“Ngoại giao gấu trúc” trước thềm World Cup

Thứ Bảy, 12/11/2022, 08:05

Ngày 19/10, một cặp gấu trúc khổng lồ đã được Trung Quốc gửi đến Qatar như một món quà trước thềm World Cup, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc mở rộng “chính sách ngoại giao gấu trúc” sang khu vực Trung Đông.

Trong 15 năm tới, hai chú gấu trúc - với tên gọi tiếng Trung là Si Hai và Jing Jing - sẽ sống trong một khu trại trong nhà tại công viên Al Khor, nơi có các điều kiện tương tự như các khu rừng phía Tây Trung Quốc mà gấu trúc hoang dã thường sinh sống.

Si Hai, chú gấu cái 3 tuổi nặng khoảng 68 kg, sẽ được đặt tên theo tiếng Arab là Soraya, trong khi Jing Jing, chú gấu đực 4 tuổi nặng 120 kg, sẽ được gọi bằng tiếng Arab là Suhail.

Theo Hãng tin AFP, Suhail là tên của một trong những ngôi sao sáng nhất có thể nhìn thấy được tại Vùng Vịnh, trong khi Soraya là tên tiếng Arab của cụm sao Thất Nữ, vốn thường quan sát được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Khoảng 815 kg tre tươi - loại mà gấu trúc thường ăn - sẽ được chở đến cho chúng mỗi tuần.

“Ngoại giao gấu trúc” trước thềm World Cup  -0
“Ngoại giao gấu trúc” thường được quốc gia tỉ dân sử dụng như một cách bày tỏ thiện chí.

Những con gấu trúc này sẽ xuất hiện trước công chúng vào thời điểm Qatar đăng cai World Cup bắt đầu từ ngày 20/11. Mặc dù Đội tuyển quốc gia Trung Quốc không đủ điều kiện tham dự giải bóng đá lớn nhất hành tinh nhưng các công ty Trung Quốc đã tham gia xây dựng các dự án lớn cho sự kiện này. Tổng Công ty Xây dựng đường sắt Trung Quốc đã giúp xây dựng sân vận động Lusail, nhà thi đấu chính của World Cup năm nay.

Vào tháng 5/2020, Trung Quốc và Qatar đã ký một thỏa thuận hợp tác về bảo vệ và nghiên cứu gấu trúc nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ gấu trúc, bảo vệ đa dạng sinh học và các loài có nguy cơ tuyệt chủng của hai nước.

Trong buổi lễ chia tay gấu trúc, Đại sứ Qatar tại Trung Quốc, Mohammed Bin Abdullah Al-Duhaimi, nói rằng món quà “tượng trưng cho chiều sâu quan hệ giữa hai nước”. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Qatar, Zhou Jian, đã đăng một thông điệp trên Twitter với chú thích: “Hẹn gặp lại vào ngày mai”, kèm theo từ khóa #PandainQatar.

Trong một báo cáo được công bố năm ngoái, Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho biết: “Ngoại giao gấu trúc tạo ra thiện chí nhất thời và thường trùng hợp với các sự kiện ngoại giao lớn và các thỏa thuận thương mại”.

Chuyên gia về động vật hoang dã và người dẫn chương trình truyền hình Chris Packham đã lên tiếng hoài nghi về cử chỉ ngoại giao này bởi nhiệt độ ở Qatar có thể lên tới hơn 48 độ C, không thích hợp cho loài gấu trúc.

Trung Quốc dường như cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với Qatar bằng cách tặng họ những con gấu trúc, thay vì thỏa thuận “cho thuê” gấu trúc thông thường mà họ có với các nước khác. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng biểu tượng quốc gia “đáng yêu” của mình như một công cụ ngoại giao. Một bài báo năm 2013 được xuất bản trên tạp chí Environmental Practice cho thấy rằng kể từ năm 2008, các hợp đồng “cho thuê” gấu trúc của Trung Quốc diễn ra cùng lúc “các quốc gia cung cấp cho Trung Quốc các nguồn tài nguyên và công nghệ có giá trị”. Ví dụ, việc Trung Quốc cho Scotland mượn “quốc bảo” hồi năm 2011 đi kèm thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ năng lượng tái tạo.

Năm nay, Trung Quốc cũng đã đàm phán với Qatar để đầu tư vào dự án mở rộng North Field East, dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Trung Quốc nhập khẩu nhiều LNG hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào năm 2021 do nhu cầu về nhiên liệu của quốc gia này đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Hệ thống “cho thuê” gấu trúc bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình vào năm 1984 và nó được mô tả là “các khoản cho vay ưu đãi”, trong đó các vườn thú nước ngoài trả một khoản phí hằng năm cho Chính phủ Trung Quốc để nuôi gấu trúc. Sau đó, Trung Quốc chuyển sang kế hoạch cho thuê dài hạn để khuyến khích nhân giống loài này, vốn được Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) coi là loài dễ bị tổn thương.

Gấu trúc khổng lồ là loại gấu quý hiếm nhất trên thế giới và sống chủ yếu trong các khu rừng ôn đới ở vùng núi phía Tây Nam Trung Quốc. WWF ước tính có khoảng 1.864 con gấu trúc khổng lồ sống trong tự nhiên và chỉ sinh sống nhờ vào tre và trúc. Để tồn tại, chúng phải ăn tới 38 kg tre mỗi ngày. Năm ngoái, Trung Quốc đã loại gấu trúc khổng lồ khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng sau khi số lượng sống trong tự nhiên tăng lên. Gấu trúc lần đầu tiên được liệt vào danh sách “có nguy cơ tuyệt chủng” vào năm 1990, nhưng hơn 30 năm công tác bảo tồn đã giúp số lượng của chúng tăng lên.

Những lời bàn tán về “chính sách ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc cũng xoay quanh việc những con gấu trúc được gửi đến các quốc gia có khí hậu không phù hợp với môi trường bản địa của chúng, điều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Cái chết của một con gấu trúc tại một vườn thú ở Chiang Mai (Thái Lan) đã gây xôn xao trên khắp thế giới. Gấu Chuang Chuang đột ngột qua đời do trụy tim vào năm 2019 sau khi đến Thái Lan lần đầu tiên vào năm 2003. Chính phủ Thái Lan phải trả một khoản tiền phạt lên đến 500.000 USD cho Trung Quốc như một phần của hợp đồng cho thuê.

Vân Hạnh (Tổng hợp)
.
.