Nhật Bản với mô hình sống chung cùng COVID-19
Nước Nhật đang bước vào giai đoạn mới đầy thách thức sau khi các biện pháp ứng phó quốc gia đối với đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ hoàn toàn lần đầu tiên sau gần nửa năm.
Nội trong tháng 10 này, thống đốc các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm từng bước dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại, trong khi chính quyền trung ương với ban lãnh đạo mới, sẽ chuyển trọng tâm sang tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng cường.
Khôi phục kinh tế
Với hơn 60% dân số được tiêm chủng đầy đủ, một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra về sự cần thiết phải tiêm vaccine tăng cường, sự lây lan của biến thể Delta và việc đất nước có thủ tướng mới, sẽ khiến Nhật Bản đổi khác trong thời gian tới. Nhưng, cũng như một số quốc gia khác trong hoàn cảnh tương tự, Nhật Bản vẫn phải đối phó với những khó khăn về chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tình trạng thiếu lao động kéo dài do dịch bệnh.
Theo chiến lược của chính phủ, các nhà hàng và quán bar - vốn được yêu cầu đóng cửa trước 8 giờ tối và ngừng phục vụ rượu - sẽ có thể mở cửa đến 9h tối và phục vụ rượu, miễn là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản. Đối với các sự kiện quy mô lớn, giới hạn tham dự sẽ được nâng từ 5.000 người hoặc 50% sức chứa lên 10.000 người. Các công viên giải trí và khu mua sắm đã trở nên nhộn nhịp hơn từ khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách ứng phó với đại dịch COVID-19 Yasutoshi Nishimura đã kêu gọi các công ty tiếp tục triển khai làm việc từ xa. Trong cuộc họp trực tuyến với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp mới đây, ông nói: “Một làn sóng dịch bệnh lớn dự kiến sẽ ập đến vào mùa đông, do vậy chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng”.
Tâm lý e ngại vaccine
Một trong những câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể khởi động lại nền kinh tế mà không làm cho số lượng ca mắc COVID-19 tăng trở lại hay không? Mặc dù vaccine phòng COVID-19 được cho là sẽ giúp dập tắt làn sóng dịch bệnh thứ 5 ở Nhật Bản, nhưng các đợt bùng phát mới gần như chắc chắn sẽ xuất hiện.
Bởi thế, việc thay đổi suy nghĩ của những người do dự hoặc không muốn tiêm vaccine là một trụ cột chính trong kế hoạch khởi động lại nền kinh tế của chính phủ trung ương. Khi kế hoạch đi vào hoạt động, chính phủ sẽ không còn ngăn cản việc đi du lịch, ăn uống bên ngoài hoặc tham dự các sự kiện công cộng đối với những người đã tiêm chủng hoặc có thể chứng minh họ không bị nhiễm bệnh.
Cách tiếp cận theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt” này - tương tự những gì đang diễn ra ở Mỹ hay Pháp - mặc dù có thể lôi kéo người dân tiêm phòng và ngay lập tức thúc đẩy nền kinh tế bị tàn phá nhưng kế hoạch phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp địa phương và thái độ sẵn sàng tuân thủ của họ.
Khi chiến lược thoát khỏi dịch bệnh chú trọng vào tiêm vaccine, chính quyền trung ương Nhật Bản đã gợi ý rằng các chủ doanh nghiệp có thể cung cấp phiếu mua hàng, giảm giá hoặc cấp quyền tiếp cận đặc biệt cho các khách hàng có thể chứng minh họ đã được tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Việc xuất trình các loại giấy tờ tương tự - được giới chức Nhật Bản gọi là “gói xét nghiệm và tiêm chủng” - có thể trở thành yêu cầu bắt buộc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão, các cơ sở y tế khác và cho các hoạt động như du lịch trong nước, tham dự các sự kiện công cộng hoặc tham gia các hoạt động ở trường học. Hộ chiếu vaccine cũng có thể đóng vai trò nhất định nhưng vẫn chưa thể chắc chắn về tính hợp lý của nó.
Tinh thần tự nguyện
Mấu chốt của vấn đề là các biện pháp của Nhật Bản nhằm ứng phó đại dịch COVID-19 phần lớn dựa trên tinh thần tự nguyện và không gắn với các mức phạt tiền, các chế tài dân sự hay hình sự trong hầu hết các trường hợp. Chỉ trong tình trạng khẩn cấp và sau nhiều lần vi phạm, chính quyền thành phố mới có thể đưa doanh nghiệp ra tòa và tòa án sẽ quyết định việc doanh nghiệp đó có bị phạt hay không. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp nếu tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống lây nhiễm nhưng về lý thuyết, họ có thể hoạt động bình thường và tiếp đón bao nhiêu khách hàng tùy thích.
Trong khi đó, giới chức không thể áp đặt biện pháp hạn chế đối với hành vi cá nhân ngay cả trong tình trạng khẩn cấp. Việc giảm lưu lượng người đi bộ là vấn đề nhức nhối ở các thành phố và tỉnh đông dân, nơi virus SARS-CoV-2 có thể phát triển mạnh trước khi lây lan sang nước khác.
Chiến lược thoát khỏi dịch bệnh được chính quyền ông Suga mãn nhiệm đưa ra nhằm khôi phục tinh thần cộng đồng, thúc đẩy nền kinh tế và khuyến khích tiêm vaccine bằng cách nới lỏng hạn chế để giúp những người đã tiêm vaccine dễ dàng đi du lịch, ăn tối bên ngoài hoặc tham dự các sự kiện lớn. Tuy nhiên, ở một đất nước mà hiến pháp bảo vệ nghiêm ngặt quyền cá nhân ngay cả trong một cuộc khủng hoảng thì tỷ lệ ủng hộ của thủ tướng có thể ảnh hưởng đến mức độ người dân sẵn sàng tuân thủ các biện pháp tự nguyện hay không.
Và, cuối cùng, theo ước tính của ông Toshihiro Nagahama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu nhân thọ Daiichi, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 sẽ tạo ra cú hích kinh tế tương đương 20 tỷ yên (180 triệu USD) mỗi ngày trong và sau tháng 10-2021, tương đương hơn 7.000 tỷ yên một năm. Và, một trong những chìa khóa để hướng tới sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản là chuyển nguồn tiền tiết kiệm thành chi tiêu tiêu dùng.
Theo tính toán của Goldman Sachs Nhật Bản, đến tháng 6-2021, các hộ gia đình Nhật Bản đã tiết kiệm được 34.000 tỷ yên, tương đương 306 tỷ USD, từ các cơ hội chi tiêu bị bỏ lỡ trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một phần trong số đó sẽ được dùng để trả nợ bởi tình trạng mất thu nhập trong thời kỳ đại dịch và sẽ là yếu tố giảm chi tiêu tiêu dùng và cản trở sự phục hồi kinh tế thực sự.