Nguy cơ đổ vỡ đàm phán giữa phương Tây và Iran
Việc Mỹ bác yêu cầu của Nga về việc bảo đảm bằng văn bản rằng sẽ không áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với các giao dịch kinh tế giữa Nga và Iran trong khuôn khổ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran đang khiến tiến trình đàm phán để đưa Iran và Mỹ quay trở lại Thỏa thuận trở nên bế tắc, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.
Phương Tây nổi đóa gọi việc Nga đưa ra yêu cầu Mỹ bảo đảm không áp dụng lệnh cấm vận kinh tế đối với các giao dịch với Iran trong khuôn khổ Thỏa thuận hạt nhân Iran là hành động “bắt cóc” Thỏa thuận hạt nhân làm quân bài trong cuộc đối đầu với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine.
Sau nhiều tháng đàm phán đầy cam go ở Vienna, các bên đang chuẩn bị kết thúc đàm phán, đi đến thỏa thuận theo đó Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận và Iran quay trở lại tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận hạt nhân. Các thỏa thuận mới có sự điều chỉnh nhất định nhằm đáp ứng một số yêu cầu của Mỹ để nước này chấp nhận quay trở lại Thỏa thuận. Từ khi Mỹ rời khỏi Thỏa thuận vào tháng 5-2018, Thỏa thuận đã gần như “chết lâm sàng” và có nguy cơ “chết vĩnh viễn” sau khi Iran cũng tuyên bố không tuân thủ Thỏa thuận nữa, tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Năm 2021, ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ, các cường quốc châu Âu đưa ra quyết tâm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, đưa hai nước Mỹ và Iran trở lại bàn đàm phán và tuân thủ đầy đủ các điều kiện của JCPOA. Các điều kiện mới cũng được Mỹ và Iran đưa ra để đàm phán bổ sung.
Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán đang có nguy cơ thành “công cốc” sau khi Nga bất ngờ đưa ra yêu cầu rằng Mỹ phải bảo đảm bằng văn bản rằng giao thương kinh tế giữa Nga với Iran sẽ được miễn áp dụng lệnh trừng phạt của Mỹ do Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 5-3 nói rằng với các lệnh trừng phạt được phương Tây triển khai ồ ạt, Nga cần phải yêu cầu Mỷ bảo đảm một cách chắc chắn rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng đến quyền lợi của nước Nga trong khuôn khổ Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Nếu phương Tây không chấp nhận yêu cầu của Nga - và điều này hầu như chắc chắn xảy ra, bởi nó sẽ mở ra một lỗ hổng to lớn trong cơ chế trừng phạt - thì “sinh mệnh” của Thỏa thuận hạt nhân sẽ được đặt trong tay Moscow, khi đó Nga có thể sẽ dùng quyền phủ quyết toàn bộ Thỏa thuận hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, yêu cầu của Nga là “không phù hợp”, rằng các biện pháp trừng phạt áp dụng sau khi Nga đưa quân sang Ukraine “không có liên quan gì đến Thỏa thuận hạt nhân Iran”.
Nga là một bên quan trọng trong Thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi Mỹ và Iran đều rút khỏi Thỏa thuận, chính Nga đã đóng vai trò trung gian với các hoạt động ngoại giao không mệt mỏi để kéo cả hai nước quay trở lại bàn đàm phán, mở ra cơ hội khôi phục Thỏa thuận hạt nhân. Đây là một trong những chương trình hợp tác hiếm hoi giữa Nga với phương Tây trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai bên liên tục gia tăng, đặc biệt là cuộc đối đầu xung quanh vấn đề Ukraine. Một bản thỏa thuận mới đã được Nga và các nước châu Âu soạn thảo với các điều khoản “chấp nhận được” đối với cả Mỹ và Iran. Thế nhưng, cuộc đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang làm cho mọi nỗ lực ngoại giao đứng trước nguy cơ trắng tay.
Giới chức Iran đã tỏ ra mất kiên nhẫn và chỉ trích Nga. Tehran cho rằng việc Moscow thay đổi lập trường đối với tiến trình đàm phán Vienna là nhằm phục vụ lợi ích của mình ở chỗ khác chứ không phục vụ cho Thỏa thuận hạt nhân và điều đó không mang tính xây dựng đối với tiến trình đàm phán Vienna về Thỏa thuận hạt nhân.
Giới phân tích cho rằng ngoài các lợi ích về chính trị, Nga còn có lợi ích kinh tế rất quan trọng khi đưa ra điều kiện “chặn đứng” đàm phán Vienna. Với sản lượng 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, Iran cần phải tiếp tục được giữ ở thế bị cấm vận dầu mỏ, vì nếu sản lượng dầu này được tung ra thị trường toàn cầu sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thì giá dầu thế giới sẽ hạ nhiệt, chiến lược “giá dầu thô cao” của Moscow trong cuộc đối đầu hiện nay với phương Tây sẽ phá sản. Nga là nước sản xuất dầu thô lớn ngoài OPEC, là nguồn cung dầu lớn cho cả Mỹ và châu Âu với giá cả rẻ hơn so với các nhà cung cấp khác. Việc đẩy giá dầu thô lên cao không chỉ nhằm đánh kinh tế Mỹ và châu Âu mà còn giúp Nga duy trì nguồn thu.
Trong một diễn biến khác, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã đến Iran hôm 5-3 nhằm tìm kiếm thỏa thuận đảm bảo cơ chế thanh sát hạt nhân ở Iran trong thời gian tới. Ông Grossi hy vọng sẽ giải quyết nốt các vấn đề khúc mắc liên quan các yêu cầu của IAEA về việc tiếp cận 4 địa điểm nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân. Phía Iran muốn IAEA chấm dứt việc điều tra này, cho rằng nghi ngờ của cơ quan này chỉ dựa trên thông tin tình báo thiếu cơ sở của Israel. Ông Mohammad Eslami, người đứng đầu Hiệp hội Năng lượng nguyên tử Iran cũng bày tỏ mong muốn IAEA không tiếp tục sử dụng thông tin tình báo của Israel để làm căn cứ trong làm việc với Iran.
Iran và IAEA đã đồng ý sẽ tiến hàn ký kết văn bản thỏa thuận về cơ chế thanh sát hạt nhân Iran vào tháng 6-2022. Đó cũng là thời điểm Thỏa thuận hạt nhân Iran dự kiến sẽ được tái khởi động sau thỏa thuận đàm phán Vienna. Với tình hình đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây, việc Iran và IAEA đồng ý thỏa thuận về cơ chế thanh sát hạt nhân cũng không có nhiều ý nghĩa, nhất là khi Thỏa thuận hạt nhân cũng đang có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn bởi quyền phủ quyết của Nga.