Ngân hàng Phát triển mới và trật tự tài chính mới của BRICS

Thứ Tư, 09/07/2025, 14:59

Trong phiên họp ngày 5/7 tại Rio de Janeiro, Brazil, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS chính thức kết nạp Colombia và Uzbekistan làm thành viên chính thức. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực kiến tạo hệ thống tài chính đa cực do cựu Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff dẫn dắt. 

Dưới sự lãnh đạo của bà, Ngân hàng Phát triển mới đang đi đầu cho mục tiêu “phi đô la hóa” mà BRICS theo đuổi để thách thức trật tự cũ do phương Tây thống trị.

Một hệ thống đã lỗi thời

Thế giới đang đối mặt với hàng loạt cú sốc địa chính trị. Sự suy yếu của các hệ thống cũ, hiện tượng phân mảnh quyền lực cùng sự vươn lên của những quyền lực mới kết hợp với những vấn đề của thời đại như nạn đói, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến nhu cầu về một hệ thống tài chính mới công bằng, linh hoạt, bao trùm đáp ứng được những nhu cầu của thời đại ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Hệ thống cũ được thiết lập từ sau Thế chiến II với trụ cột là các thể chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ và các nước phương Tây nắm quyền điều hành đã bộc lộ nhiều bất cập khi phải xử lý những thách thức hiện tại. 

Ngân hàng Phát triển mới và trật tự tài chính mới của BRICS -0
Thượng đỉnh BRICS 2025 đánh dấu bước phát triển mới của khối.

Tại IMF, Mỹ nắm 16.5% quyền phủ quyết và thường áp đặt các điều kiện khắc nghiệt lên khoản vay, buộc các quốc gia phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm phúc lợi xã hội. Trong khi đó, cả 5 nước BRICS chiếm 32% GDP toàn cầu nhưng chỉ nắm dưới 15% quyền biểu quyết tại IMF. Theo thời gian, nghịch lý của sự bất cân đối này càng lớn. Đến năm 2025, Ấn Độ đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới nhưng vẫn bị IMF can thiệp vào tỷ giá của mình.

Tương tự, việc WB duy trì vai trò "bảo trợ" các khoản vay cho Ấn Độ dù nước này không cần vay từ năm 2022 phản ánh tư duy lỗi thời của hệ thống quản trị tài chính cũ. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng phải thừa nhận rằng hệ thống tài chính thế giới đã "bị lỗi thời, không công bằng và không hiệu quả". 

Ngân hàng Phát triển mới và trật tự tài chính mới của BRICS -0
NDB ngày càng phát triển với những thành viên mới.

Chính vì vậy, khi còn là Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff đã đi đầu trong cuộc vận động thành lập NDB tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2014 ở Fortaleza. NDB ra đời năm 2015 bắt nguồn từ sự bất mãn của các nền kinh tế mới nổi trước sự bất cân xứng trong quyền lực tài chính toàn cầu. Người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử được bầu làm Tổng thống Brazil này được biết đến là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống bất công trên đất nước mình thời độc tài quân sự Brazil (1964-1985) nay lại đi đầu trong một cuộc chiến chống bất công khác đối với các nước nghèo (còn gọi là nhóm các nước Nam bán cầu).

Việc đương kim Tổng thống Brazil, ông Lula da Silva đề cử bà làm Chủ tịch NDB từ năm 2023 không chỉ là biểu tượng mà còn là chiến lược sắc bén. Kinh nghiệm điều hành nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, tầm nhìn về hệ thống tài chính phi tập trung cũng như tính thần đấu tranh bất khuất chống lại sự bất bình đẳng giúp bà có uy tín để hiện thực hóa sứ mệnh mà NDB được giao phó: xây dựng hệ thống tài chính mới của Nam bán cầu do BRICS lãnh đạo.

Cần những ý tưởng mới

Ngay khi nhậm chức (tháng 3/2023), bà Rousseff đã tuyên bố: "NDB sẽ cung cấp tài chính mà không áp đặt điều kiện chính trị lên các quốc gia đi vay". Tuyên bố này như mũi tên bắn thẳng vào mô hình của IMF, nơi các khoản vay thường gắn với yêu cầu giảm chi tiêu công hoặc tư nhân hóa tài sản nhà nước cùng những điều kiện chính trị mà các nước phương Tây áp đặt đi kèm để xây dựng mô hình dân chủ hóa theo tiêu chuẩn của họ. Thay vào đó, NDB tập trung vào dự án phù hợp ưu tiên quốc gia, dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và tôn trọng mô hình phát triển. 

Ngân hàng Phát triển mới và trật tự tài chính mới của BRICS -0
5 nước sáng lập của NDB từ năm 2015.

Tại Brazil, hơn 20 dự án trị giá 3,5 tỷ USD đang được triển khai trong 2 năm qua. Đặc biệt, việc giải ngân 1,1 tỷ USD để kịp thời khắc phục lũ lụt ở Rio Grande do Sul (5/2024) chứng minh tính hiệu quả của mô hình tài chính linh hoạt mà NDB đang tiến hành. Đây chính là triết lý “tài chính không điều kiện” tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân nhanh chóng được các quốc gia đối tác tiếp nhận. Trong giai đoạn 2023-2024, NDB đã triển khai 76 dự án mới, trị giá khoảng 18,2 tỷ USD. Tính riêng trong năm 2024, NDB đã phê duyệt khoảng 120 dự án với tổng giá trị vay lên tới 40 tỷ USD, mức lớn nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập. 

