NATO đang lao vào cuộc đối đầu với Nga?

Chủ Nhật, 21/05/2023, 08:08

Ukraine tuyên bố chuẩn bị phản công trong bối cảnh có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng như thượng đỉnh Hội đồng toàn châu Âu tại Iceland, thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu ở Moldova, thượng đỉnh NATO ở Litva. Các nước phương Tây đi đến đồng thuận: Giúp đỡ Ukraine bằng mọi giá. 

Điều này có nghĩa là sẽ viện trợ quân sự ồ ạt cho Kiev. Cùng lúc các kế hoạch quân sự của Kiev ngày càng đe dọa kéo NATO vào cuộc chiến thực sự với Nga.

Những con đường tài trợ chiến tranh

Ngày 16/5, Hội đồng toàn châu Âu đã họp thượng đỉnh tại Reykjavik, Iceland. Các nhà lãnh đạo của 46 nước nhất trí ủng hộ Kiev. Hội đồng toàn châu Âu đã công bố một cơ chế nhằm theo dõi những tổn thất và thiệt hại do quân đội Nga gây ra. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak nằm trong số những người nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với Kiev, nhất là sau chuyến công du châu Âu của Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky nhằm đảm bảo bổ sung nguồn cung vũ khí để Ukraine thực hiện một cuộc phản công. Theo tờ Washington Post, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề nghị quân đội Ukraine lập kế hoạch tấn công đường bộ kết hợp đường không (bằng tên lửa) vào sâu trong lãnh thổ Nga, cũng như cho nổ tung đường ống dẫn dầu Druzhba - nối từ Nga vào đất Hungary. Theo tờ báo Mỹ này, nguồn tin của họ dựa trên các tài liệu tham khảo của Lầu Năm Góc và cơ quan tình báo Mỹ. Đặc biệt, theo các tài liệu tình báo của Mỹ, ông Zelensky được cho là đã có đề xuất táo bạo hơn: Đánh chiếm những ngôi làng của Nga để gây áp lực lên Moscow, đánh bom một đường ống vận chuyển dầu của Nga sang Hungary (thành viên của NATO) và muốn sở hữu tên lửa tầm xa để tấn công những mục tiêu bên trong biên giới Nga.

NATO đang lao vào cuộc đối đầu với Nga? -0
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Trong một cuộc họp khác vào cuối tháng 1/2023, ông Zelensky phàn nàn rằng lực lượng vũ trang Ukraine không có tên lửa tầm xa hay những phương tiện khác để tấn công lực lượng Nga trên đất Nga, đồng thời đề xuất mở nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào những mục tiêu quân sự ẩn danh ở vùng Rostov. Tờ Washington Post ghi nhận, “bản năng hiếu chiến” của Tổng thống Ukraine đi ngược lại với hình ảnh mà ông tạo dựng trước mặt công chúng. Đề xuất để lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga là một - phỏng theo lời của giới truyền thông tiếng Anh - “chủ đề nhạy cảm đối với Nhà Trắng”. Cánh báo chí bày tỏ nỗi lo về nguy cơ căng thẳng leo thang lôi kéo NATO vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, một cường quốc hạt nhân.

Nhà phân tích Philippe Rosenthal chỉ ra rằng, Mỹ chưa bao giờ công khai lên án những cuộc tấn công như vậy của Ukraine. Nhà phân tích này đặt giả thuyết, có thể phương Tây muốn gửi tín hiệu đến Ukraine rằng họ sẽ hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với điều kiện không lôi kéo NATO vào cuộc xung đột. Một giả thuyết khác của ông là có thể Washington đang cố gắng tránh xa những ý tưởng mà Ukraine đề xuất, để chứng minh rằng Kiev đang tự mình làm tất cả những điều này. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng phương Tây sẵn sàng giúp leo thang xung đột. Đối với ông, điều này có thể sẽ lý giải việc dần dần xem chuyện tấn công vào lãnh thổ Nga là điều bình thường. Trong mọi trường hợp - Philippe Rosenthal khẳng định - chính quyền các nước châu Âu, dưới áp lực của Mỹ, luôn sẵn sàng tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, bất chấp hậu quả có thể xảy ra từ việc “chiều” theo kế hoạch của ông Zelensky. Cuối tuần trước, tổng thống Ukraine đã tới Italy, Đức, Pháp và Anh sau khi phương Tây hứa sẽ trang bị thêm nhiều vũ khí và thiết bị mới cho Ukraine.

