Ngã ba đường cho nước Đức

Thứ Tư, 16/08/2023, 10:35

Trong những số liệu mới được Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 11/8, có không ít những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, đối với các chuyên gia quốc tế, dường như đó cũng chỉ là thứ ánh sáng lập lòe của hiện tượng, chứ không phản ánh đúng bản chất thực tế. Và do đó, khi “trái tim của cựu lục địa” tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại, cả cơ thể - Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ có những lý do để lo âu.

Một bức tranh nhiều gam màu

Theo Destatis, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Đức đã tăng khoảng 3,3% lên 797,8 tỷ euro, trong khi giá trị hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế hàng đầu châu Âu này giảm 4,3% xuống 699,1 tỷ euro. Thặng dư thương mại của nền kinh tế Đức, trong nửa đầu năm đã trôi qua, tăng hơn gấp hai lần - lên 98,7 tỷ euro (108,6 tỷ USD).

Ngã ba đường cho nước Đức -0
Sự trì trệ của nền kinh tế Đức cũng chính là mối lo âu dành cho toàn EU cũng như Eurozone.

Nhóm sản phẩm bán chạy nhất của các doanh nghiệp Đức ở những thị trường nước ngoài là phương tiện đi lại, cũng như phụ tùng ngành công nghiệp xe hơi. Như Hiệp hội Công nghiệp ôtô Đức (VDA) cho biết: Các nhà sản xuất xe hơi Đức đã tăng xuất khẩu nửa đầu năm thêm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 1,7 triệu chiếc. Tuy vẫn chưa thể đạt được mức tương đương với sản lượng trước đại dịch toàn cầu COVID-19, thì rõ ràng, đây vẫn là một sự tăng trưởng cực kỳ khả quan.

Trước đó, ngày 8/8, Destatis cũng công bố số liệu cho thấy: Lạm phát ở Đức trong tháng 7/2023 là 6,2%. Vấn đề là, dù giá tiêu dùng ở Đức đã giảm, nhưng trên thực tế vẫn cao hơn so với mức trung bình của toàn bộ Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone). Destatis nhận định: Nếu không bao gồm giá lương thực và năng lượng trong số liệu thống kê, lạm phát trong tháng 7/2023 của Đức sẽ ở mức 5,5%. Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm nói chung vẫn cao hơn tới 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là bánh mỳ, các sản phẩm ngũ cốc và rau củ (tăng 16%). Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cũng tăng 5,7%, trong đó chi phí cho điện đắt hơn 17,6%.

Ngã ba đường cho nước Đức -0
Mệnh đề đầy bi quan của hãng Bloomberg.

Không chỉ vậy, thực ra, theo Destatis, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Đức trong quý 2/2023 không tăng mà chững lại, khi mức tăng trưởng là 0% so với quý 1.

Một mặt, số liệu này cho thấy nền kinh tế Đức đã thoát khỏi suy thoái, sau khi hai quý liên tiếp trước đó tăng trưởng đều ở mức âm (âm 0,4% trong quý 4/2022 và âm 0,1% trong quý 1/2023). Nhưng mặt khác, nền kinh tế Đức cũng chưa thể hiện được tốc độ hồi phục kỳ vọng, nếu không muốn nói là đang “giậm chân tại chỗ” với những biểu hiện trì trệ.

Các chỉ số kinh tế quan trọng đều có xu hướng đi xuống, thí dụ như Chỉ số môi trường kinh doanh (Ifo) đã giảm từ mức 88,6 điểm trong tháng 6/2023 xuống mức 87,3 điểm trong tháng 7/2023. Đây là lần giảm thứ ba liên tiếp của chỉ số quan trọng này. Và rõ ràng, đó là một tín hiệu u ám.

“Âu lục bệnh phu”

Cũng tương đối cường điệu và mỉa mai, nhưng có lẽ không phải ngẫu nhiên, không ít tờ báo hàng đầu sử dụng khái niệm cổ điển “Người bệnh của châu Âu” (vốn từng được sử dụng để châm biếm đế quốc Ottoman thời suy vong, và sau đó là biến thể “Đông Á bệnh phu” để “hạ nhục” Trung Quốc thời cuối nhà Thanh, bị Bát quốc liên quân chế ngự) nhằm đặt ra những nghi vấn đối với tương lai gần của nền kinh tế Đức.

