Nga-Trung Quốc tăng cường hợp tác tại Bắc Cực

Thứ Bảy, 25/05/2024, 16:19

Khu vực Bắc Cực đang ngày càng trở thành một “điểm nóng” mới cho cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc. Moscow và Bắc Kinh nhất trí về sự cần thiết phải bảo tồn Bắc Cực là "lãnh thổ hòa bình, căng thẳng chính trị-quân sự thấp và ổn định", như chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Trung Quốc đã nhấn mạnh.

Nga và Trung Quốc sẽ thành lập một ủy ban chung để phát triển Tuyến đường biển phía Bắc Bắc Cực (NSR), người đứng đầu tập đoàn hạt nhân Rosatom Alexei Likhachev tiết lộ trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Putin. Rosatom đứng đầu dự án về phía Nga, trong khi Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc sẽ giám sát phần công việc của mình. "Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra trong thời gian ngắn nhất một chương trình chung nhằm mở rộng khu vực quá cảnh của Trung Quốc dọc theo Tuyến đường Biển phía Bắc, cũng như một số dự án khác vì lợi ích sử dụng huyết mạch toàn cầu này, tất nhiên, có sự phát triển đầy tiềm năng", ông Likhachev lưu ý. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Trung Quốc, Moscow và Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố chung, bày tỏ sự quan tâm đến việc bảo tồn Bắc Cực như một lãnh thổ hòa bình, ít căng thẳng chính trị-quân sự và ổn định.

Nga-Trung Quốc tăng cường hợp tác tại Bắc Cực -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay sau khi ký tuyên bố chung trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin tới Bắc Kinh tháng 5/2024.

Trong những năm gần đây, Nga bày tỏ quan ngại về việc NATO gia tăng hoạt động quân sự ở Bắc Cực, cảnh báo nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn trong khu vực. Moscow cũng sẵn sàng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu hoạt động của tổ chức này không đáp ứng được lợi ích của Nga. Moscow chỉ trích các động thái của Mỹ nhằm mở rộng yêu sách của mình đối với thềm lục địa Bắc Cực vì thiếu cơ sở pháp lý quốc tế. Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996 giữa tất cả tám quốc gia giáp Bắc Cực, với sự tham gia thường trực của các hiệp hội người dân bản địa trong khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác, phối hợp và tương tác về các vấn đề chung ở Bắc Cực, đặc biệt là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác ở Bắc Cực, một khu vực kinh tế ngày càng quan trọng. Quy mô của sự tương tác này đã khiến một báo cáo tình báo tư nhân của Mỹ cảnh báo về những tác động đáng kể đối với an ninh quốc gia Mỹ. Báo cáo khẳng định: “Việc Nga ngày càng sẵn lòng cho phép Trung Quốc hoạt động ở Bắc Cực chứng tỏ tính thực tế của mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ của họ và khả năng đối trọng của nước này với các liên minh do Mỹ dẫn đầu”.

Báo cáo của Strider Technologies đã trích dẫn dữ liệu nguồn mở, lưu ý rằng: Từ tháng 1 đến tháng 7/2023, 123 công ty mới có chủ sở hữu là người Trung Quốc đăng ký hoạt động ở Bắc Cực. Các dự án hợp tác mới giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực và Viễn Đông đã xuất hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng, khai thác khoáng sản và cơ sở hạ tầng. Thương mại Nga-Trung qua Tuyến đường biển phía Bắc của Bắc Băng Dương đang gia tăng. Những lo ngại cũng được các thành viên Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ bày tỏ lo ngại tại phiên điều trần vào cuối năm 2023.

Là một phần trong phản ứng của phương Tây trong khu vực, hai cuộc tập trận quân sự chưa từng có của Mỹ và các đồng minh NATO đã được tổ chức đồng thời ở nhiều khu vực khác nhau ở Bắc Cực vào tháng 3/2024. 13 nước NATO đã tham gia cuộc tập trận Nordic Response 2024 được tổ chức ở Phần Lan và Thụy Điển, gần biên giới với Nga. Quân đội Mỹ cũng tiến hành một sự kiện huấn luyện gần Fairbanks, Alaska, gần biên giới Nga.

Nga-Trung Quốc tăng cường hợp tác tại Bắc Cực -0
Sự hợp tác Nga - Trung ở khu vực Bắc Cực tập trung vào việc phát triển chung Tuyến đường biển phía Bắc.