Trong cuộc gặp Giáo hoàng, ông Zelensky đã trả lời đề xuất của Vatican về việc đứng ra giúp Ukraine giải quyết xung đột như sau: Ông chưa sẵn sàng cho những cuộc đàm phán hòa bình và ông “không có gì để nói” với Moscow. Ngoài ra, ông cũng bình luận rằng “Italy đã ủng hộ đúng người trong cuộc chiến tranh này”. Theo nhà phân tích Philippe Rosenthal, việc phương Tây tài trợ cho Kiev đang công khai thúc đẩy lực lượng vũ trang Ukraine chủ động tấn công, nhằm gặt hái được “quả ngọt” từ những khoản đầu tư quân sự này. Sau chuyến thăm Đức của ông Zelensky, Berlin đã công bố thực hiện gói viện trợ quân sự cực lớn, trị giá 2,7 tỷ euro. Theo Bộ Quốc phòng Đức, gói viện trợ này sẽ bao gồm 30 xe tăng Leopard 1A5, 20 pháo bộ binh Marder, 4 hệ thống phòng không IRIS-T, thiết bị phụ trợ và đạn dược. Theo lời Tổng thống Ukraine, công việc đang được tiến hành để tạo ra một liên minh cung cấp trang thiết bị quân sự phương Tây cho Ukraine.

NATO đang lao vào cuộc đối đầu với Nga? -0
Các nước phương Tây liên tục “bơm” vũ khí cho quân đội Ukraine.

Quốc hội Thụy Sĩ cũng đã phê duyệt ý tưởng nới lỏng luật xuất khẩu vũ khí, tạo điều kiện gửi vũ khí đến Ukraine. Sau những cuộc thảo luận kéo dài và đầy áp lực từ phương Tây, Bern đã quyết định từ bỏ định hướng trung lập. Thay vào đó, Thụy Sĩ sẽ điều chỉnh luật, dỡ lệnh cấm tài trợ vật dụng chiến tranh và vũ khí cho những cuộc xung đột quân sự và dỡ cả lệnh cấm bán chúng cho nước thứ ba nhằm mục đích đưa ra tiền tuyến. Để đảm bảo, Thụy Sĩ sẽ yêu cầu bên mua vũ khí cam kết tái xuất khẩu những mặt hàng này. Tuy nhiên, những sửa đổi mới sẽ tạo trường hợp ngoại lệ nếu thỏa một số điều kiện nhất định: Theo Thụy Sĩ, quốc gia mua vũ khí không đươc có biểu hiện vi phạm nhân quyền và không có ý định sử dụng chúng để tấn công dân thường. Ngoài ra, quốc gia đó không được mua vũ khí để tham gia những cuộc xung đột quốc tế. Theo nhà phân tích Philippe Rosenthal, nếu những thay đổi trên được thực hiện, Thụy Sĩ sẽ đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine thông qua hình thức trung gian. Tuy nhiên, Bern chưa có biểu hiện nào là đang thực hiện tiến trình sửa đổi luật. Có thể, dự luật sẽ được xem xét sớm nhất vào năm tới. Ngoài ra, thủ tục cũng có thể bị trì hoãn do trưng cầu dân ý. Nhà phân tích nhận định, tái xuất khẩu vũ khí sang nước thứ ba có thể sẽ là mục đích “cốt lõi” của Thụy Sĩ.

Dư luận phản đối

Không như giới lãnh đạo châu Âu, dư luận của những quốc gia mà Tổng thống Ukraine đến thăm lại gần như không hề muốn ủng hộ những dự án quân sự của Kiev. Theo kết quả thăm dò ý kiến của Ipsos, khoảng 45% số người được hỏi ở Italy phản đối ý tưởng gửi vũ khí cho Ukraine, chỉ có 34% là ủng hộ. Còn tại Đức, 67% số người được hỏi muốn có đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột. Riêng ở Pháp, vấn đề cải cách tuổi nghỉ hưu đang đè nặng người dân nên đa phần bày tỏ không quan tâm vấn đề khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen tổ chức ngày 15 và 16/5, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg một lần nữa nhắc lại quan điểm của hầu hết các nước phương Tây như sau: “Tôi hiểu rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Tổng thống Zelensky sẽ nêu câu hỏi về tư cách thành viên của Ukraine và những đảm bảo an ninh cho Ukraine. Đây sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, hiện tại, mục tiêu chính của NATO phải là đảm bảo rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng, bởi vì đó là cách duy nhất để có một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa về tư cách thành viên tương lai của Ukraine”.

Cổng thông tin Observateur Continental (Pháp) nhận định: “NATO đang gặp bế tắc. Hiện tại, họ không thể cấp quyền gia nhập cho Ukraine vì các nước NATO chưa sẵn sàng tuyên chiến với Nga, nhưng họ cũng chưa sẵn sàng thừa nhận một cách công khai với Ukraine rằng, họ sẽ không làm như vậy”. Do đó, các nước NATO quyết định sẽ không mời Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào tháng 7 tại Vilnius. Nói tóm lại, không có lý do gì phải đáp ứng yêu cầu của ông Volodymyr Zelensky. Ông Jens Stoltenberg nói rằng: “Sẽ hợp lý hơn nếu ta thảo luận về thời điểm và cách thức Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO” một khi “Ukraine giành chiến thắng với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền”.