Ngã ba đường cho nước Đức -0
Công nghiệp ôtô vẫn là ngành xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế Đức.

Trong khi Bloomberg giật tiêu đề “Tình trạng bất ổn kinh tế của nước Đức gợi đến kỷ nguyên Người bệnh của châu Âu” (Germanys Economic Malaise evokes “Sick man of Europe”, ngày 29/7/2023), trong đó thẳng thừng dự báo: “Nền kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang gặp khó khăn trong việc phát triển, và tình trạng yếu kém sẽ kéo dài”; thì tờ DW lo âu: “Đức: Sự trở lại của người bệnh Âu lục?” (Germany: The return of the sick man of Europe?, ngày 1/8/2023). Trong khi đó, trang Recruitonomics đặt vấn đề rõ ràng hơn: “Liệu Đức sẽ lại trở thành người bệnh của châu Âu? (“Is Germany the Sick man of Europe again?”, ngày 3/8/2023.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tâm lý bi quan này là cảm giác chung của giới chuyên gia, xuất phát từ thực trạng kết cấu kinh tế - xã hội Đức, mà đến tận gần đây, những điểm sáng trong các số liệu do Destatis công bố cũng chưa thể làm vợi bớt.

Tác giả bài viết trên Recruitonomics, Tiến sĩ Julius Probst, nhận xét: “GDP của nước Đức hầu như chưa hề phục hồi được những gì đã mất trong thời điểm COVID-19 hoành hành. Sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp, tình trạng thiếu hụt nhân công ở Đức, cú sốc giá năng lượng, sự khựng lại của thị trường Trung Quốc (vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong nửa đầu năm 2023, với tổng kim ngạch thương mại 128,8 tỷ euro), cũng như việc thiếu chi tiêu tài khóa là những thủ phạm chính”.

Ngã ba đường cho nước Đức -0
Xây dựng cũng là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề do lãi suất tăng cao.

Ông diễn giải kỹ hơn cả quá trình suy thoái đã bắt đầu từ lâu, theo đó: Lĩnh vực sản xuất ôtô - một trong những “xương sống” của nền kinh tế Đức - đang gặp khó khăn. Tổng sản lượng xe hơi xuất khẩu đã giảm từ mức cao nhất là 6 triệu chiếc vào năm 2012 xuống dưới 4 triệu chiếc vào năm ngoái. Mà theo ước tính, khoảng 3 triệu việc làm có liên quan đến ngành công nghiệp ôtô trong nước.Các đơn đặt hàng sản xuất trên thực tế đã bị đình trệ kể từ khoảng năm 2016.

Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Probst, một lý do khác giải thích tại sao lĩnh vực công nghiệp của Đức rất cạnh tranh trước kỷ nguyên COVID-19 là chuyện nước này phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng giá rẻ đến từ Nga. Trên thực tế, chiến lược năng lượng của chính phủ Đức tiền nhiệm (dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel) rõ ràng đã thúc đẩy mối quan hệ đó, giúp Đức tiếp cận nguồn khí đốt giá rẻ của Nga.

Song, hiện tại, mọi chuyện đã thay đổi (bởi các lệnh trừng phạt của những đồng minh phương Tây - các cường quốc từng cảnh báo rằng sự phụ thuộc ấy sẽ là một sai lầm). Giá nhập khẩu năng lượng ở Đức đã tăng xấp xỉ 50% trong vòng hai năm, đè nặng xuống các cơ cấu kinh tế - xã hội. Bởi vậy, chi phí sản xuất ở Đức đã tăng hơn 60% trong vòng một năm rưỡi, và hơn 40% so với trước COVID.

Ở một khía cạnh khác, mô hình dẫn đầu về xuất khẩu của kinh tế Đức “đang phải hứng chịu những cơn gió ngược toàn cầu”, khi xu hướng đa phương hóa - toàn cầu hóa ngày càng trở nên tất yếu.