Hợp tác Bắc Cực Nga - Trung

Tương tác Nga-Trung ở Bắc Cực đang có những bước tiến ấn tượng, đặc biệt khi Bắc Kinh đảm nhận vai trò quan trọng là đối tác công nghệ của Moscow trong việc phát triển khu vực dưới lệnh trừng phạt của phương Tây do Mỹ thúc đẩy. Các lĩnh vực hợp tác chung bao gồm: Phát triển nguồn tài nguyên rộng lớn ở Bắc Cực, bao gồm dầu khí; Vận tải và hậu cần; Khoa học và giáo dục; Bảo vệ môi trương; Du lịch.

Sự hợp tác Nga-Trung ở khu vực Bắc Cực tập trung vào việc phát triển chung Tuyến đường biển phía Bắc và cơ sở hạ tầng ven biển liên quan, cũng như hợp tác về năng lượng và khoa học.

Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã nhận ra rằng Tuyến đường biển phía Bắc có thể bổ sung cho Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của mình, đóng vai trò như một phần mở rộng của dự án chiến lược.

Lưu lượng hàng hóa qua Tuyến đường biển phía Bắc đã đạt kỷ lục 35 triệu tấn kể từ đầu năm 2023. Kể từ năm 2013, công ty vận tải biển Trung Quốc COSCO là nhà khai thác quốc tế chính trên NSR, thực hiện hơn 100 chuyến đi trong thập kỷ qua.

Tuyến đường Biển Bắc dài hơn 3.000 hải lý (3.452 dặm) nối Biển Barents và Eo biển Bering. Đây là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, cũng như tuyến đường biển ngắn nhất giữa Viễn Đông và phần châu Âu của Nga. Tuyến vận chuyển hàng hóa từ Viễn Đông đến châu Âu qua NSR dài 14.000 km (8.699 dặm). Năm 1991, tuyến đường này được mở cho vận chuyển quốc tế và Rosatom đã được cấp quyền phát triển tuyến đường này vào năm 2018.

Nga đang trong quá trình thực hiện một dự án liên bang nhằm phát triển NSR với các cơ sở cảng mới, các bến dầu, LNG và than cũng như các tàu lớp băng để tăng lưu lượng hàng hóa lên 110 triệu tấn vào năm 2030. Hạm đội phương Bắc của Nga, bao gồm các tàu ngầm có khả năng mang vũ khí hạt nhân, được đóng tại Bắc Cực.

Nga-Trung Quốc tăng cường hợp tác tại Bắc Cực -0
Lính dù Nga tiến hành một cuộc tập trận ở Bắc Cực.

Trong thập kỷ qua, ước tính Trung Quốc đã đầu tư hơn 90 tỷ USD vào các dự án năng lượng và khoáng sản ở Bắc Cực, chủ yếu ở Nga. Các công ty Trung Quốc từ lâu đã tham gia vào Yamal LNG, một dự án tổng hợp bao gồm khai thác, hóa lỏng và vận chuyển khí đốt tự nhiên. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc kiểm soát khoảng 30% dự án Yamal LNG của NOVATEK và trở thành đồng sở hữu nước ngoài lớn nhất của nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng thứ hai, Arctic LNG-2. Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNP) mỗi bên có 10% cổ phần.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước trong khu vực vào năm ngoái, chỉ ra Yamal LNG, nằm trên Bán đảo Yamal phía trên Vòng Bắc Cực, là đầu tàu hợp tác Nga-Trung ở Bắc Cực. Các chuyên gia nói với Sputnik hồi đầu tháng 5 rằng Mỹ đã nỗ lực phá hủy dự án LNG-2 ở Bắc Cực khi cả Nga và Trung Quốc vẫn là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" trong lĩnh vực này. Ước tính 80% khí đốt tự nhiên của Nga và 17% sản lượng dầu của nước này nằm ở Bắc Cực. Thềm lục địa Bắc Cực của Nga được cho là có trữ lượng 17 tỷ tấn dầu và 85 nghìn tỷ mét khối khí đốt.

Một báo cáo gần đây của Reuters cho biết, bất chấp phương Tây tẩy chay Nga vì vấn đề Ukraine, khi nói đến Bắc Cực, ngay cả các thành viên NATO dường như cũng không muốn đóng cửa. Na Uy, quốc gia đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bắc Cực vào năm ngoái, đã mong muốn duy trì sự hợp tác hạn chế với Nga thông qua Hội đồng Bắc Cực, hãng tin này đưa tin. Hai tàu Nga đã tham gia cuộc tập trận ảo vào tháng 3/2024 liên quan đến vụ tràn dầu mô phỏng ngoài khơi phía bắc Na Uy.

