Nga đưa tên lửa siêu thanh tới Syria

Thứ Ba, 22/02/2022, 08:05

Ngày 15-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến Syria để giám sát cuộc tập trận đánh dấu đợt triển khai lớn nhất của hải quân Nga tới Địa Trung Hải kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Điểm đáng chú ý trong cuộc tập trận này là Nga đã gửi vũ khí mới tới Syria.

Giới quan sát quốc tế có nhiều đánh giá khác nhau về động thái này của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận ở phía Đông Địa Trung Hải có sự tham gia của 15 tàu chiến, khoảng 30 máy bay và thuộc loạt cuộc tập trận hải quân bắt đầu từ tháng trước. Cuộc tập trận nhằm huấn luyện tác chiến để “bảo vệ lợi ích quốc gia” và “chống lại các mối đe dọa quân sự chống lại Liên bang Nga”. Máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang hạt nhân Tu-22M3 và máy bay chiến đấu MiG-31 mang tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal mới nhất đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở tỉnh ven biển Latakia của Syria.

Thông tin từ quân đội Nga cho biết, tên lửa Kinzhal có tầm bắn lên tới 2.000 km và di chuyển với tốc độ gấp 10 lần âm thanh nên rất khó bị đánh chặn. Theo AFP, việc triển khai tên lửa Kinzhal tới Syria dường như nhằm phô diễn năng lực của quân đội Nga trong việc ngăn chặn các tàu sân bay ở Địa Trung Hải.

Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 16-2 dẫn bình luận của chuyên gia người Liban về chiến lược quân sự, tướng Charles Abi Nader cho rằng chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tới Damascus có liên quan đến những căng thẳng trong quan hệ giữa phương Tây và Moscow xung quanh vấn đề Ukraine, điều này gây bất ngờ cho Mỹ và NATO.

Nga đưa tên lửa siêu thanh tới Syria -0
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (bên phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Ông Nader nêu rõ: “Trong điều kiện Mỹ và các nước phương Tây đang cố tình làm leo thang tình hình quốc tế, khai thác những diễn biến xung quanh Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đến thăm Damascus để gửi thông điệp cảnh báo rằng Nga sẽ sử dụng các cơ sở chiến lược của mình ở Syria trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự với NATO”.

Chuyên gia quân sự người Liban lưu ý rằng, việc Nga triển khai các máy bay tầm xa và tên lửa Kinzhal tới sân bay Hmeymim (SAR) để tham gia các cuộc diễn tập hải quân cho thấy Nga đã nhận thức sâu sắc về căng thẳng quân sự và chính trị đang nổi lên. Theo TASS, chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới Damascus để gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Shoigu đã thảo luận với nhà lãnh đạo Syria về các vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật cũng như cuộc chiến chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo.

Kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào năm 2015, Chính phủ Syria đã thu hồi được phần lớn lãnh thổ từ quân khủng bố. Sự can thiệp này của Moscow trên hết đáp ứng tình hình địa chính trị. Riadh Sidaoui, nhà nghiên cứu người Tunisia kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính trị - xã hội Arab (CARAPS), có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết: “Syria là đồng minh lịch sử của Nga ở Trung Đông”. Kể từ thời ông Hafez el-Assad (Tổng thống Syria từ 1971 đến 2000), hai nước đã duy trì quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ. Vào năm 1971, theo một thỏa thuận với Damascus, Liên Xô đã thiết lập hạm đội của mình ở Tartus.

Theo nhà nghiên cứu Sidaoui, việc Nga gửi  máy bay chiến đấu MiG-31K mang tên lửa hành trình siêu thanh Kinjal mới nhất tới tham gia cuộc tập trận quân sự ngoài khơi bờ biển Syria này là một thông điệp chính trị. Đó là Syria luôn có thể tin tưởng vào Nga. Cần nhắc lại rằng trên phương diện luật quốc tế, sự hiện diện của Nga tại Syria là hợp pháp, trái với sự chiếm đóng bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng theo đuổi các mục tiêu khác nhau ở Syria. Ankara hiện đang tập trung vào vấn đề người Kurd ở phía Bắc Syria, trong khi người Mỹ tiếp tục chơi trò gây rối. Sau khi công bố vào ngày 3-2 vừa qua rằng hoạt động tại Syria là nhằm tiêu diệt lãnh đạo IS ở tỉnh Idlib, Washington dường như lại đang tiếp tục ủng hộ những phần tử khủng bố ở Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov gần đây cho biết Nga có thông tin về kế hoạch của các cơ quan tình báo Mỹ, tìm cách điều động các phần tử khủng bố đang “ngủ yên” ở Syria.

Trên thực tế, Moscow không tiếc lời thách thức những hành động của Mỹ trong cái được cho là cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này. Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp quốc cũng đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về sự mơ hồ trong chính sách của Mỹ đối với một số nhóm thánh chiến, đặc biệt là Hayat Tahrir el-Sham ở Idlib.

Ông Riadh Sidaoui nói: “Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Qatar và Arab Saudi từ lâu đã cạnh tranh trong việc tài trợ cho các nhóm thánh chiến khác nhau. Washington đang sử dụng mối đe dọa khủng bố để gây áp lực lên Moscow và Damascus”.Ngoài ra, các cuộc không kích gần đây của người Mỹ ở Idlib đã chứng minh rằng họ có cùng tham vọng với Hayat Tahrir el-Sham trong khu vực. Thật vậy, trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, Lầu Năm Góc chỉ nhắm mục tiêu vào một số nhóm khủng bố nhất định, như Hurras el-Din, là đối thủ của Hayat Tahrir el-Sham. Sự đồng lõa này thậm chí còn đi xa hơn. Theo hãng truyền thông Arab Saudi Asharq al-Awsat, sau một thỏa thuận gần đây, tổ chức khủng bố ở Idlib sẽ nhận dầu từ các mỏ dầu của Syria do lực lượng Mỹ và người Kurd kiểm soát. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Watad, công ty dầu Idlib do Hayat Tahrir el-Sham kiểm soát, sẽ nhận khoảng 600 tấn sản phẩm tinh chế mỗi ngày.

Chính sách này của Mỹ cũng có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng. Nhà khoa học địa chính trị Sidaoui nhắc lại: “Ankara và Washington cùng là thành viên của NATO, vì vậy các mục tiêu của họ không thể xung đột. Cần phải nhớ rằng Idlib ít nhiều nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ”.Tại tỉnh này, tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng chứ không phải đồng bảng của Syria.Ngoài ra, không dưới 15.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng quân tại tỉnh này.

Mối quan hệ nguy hiểm này của Ankara với lực lượng thánh chiến đã bị phanh phui trong một báo cáo bị rò rỉ của Ủy ban Điều tra tội phạm tài chính Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài việc cấp quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ cho một số chiến binh IS, báo cáo còn chứng minh mức độ liên kết quân sự giữa Ankara và các chiến binh thánh chiến. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc cung cấp thiết bị cho những kẻ khủng bố trong vài năm để sản xuất máy bay không người lái và thiết bị nổ tự chế.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.