NATO triển khai phương án B
NATO lo ngại về tương lai hỗ trợ cho Ukraine và đang chuẩn bị kế hoạch B. “NATO sẽ cử một quan chức dân sự cấp cao tới Kiev, trong số một loạt biện pháp mới nhằm tăng cường sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tuần tới, các quan chức Mỹ và Liên minh Đại Tây Dương thông báo”, tờ Wall Street Journal cho biết.
Về phần mình, Newsweek đưa tin NATO đang chuẩn bị Kế hoạch B “chống Trump” cho Ukraine.
Đầu tuần này, Tạp chí Street Journal đưa tin trích dẫn các quan chức và đồng minh giấu tên của Mỹ, rằng hội nghị thượng đỉnh NATO trong tháng này tại Washington DC sẽ chứng kiến một số biện pháp mới được công bố nhằm củng cố khối phương Tây trong bối cảnh bất ổn chính trị ở châu Âu và Mỹ. Trong số các biện pháp được công bố có việc bố trí một quan chức dân sự cấp cao mới ở Kiev và thành lập bộ chỉ huy quân sự mới ở thành phố Wiesbaden, phía Tây nước Đức để điều phối viện trợ quân sự và huấn luyện lực lượng Ukraine.
Cơ cấu này dự kiến sẽ điều phối hỗ trợ quân sự của NATO và các hoạt động đào tạo cho quân nhân Ukraine, với người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, tướng Christopher Cavoli đứng đầu. Newsweek đưa tin: “Bộ chỉ huy mới sẽ hỗ trợ và huấn luyện an ninh cho Ukraine, bao gồm khoảng 700 quân nhân Mỹ và đồng minh từ tất cả 32 quốc gia thành viên”. Tổ chức này sẽ đảm nhận phần lớn công việc trang bị cho Ukraine cho đến nay vẫn do Lầu Năm Góc thống trị thông qua định dạng Ramstein - chính thức là Nhóm liên hệ quốc phòng Ukraine.
Kế hoạch B này được kích hoạt do có thể ông Donald Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Quả thực, ông Donald Trump đã không mấy nỗ lực để che giấu sự thất vọng của mình với các đồng minh NATO mà ông đã nhiều lần cáo buộc là được hưởng lợi từ sự hỗ trợ an ninh của Mỹ ở châu Âu.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên chỉ trích các lãnh đạo đồng minh vì không đáp ứng cam kết chi tiêu quốc phòng. Newsweek kể lại rằng, trong hội nghị thượng đỉnh đầy sóng gió của Liên minh Đại Tây Dương ở London năm 2018, ông Donald Trump thậm chí còn đe dọa rút Mỹ khỏi NATO nếu các đồng minh không thể hiện cam kết lớn hơn trong việc "chia sẻ gánh nặng".
Ngày 2/7, theo một bài báo của Politico trích dẫn nguồn tin ẩn danh, ông Donald Trump được cho là đang cân nhắc một thỏa thuận với Nga về việc không mở rộng NATO sang Ukraine và Georgia nếu ông tái đắc cử tổng thống. "Là một phần của kế hoạch dành cho Ukraine chưa từng được đưa tin trước đây, ứng cử viên Donald Trump đang cân nhắc một thỏa thuận, theo đó NATO cam kết không mở rộng thêm về phía Đông - cụ thể là sang Ukraine, Georgia - và đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về phạm vi lãnh thổ Ukraine mà Moscow có thể giữ lại", bài viết trích dẫn hai chuyên gia an ninh quốc gia liên kết với ông Trump.
Một nguồn tin ẩn danh được cho là hiểu rõ suy nghĩ của ông Trump cho biết, ông "sẵn sàng chấp nhận điều gì đó ngăn cản sự mở rộng của NATO và không quay lại biên giới năm 1991 đối với Ukraine", nhưng không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào khác, "bao gồm cả việc cung cấp một lượng lớn vũ khí" cho Kiev. Trong khi ông Trump "không có khả năng" rời khỏi NATO ngay lập tức, ông có thể sẽ cải tổ khối do Mỹ lãnh đạo để buộc các thành viên châu Âu phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn - điều mà các nguồn tin của Politico lo ngại rằng họ thực sự không có khả năng.
