Nguy cơ khủng bố gia tăng ở châu Âu

Thứ Sáu, 29/03/2024, 10:17

Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva tối 22/3 đã làm thế giới chấn động. Nó khiến các quốc gia phải đánh giá lại nguy cơ khủng bố của mình trong một thời điểm hết sức nhạy cảm, đặc biệt là tại châu Âu.

1. Vào thời điểm cả thế giới đang dành sự chú ý vào cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc chiến tại dải Gaza thì vụ xả súng của những kẻ khủng bố nhận là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Nga đã nhắc nhở chúng ta về mối nguy khủng bố luôn rình rập lớn đến thế nào. Với gần 300 thương vong về người, vụ khủng bố này đã trở thành vụ khủng bố gây thiệt hại lớn nhất trên toàn bộ châu Âu trong 2 thập kỷ qua. Thật tình cờ khi cũng trong tháng này, các nước EU cũng đã kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố lớn gần đây nhất.

Đó là vụ tấn công kinh hoàng vào các chuyến tàu đi lại ở Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 11/3/2004 cũng do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra và đã giết chết 193 người. Cùng với khoảng 2.000 người bị thương trong vụ đánh bom, khiến đây trở thành vụ khủng bố nguy hiểm thứ hai ở châu Âu sau vụ nổ máy bay Boeing 747 trên Lockerbie năm 1988.

content.jpg -0
Bà Ylva Johansson cảnh báo khủng bố gia tăng ở châu Âu.

Vụ đánh bom xe lửa ở Madrid năm 2004 cho thấy châu Âu cũng có thể bị nguy hiểm bởi những kẻ khủng bố cực đoan như thế nào. Cuộc điều tra diễn ra ngay sau vụ việc cho thấy, vụ tấn công được dàn dựng bởi một nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước do cảm thấy tức giận trước sự tán thành của chính phủ Tây Ban Nha đối với cuộc chiến tranh tại Iraq của Mỹ, dù chính phủ Tây Ban Nha không hề đưa quân trực tiếp tham chiến. Những kẻ tấn công đã đặt túi đựng chất nổ vào 4 chuyến tàu chở khách và cho nổ vào giờ cao điểm sáng 11/3. Vụ tấn công đã gây ra chấn động toàn thế giới, thậm chí sau đó còn thúc đẩy các nước châu Âu tích cực hơn trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan này. Một số vụ tấn công đơn lẻ vẫn diễn ra từ thời điểm đó nhưng không gây kinh hoàng vì quy mô nhỏ. Để thể hiện sự đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố, EU đã thiết lập ngày 11/3 hàng năm là Ngày tưởng nhớ các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu.

Sau sự sụp đổ của nhà nước Hồi giáo IS vào năm 2019, nguy cơ cũng như số vụ tấn công giảm đáng kể, mối quan tâm của công chúng chuyển sang các vấn đề cấp bách khác như COVID-19, an ninh năng lượng, người tị nạn hay những xung đột lớn như ở Ukraine hay Trung Đông vốn ảnh hưởng tới đời sống của họ trực tiếp hơn nhiều. Do đó, một số nhà phân tích bắt đầu nói về cái gọi là “sự mệt mỏi do khủng bố”, ý nhắc tới một cuộc chiến dài nhưng không có hiệu quả rõ ràng. Nhưng thời gian đã cho thấy những quan điểm đó là sai lầm.

Cuộc xung đột tại Trung Đông bùng nổ từ tháng 10/2023 đã làm gia tăng sự bùng nổ nguy cơ về hoạt động khủng bố tại châu Âu. Đầu tháng 3/2024 vừa qua, cảnh sát Ý đã bắt giữ 3 kẻ đang lên kế hoạch tấn công khủng bố. Các nghi phạm đã thành lập một chi nhánh liên kết với Lữ đoàn Tử đạo Al-Aqsa, một mạng lưới các nhóm quân sự có liên hệ với phong trào Hồi giáo ủng hộ người Palestine. Vào tháng 12/2023, các thành viên Hamas bị bắt ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan trong bối cảnh bị nghi ngờ về một cuộc tấn công có kế hoạch nhằm vào các mục tiêu xử người Do Thái ở châu Âu.

