Nga - Triều siết chặt quan hệ

Thứ Hai, 18/09/2023, 14:29

Chuyến thăm Nga trong 3 ngày của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh phương Tây, quan tâm bởi đây là chuyến thăm thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia mà Mỹ đều đang đối đầu trên cả hai mặt trận.

Ông Kim Jong-un đã đáp chuyến tàu hỏa bọc thép màu xanh “thương hiệu” từ Bình Nhưỡng để đến vùng Viễn Đông Nga nằm ngay sát biên giới CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ Moscow bay đến Viễn Đông để đón ông Kim. Sau buổi yến tiệc tiếp đãi đêm 12/9, hai nhà lãnh đạo mới bắt đầu bước vào hội đàm. Đầu tiên là hội đàm tại sân bay vũ trụ Vostochny, sau đó bay đến thành phố Komsomolsk-on-Amur và Vladivostok tham quan các cơ sở công nghiệp quốc phòng và Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Nga - Triều siết chặt quan hệ -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga-Triều diễn ra trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây bao vây cấm vận do cuộc chiến tại Ukraine, còn CHDCND Triều Tiên thì vẫn đang bị Mỹ và Liên hợp quốc cấm vận do chương trình hạt nhân. Vì thế, Mỹ và đồng minh đặc biệt chú ý theo dõi cuộc gặp không có sự tham gia đưa tin của truyền thông phương Tây này. Tất cả đều phải thông qua các hãng thông tấn của Nga.

Cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 13/9 tại Vostochny tuy chỉ diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ nhưng được đánh giá là rất quan trọng. Ngay sau hội đàm, Tổng thống Putin đã đánh giá cuộc nói chuyện “rất có kết quả” và “hai bên đã trao đổi quan điểm chân thành”. Còn ông Kim thì cho biết hội đàm tạo nên mối quan hệ bền chặt hơn và cam kết sẽ “duy trì mối quan hệ này trong hơn trăm năm”.

Truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng chuyến đi của ông tới Nga là “biểu hiện rõ ràng” cho thấy Bình Nhưỡng “ưu tiên tầm quan trọng chiến lược” của quan hệ Moscow-Bình Nhưỡng. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 12/9 cũng cảnh báo rằng cuộc gặp này là “khá quan trọng” và “vượt xa một thỏa thuận vũ khí tiềm năng”.

Theo truyền thông Nga, trong cuộc gặp tại Vostochny, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng cùng quan tâm, như khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực và những vấn đề hợp tác về giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ,... Đặc biệt, trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã bày tỏ sự tán thành mạnh mẽ nhất đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Ông nói với Tổng thống Putin rằng “Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trừng phạt các thế lực tà ác”.

Một trong những nội dung quan trọng được chú ý nhiều nhất là trao đổi về hợp tác quân sự, quốc phòng giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước hiện vẫn chưa rõ nét và đang có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh cùng chung đối thủ trong cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây. Về vấn đề này, Tổng thống Nga Putin cho biết Moscow và Bình Nhưỡng đang xem xét và thảo luận một số khả năng hợp tác về quốc phòng, và Nga sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ CHDCND Triều Tiên một số vấn đề về quân sự nhưng “có giới hạn”.

Hôm 13/9, Mỹ đã bày tỏ cảnh báo về khả năng hợp tác quân sự mới giữa Nga và CHDCND Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết sự hợp tác được công bố trong chuyến thăm của ông Kim là “khá rắc rối và có khả năng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Ông cho biết Mỹ lo ngại rằng các vệ tinh của CHDCND Triều Tiên, vấn đề Tổng thống Putin hứa hợp tác, đã được sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Trong trong hợp tác quân sự Nga-Triều, phương Tây băn khoăn nhất việc liệu CHDCND Triều Tiên có cam kết “chuyển vũ khí” cho Nga hay không. Đây là vấn đề mà ngay trước chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un truyền thông cũng như chính quyền các nước phương Tây tung ra thông tin dạo đầu rằng nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ cam kết chuyển vũ khí cho Nga, bởi CHDCND Triều Tiên được cho là còn kho dự trữ tên lửa và đạn pháo khá lớn chưa sử dụng. Các loại đạn dược này lại được chế tạo theo công nghệ của Liên Xô trước đây nên hoàn toàn tương thích với các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga. Tuy nhiên, Moscow và Bình Nhưỡng đều bác bỏ mọi sự băn khoăn của phương Tây.

Nga - Triều siết chặt quan hệ -0
Tổng thống Putin hướng dẫn nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham quan sân bay vũ trụ Vostochny.

Trong khi đó, giới quan sát nhìn nhận việc Nga-Triều tăng cường hợp tác quân sự là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh đối đầu căng thẳng vẫn chưa dứt giữa Nga và phương Tây và cả trên Bán đảo Triều Tiên. Một mặt siết cấm vận vũ khí với CHDCND Triều Tiên, mặt khác Mỹ lại gia tăng hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí cho các đồng minh Đông Bắc Á, tạo nên áp lực quân sự cho Bình Nhưỡng.

Cũng ngay trong hôm 13/9, Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán 25 chiến đấu cơ F-35 trị giá 5 tỷ USD cho Hàn Quốc, loại máy bay chiến đấu hàng đầu có khả năng tàng hình. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc bán máy bay phản lực này “sẽ cải thiện khả năng của Hàn Quốc nhằm đáp ứng các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách cung cấp khả năng phòng thủ đáng tin cậy để ngăn chặn sự xâm lược trong khu vực và đảm bảo khả năng tương tác với các lực lượng Mỹ”. Việc mua bán diễn ra khi căng thẳng với CHDCND Triều Tiên gia tăng. Truyền thông liên tiếp đưa tin Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa mới nhất khi ông Kim đến thăm Nga.

Đồng thời, Mỹ cũng đã tăng cường hợp tác “tay ba” với Nhật Bản và Hàn Quốc, những đồng minh có quân đội Mỹ đồn trú. Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8 tại khu nghỉ dưỡng Trại David gần Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hứa sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với nhau về vấn đề Triều Tiên và các thách thức khác.

Bất chấp những băn khoăn của phương Tây, Nga-Triều đang tiếp tục những bước đi chắc chắn trong xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Tại cuộc hội đàm, ông Kim Jong-un đã mời Tổng thống Putin đến thăm Bình Nhưỡng vào một ngày nào đó. Đây có lẽ sẽ là chuyến thăm CHDCND Triều Tiên đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Nga trong nhiều năm qua, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.