Không chỉ vậy, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao khi dân số đang già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bắt đầu thu hẹp lại cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Đức.

Cuối cùng, Julius Probst khẳng định: “Quyết định cắt giảm chi tiêu của chính phủ, trong khi phần còn lại của nền kinh tế không theo kịp, là một ý tưởng tồi”. Nói cách khác, nền kinh tế Đức thiếu những công cụ tài chính, nhằm kích thích và “trợ lực”. Đồng tình với ông, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Kiel (IFW) Moritz Schularick cũng khẳng định lãi suất tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng yếu của nền kinh tế Đức.

Con đường mờ mịt

"Những đám mây trên bầu trời kinh tế đang xám lại dần" - Moritz Schularick nhận định. DW và Reuters dẫn lời nhà kinh tế trưởng Jorg Kramer của Commerzbank: "Thật không may, không có sự cải thiện nào trước mắt". Còn chuyên gia Timo Wollmershauser của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo dự đoán: Kinh tế Đức có thể rơi trở lại về tình trạng suy thoái vào nửa cuối năm 2023.

Ngã ba đường cho nước Đức -0
Thị trường lao động chất lượng cao suy giảm cũng là một điều đáng chú ý.

Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Đức sẽ suy giảm 0,3% trong năm nay, sau đó tăng trưởng nhẹ ở mức 1,3% trong năm tới. Còn Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo mức suy giảm tương tự trong năm nay (suy giảm 0,3%).

Lần lượt, điểm qua từng nguyên nhân khách quan, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo nước Đức không (hoặc chưa) có cách nào tác động vào cuộc xung đột Nga - Ukraine, vào giá năng lượng cũng như giá lương thực toàn cầu, vào đà tăng trưởng của các đối tác hàng đầu như Mỹ hay Trung Quốc…

Song, DW vẫn kết luận: Sự “đình trệ” và thiếu hụt động lực kinh tế ở Đức, quan trọng nhất, có nguyên nhân là các vấn đề về cấu trúc, tiêu biểu là nỗ lực kiềm chế lạm phát thông qua chính sách liên tục tăng lãi suất (dẫn đến sự kìm hãm mọi ngành sản xuất). “Tất cả những người láng giềng của chúng ta (tiêu biểu như Anh hay Pháp) đều có những chính sách thượng tầng hiệu quả hơn”- Moritz Schularick chua chát.

Và ông nhấn mạnh: "Nếu Đức không muốn một lần nữa trở thành 'Kẻ ốm yếu của châu Âu', thì giờ đây họ phải can đảm xoay chuyển tình thế, nghĩa là chú trọng vào các lĩnh vực tăng trưởng của ngày mai, thay vì sợ hãi chi hàng tỷ USD để bảo vệ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của ngày hôm qua".

Song, nói là một chuyện, còn từ nói đến làm lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Và với vai trò là một trong hai cường quốc lãnh đạo EU (bên cạnh nước Pháp), đồng thời là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mỗi lần “trở mình” của nền kinh tế Đức cũng có thể tạo nên những hệ lụy khó có thể tiên liệu.

Vấn đề là, nếu cứ tiếp tục duy trì cơ chế hiện tại, sự “ốm yếu” của nước Đức cũng vẫn sẽ khiến cả EU bị ảnh hưởng. Một ngã ba đường đã thấp thoáng, đòi hỏi những lựa chọn quyết liệt.

Ngay trước thềm thiên niên kỷ mới, tạp chí kinh tế lừng danh The Economist đã lần đầu xem Đức là “người bệnh Âu lục”. Đánh giá ấy, cuối cùng, trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh cho nền chính trị Đức, vốn lúc đó vẫn say sưa với những năm kinh tế phát triển mạnh mẽ sau khi thống nhất, đã và đang trì hoãn cải cách. Sau đó, chính phủ của Thủ tướng Gerhard Schroder đã mạnh dạn cải cách thị trường lao động. Để rồi, đến năm 2014, một nhóm các nhà kinh tế từ Berlin và London viết: “Từ một gã ốm yếu của châu Âu, nước Đức lại trở thành một siêu sao kinh tế"…

Sao Linh
.
.