Nguy cơ khủng bố gia tăng ở châu Âu -0
Nguy cơ khủng bố gia tăng gây lo ngại với người dân EU.

Trong khi đó, Đại sứ Bosnia và Herzegovina tại Liên hợp quốc, Bojan Vujic, gần đây đã thừa nhận rằng làn sóng chiến binh thánh chiến nước ngoài tràn vào là “mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng” từ đất nước mình. Ông đã trích dẫn các báo cáo tình báo cho thấy có khoảng hai chục nhóm thánh chiến hiện đang hoạt động ở đất nước ông. Ngày 2/12/2023, một vụ tấn công bằng dao của thành viên IS ngay giữa thủ đô Paris đã khiến Ủy viên phụ trách Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU), bà Ylva Johansson phát ra cảnh báo "nguy cơ tấn công khủng bố rất lớn" đối với khu vực này. Đó là cảnh báo cấp độ cao nhất tại EU trong gần 2 thập kỷ qua. Thêm vụ khủng bố tại Nga hôm 22/3 vừa rồi, EU có thể nói là đã ngồi trên một đống lửa.

2. Trước vụ tấn công mang tính bước ngoặt 11/9 ở Mỹ, đã có sự khác biệt đáng kể trong chiến lược chống khủng bố giữa các quốc gia Tây Âu. Một số quốc gia, chủ yếu là Pháp, Đức và Anh, trước đây đã phải đối mặt với bạo lực khủng bố. Chính phủ của họ đã thực hiện các chính sách chống khủng bố được phát triển tốt từ lâu trước khi Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu bắt đầu.

Pháp tập trung nhiều vào mối đe dọa thánh chiến do Al-Qaeda gây ra. Trước thời điểm 11/9, đất nước này đã phải đối mặt với một số cuộc tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan vào những năm 1990. Điều này chủ yếu liên quan đến Nhóm Hồi giáo Vũ trang (GIA), một nhóm nổi dậy chống lại chính phủ Algeria và thực hiện một số cuộc tấn công khủng bố ở Pháp. Trong khi Anh đứng trước nguy cơ khủng bố thường trực từ các lực lượng người Ireland đòi độc lập. Đức, Ý và Tây Ban Nha thì đối diện với các lực lượng Hồi giáo quốc tế do những chính sách ủng hộ Mỹ nhiều hơn. Chỉ riêng 5 quốc gia này trong giai đoạn từ 1968 đến 1990 đã diễn ra hơn 3.000 vụ khủng bố, chiếm 33% tỷ lệ toàn cầu (theo thống kê của nhà nghiên cứu Peter Chalk trong cuốn Chủ nghĩa khủng bố và chống khủng bố ở Tây Âu).

Hiện nay, Đức, Anh và Pháp vẫn là những quốc gia bị ảnh hưởng khủng bố nhiều nhất ở châu Âu, theo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI). Những quốc gia như Hungary, Bulgaria và Cộng hòa Séc thì ngược lại, nằm trong số những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất thế giới. Nhìn chung, các nước Đông và Trung Âu hầu như không quen với chủ nghĩa khủng bố vì thiếu nguồn nội lực cho sự phát triển của nó.

“Hồi giáo cực đoan chưa bao giờ có cơ sở hoạt động thoải mái hoặc phù hợp ở đây”, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Jaroslav Kuchyna, thành viên cấp cao tại Trung tâm xuyên Đại Tây Dương tại Praha. Ông cũng cho biết chỉ có một thiểu số Hồi giáo nhỏ sống trong khu vực và các nước khu vực này như Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia từ lâu đã từ chối tiếp nhận người di cư từ Trung Đông. “Sự đồng thuận của các chính trị gia Trung Âu trên khắp hệ tư tưởng chống lại việc di cư bất hợp pháp từ các quốc gia Hồi giáo vẫn tồn tại ở đây. Quốc gia duy nhất có cộng đồng Hồi giáo lớn hơn là Áo, nơi rủi ro an ninh liên quan đến cộng đồng này rõ ràng hơn nhiều so với những nơi khác trong khu vực”, ông Kuchyna đánh giá.

