Nguy cơ xung đột tái diễn tại Libya

Thứ Năm, 30/12/2021, 08:44

Cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của Libya dự kiến diễn ra hôm 24-12 đã phải hoãn lại vì một số lý do, khiến cho Liên Hiệp Quốc phải sốt sắng tìm cách ngăn chặn xung đột bạo lực giữa các nhóm vũ trang tái diễn.

Việc hoãn các cuộc bầu cử (quốc hội và tổng thống) đã được công bố trong một thông báo của Ủy ban Bầu cử tối cao quốc gia (HNEC) hôm 22-12. Thông báo nêu rõ, cuộc bầu cử dự kiến ngày 24-12 sẽ phải hoãn lại một tháng, tức sẽ diễn ra vào ngày 24-1-2022. Giới quan sát cho rằng đây là động thái nhằm giúp HNEC có thời gian thiết kế lại lộ trình bầu cử để đảm bảo đạt kết qua cao nhất.

Tất cả các bên liên quan tại Libya, kể cả các ứng cử viên tổng thống cũng đều nhìn nhận rằng hiện tại có khá nhiều vấn đề trở ngại khiến cuộc bầu cử không thể diễn ra đúng kế hoạch. Trước hết, đó là những tranh cãi gay gắt giữa các phe phái chính trị xung quanh cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử và tư cách ứng cử viên.

Nguy cơ xung đột tái diễn tại Libya -0
Các ứng cử viên tổng thống đến Benghazi dự cuộc họp với tướng Khalifa Haftar.

Sự tham gia của một số ứng cử viên đã gây ra tranh cãi trong dư luận và trong các đảng phái chính trị. Đáng chú ý nhất là sự tham gia ứng cử của ông Saif al-Islam Gaddafi, con trai duy nhất còn lại của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại vào tháng 10-2011 trong cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân vũ trang với sự hậu thuẫn về quân sự của phương Tây.

Bản thân ông Saif al-Islam Gaddafi cũng vừa mãn hạn tù giam và hiện đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế cáo buộc tội ác chiến tranh. Người thứ hai là tướng Khalifa Haftar, chỉ huy lực lượng quân sự Đông Libya. Tướng Haftar cũng bị cáo buộc tội ác chiến tranh do những cuộc giao tranh giữa ông với các lực lượng ở Tripoli và các vùng khác của Libya. Người thứ ba là ông Abdul Hamid Dbeibah - Thủ tướng lâm thời của Libya. Ông này bị cáo buộc đã nuốt lời hứa khi được bầu làm thủ tướng lâm thời là “sẽ không ra tranh cử tổng thống” nhưng ông vẫn ra tranh cử. Đây là điều tối kỵ đối với một chính khách khi ra tranh cử.

Cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống tại Libya được xác định là nhằm xây dựng một nhà nước Libya mới, chấm dứt hơn 10 năm xung đột bạo lực dai dẳng giữa các phe nhóm vũ trang, chủ yếu là giữa hai miền Đông và Tây Libya, sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ. Các lực lượng miền Đông Libya đóng đô tại Benghazi do tướng Khalifa Haftar chỉ huy đã kéo quân về vây hãm thủ đô Tripoli ở miền Tây Libya suốt 16 tháng ròng rã. Các cuộc giao tranh chỉ chấm dứt sau khi hai bên đồng ý ngừng bắn và thỏa thuận được ký kết hồi tháng 10-2020. Theo sau thỏa thuận ngừng bắn, vào tháng 2-2021, Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) được thành lập. Từ diễn đàn này, chính phủ lâm thời Libya đã được thành lập với sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc và các cường quốc liên quan.

Ngay cả vấn đề công bố việc hoãn bầu cử cũng xảy ra sự nhùng nhằng giữa hai cơ quan là HNEC và Nghị viện Libya, không bên nào chịu nhận trách nhiệm việc này. Ngày 27-12, Nghị viện Libya đã tiến hành cuộc họp nhằm xem xét những vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử.

Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi căng thẳng đó là việc xử lý thế nào đối với chính phủ lâm thời hiện tại. Chính phủ lâm thời hiện tại được thành lập theo thỏa thuận vào tháng 2-2021 và hết thời hạn phục vụ vào ngày 24-12, tức ngày diễn ra cuộc bầu cử theo dự kiến. Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Italy đều lên tiếng kêu gọi các bên duy trì chính phủ lâm thời ít nhất cho đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử vào thàng 1-2022 nhằm đảm bảo mọi hoạt động điều hành đất nước Libya. Thế nhưng, Nghị viện Libya quyết định chính phủ lâm thời phải giải tán vào đúng ngày 24-12. Một số chính khách ủng hộ quan điểm của Nghị viện Libya, cho rằng chính phủ lâm thời quá “tham nhũng” cho nên phải giải tán.

Tuy nhiên, vấn đề cũng khá nghiêm trọng là các bên lại không thể nhất trí với nhau để bầu ra một chính phủ lâm thời mới để điều hành đất nước trong khoảng thời gian hoãn bầu cử một tháng này. Điều này làm xuất hiện “lỗ hổng quyền lực” tại Tripoli, từ đó dẫn đến nguy cơ tái phát xung đột vũ trang. Trên đường phố Tripoli và nhiều khu vực khác, người ta nhìn thấy nhiều chướng ngại vật được dựng trở lại cùng xe có trang bị súng ống của các nhóm vũ trang lai vãng khắp các tuyến đường. Các giếng dầu lớn của Libya cũng đã bị các nhóm vũ trang tái chiếm.

Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland bày tỏ quan ngại rằng việc các nhóm vũ trang đưa vũ khí ra đường phố đặt ra nguy cơ đụng độ và leo thang xung đột dẫn đến những hậu quả khó lường. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Libya cảnh báo những diễn biến căng thẳng nêu trên sẽ không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định tại Libya cũng như các điều kiện cần và đủ cho cuộc bầu cử thành công tại nước này. Stephanie Williams, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tại Libya đã khẩn trương tiến hành các cuộc họp tham vấn tất cả các bên để tìm kiếm một thỏa thuận nhằm tiếp tục duy trì tiến trình vận hành cơ chế dân chủ, tổ chức bầu cử nhằm bảo đảm ổn định chính trị lâu dài cho Libya.

Không có vấn đề nào trong các điều kiện cần thiết để tranh được giải quyết một cách thấu đáo, bao gồm khung pháp lý đã được thống nhất chung cho cuộc bầu cử, các quy định hiến pháp và quyền hành tổng thống được bầu và các tiêu chuẩn hợp pháp của người ứng cử để tổ chức sàng lọc ứng cử viên. Giới quan sát lo ngại rằng với tình trạng như thế, khả năng cao là cuộc bầu cử không có được sự đồng thuận cơ bản sẽ dẫn đến những tranh cãi, thậm chí đấu đá sau khi kết quả được công bố. Điều này có thể gây ra hậu quả tai hại cho Libya trong bối cảnh chìa khóa “thùng thuốc súng” ở Libya vẫn nằm trong tay nhiều nhóm phiến quân vũ trang, kể cả các lực lượng đánh thuê nước ngoài và các lực lượng do tướng Khalifa Haftar chỉ huy ở miền Đông Libya.

An Châu (Tổng hợp)
.
.