Ngũ cốc Ukraine - Liều thuốc thử cực mạnh cho EU

Thứ Tư, 20/09/2023, 11:25

Lợi ích luôn là vấn đề đầu tiên, cuối cùng và cốt lõi trong mọi mối quan hệ quốc tế. Điều đó đã và đang được chứng minh bởi câu chuyện xoay quanh vấn đề nông sản xuất khẩu của Ukraine, khi nó đe dọa tạo nên những vết hằn rất khó san lấp, ngay trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) nói chung, cũng như giữa những người láng giềng Đông Âu gần gũi nói riêng.

Vụ kiện trong tầm mắt

Ngày 18/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky tuyên bố: Kyiv đang lên kế hoạch kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia về lệnh cấm đối với nông sản Ukraine. Thông tin này, ngay sau đó, đã được Đại diện thương mại Ukraine - Taras Kachka - xác nhận với giới báo chí và truyền thông quốc tế.

Trả lời phỏng vấn tờ Politico, ông Taras Kachka nhấn mạnh: Điều quan trọng là phải chứng minh được hành động của 3 quốc gia trên là bất hợp pháp và đó là lý do để ngay ngày 19/9, Ukraine sẽ khởi động các quy trình pháp lý cần thiết.

Ngũ cốc Ukraine - Liều thuốc thử cực mạnh cho EU -0
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong một cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Câu chuyện này không mới. Trong vòng vài tháng qua, phía Ukraine từng đề cập đến khả năng này, nghĩa là nhờ đến trọng tài quốc tế thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) phân xử, về các mâu thuẫn trong vấn đề hạn chế hay mở rộng cửa thị trường cho nông sản Ukraine, xuất phát từ quan điểm cứng rắn của “những người hàng xóm”. Song, đến hiện tại, tình trạng căng thẳng dường như đã chạm đến giới hạn.

Ngày 15/9,  Ba Lan, Hungary và Slovakia đã công bố các biện pháp hạn chế riêng đối với nhập khẩu ngũ cốc Ukraine (hay nói cách khác là tiếp tục duy trì cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine), bất chấp việc Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) không đồng ý gia hạn lệnh cấm này.

Trong quá khứ gần, từ ngày 28/4, EC đã đạt được thỏa thuận với Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia - thường được gọi là 5 quốc gia “tiền tuyến” ở sườn Đông EU, có biên giới giáp Ukraine, về việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Ukraine. Ngày 2/5, EC đã thông báo áp dụng lệnh cấm tạm thời đối với việc nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương từ Ukraine. Sau đó, EC tiếp tục kéo dài lệnh cấm cho đến ngày 15/9.

Câu chuyện này, như bình luận của tờ The Wall Street Journal ngày 16/9, đã trở thành một vấn đề chính trị nhức nhối ở EU. Bất cứ ai cũng có thể thấy rõ điều đó, ngay từ cách Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus tuyên bố: “Lệnh cấm bao gồm 4 loại ngũ cốc, nhưng cũng theo yêu cầu của tôi, theo yêu cầu của nông dân (Ba Lan), lệnh cấm đã được mở rộng để cấm cả các bữa ăn từ các loại ngũ cốc này: Ngô, lúa mì, hạt cải dầu, để những sản phẩm này cũng không được phép ảnh hưởng đến thị trường Ba Lan”.

lua_mi_180923-1695167433890.jpg
Vụ thu hoạch mới ở Ukraine, trong những khó khăn chất chồng.

Hay là, cách Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki làm rõ: “Chúng ta sẽ gia hạn lệnh cấm này, bất chấp họ (EC) không đồng ý. Chúng ta sẽ làm điều đó, vì đó là lợi ích của nông dân Ba Lan”. Và, cả cách Hungary đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trên toàn quốc đối với 24 nông sản của Ukraine, trong đó có ngũ cốc, rau, một số sản phẩm thịt và mật ong, hay động thái tương tự từ Slovakia.

Hoàn cảnh này, một cách dễ hiểu, dẫn đến phản ứng ngược chiều từ Ukraine. Đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka cảnh báo Kyiv cũng có thể sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả, ví dụ như cấm nhập rau củ từ Ba Lan, song song với các hành động pháp lý.

Tất cả đều vì chính mình

Ngày 17/9, người phát ngôn EC nhấn mạnh: “Điều quan trọng hiện nay là tất cả các quốc gia cần hành động trên tinh thần thỏa hiệp và tham gia mang tính xây dựng”, để kêu gọi thiện chí từ 3 nước “tiền tuyến”. Nhưng, có lẽ, chỉ như thế thôi thì không thể đủ, để dàn xếp mọi khía cạnh phức tạp của câu chuyện.

Hiểu một cách đơn giản: Trước tháng 2/2022, Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, kể từ sau khi xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ và nhất là sau khi Moscow tuyên bố đình chỉ tham gia thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, nông dân Ukraine gần như phải trông cậy hoàn toàn vào các quốc gia láng giềng để xuất khẩu ngũ cốc.

Ngũ cốc Ukraine - Liều thuốc thử cực mạnh cho EU -0
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, người luôn tỏ ra hết sức cứng rắn trong vấn đề hạn chế nhập khẩu nông sản Ukraine.

Tình trạng này dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu nông sản từ Ukraine và làm biến dạng thị trường nội địa của “những người hàng xóm”, dẫn đến việc nông dân ở những quốc gia ấy phản ứng gay gắt.

