Nhật Bản vào AUKUS?
Nhật Bản hiện vẫn chưa chính thức là thành viên của thỏa thuận an ninh AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ), nhưng theo giới phân tích, việc Tokyo dần tham gia nhóm này là tất yếu. Triển vọng “hiệp ước JAUKUS” có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác an ninh giữa các nền dân chủ tự do ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một lựa chọn logic
Khi mới được công bố vào tháng 9/2021, AUKUS được truyền bá là cách để Mỹ và Anh trợ giúp Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Jonathan Berkshire Miller - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Nhật Bản về các vấn đề quốc tế tại Tokyo - nhận định trên tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” rằng khả năng Nhật Bản tham gia AUKUS “không nên bị hạn chế” trong các cuộc thảo luận về vấn đề này. Theo ông, “Nhật Bản là lựa chọn logic để kết nối” với AUKUS, do nước này có thể hợp tác và thêm vào những giá trị trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các loại máy bay siêu âm. Xét cho cùng, tương lai của thỏa thuận chiến lược này không chỉ là những tàu ngầm hạt nhân. Mục đích của thỏa thuận cũng là nhằm tăng cường hợp tác quân sự công nghệ cao và chia sẻ thông tin giữa các thành viên.
Trong bài viết đăng trên tạp chí “Foreign Affairs” vào tháng 10/2022, nhà nghiên cứu Michael Auslin tại Đại học Stanford đánh giá “tham vọng cùng các chính sách an ninh và công nghệ của Nhật Bản ngày càng trùng khớp” với 3 nước thành viên AUKUS. Ông khẳng định: “Tokyo đặc biệt được trang bị tốt để trợ giúp Canberra, London, Washington phát triển các công nghệ quan trọng và thúc đẩy sự ổn định tại châu Á. Sự xoay chuyển từ AUKUS sang JAUKUS là kết quả của quá trình phát triển tự nhiên của nhóm”.
Đại sứ Nhật Bản tại Australia Shingo Yamagami cũng bóng gió việc gia nhập trong bài phát biểu tại “Hội nghị thúc đẩy AUKUS” diễn ra tại Canberra ngày 14/11. Ông nhấn mạnh Tokyo “là mấu chốt để lực lượng Mỹ triển khai ở Đông Bắc Á”, trong khi Nhật Bản, Anh và Australia “cùng chia sẻ một liên minh về mọi mặt, trừ tên gọi”. Đại sứ cho biết Nhật Bản sẵn sàng thảo luận với 3 nước tham gia AUKUS “những lĩnh vực có thể hợp tác song phương về công nghệ quốc phòng”, cho rằng mọi thỏa thuận về quốc phòng giữa 3 nước “chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nhật Bản”.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, Canberra và Tokyo đã ký Tuyên bố chung về hợp tác an ninh. Mặc dù đây không phải là một hiệp ước phòng thủ chung chính thức nhưng thỏa thuận này đã tăng cường “Đối tác chiến lược đặc biệt” của Nhật Bản và Australia đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với các chuẩn mực toàn cầu và sự cởi mở trong khu vực.
Trong khi đó, vào tháng 12/2022, Anh và Nhật Bản sẽ ký một thỏa thuận tiếp cận đối ứng tương tự như thỏa thuận mà Nhật Bản đã có với Australia, theo đó nới lỏng quy định cho phép đưa quân vào nước bạn và tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung và hợp tác hậu cần. Tháng 7/2022, Nhật Bản và Anh tuyên bố sẽ hợp tác với Italy để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở eo biển Manche vào tháng 10/2022, chỉ một năm sau khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và nhóm tàu tấn công đến thăm Nhật Bản.
Bước đi tiếp theo
Trên tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng”, Michito Tsuruoka - giáo sư về quản lý chính sách tại Đại học Keio ở Tokyo - nhận định Nhật Bản “có thể tham gia nhiều hơn” vào AUKUS nếu thỏa thuận này vượt ra ngoài vấn đề tàu ngầm, mở rộng sang các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo và công nghệ mạng. Tuy nhiên, nhấn mạnh những quy định nghiêm ngặt của Mỹ về chuyển giao công nghệ quốc phòng đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể gặp trở ngại trong việc tham gia vào “các dự án nhạy cảm nhất”, ông Tsuruoka khẳng định “chúng ta cần giải quyết các vấn đề liên quan tới kiểm soát xuất khẩu công nghệ quốc phòng”.
Trong khi đó, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo - ông Ryo Sahashi đánh giá “Nhật Bản quan tâm tới AUKUS là điều tất nhiên”. Ông nhấn mạnh mặc dù Nhật Bản không tham gia một liên minh chính thức với các quốc gia AUKUS nhưng nước này đã phối hợp với tất cả các bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh và nâng cao lòng tin. Tuy nhiên, hợp tác của Tokyo có thể bị hạn chế do vấn đề quản lý “yếu kém” đối với các công nghệ nhạy cảm.
Nhà phân tích quốc phòng Eleanor Shiori Hughes thuộc công ty tham vấn chiến lược The Asia Group tại Washington nói rằng Nhật Bản hiểu rõ “quỹ đạo bấp bênh của môi trường địa chính trị ở Đông Á và ý thức được sự cấp bách của việc tăng cường hợp tác với các nước AUKUS trên cơ sở song phương”.
Bước tiếp theo trong việc tạo ra một “JAUKUS” thực sự sẽ là xem xét cách chính thức hóa sự tham gia của Nhật Bản. Nó có thể bắt đầu bằng việc mời các quan chức Nhật Bản quan sát một vài trong số 17 nhóm làm việc của AUKUS về các lĩnh vực cùng quan tâm, chẳng hạn như điện toán lượng tử và phát triển vũ khí siêu thanh. Giai đoạn tiếp theo sẽ là cho phép Nhật Bản tham dự thường xuyên cuộc họp của các nhóm chỉ đạo chung, nơi vạch ra chính sách về hai chủ đề cốt lõi mà AUKUS đang tập trung - tàu ngầm và năng lực tiên tiến - đồng thời thảo luận về tư cách thành viên dài hạn. Trong quá trình này, các bên có thể tìm hiểu cách thức Tokyo tham gia vào nỗ lực cốt lõi của AUKUS nhằm cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.
Khi điểm chung trong các chính sách và mục tiêu của họ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, các quốc gia “JAUKUS” có thể sẽ thấy được lợi ích của việc phối hợp các nỗ lực của họ hơn nữa, tất cả những điều này hứa hẹn sẽ giúp duy trì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.