Nhiều vùng Pakistan chìm trong bão lũ và đói
Bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài cho đến nay, những trận gió mùa kèm theo những cơn mưa như trút nước đã khiến 1/3 diện tích đất đai ở Pakistan chìm trong lũ lụt với hơn 1.500 người thiệt mạng, 30 triệu người khác mất nhà, 21 triệu hecta cây trồng mất trắng và gần 800.000 con gia súc chết, thiệt hại ước tính lên đến 36 tỉ USD…
1. Thảm họa ở Pakistan bắt đầu vào tháng 4-2022 khi những đợt nắng nóng xuất hiện khiến nhiệt độ nhiều vùng trong cả nước vọt lên 50 độ C, cao hơn giới hạn mà cơ thể con người có thể chịu đựng. Nó đã gây ra những trận cháy rừng, chẳng hạn như ở tỉnh Balochistan, tây nam Pakistan, nơi có rừng thông Shirani tự nhiên lớn nhất thế giới trải rộng 26.000 hecta và là nơi quần tụ của hơn 10,8 triệu cây, hay như vụ cháy ở khu vực Zhob, cũng thuộc tỉnh Balochistan, đã khiến 40% diện tích rừng thành tro bụi.
Haji Ghulam Sarwar Shahwani, nông dân ở quận Mastung, Balochistan, nổi tiếng với những vườn táo và đào cho biết: “Tôi tuyệt vọng khi chứng kiến những cây táo của mình nở hoa sớm hơn một tháng trước khi héo rũ vì nắng nóng. Chẳng một hoa nào có thể đậu quả được”.
Cuối tháng 5, đợt nắng nóng vừa dứt thì ngay sau đó là những cơn mưa trắng trời trắng đất, kéo dài đến tận hôm nay. Nông dân Haji nói tiếp: “Nước lũ từ trên núi đổ xuống dẫn đến ngập lụt đã làm thối rễ toàn bộ 6.000 cây táo của tôi, tôi chỉ còn có thể nhìn thấy những ngọn cây nhô lên trong làn nước đục ngầu, những cây táo mà tôi đã mất 10 năm để chăm sóc”.
Một nông dân khác là Abdul Rasool nói thêm: “Tôi chưa từng thấy trận mưa nào kéo dài suốt 120 tiếng đồng hồ. Hai ngày đầu, nhiều nông dân lo rằng sẽ chết vì đói bởi không thể cứu được những cánh đồng lúa mì trước sự tàn phá của thủy thần, nhưng khi xung quanh chúng tôi là mênh mông biển nước, chúng tôi biết mình có thể sẽ chết vì nước như hàng trăm người khác”.
Tại tỉnh Sindh, cực nam Pakistan, nơi sản xuất 1/2 lương thực cho cả nước, nông dân Ali Baksh đứng trên một bờ kè ngăn cách ông với dòng nước hung hãn, đưa tay chỉ về phía xa, nơi một tháng trước vẫn là những cánh đồng lúa mì bạt ngàn mà nguyên nhân là khi sông Indus vỡ bờ, nó đã tạo ra một cái hồ dài 100km, chỗ rộng nhất cũng phải 60km. Sau lưng Ali Baksh là những lán trại tạm bợ với hơn 2.000 người đã kịp chạy đến. Ông nói: “Lúc chưa có mưa, cây trồng thiếu nước trầm trọng. Chúng tôi đã cầu nguyện trời mưa. Nhưng khi mưa xuống, chúng tôi trở thành vô gia cư vì tất cả chẳng còn gì nữa. Đường sá, trang trại, nhà cửa, bò, dê, cừu…, bây giờ là biển!”.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong chuyến thăm Pakistan hồi cuối tuần trước cho biết: “Tôi đã chứng kiến nhiều thảm họa nhân đạo trên thế giới nhưng chưa bao giờ thấy thảm họa nào ở quy mô này. Tôi chỉ đơn giản là chẳng có từ nào để diễn tả những gì ngày hôm nay tôi đã thấy”. Theo các chuyên gia khí hậu của Liên Hợp Quốc, chỉ trong vài tuần, riêng tỉnh Sindh đã nhận được một lượng mưa nhiều hơn 464% so với mức trung bình của 30 năm qua, cộng với các sông băng tan chảy với tốc độ rất nhanh, đã kết hợp với nhau để hình thành những cơn “siêu lũ”, cuốn trôi 90% hoa màu ở Sindh.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Pakistan phải hứng chịu thảm họa do biến đổi khí hậu mặc dù trong một hội nghị về môi trường do Liên Hợp Quốc tổ chức, các chuyên gia đã xác định “Pakistan chỉ tạo ra ít hơn 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, một con số cực nhỏ so với những quốc gia công nghiệp. Năm 2010, Pakistan đã gặp phải một đợt lũ lụt thảm khốc với 400.000 mét khối nước chảy qua một điểm trong 1 giây, đổ xuống chiều dài của sông Indus; nhưng năm nay, nó có thể là 700.000 mét khối, một con số kỷ lục! Vào thời điểm đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là ông Ban Ki-moon cho biết quy mô lũ lụt mà Pakistan phải chịu đựng lớn hơn bất cứ điều gì ông từng thấy. Ông nói: “Đừng nhầm! Đây chính là thảm họa toàn cầu. Pakistan đang đối mặt với một cơn sóng thần chuyển động chậm. Sức mạnh hủy diệt của nó sẽ tích tụ và lớn dần theo thời gian”.
