NATO trước nguy cơ không kết nạp được Thụy Điển
Các quan chức NATO đang chạy đua với thời gian để tránh trường hợp xấu nhất khi khối này không đạt được mục tiêu đề ra là kết nạp Thụy Điển vào khối trước ngày 11/7.
Cả Thụy Điển và Phần Lan đều tuyên bố ý định gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái, chỉ vài tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Phần Lan đã được kết nạp vào tháng 4/2023, nhưng việc gia nhập của Thụy Điển hiện đang bị ách lại.
Các lực lượng vũ trang của Thụy Điển được cho là tương thích với NATO. Thụy Điển có một phái đoàn thường trực tại NATO và được coi là một đối tác thân cận của khối, có nghĩa là việc gia nhập sẽ tương đối đơn giản. Vậy tại sao Thụy Điển không thể gia nhập NATO?
Vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO có tầm quan trọng chiến lược do vị trí địa lý ở cả Trung Đông và châu Âu - đang ngăn cản việc gia nhập của Thụy Điển vì một số lý do.
Quan trọng nhất, Ankara tuyên bố rằng Thụy Điển cho phép các thành viên của các nhóm khủng bố người Kurd, đáng chú ý nhất là đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoạt động ở Thụy Điển. Thụy Điển đã thay đổi luật chống khủng bố vào đầu năm nay, coi việc tham gia vào các nhóm này là phạm tội, mặc dù vẫn chưa rõ liệu điều này có đủ đối với Ankara hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố rằng chính phủ Thụy Điển đã đồng lõa trong các cuộc biểu tình cực hữu, đốt Kinh Qur'an bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn Thụy Điển hành động sau khi các nhà lập pháp Thụy Điển cho chiếu cờ của PKK lên tòa nhà quốc hội ở Stockholm để phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái ứng cử. Người phát ngôn của quốc hội Thụy Điển thừa nhận có người chiếu hình ảnh lên mặt bên của tòa nhà nhưng không có bằng chứng cụ thể về việc chiếu cái gì và ai chịu trách nhiệm.
Các quan chức NATO và những người trong chính phủ Thụy Điển hiện đang lo ngại rằng việc bỏ lỡ thời hạn 11/7, ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Vilnius của Litva, sẽ gửi một thông điệp “xấu” tới các đối thủ của khối.
Một nhà ngoại giao NATO phân tích: “Việc bỏ lỡ thời hạn 11/7 sẽ gửi đi thông điệp rằng có một liên kết yếu trong liên minh phương Tây”. Một nhà ngoại giao Đông Âu cho rằng ngoài việc “gửi thông điệp xấu” về NATO, bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có nguy cơ “tạo cảm giác về quyền lực của ông Erdogan đối với khối”; rằng “ông Erdogan sẽ tận dụng thời điểm này để bắt ép Thụy Điển trong việc thực thi luật chống khủng bố”.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia NATO đều lạc quan rằng một thỏa thuận có thể đạt được trước tháng 7, nhưng có thể sẽ đi kèm với một cái giá không hề thấp. Nhiều quan chức chỉ ra cách mà ông Erdogan đã đạt được một thỏa thuận với EU, theo đó EU sẽ trao cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro (6,4 tỷ USD) cùng các đặc quyền khác để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận những người tị nạn Syria để họ khỏi phải đến châu Âu.
Vậy, các đồng minh NATO có thể cho ông Erdogan điều gì để có thể khiến ông thay đổi quyết định về Thụy Điển?
Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Trong khi các quan chức Mỹ miễn cưỡng công khai ràng buộc vấn đề Thụy Điển và F-16, các quan chức nói rằng cần phải đạt được một thỏa thuận đằng sau hậu trường.
Các nhà ngoại giao cũng nhận thức rõ rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn nghiêm trọng, với lạm phát tăng vọt và sự sụt giảm giá trị của đồng tiền nước này so với đồng USD, đồng thời cả Mỹ và EU hiện đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Mặc dù có khả năng đạt được một thỏa thuận, có một số vấn đề có thể khiến ngày 11/7 đến và đi mà NATO không thể đạt được điều mình muốn.
Đầu tiên là sự khó đoán của ông Erdogan. Cuộc bầu cử vòng 2 hôm 28/5 đã cho thấy nguy cơ mất quyền lực cao nhất trong 20 năm cầm quyền của ông, điều mà các đồng minh lo ngại có nghĩa là ông có thể “tăng độ khó” gấp đôi đối với Thụy Điển. Thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước duy nhất trong khối chống việc kết nạp Thụy Điển, mà cả Hungary cũng phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Hai vấn đề này ở một mức độ nào đó có liên hệ với nhau: Nếu ông Erdogan chấp nhận luật chống khủng bố của Thụy Điển và chỉ để một mình Hungary ngăn chặn, thì có nguy cơ khiến ông trông yếu thế.
Về phần mình, các đồng minh thân Thụy Điển, bao gồm cả Mỹ và Anh, hai thành viên NATO có ảnh hưởng nhất, đang tăng cường các nỗ lực thúc đẩy kết nạp Thụy Điển vào ngày 11/7 và đưa ra những đảm bảo riêng với Thụy Điển rằng đó là ưu tiên của họ, bất kể Thổ Nhĩ Kỳ làm gì.
Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là tin tốt lành cho NATO kể từ khi Nga khởi sự cuộc chiến tại Ukraine. Các quan chức đã ngạc nhiên về mức độ “đoàn kết” trong khối kể từ khi chiến tranh bắt đầu và rất vui mừng trước những cam kết mới về chi tiêu quốc phòng và củng cố liên minh.
Nga phát động chiến tranh ở Ukraine một phần là do sự mở rộng của NATO, và tham vọng này không có dấu hiệu dừng lại, với việc Ukraine hiện cũng muốn gia nhập liên minh. Ngay cả người Nhật cũng đang hướng tới NATO, với việc Bộ trưởng Ngoại giao của nước này tuyên bố hồi tháng 5 rằng Tokyo đang đàm phán để mở văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO ở châu Á.
Đối với tất cả các cuộc thảo luận về việc NATO phải đối mặt với điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là “chết não” cách đây không lâu, không thể phủ nhận rằng liên minh này đang có nhận thức mới về mục đích và tự tin về tương lai của mình. Đó chính xác là lý do tại sao các quan chức NATO rất lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ phủ quyết việc Thụy Điển gia nhập NATO.