân đội khu tự trị của người Kurd, các nhóm phiến quân Syria lưu lạc sang nước láng giềng, v.v... Tình hình chính trị Iraq đang ngày càng trở nên bất ổn, và một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã tiết lộ với tờ The Washington Post rằng các lực lượng khác nhau ở Iraq đang tăng cường mua sắm vũ khí từ các nguồn chính thức lẫn chợ đen. Vấn nạn ăn trộm vũ khí Mỹ vì thế đang trở nên nghiêm trọng hơn. Chưa hết, khả năng Mỹ phải đối đầu với chính các đồng minh cũ của mình không phải là không thể, và trong trường hợp đó Mỹ sẽ phải tìm cách đối phó với những kẻ thù được trang bị ngang ngửa mình.

Đại tá Larry Wilkerson, nguyên Tham mưu trưởng quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống G.W. Bush, nhận xét: “Một bài học mà đáng lẽ ra Mỹ đã phải thấm nhuần từ thời chiến tranh Việt Nam là phải luôn canh chừng đồng minh. Họ trở thành đồng minh của chúng ta vì tính toán cá nhân của họ... Tôi đã thấy màn kịch này diễn ra ở Iraq quá nhiều lần: một ai đó phát hiện ra đơn vị Mỹ hay Iraq không nhận được vũ khí, phía Mỹ làm ầm lên, chính quyền Iraq tổ chức điều tra trong vài ngày rồi đưa ra xử phạt hay giáng cấp mấy cậu sỹ quan cấp úy... Họ không có lý do để đi tới tận cùng sự việc vì ai ở trong bộ máy cũng được hưởng lợi từ vũ khí ăn trộm”.

Kể cả trong trường hợp hiếm hoi mà quốc gia đồng minh cho phép Mỹ tham gia vào quá trình xét xử, họ cũng không thể nào xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố. Đại úy Ken T. Livingston, Giám đốc quan hệ công chúng của CJTF- OIR (lực lượng quân đa quốc gia tham gia chống ISIL) nói với phóng viên hãng tin AP: “Chúng tôi không có thông tin. Không ít trong số đạn dược, khí tài bị đánh cắp vốn được dành cho các lực lượng đặc nhiệm đang hoạt động ở Trung Đông. Hồ sơ ghi chép thông tin về số hàng trên là tài liệu mật, chỉ một số rất rất ít mới được quyền tiếp cận. Chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ cho phép những tài liệu này được đưa ra tòa làm bằng chứng. Mà cả khi điều đó xảy ra, chúng ta cũng không thể nào đảm bảo tính chính xác của những tài liệu này”.

Hướng về biên giới

Giữa lúc dư luận Mỹ còn chưa biết phản ứng ra sao trước những thông tin về vũ khí mất trộm, một số chính trị gia nước này đã hướng sự chú ý về phía biên giới phía nam. Mexico là một trong những khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ. Ước tính trong giai đoạn 2020-2022, Mỹ đã xuất khẩu số vũ khí và đạn dược trị giá 123 triệu USD sang Mexico. Đa phần số vũ khí này được bán trên thị trường dân sự, nhưng cũng có một số đáng kể dành cho quân đội và cảnh sát Mexico. Đấy là chưa kể số thiết bị được Mỹ viện trợ cho Mexico như một phần trong thỏa thuận chung chống tội phạm ma túy.

khong-1681279903036.jpg
Không ít khí tài quân sự hiện đại như tên lửa đất đối không đã bị ăn trộm ở Syria.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhóm cartel Mexico nắm trong tay những loại vũ khí quân dụng như súng máy hạng nặng hay súng phóng lựu tự động. Nữ nhà báo điều tra tội phạm Anabel Hernández viết: “Một khẩu súng máy M249 bán trên thị trường chợ đen có giá không dưới 40.000 peso. Lương tháng của một trung úy quân đội Mexico rơi vào khoảng 25.000 Peso. Người ta tính rằng thà lấy trộm súng đem bán rồi bị kỷ luật thì vẫn có lời hơn là ở trong quân ngũ”.

Nhân dịp Tổng thống Joe Biden thăm Mexico hồi cuối tháng 1 vừa qua, 4 thượng nghị sỹ Mỹ đã gửi thư kêu gọi Nhà Trắng xem xét lại chính sách viện trợ vũ khí cho nước láng giềng phía nam. Người soạn thư là Thượng nghị sỹ Patrick Leahy của bang Vermont. Ông Leahy phát biểu: “Chúng ta có bằng chứng để tin rằng vũ khí quân dụng của quân đội Mexico đang rơi vào tay tội phạm ma túy và gây nguy hiểm cho công dân Mỹ. Những vụ bắt cóc, ám sát xảy ra ở biên giới Mỹ - Mexico đang được thực hiện bằng vũ khí được Mỹ viện trợ cho Mexico. Chúng ta nên tạm dừng chương trình viện trợ này và chờ cho đến khi chính phủ có động thái giải quyết vấn đề trong nội bộ quân đội của họ”.

Mục tiêu trước mắt của bốn vị Thượng nghị sỹ là khiến Nhà Trắng xem xét lại hợp đồng bán số súng trường AR-15 trị giá 5 triệu USD được ký kết giữa quân đội Mexico và hãng vũ khí SIG-Sauer. Hợp đồng này được trợ giá bởi chính phủ Mỹ, vậy nên họ có quyền tạm dừng việc chuyển giao vũ khí. Hiện phía đại diện chính phủ Mỹ vẫn chưa có phản ứng gì ngoài việc tuyên bố sự cam kết lâu dài của mình với Mexico.

Lê Vũ
.
.