Đơn cử, như ở Ba Lan, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội chuẩn bị diễn ra (ngày 15/10 tới), Chính phủ Ba Lan hiện tại không thể sẵn sàng “mạo hiểm”, vì bất cứ lý do gì. Thậm chí, áp lực từ quyền lợi của cử tri Ba Lan lớn đến nỗi các chính trị gia phe đối lập ở Warsaw cũng tỏ ra đồng thuận với chính phủ. Cũng không cần phải nói thêm rằng, quyết định “cứng rắn” này nhận được sự ủng hộ tích cực to lớn như thế nào từ người dân Ba Lan, đại diện cho không ít xã hội vốn đã khá “mỏi mệt” với những gánh nặng suốt gần một năm rưỡi qua, ở những quốc gia sườn Đông EU.

Tuy nhiên, về phần mình, Kyiv cũng không thể lựa chọn “nhẫn nại” hay “nhún nhường”, khi nông sản xuất khẩu là nguồn thu quan trọng bậc nhất (thậm chí là duy nhất) bổ sung cho ngân sách, trong tình hình giao tranh khốc liệt hiện tại.

Ngũ cốc Ukraine - Liều thuốc thử cực mạnh cho EU -0
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal.

Ngày 12/9, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố: "Chúng tôi chưa bao giờ có ý định làm hại nông dân Ba Lan. Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự hỗ trợ từ người dân Ba Lan và các gia đình Ba Lan. Nhưng, trong trường hợp vi phạm luật thương mại vì lợi ích của chủ nghĩa dân túy chính trị trước bầu cử, Ukraine sẽ buộc phải nộp đơn lên Tòa Trọng tài của WTO, để yêu cầu bồi thường những tổn thất do vi phạm các quy định của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT)”.

Song song, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Chặn xuất khẩu (của Ukraine) bằng đường bộ sau ngày 15/9, khi các hạn chế liên quan hết hiệu lực, là không thể chấp nhận được dưới mọi hình thức”.

Nhiều nước EU, trong đó có Pháp, Đức và Tây Ban Nha, ủng hộ lập trường của Ukraine. Trong khi thừa nhận ngũ cốc Ukraine đã gây áp lực lên một số nông dân EU, các cường quốc này cho rằng những biện pháp hạn chế thương mại làm suy yếu tính toàn vẹn của thị trường nội bộ khối cũng như nỗ lực hỗ trợ Ukraine, bên cạnh việc đi ngược lại nguyên tắc của một thị trường chung.

Nhưng, cùng ngày 12/9, Ủy viên nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski - một người Ba Lan - lại cho rằng EC nên gia hạn lệnh cấm tạm thời đối với hàng nhập khẩu của Ukraine tại 5 quốc gia láng giềng, vì biện pháp này giúp thúc đẩy xuất khẩu bên ngoài khối. Ông Wojciechowski cũng cho biết: EC đang theo dõi chặt chẽ tình hình. EC cũng phân bổ 156 triệu euro để bồi thường cho nông dân EU bị ảnh hưởng và tích lũy gần 1,9 tỷ euro để cải thiện các tuyến đường thay thế.

Đồng thời, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus nhẹ nhàng lưu ý: “Ba Lan là một bên ủng hộ mạnh mẽ việc giúp đỡ Ukraine - tôi không nghĩ có ai nghi ngờ điều đó. Nhưng, sự hỗ trợ này nên được lan rộng ra khắp các nước, không chỉ Ba Lan và các quốc gia khác có chung biên giới với Ukraine".

Liều thuốc thử độc địa

Cho dù sắp tới, câu chuyện có diễn biến như thế nào chăng nữa thì nó cũng đã trở thành một phép thử đối với khả năng hỗ trợ mà EU có thể dành cho Ukraine. Bao hàm trong đó sẽ không chỉ là những nguy cơ rạn nứt quan hệ ngoại giao song phương giữa Kyiv với Warsaw (nếu một vụ kiện thực sự xảy ra) hay những lân bang còn lại, mà còn là cả câu hỏi về cơ chế san sẻ trách nhiệm cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân ở từng quốc gia thành viên đơn lẻ.

Ngũ cốc Ukraine - Liều thuốc thử cực mạnh cho EU -0
Tình trạng dư thừa nông sản là gánh nặng đối với mọi nông dân các quốc gia láng giềng của Ukraine tại sườn đông EU.

Ngày 16/9, Hội Nông dân Romania tuyên bố: “Nếu một quốc gia ủng hộ Ukraine mãnh liệt như Ba Lan cũng đã đưa ra quyết định đơn phương như vậy sau ngày 15/9, thì chúng tôi không hiểu tại sao Romania lại dè dặt làm điều tương tự. Yêu cầu của chúng tôi không hề ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản Ukraine qua Romania tới các điểm đến khác, bởi vì điều này vẫn đang diễn ra!”. Một dạng “hiệu ứng domino” đã sẵn sàng xuất hiện.

Thực tế, một mặt, những người nông dân ở các nước sườn Đông EU thực sự phải chịu sức ép rất lớn từ tình trạng dư thừa nông sản. Nhưng, mặt khác, nếu chỉ được chấp nhận trung chuyển để tiếp tục xuất cảng, tuyến đường dài hơn gấp bội sẽ khiến chi phí vận chuyển bị đội lên và nông sản Ukraine đương nhiên sẽ suy giảm tính cạnh tranh đáng kể, đặc biệt là khi hầu như mọi hải trình trên Biển Đen đều đã bị phong tỏa.

Vậy mà, cuối năm nay, 27 quốc gia thành viên EU sẽ còn phải quyết định một gói viện trợ kinh tế được đề xuất trị giá khoảng 53 tỷ USD và đề xuất hỗ trợ quân sự trị giá khoảng 21 tỷ USD cho Ukraine. Trong khi đó, bóng dáng của một cơn khủng hoảng người di cư mới cũng lại đang ló dạng, từ những bờ biển Địa Trung Hải nước Ý, phía Nam EU...

Sao Linh
.
.