“Ngư ông đắc lợi” trong căng thẳng thương mại Australia-Trung Quốc?

Thứ Ba, 17/08/2021, 15:24

Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc đã tăng cao trong những tháng gần đây và xấu đi rõ rệt sau khi Australia bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi điều tra toàn cầu về việc Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19. Trung Quốc kể từ đó đã thực hiện một số biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Australia. Tuy nhiên, giữa căng thẳng thương mại Australia-Trung Quốc, Mỹ lại nổi lên là người hưởng lợi chính.

Năm 2015, Australia và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Australia (ChAFTA) sau 21 vòng đàm phán và hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20-12-2015. Đây là một hiệp định lịch sử đã mang lại những lợi ích to lớn cho Australia: nâng cao vị thế cạnh tranh của Australia trên thị trường Trung Quốc; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Trung Quốc hiện nay nhập khẩu khoảng 1/3 tổng số hàng hóa xuất khẩu của Australia. Ví dụ, xuất khẩu quặng sắt của Australia sang Trung Quốc trong năm tài chính 2019-2020 lên tới 150 tỷ USD và trong giai đoạn 2014-2019 là khoảng 300 tỷ USD. Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại hiện tại hoàn toàn trái ngược với hiệp định ChAFTA “lịch sử” được ký kết vào năm 2015. Khi quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, cuộc chiến thương mại giữa Australia và Trung Quốc lại càng tăng nhiệt.

Cuộc chiến thương mại

Căng thẳng giữa hai bên đã dâng cao trong những tháng gần đây, và đặc biệt trở nên tồi tệ hơn sau khi Australia ủng hộ lời kêu gọi điều tra toàn cầu về cách Trung Quốc xử lý dịch COVID-19 trong giai đoạn đầu. Kể từ đó, Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu của Australia, từ áp đặt thuế quan đến các lệnh cấm và hạn chế khác. Điều đó đã ảnh hưởng đến hàng hóa của Australia bao gồm lúa mạch, rượu vang, thịt bò, bông và than đá.

“Ngư ông đắc lợi” trong căng thẳng thương mại Australia-Trung Quốc? -0
Mỹ thế chân Australia xuất hàng triệu tấn than đá sang Trung Quốc. 

Theo Viện Lowy có trụ sở tại Australia, các mặt hàng xuất khẩu bị nhắm mục tiêu có trị giá khoảng 25 tỷ USD vào năm 2019, tương đương 1,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Australia là một trong số ít quốc gia phát triển trên thế giới có thặng dư thương mại với Trung Quốc. Với việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, các nhà phân tích đã dự kiến Australia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế này.

Ngư ông đắc lợi

Tuy nhiên, giờ đây, các nhà xuất khẩu Mỹ đang nổi lên như những “người thắng cuộc” trong cuộc chiến thương mại Trung Quốc-Australia, với việc hàng hóa của Mỹ đang lấp đầy khoảng trống thị trường do các biện pháp thuế trừng phạt của Bắc Kinh nhằm vào hàng hóa Australia. Thống kê từ Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các hiệp hội thương mại ở Australia đều cho thấy giá trị hàng hóa xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc giảm sâu trong những tháng gần đây.

Đồng thời, các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ từ rượu vang, thịt bò, bông, gỗ đến than đá đã chứng kiến thị phần của họ ở Trung Quốc tăng lên kể từ năm ngoái, khi các nhà sản xuất Mỹ lấp đầy khoảng trống do căng thẳng thương mại Trung Quốc-Australia để lại. Bắc Kinh cũng cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ như một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.

Các nhà sản xuất rượu ở Australia – vốn đang cạnh tranh với các nhà sản xuất Mỹ trên toàn thế giới để giành thị phần – là những người chịu tổn thất nặng nề. Từ tháng 12-2020 đến tháng 3 năm nay, họ đã xuất khẩu rượu vang trị giá 9,1 triệu USD sang Trung Quốc, chỉ chiếm 4% lượng xuất khẩu trong cùng kỳ năm trước. Rượu vang Australia từng được hưởng cơ chế miễn thuế theo hiệp định ChAFTA. Canberra đang đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đối với rượu vang và các mặt hàng xuất khẩu khác của họ.

Trong khi đó, lúa mạch và các sản phẩm nông nghiệp khác của Australia phải đối mặt với mức thuế lên tới 80,5%, sau khi Bắc Kinh đưa ra kết luận hồi tháng 5-2020 rằng việc Trung Quốc nhập khẩu hàng năm 2 tỷ AUD loại ngũ cốc từ Australia khiến nông dân Trung Quốc rơi vào tình thế bất lợi do "trợ cấp thương mại tràn lan" của Canberra.

Giờ đây, lúa mạch Mỹ đã trở thành mặt hàng yêu thích mới của các nhà sản xuất bia và thức ăn gia súc Trung Quốc sau khi Bắc Kinh mở cửa cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào tháng 5-2020. Vào tháng 3-2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng công bố lượng xuất khẩu thịt bò hàng tháng sang Trung Quốc đạt mức cao mới 14.552 tấn.

Quý IV của năm 2020 cũng là một mùa “thắng lớn” đối với các nhà xuất khẩu than của Mỹ khi các nhà máy điện Trung Quốc được yêu cầu tẩy chay than của Australia và khai thác nguồn cung cấp từ các quốc gia khác. Tình trạng thiếu điện vào thời điểm đó đã khiến nhập khẩu than cốc và than nhiệt của Trung Quốc tăng gấp hơn 7 lần so với quý trước. Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, động lực này kéo dài sang quý I năm nay, với nhập khẩu trung bình hàng tháng vào khoảng 280.000 tấn. Theo các nhà chức trách Trung Quốc, trong tháng 5-2021, Mỹ đã tiếp tục vận chuyển 720.000 tấn than sang Trung Quốc, nhằm hỗ trợ xu hướng tăng giá và lấp đầy khoảng trống do than của Australia để lại. Cùng lúc đó, xuất khẩu than của Australia sang Trung Quốc gần như bằng không.

Tổng cộng, Trung Quốc đã nhập khẩu 73,59 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng 59,8%. Tổng số tương ứng của Australia chỉ ở mức 62,37 tỷ USD, tăng 33,3%, dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Như vậy, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hứa hẹn rằng “Washington sẽ không bỏ mặc Australia đối mặt với sự ép buộc kinh tế từ Bắc Kinh”, nhưng dữ liệu thương mại cho thấy Mỹ đang ưu tiên lợi ích kinh tế của mình hơn đồng minh của họ.

Theo Bruce Haigh, cựu quan chức ngoại giao và là nhà bình luận chính trị Australia, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra lời nói suông. Ông Joe Biden không có khả năng giúp Australia kết nối với Đông Nam Á và Trung Quốc. Ông cho rằng nếu chính phủ Morrison tiếp tục theo chân Mỹ một cách mù quáng trong việc “đối phó” với Trung Quốc, thì phía Australia sẽ phải nếm trái đắng.

Bích Vân (Tổng hợp)
.
.