2. Ngay khi những cơn mưa vẫn đang trút xuống và nước vẫn dâng lên, người dân Pakistan bắt đầu đối mặt với cái đói và một số bệnh truyền nhiễm. Falaknaz Asfandyar, người đã lập ra một đoàn xe cứu trợ sau khi quyên góp được 28.000USD để mua bột mì, dầu ăn, muối, đường và nước đóng chai, cho biết: “Điểm đến của chúng tôi là Bahrain, một khu vực dân cư bị cô lập vì nước lũ, nằm trong một thung lũng miền núi ở phía bắc Pakistan. Tuy nhiên khi đến thị trấn Madyan, sự xuất hiện của 3 chiếc xe tải đã thu hút hàng trăm nạn nhân lũ lụt. Họ yêu cầu chúng tôi phải giao thực phẩm cho họ vì họ đang chết đói…”. Một trong những nạn nhân này là một người đàn ông, đã cố đưa cái điện thoại vào tận mặt Falaknaz để cô có thể thấy rõ những hình ảnh về trận lụt và về mấy đứa bé cả trai lẫn gái chỉ còn da bọc xương. Anh ta nói trong nước mắt: “Chúng tôi chẳng còn gì để ăn, ngay cả cỏ”.
Theo Falaknaz, khi cô chưa biết phải giải quyết ra sao trong lúc số nạn nhân kéo đến càng lúc càng nhiều và có người đã có những cử chỉ manh động thì may mắn thay, một chiếc bán tải với bốn cảnh sát vũ trang đã đến, hộ tống 3 xe cứu trợ thoát khỏi đám đông. Falaknaz nói: “Không phải là chúng tôi không muốn giúp họ nhưng những nạn nhân ở Bahrain đang lâm vào tình cảnh ngặt nghèo hơn họ rất nhiều và đã có 10 trẻ em chết đói”.
Mất 4 tiếng đồng hồ, đoàn xe của Falaknaz mới vào được Bahrain dù đoạn đường chỉ dài 60km. Tất cả các cây cầu bắc qua sông đều hư hỏng nặng đến nỗi một tài xế đã nói: “Vượt qua được những cây cầu ấy, tôi xứng đáng nhận giải vô địch lái xe địa hình”. Cơ sở hạ tầng duy nhất dường như không bị hư hại là đập thủy điện Daral-Khwar 37 megawatt hoàn thành vào năm ngoái. Quá trình phân phát hàng cứu trợ cũng gặp nhiều rắc rối. Hơn 300 gia đình nạn nhân lũ lụt tập trung trên đường ray xe lửa, là chỗ tương đối còn khô ráo bắt đầu nổi giận khi thấy các viên chức địa phương làm việc một cách rề rà. Xa hơn khoảng 10 mét về phía đường ray, nhiều người đứng trên mái nhà của họ còn nhô lên khỏi mặt nước hét lớn vì sao họ lại không được ưu tiên nhận hàng cứu trợ. Những cuộc đấu khẩu nổ ra giữa các viên chức và người dân càng lúc càng gay gắt.
Nông dân Bashir nói với Falaknaz: “Một trong những khía cạnh của sự trầm trọng là khi Chính phủ Pakistan giao nhiệm vụ cho các quan chức địa phương quản lý hoạt động cứu trợ nạn nhân lũ lụt và khi tôi tiếp cận với một người trong số này, tôi được thông báo rằng tên tôi sẽ chỉ có trong danh sách nếu tôi chịu nộp 10.000 rupee Pakistan (khoảng 60USD). Thế nhưng sau khi trả tiền thuê đất cho Leghari, một điền chủ ở Baloch, thu nhập của tôi chỉ đủ để nuôi sống gia đình nên tôi không thể lo được số tiền đó, Mà nếu không có 10.000 rupee, tôi sẽ không được cứu trợ”.