Tiến sĩ Oldrich Bures, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại học Metropolitan, cho biết các nước Đông và Trung Âu có “rất ít kinh nghiệm trực tiếp về khủng bố”. Ông cũng chỉ ra một số lượng hạn chế các tay súng nước ngoài đến từ đông Âu tham gia các nhóm Hồi giáo ở Syria và Iraq. “Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là chống khủng bố chưa bao giờ thực sự là ưu tiên hàng đầu” và “phần lớn khuôn khổ pháp lý và thể chế hiện tại là đều theo chuẩn của EU”.

3. Sau ngày 11/9, nhiều quốc gia châu Âu đã tăng cường năng lực cho các cơ quan tình báo và hợp tác với Mỹ trong các nhiệm vụ chống khủng bố ở nước ngoài. Tuy nhiên, sự phối hợp và hợp tác chưa đầy đủ giữa các nước châu Âu vẫn còn là một vấn đề. Một bước tiến quan trọng là việc thông qua Quyết định khung của Hội đồng EU ngày 13/6/2002 về chống khủng bố. Tài liệu này được thiết kế để giúp các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, bao gồm cả chống tài trợ khủng bố. Năm 2019, Cơ quan đăng ký chống khủng bố tư pháp châu Âu đã được thành lập. Cơ quan đã xác định mối liên hệ giữa các cá nhân, mạng lưới khủng bố đồng thời thực hiện các cuộc điều tra, cả đang diễn ra lẫn trong quá khứ. Đây là một cải tiến đáng chú ý được thực hiện trong lĩnh vực phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi liên kết phạm tội. Cho đến nay, cách tiếp cận này đã và đang đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống khủng bố của EU.

v_ kh_ng b_ madrid 2004 v_n c_n _m _nh ch_u _u.jpg -0
Vụ khủng bố Madrid 2004 vẫn còn ám ảnh châu Âu.

Trong số các biện pháp khác, Ban chỉ đạo EU về chống tuyên truyền cực đoan đã được thành lập để ngăn chặn sự lây lan của tuyên truyền cực đoan trực tuyến và phát triển các câu chuyện phản biện lại chủ nghĩa cực đoan. Ở cấp quốc gia, các nhà lập pháp trên khắp châu Âu đã thực hiện những thay đổi tập trung vào phòng ngừa đối với chính sách chống khủng bố của họ. Trong khi tăng cường khả năng chống khủng bố của mình, EU cũng luôn chú ý đến việc tuân thủ các giá trị nhân quyền và dân chủ.

Năm 2018, EU đã phê chuẩn Công ước của Hội đồng Châu Âu về phòng chống khủng bố, nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố. Ngoài việc cải thiện các chính sách chống khủng bố trong khu vực, tài liệu còn đảm bảo rằng tất cả các thông lệ và luật pháp tương ứng đều tôn trọng nhân quyền và tự do.

Trước những nguy cơ khủng bố mới xảy ra, đặc biệt kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel, mức độ cảnh báo khủng bố tại EU cũng đã tăng lên đáng kể. Từ đầu năm 2024 tới nay, EU đã cấp thêm khoảng 30 triệu Euro cho các lực lượng an ninh của mình để tăng cường bảo vệ các địa điểm tôn giáo. Đồng thời, các bộ trưởng Nội vụ của EU cũng đang thúc đẩy nỗ lực cải cách chính sách tị nạn và di cư của khối nhằm đảm bảo một EU an toàn hơn.

Tử Uyên
.
.