Nga - Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông

Chủ Nhật, 25/12/2022, 08:34

Từ ngày 21 đến ngày 27/12, Nga và Trung Quốc tập trận chung trên biển Hoa Đông gây chú ý trong dư luận quốc tế. Cuộc tập trận được xem là hành động quân sự mang tính chất răn đe của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước này với Mỹ và phương Tây chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Theo hãng thông tấn TASS, Bộ Quốc phòng Nga vừa thông báo tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của nước này đã rời cảng Vladivostok để tham gia cuộc tập trận “Hợp tác biển” với Trung Quốc. Cuộc tập trận thường niên diễn ra tại biển Hoa Đông từ ngày 21 đến 27/12 và gồm nội dung bắn pháo, phóng tên lửa vào các mục tiêu trên không và trên biển, huấn luyện chống ngầm.

Nga - Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông -0
Tàu chiến Nga - Trung Quốc tập trận chung tại biển Hoa Đông.

Thông báo cho biết mục đích chính của cuộc tập trận nhằm tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái BìnhDương. Dẫn đầu phía Nga có tàu tuần dương Varyag - soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương và 3 tàu hộ tống. Phía Trung Quốc điều 2 tàu khu trục, 2 tàu tuần tra, một tàu tiếp vận và một tàu ngầm diesel tham gia cuộc tập trận. Các máy bay và trực thăng của hai bên cũng sẽ góp mặt.

Cuộc tập trận “Hợp tác biển” là hoạt động hợp tác quân sự mới nhất giữa hai nước Nga và Trung Quốc. Cách đây 3 tháng, Trung Quốc cũng đã tham gia cuộc diễn tập quân sự chiến lược quy mô lớn của Nga mang tên Vostok-2022 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7/9 tại Quân khu miền Đông của Nga với sự tham gia của hơn 50.000 quân nhân, dưới sự chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Cuộc tập trận có sự tham gia của các thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cũng như các quốc gia đối tác khác, bao gồm Azerbaijan, Algeria, Armenia, Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Nicaragua, Syria và Tajikistan. Ngoài hơn 50.000 quân nhân tham gia, cuộc tập trận Vostok cũng bao gồm hơn 5.000 phương tiện vũ khí và trang thiết bị quân sự, trong đó có 140 máy bay, 60 tàu chiến, tàu thuyền và tàu hỗ trợ. Nội dung tập trận bao gồm các hạng mục phòng thủ và tấn công được tổ chức tại 7 khu huấn luyện của Quân khu miền Đông.

Cuộc tập trận Vostok-2022 được tổ chức 4 năm một lần tại miền Viễn Đông Nga. Năm 2018, cuộc tập trận có quy mô lớn với 300.000 binh sĩ Nga cùng các binh sĩ đến từ Trung Quốc và Mông Cổ. Tờ Financial Times dẫn nhận định của giới chức và các nhà phân tích quốc phòng phương Tây cho biết các cuộc tập trận minh họa cho “tình bạn không giới hạn” đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Các cuộc tập trận nói trên cũng cho thấy khả năng duy trì quan hệ với các đồng minh không phải phương Tây của Moscow, bao gồm Belarus và Ấn Độ, những nước cũng tham gia cuộc tập trận Vostok-2022 nói trên.

Trong cuộc tập trận “Hợp tác biển”, hai nước Nga-Trung Quốc đang cho thấy sự xích lại gần nhau hơn nữa trong bối cảnh đối đầu căng thẳng với Mỹ và phương Tây. Đồng thời đây cũng là hành động răn đe, phối hợp phòng thủ giữa Nga và Trung Quốc trước các mối đe dọa an ninh.

Mỹ và phương Tây đang ngày càng thể hiện thái độ đối đầu với Nga xung quanh cuộc chiến tại Ukraine thông qua việc hỗ trợ khí tài, nguồn lực cho Ukraine trong cuộc chiến. Ngoài các khí tài đã cung cấp trước đây, phương Tây đang đẩy mạnh cung cấp các hệ thống khí tại mạnh hơn, hiện đại hơn cho Ukraine, như vừa qua Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ chuyển cho Ukraine hệ thống phòng không hiện đại nhất để giúp nước này kháng cự hiệu quả hơn trước các đợt không kích ồ ạt của Nga.

Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Mỹ vào ngày 21/12 vừa qua. Kết quả của chuyến thăm này là Mỹ cam kết gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 1,85 tỉ USD, trong đó bao gồm nhiều loại khí tài hiện đại, hỏa lực cao như tên lửa phòng không Patriot. Moscow cho rằng với gói hỗ trợ mới này, Mỹ đã cho thấy sự can dự ngày càng sâu hơn vào cuộc chiến tại Ukraine, thông qua Ukraine để gia tăng sự đối đầu quân sự với Nga. Điện Kremlin tuyên bố, nếu Mỹ thật sự chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine, Nga sẽ bắn hạ chúng ngay lập tức.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự hình thành liên minh quân sự AUKUS (bao gồm Anh, Mỹ, Australia và sắp tới Nhật Bản cũng dự kiến tham gia) và các liên kết khác của Mỹ đang gây ra mối đe dọa về an ninh cho cả hai nuốc Nga và Trung Quốc. Trung Quốc từ lâu đã xem sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là mối đe dọa an ninh trực tiếp, vì vậy đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, thậm chí chủ động tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh với các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh.

Trong khu vực Đông Bắc Á, việc Mỹ duy trì các căn cứ quân sự và cùng với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung trên các vùng biển Hoàng Hải và Nhật Bản cũng là mối quan ngại không chỉ đối với Trung Quốc mà gần nhất là đối với CHDCND Triều Tiên. Những cuộc tập trận như thế thường xuyên khiến Bình Nhưỡng có những phản ứng gay gắt bằng việc phóng thử tên lửa xuống các vùng biển xung quanh Hàn Quốc và Nhật Bản. An ninh khu vực càng bất ổn khi quốc gia đối tác là Mỹ luôn giữ thái độ thù địch, tạo ra những xung đột trên nhiều phương diện, luôn luôn đặt các quốc gia trong khu vực trong trạng thái phải sẵn sàng phương án ứng phó nếu không muốn rơi vào tình trạng bị mối đe dọa gây mất an ninh, kìm hãm sự phát triển chung của đất nước.

An Châu (Tổng hợp)
.
.