G7 và đòn trừng phạt tiếp theo với Nga

Việc Tổng thống Zelensky đến thăm Tây Âu rõ ràng có liên quan đến cuộc họp sắp tới giữa các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima từ ngày 19 đến 21/5. Một trong những chủ đề chính sẽ được thảo luận ở đó là những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, thông qua gói trừng phạt thứ 11. Nó được lên kế hoạch không chỉ để thắt chặt mức độ trừng phạt, mà còn để áp dụng lối tiếp cận mới dựa trên nguyên tắc “không còn vùng cấm trong các lệnh trừng phạt”. Reuters cho biết, dựa trên những nguồn tin nắm rõ nội dung thảo luận về chủ đề này, Tổng thống Ukraine đề xuất đưa ra lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu một số hàng hóa. Ông cũng muốn thảo luận riêng lẻ những trường hợp ngoại lệ. “Lệnh cấm cũng sẽ bao hàm ngành năng lượng. Có lẽ lần đầu tiên, những biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng lên hoạt động cung cấp khí đốt qua đường ống”, báo Financial Times khẳng định, sau khi xét đến dự thảo tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G7. Theo đó, tài liệu này đề xuất đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga thông qua đường ống dẫn khí đốt và dầu đi qua những tuyến đường vẫn còn đang hoạt động bình thường. Theo thuật ngữ phương Tây, đây là phương pháp sử dụng các nguồn năng lượng làm công cụ gây áp lực lên Điện Kremlin.

Tất nhiên, dự thảo này vẫn đang còn ở dạng nháp. Có thể chi tiết sẽ được sửa đổi. Nếu không, tầm quan trọng kinh tế của Ukraine đối với Nga sẽ tăng lên. Vì xét cho cùng, nhánh phía Nam của đường ống Druzhba đi qua Ukraine. Các lệnh trừng phạt trước đó của EU cũng đã thiết lập ngoại lệ cho Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc, vì những nước này vẫn cần nguồn năng lượng từ Nga. Tất cả những người tiền nhiệm của ông Volodymyr Zelensky, bắt đầu là ông Leonid Kuchma, đã cố gắng trong dĩ vãng để đảm bảo rằng tuyến đường ống dẫn khí đi từ Viễn Đông sang Ukraine để vào phương Tây sẽ không bị Nga làm khó dễ. Và, nhà lãnh đạo hiện nay của Ukraine đã gần như đạt được mục tiêu này. Nhưng, nghịch lý thay, điều này lại diễn ra vào đúng thời điểm một cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra giữa hai nước.

NATO đang lao vào cuộc đối đầu với Nga? -0
Xe tăng Leopard 1A5 sẽ được cung cấp cho Ukraine.

Xa hơn một cuộc chiến

Trong khi một số nước đang chuẩn bị cho chiến dịch quân sự mạnh mẽ tại Ukraine thì một số khác cũng đang nghĩ tới thời hậu chiến Ukraine. Theo Pháp, xung đột sẽ kết thúc thông qua đàm phán và cần hết sức giúp đỡ để tạo thế mạnh cho Ukraine khi bước vào đàm phán, tất nhiên là với các điều kiện mà Kiev có thể chấp nhận. Paris cho rằng phải bằng mọi giá đẩy nhanh tiến trình thoát khỏi khủng hoảng, tức là tạo ra tương quan lực lượng thuận lợi cho Ukraine để buộc Nga chấp nhận thương lượng. Theo hướng này, cần có một thỏa thuận vững chắc hơn thỏa thuận Minsk với các bảo đảm vững chắc về an ninh cho Ukraine để tránh trường hợp tương tự tái diễn.

Về phần mình, bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/5 đã kêu gọi Ukraine và Nga nối lại đối thoại, ‘‘xây dựng quan hệ tin cậy, xác lập các điều kiện cho phép chấm dứt chiến tranh và đối thoại’’. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 16/5 cho biết Kiev và Moscow đã đồng ý đón tiếp một phái đoàn bao gồm nguyên thủ các nước Zambia, Senegal, Congo-Brazzaville, Uganda, Ai Cập và Nam Phi, nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine. Thông báo của Nam Phi được đưa ra vào lúc mối quan hệ giữa Washington và Pretoria đang căng thẳng sau những phát biểu của đại sứ Mỹ cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí cho Nga và chỉ huy lực lượng bộ binh quân đội Nam Phi đang công du Nga.

Liên quan đến tình hình nội bộ Ukraine, trong những tuần gần đây, nước này đã tiến hành các cuộc điều tra nhắm vào các chính trị gia, công chức và giới tài phiệt có liên quan tham nhũng. Đây là một trong những cuộc chiến chống tham nhũng lớn nhất của Ukraine. Không phải ngẫu nhiên mà điều này diễn ra vào thời điểm có nhiều hội nghị quốc tế đang bàn cách giúp đỡ Ukraine. Ông Zelensky cho biết Ukraine đang củng cố lòng tin của nhân dân, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để có được nhiều vũ khí hơn.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.