Nhật Bản: Cải thiện an ninh khu vực bằng viện trợ quân sự
Lần đầu tiên Nhật Bản phá bỏ quy tắc lâu nay về cấm dùng tiền viện trợ phát triển cho các mục đích quân sự với việc thiết lập cơ chế Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) nhằm cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia (đang phát triển) thân thiện - một sáng kiến phần nào dựa trên kinh nghiệm của Tokyo trong việc cung cấp các khoản Viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Lần đầu được công bố trong Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) ngày 16/12/2022, OSA sẽ được quản lý tách biệt với ODA, chuyên cung cấp các khoản tài trợ cho các dự án xây dựng đường sá, đập và các cơ sở hạ tầng dân sự khác. Theo NSS, OSA sẽ cải thiện “năng lực phòng thủ cũng như tăng cường năng lực an ninh và răn đe của các quốc gia có cùng chí hướng nhằm ngăn chặn các nỗ lực đơn phương muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng, đồng thời tạo ra một môi trường an ninh mà Nhật Bản mong muốn”.
Theo NSS, Nhật Bản sẽ cung cấp vật liệu và thiết bị quân sự cần thiết để đáp ứng các nhu cầu an ninh khác nhau của quốc gia nhận OSA. Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết các quốc gia nằm trong diện được Nhật Bản xem xét hỗ trợ OSA bao gồm Bangladesh, Fiji, Malaysia và Philippines. Theo báo Yomiuri đưa tin đầu tuần này, Tokyo đang cân nhắc cung cấp radar cho Philippines để giúp nước này giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ còn một chặng đường dài để thực thi OSA một cách hiệu quả vì cả nước này và những nước nhận OSA sẽ cần tuân thủ các quy định của 3 nguyên tắc về chuyển giao thiết bị quốc phòng. Theo đó, khí tài quân sự hạng nặng sẽ được cung cấp cho các khu vực không liên quan đến xung đột quốc tế. Điều này có nghĩa là Nhật Bản sẽ kỳ vọng rằng những quốc gia nhận OSA tuân thủ các điều kiện sử dụng các vũ khí này trong các hoạt động liên quan đến đảm bảo hòa bình và sự ổn định. Quy định cũng bao gồm không gửi bất kỳ vật liệu quân sự nào đến các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt vũ khí của Liên hợp quốc hoặc một số quốc gia nhất định. Ví dụ, các hoạt động đảm bảo sự ổn định bao gồm chống khủng bố, chống cướp biển, tìm kiếm và cứu nạn và các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết các chính sách nhằm đảm bảo các gói OSA được thực hiện đúng bao gồm minh bạch về loại viện trợ mà Nhật Bản sẽ cung cấp và những hướng dẫn nghiêm ngặt về việc không chuyển giao bất kỳ khí tài quân sự hạng nặng nào cho bên thứ ba cũng như ngăn chặn việc sử dụng các loại vũ khí này vì các mục đích khác.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác vốn cung cấp các gói viện trợ quân sự tương tự cho nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một lý do khiến các nước đang phát triển có thể miễn cưỡng mua thiết bị quân sự của Nhật Bản là do chi phí cao. Đây là lý do họ sẽ xem xét các quốc gia khác có thể cung cấp vũ khí và phương tiện quân sự thông qua tài trợ, giảm giá hoặc đôi khi miễn phí. Ví dụ, vào tháng 12/2016, Trung Quốc đã hỗ trợ quân sự miễn phí cho Philippines cùng với khoản vay ưu đãi dài hạn trị giá 500 triệu USD. Ngày 29/5/2022, Đại sứ quán Mỹ tại Fiji đã tặng 4 phương tiện trị giá khoảng 224.000 USD cho Lực lượng quân sự Cộng hòa Fiji trong khuôn khổ của gói Sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu, bao gồm 11 phương tiện, 2 xe nâng hàng và 4 máy phát điện.
Một giải pháp lý tưởng sẽ là hạn mức (tín dụng) phòng thủ mà Tokyo thông báo sẽ được sử dụng trong khuôn khổ của OSA. Việc áp dụng hạn mức này sẽ được thực hiện linh hoạt, tùy theo nhu cầu an ninh hiện có hoặc sẽ cần trong tương lai của một quốc gia. Hạn mức này sẽ được cung cấp cho một quốc gia miễn là quốc gia đó không mua khí tài quân sự hạng nặng gây sát thương. Nhật Bản cũng đang xem xét về chi phí cao của khí tài quân sự hạng nặng của nước này sau khi công bố OSA.
Nhật Bản chắc chắn sẽ có một khởi đầu khó khăn trong việc triển khai OSA mặc dù việc cung cấp viện trợ này hữu ích trong việc tăng cường quan hệ quân sự và an ninh của Tokyo với các nước đang phát triển. Nhật Bản không chỉ phải tuân theo các quy định của riêng nước này vốn có thể hạn chế cách thức các nước nhận OSA sử dụng bất kỳ khí tài quân sự hạng nặng nào do Nhật Bản sản xuất. Việc định giá các khí tài quân sự hạng nặng của Nhật Bản cũng là một mối quan ngại khác bởi không phải tất cả các nước đang phát triển đều có khả năng tài chính để mua chúng, ngay cả khi những nước này muốn mua. Sẽ cần nhiều giải pháp hơn để giảm rủi ro tài chính cho những nước nhận OSA để mua khí tài quân sự hạng nặng của Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với việc không cho phép mua khí tài quân sự hạng nặng trong một cuộc xung đột quốc tế, vẫn còn phải xem liệu quy định này có thể tiếp tục được duy trì hay không nếu môi trường an ninh quốc tế tiếp tục thay đổi.
Theo Giám đốc Hội đồng Công nghiệp an ninh quốc tế Nhật Bản Simon Chelton, việc thiết lập cơ chế OSA cho thấy Tokyo ngày càng nhận ra rằng xuất khẩu quốc phòng có thể đóng vai trò tích cực trong quan hệ an ninh khu vực”. Trong khi đó, ông Robert Ward, thành viên cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho rằng việc Nhật Bản đưa ra chiến lược viện trợ phát triển nói trên cũng làm nổi bật việc Tokyo quyết tâm cải thiện an ninh khu vực.