Nga - Trung Quốc gia hạn hiệp ước chiến lược

Thứ Ba, 07/09/2021, 22:22

Cuối tháng 6-2021, Nga và Trung Quốc đã gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung - Nga, vốn được ký từ năm 2001. Việc gia hạn hiệp ước này đã thể hiện sự thống nhất về quan điểm của 2 nước, chỉ 2 tuần sau khi Hội nghị thượng đỉnh NATO ra tuyên bố bất lợi về phía Trung Quốc. Trong khuôn khổ hiệp ước, các mối liên hệ quân sự của Trung Quốc và Nga thời gian qua cũng gây những chú ý nhất định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi hiệp ước là "văn bản pháp lý quốc tế cơ bản, đóng vai trò ổn định trong các vấn đề toàn cầu", trong khi Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình gọi đó là "ví dụ sinh động về việc xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế và cộng đồng mới, với một tương lai chung cho nhân loại". Mặc dù hiệp ước này không ràng buộc 2 nước thành một liên minh nhưng nó phác thảo những quan ngại chung của cả 2 về trật tự toàn cầu hiện tại và vạch ra một khuôn khổ để hợp tác trong việc cải tổ trật tự đó. Năm 2001, hiệp ước này được ký trong hoàn cảnh NATO ném bom Nam Tư (cũ) và đánh thẳng vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade.

Quan hệ đối tác chiến lược

Vào năm 2019, Bắc Kinh và Moscow đã nâng cấp quan hệ lên cấp độ đối tác cao nhất trong hệ thống quan hệ ngoại giao của Trung Quốc - quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về phối hợp cho kỷ nguyên mới. Việc nâng cấp này đã cam kết việc hợp tác trong các vấn đề quốc tế quan trọng, từ quản trị toàn cầu đến các vấn đề quốc phòng và an ninh.

Nga - Trung Quốc gia hạn hiệp ước chiến lược -0
Binh sĩ Trung Quốc và Nga thực hiện nghi lễ giao hảo.

Nga và Trung Quốc cùng nhất trí rộng rãi về cách tiếp cận của họ đối với nhiều vấn đề lớn, từ không gian mạng đến quản trị toàn cầu, vấn đề nhân quyền và kinh tế. Nhưng, đứng đầu danh sách là sự phản đối chung đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do phương Tây dẫn dắt. Mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và phương Tây khiến những điểm chung này trở nên nổi bật. Chẳng hạn như việc các quan chức Nga và Trung Quốc bị trừng phạt theo chế độ trừng phạt nhân quyền toàn cầu mới của EU, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cả Bắc Kinh và Moscow.

Trên thực tế, Trung Quốc và Nga đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây. Họ đã thể hiện mối quan hệ quân sự chặt chẽ của mình bằng các cuộc tập trận chung, cũng như hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn chặn các biện pháp nhằm vào chính họ hoặc các nước đối tác. Mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia vẫn bền chặt. Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc, vì các hạn chế buôn bán vũ khí đang ngăn cản khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với các thị trường khác. Hợp tác cũng được mở rộng sang lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đầu năm 2021, Bắc Kinh và Moscow đã công bố các dự án xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt trăng chung và hợp tác về năng lượng hạt nhân. Trung Quốc và Nga cũng đã cam kết hợp tác về bảo mật dữ liệu và có những thông tin rằng họ có thể ngày càng phối hợp hành động chiến lược, thậm chí chia sẻ thông tin tình báo.

Và hiển nhiên, hợp tác quân sự Trung - Nga, sự liên kết trong các ý tưởng về quản trị toàn cầu và sự phối hợp ngày càng tăng giữa 2 bên trong các vấn đề khác liên quan đến châu Âu và NATO - từ chiến tranh hỗn hợp và thông tin giả đến các vấn đề kiểm soát vũ khí hoặc sự hiện diện của họ ở Bắc Cực - đã khiến phương Tây lo ngại.

Những giới hạn

Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải là một liên minh chính thức. Có những giới hạn rõ ràng cho những gì mà mỗi bên sẽ làm cho bên kia. Chẳng hạn như Trung Quốc đã từ chối ủng hộ công khai việc Nga sát nhập Crimea và cho đến nay Moscow vẫn giữ vững lập trường không can dự vào hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Có một sự thiếu ăn khớp về lợi ích. Trong khi nền kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phát triển và ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh đang gia tăng thì nền kinh tế Nga lại đang trì trệ và bị cản trở bởi sự kém hiệu quả sẽ dần làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của Moscow.

Tình trạng hỗn loạn tại Afghanistan có khả năng cung cấp một ví dụ ban đầu về việc liệu các tham vọng địa chính trị của Nga và Trung Quốc có làm suy yếu liên minh chống lại phương Tây của họ hay không. Bắc Kinh và Moscow cùng quan ngại về Afghanistan: Cả hai cùng đều tìm cách duy trì sự ổn định và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh tràn vào lãnh thổ của mình, cùng thống nhất trong việc chỉ trích sự can thiệp của Mỹ tại Afghanistan. Và cũng ngay lập tức có những dấu hiệu cho thấy cả hai cùng đang theo đuổi các chương trình nghị sự cạnh tranh: Cả Moscow và Bắc Kinh đều vội vã đưa ra các tuyên bố song phương với Taliban.

Tuy vậy, mặc dù vẫn còn những giới hạn chưa thể vượt qua nhưng hợp tác Trung - Nga đang đặt ra những thách thức rõ ràng đối với châu Âu và rộng hơn là đối với phương Tây. Bắc Kinh và Moscow đang giúp khuếch đại thông điệp của nhau và thúc đẩy các khái niệm tương tự về quản trị toàn cầu, đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Việc Nga bán vũ khí và công nghệ quân sự tiên tiến cho Trung Quốc đang giúp nước này lấp đầy một số lỗ hổng về trang thiết bị và tiến tới mục tiêu trở thành quân đội đẳng cấp thế giới.

Rõ ràng, phương Tây, đặc biệt là châu Âu, đang muốn tìm cách phân tách mối quan hệ này trên nền tảng quan hệ có tính lịch sử với Nga. Tuy nhiên, cho dù là vì lý do gì đi nữa thì một mối quan hệ chỉ có thể bị tan rã bởi một mối quan hệ khác hiệu quả hơn, có lợi hơn chứ không thể dùng sức ép nào khác. Và điều này có thể tốt cho phần còn lại của thế giới.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.