Dưới thời bà Rousseff làm chủ tịch, NDB cũng đẩy mạnh giao dịch bằng nội tệ. Tính đến cuối 2024, 24,2% giao dịch của ngân hàng thực hiện bằng đồng nội tệ của các thành viên. Bà đặt mục tiêu tăng lên 30% vào năm 2026 để giảm thiểu rủi ro từ lệnh trừng phạt phương Tây. Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg tháng 6/2024, bà Rousseff khẳng định: "Chúng tôi đang xây dựng mạng lưới an toàn tài chính nằm ngoài tầm với của Mỹ". 

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 190 tỷ nhân dân tệ (27,7 tỷ USD) giữa Ngân hàng Trung ương Brazil và Trung Quốc là minh chứng rõ nhất cho cam kết này. Hai nước đi đầu trong BRICS là Nga và Trung Quốc thậm chí đã thanh toán gần 90% giao dịch bằng đồng nội tệ của mỗi nước, trở thành hình mẫu trong thanh khoản. Những hành động này cụ thể hóa cam kết của BRICS về vấn đề thay thế dần đồng USD trong giao dịch. Chủ tịch của khối BRICS trong năm 2025 là Tổng thống Brazil Lula da Silva đã tuyên bố “cam kết kết thúc sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu, bất kể phải trả giá thế nào”. Tại hội nghị của BRICS hồi tháng 2/2025 mới đây, ông nhấn mạnh: “Nhóm đang phát triển các hệ thống thanh toán thay thế để thúc đẩy độc lập tài chính, bất chấp những cảnh báo từ Mỹ về đe dọa thuế quan”.

Ngân hàng Phát triển mới và trật tự tài chính mới của BRICS -0
Bà Dilma Rousseff, Chủ tịch NDB phát biểu khai mạc phiên họp của ngân hàng, tháng 7/2025.

ừ những hành động thực chất đó, NDB dưới sự lãnh đạo của bà Rousseff đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ 5 nước sáng lập, NDB đã thu nạp thêm UAE, Bangladesh, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Colombia và Uzbekistan. Cùng với đó, hơn 30 quốc gia khác gồm Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đàm phán gia nhập. Nhờ sự phát triển rộng khắp, NDB cũng đang thúc đẩy các dự án hạ tầng xuyên lục địa như tuyến cáp quang biển nối Nam Phi - Brazil, tăng cường tích hợp khu vực và toàn cầu mở rộng cơ hội hợp tác cho Nam bán cầu. Những đóng góp tích cực của bà Rousseff đã được ghi nhận, dự kiến các nhà lãnh đạo BRICS năm này sẽ tiếp tục tiến cử bà cho một nhiệm kỳ Chủ tịch NDB trong 2 năm tiếp theo.

Định hình quyền lực mới

Sự lớn mạnh của NDB tạo đà cho BRICS thách thức thể chế tài chính truyền thống. Ngày 5/7/2025, lần đầu tiên Bộ trưởng Tài chính BRICS thống nhất đề xuất cải cách IMF, đòi phân bổ lại quyền biểu quyết theo GDP, sức mua tương đương (PPP) và giá trị đồng tiền đồng thời chấm dứt “truyền thống” người châu Âu lãnh đạo IMF và Mỹ bổ nhiệm lãnh đạo WB từ trước đến nay. Đề xuất này dự kiến sẽ được trình lên IMF tháng 12/2025, phản ánh nỗ lực dân chủ hóa quản trị tài chính toàn cầu.

BRICS cũng đang gia tăng vai trò trong các diễn đàn tài chính quốc tế. Gần đây, khối này đã đề xuất thành lập một mạng lưới đánh giá tín dụng độc lập làm đối trọng với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như S&P, Moody’s hay Fitch vốn bị chỉ trích là thiên vị phương Tây. Bên cạnh đó, ý tưởng về một “đồng tiền chung của BRICS” cũng đang được nghiên cứu nghiêm túc. Những dự án này chắc chắn cần tới sự góp sức của NDB.

Dù thành công ban đầu, NDB vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung là những rủi ro địa chính trị có thể chia rẽ nội bộ các thành viên liên quan tới các lợi ích khác nhau. Các nền kinh tế tham gia vào NDB có sự chênh lệch khá lớn. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ (2.500 USD) chỉ bằng 1/5 Trung Quốc, khiến ưu tiên chính sách sẽ khác biệt giữa hai bên, chưa kể những thành viên mới còn thuộc nhóm các nước nghèo.

Ngân hàng Phát triển mới và trật tự tài chính mới của BRICS -0
Một dự án hạ tầng tại Ấn Độ do NDB cấp vốn.

Việc cho vay dễ dàng cũng khiến NDB phải chịu sức ép tài chính. Nợ xấu tại các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ từng lên tới 191 tỷ USD (2017), khiến các khoản vay của NDB không được bảo đảm cao.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết, NDB hoạt động với mục tiêu chính trị để “chia bớt” quyền lực tài chính của các nước phương Tây hơn là vì mục đích kinh tế. Với tư cách là Chủ tịch NDB, bà Rousseff thừa nhận: "Chúng tôi không tìm cách thay thế IMF, mà thúc đẩy đa dạng hóa để giảm rủi ro hệ thống". Trong tương lai, sau khi BRICS mở rộng thành BRICS+ với việc kết nạp thành viên mới như Saudi Arabia hay Indonesia, NDB dự kiến sẽ củng cố thêm ảnh hưởng.

Như nhà kinh tế học Joseph Stiglitz nhận xét: "NDB là hiện thân cho đa cực hóa, nơi quyền lực kinh tế được chia sẻ công bằng hơn". Với tinh thần mạnh mẽ và nhiệt thuyết, bà Dilma Rousseff đang dẫn đầu cuộc cách mạng viết lại những quy tắc cơ bản của tài chính toàn cầu, một trật tự mới nơi Nam bán cầu không còn là "sân sau" của phương Tây.

Tử Uyên
.
.