Bảy thành viên hội đồng - tất cả đều hiện là thành viên NATO - đã đình chỉ hợp tác với Moscow vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng điều đó cũng có nghĩa phải đóng băng “1/3 trong số 130 dự án của Hội đồng”. Reuters cho biết, do Nga chiếm khoảng 1/3 diện tích khu vực Bắc Cực và gần 70% hoạt động kinh tế tại đây, điều này làm dấy lên lo ngại rằng Hội đồng có thể sụp đổ. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho an ninh Bắc Cực và làm suy yếu các nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường, khí hậu và các vấn đề khoa học khác.

Nga đã rút khỏi Hội đồng Châu Âu-Bắc Cực Barents (BEAC) vào năm 2023, lưu ý rằng “Do lỗi của các thành viên phương Tây (Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, EU), các hoạt động của Hội đồng trên thực tế đã bị tê liệt kể từ tháng 3/2022”. Vào tháng 2/2024, Nga đã đình chỉ các khoản thanh toán tự nguyện hàng năm cho Hội đồng Bắc Cực, kêu gọi tiếp tục công việc với sự tham gia của tất cả các nước thành viên.

Ban thư ký của Hội đồng Bắc Cực cho biết hồi tháng 2/2024 rằng họ sẽ nối lại các cuộc họp về vấn đề khoa học theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của Nga. Theo giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrei Kortunov, các nước phương Tây không quan tâm đến sự sụp đổ của Hội đồng Bắc Cực, vì nếu không có sự tham gia của Moscow thì bất kỳ sự hợp tác nào trong khu vực đều sẽ thất bại.

Katerina Labetskaya, Trưởng nhóm nghiên cứu của Ban các vấn đề chính trị quốc tế của IMEMO, đã cảnh báo về ba thỏa thuận quan trọng của Hội đồng Bắc Cực - về hợp tác tìm kiếm cứu nạn hàng không và hàng hải ở Bắc Cực, về nỗ lực chung nhằm ứng phó với ô nhiễm biển ở Bắc Cực và tăng cường hợp tác khoa học quốc tế ở Bắc Cực - sẽ không còn phù hợp nếu không có sự tham gia của Nga.

Và ý đồ quân sự hóa Bắc Cực của Mỹ

Tờ báo Business Insider của Mỹ đưa tin rằng “Chiến lược Bắc Cực” mới của Quân đội Mỹ tập trung vào việc “lấy lại sự thống trị ở Bắc Cực”. Chiến lược mới đã được áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, Business Insider lưu ý rằng, sự cạnh tranh với Nga giờ đây không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quân sự như thời Chiến tranh Lạnh. Nền kinh tế cũng có một vai trò nhất định. Theo trang tin này, “băng biển tan nhanh chóng ở Bắc Cực, tốc độ nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới đang mở ra những cơ hội mới cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, các tuyến đường vận chuyển và đánh bắt cá thương mại, khi Bắc Cực dần trở nên thuận tiện hơn cho việc đi lại”.

Vladimir Vasilyev, cộng tác viên nghiên cứu chính tại Viện Hoa Kỳ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Mỹ có thể đang muốn giành quyền kiểm soát Tuyến đường Biển Bắc. Tuyến đường này được coi là kết nối hàng hải ngắn nhất giữa các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á và châu Âu. Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng Tuyến đường Biển Bắc, chạy dọc theo bờ biển phía bắc của đất nước. Khi băng tiếp tục tan, tuyến đường biển này ngày càng trở nên thuận tiện đối với các tàu thương mại.

“Mỹ đang nỗ lực ‘tái khám phá’ khu vực Bắc Cực về mặt quân sự”, thành viên của Viện Khoa học Quân sự Nga Alexander Bartosh nói với Sputnik. “Giờ đây, Phần Lan và Thụy Điển đang trở thành thành viên tích cực của NATO, điều này mở ra khả năng Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Viễn Bắc”. Theo quan điểm của Bartosh, Mỹ có 2 mục đích khi tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực. Đầu tiên là tận dụng ưu thế trên biển và trên không để tấn công Nga. Và thứ hai, Mỹ tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác trong khu vực, chủ yếu tập trung vào dầu khí.

Vladimir Vasilyev nhấn mạnh nguồn gốc lịch sử của quân đội Mỹ trong mối quan tâm ở Bắc Cực. Ông cho biết: “Khu vực Bắc Cực đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược lâu dài của Mỹ nhằm bao vây Nga”. Đồng thời, không loại trừ việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trong khu vực. “Ở Bắc Cực, các tai nạn hạt nhân dễ che đậy hơn”, Vasilyev nhấn mạnh và nói thêm: “Ngoài ra, trong một thời gian rất dài, người Mỹ đã ảo tưởng rằng vì dân số ở Bắc Cực thưa thớt nên các thiệt hại do việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở đây sẽ ít được chú ý hơn”.

Duy Hưng (Tổng hợp)
.
.