Ngày 3/7, Reuters đưa tin các quốc gia thành viên NATO đã bác bỏ đề xuất của Tổng Thư ký Jens Stoltenberg về việc chi 40 tỷ euro hằng năm để viện trợ Ukraine. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên đã đồng ý dành số tiền này cho nhu cầu của Kiev vào năm 2025. Mỹ thông báo khoản viện trợ quân sự mới trị giá 2,3 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có tài trợ mua thiết bị phòng không và vũ khí chống tăng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, hôm 2/7 thông báo như trên với đồng nhiệm Ukraine Roustem Oumerov khi đón tiếp ông tại Lầu Năm Góc.
Kể từ cuối tháng 5, Tổng Thư ký sắp mãn nhiệm đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia thành viên đưa ra cam kết tài trợ dài hạn tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Washington DC từ ngày 9 đến 11/7. Trong một cuộc họp báo, Tổng Thư ký Stoltenberg tuyên bố rằng "các đồng minh đã cung cấp khoảng 40 tỷ euro hỗ trợ quân sự cho Ukraine mỗi năm" kể từ năm 2022. Người đứng đầu NATO cho biết muốn "duy trì mức hỗ trợ này miễn là cần thiết", đảm bảo "nguồn tài trợ mới mỗi năm".
Hãng thông tấn Deutsche Presse-Agentur của Đức, trích dẫn nguồn tin giấu tên từ một số phái đoàn có mặt tại cuộc tham vấn của NATO, tuyên bố rằng đề xuất của Tổng Thư ký Stoltenberg đã thất bại do sự phản đối của các quốc gia thành viên. Reuters cũng đưa tin rằng, yêu cầu ban đầu của ông Stoltenberg đã bị từ chối, các quốc gia thành viên chỉ nêu rõ ý định đánh giá lại các đóng góp của đồng minh tại các Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tương lai. Họ cũng cam kết sẽ chuẩn bị 2 báo cáo trong năm tới để xác định rõ ràng phạm vi trách nhiệm của mỗi quốc gia về mặt viện trợ cho Ukraine. Cơ chế này được cho là sẽ dựa trên GDP của các quốc gia thành viên, với các quốc gia giàu có hơn dự kiến sẽ chi trả phần lớn hóa đơn.
Khi được các phóng viên hỏi về việc liệu cuộc đối thoại giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin về phạm vi lãnh thổ Ukraine mà Moscow có thể giữ lại có diễn ra hay không, Người phát ngôn điện Kremlin Peskov trả lời rằng "điều này không đúng". Vào tháng 5, ông Peskov cho biết ông Putin và ông Trump không duy trì bất kỳ liên lạc nào. Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã nhiều lần nói rằng ông sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu đắc cử, mặc dù các chi tiết của kế hoạch này vẫn chưa rõ ràng.
Reuters đưa tin rằng các cố vấn của ông Trump đã vạch ra lộ trình cho hòa bình ở Ukraine, trong đó bao gồm lệnh ngừng bắn ban đầu dựa trên các ranh giới chiến đấu trong các cuộc đàm phán hòa bình, trong khi Kiev sẽ không phải chính thức nhượng lại bất kỳ vùng lãnh thổ tranh chấp nào cho Moscow. Theo một phần của kế hoạch, Nga cũng được cho là sẽ nhận được lời hứa rằng các cuộc đàm phán gia nhập NATO của Ukraine sẽ bị hoãn lại.
Bình luận về điều này, ông Peskov không bác bỏ lộ trình trên ngay lập tức, nhưng lưu ý rằng "giá trị của bất kỳ kế hoạch nào nằm ở những sắc thái và việc tính đến tình hình thực tế trên thực địa".