Vài phút sau, đám đông vượt qua hàng rào lập ra bởi những dân quân, bất chấp những phát súng chỉ thiên. Một chỉ huy dân quân nói: “Nếu họ vẫn cứ xông vào, chúng tôi sẽ không ngăn được họ”. Sự hung hãn của những người sắp chết đói dữ dội đến mức dân quân phải đưa Falaknaz và những thành viên trong đoàn cứu trợ của cô vào một phòng riêng rồi đóng kín cửa lại trong lúc bên ngoài, dân quân được sự hỗ trợ của cảnh sát, cố gắng lắm mới lập lại trật tự. Sajid Akber, lữ đoàn trưởng một lữ đoàn thuộc quân đội Pakistan được đến cử đến Bahrain để chỉ huy công việc cứu trợ cho biết ông đã bay đến Kalam, một điểm nóng về du lịch ở thung lũng Bahrain bằng trực thăng: “Như một cảnh trong phim thảm họa Holywood, hơn 5.000 khách du lịch tràn vào bãi cỏ, nơi trực thăng đáp xuống để cầu xin được sơ tán”.
Bên cạnh đó, còn có khoảng 1.200 bệnh nhân bao gồm phụ nữ mang thai và những người cần điều trị y tế phức tạp, phải được đưa bằng trực thăng đến trung tâm hoạt động cứu trợ của quân đội ở Kanju; nhưng điều đó chỉ là một mảnh ghép nhỏ nếu so với nhu cầu của 84.000 cư dân tại 83 ngôi làng trong 3 thung lũng biệt lập ở Kalam. Chưa hết, còn 50.000 người khác ở 42 ngôi làng giữa Bahrain và Kalam cũng bị lũ lụt chia cắt và cũng rất cần được cứu trợ.
3. Cho đến nay, nhiều quốc gia và các tổ chức nhân đạo trên thế giới đã và đang tích cực tiến hành những chương trình cứu trợ quy mô cho nạn nhân lũ lụt ở Pakistan. Nhưng với 7.000km đường sá và 500 cây cầu bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng vì nước lũ, đã khiến thuốc men, lương thực, lều bạt…, phải mất một thời gian mới đến tay người nhận. Lữ đoàn trưởng Sajid Akber nói, cách duy nhất là dùng trực thăng nhưng không phải chỗ nào cũng đáp xuống được. Chủ nhật tuần trước, quân đội đã tiếp cận khoảng một nửa số ngôi làng ở Kalam. Gần 5 tiếng đồng hồ, những người lính phải lần dò từng bước trên những đường mòn trơn trượt đổ nát cùng với những con la và các và tình nguyện viên địa phương, mang thực phẩm cho nạn nhân.
Bên cạnh đó, quân đội cũng thiết lập một bệnh viện dã chiến để điều trị cho những người bị thương. Một bác sĩ đã nghỉ hưu cho biết: “Rất nhiều trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy, kiết lỵ và ghẻ lở, chưa kể đa số trẻ em đều suy dinh dưỡng. Chúng tôi đang hết sức cố gắng nhưng chắc chắn là chưa đủ vì nhiều người bệnh cần được chuyển đến các bệnh viên có đầy đủ phương tiện hơn”.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hơn 33 triệu người Pakistan bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, chưa kể dịch tả và các bệnh về đường tiêu hóa vì không có nước sạch. Ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, Pakistan với 230 triệu dân, là quốc gia xếp hàng thứ 5 trên thế giới về dân số đã được Liên Hợp Quốc cảnh báo “43% người Pakistan không bảo đảm an toàn lương thực”.
Majid Ali Bughio, 30 tuổi cùng 20 thành viên trong gia đình ngồi túm tụm trên một mô đất chơ vơ giữa dòng nước nói với nhân viên cứu trợ khi chiếc xuồng máy của họ tiếp cận ông: “Thoạt đầu, chúng tôi định chạy về Karachi vì nhiều khu vực của quận Dadu và Badin đã ngập trắng. Nhưng vì nước lên nhanh quá, không ai có thể đi được. Bây giờ chúng tôi cần thức ăn, nước uống, thuốc men và trợ giúp khẩn cấp để thoát khỏi nơi này vì ai biết được là nước có còn dâng lên nữa hay không”. Các nhân viên cứu trợ cho biết hơn 70% dân số ở thành phố Khairpur Nathan Shah vốn rất sầm uất đã di tản. Những nơi trước kia là chợ, là cửa hàng, phố xá, bệnh viện, trường học, công viên, sân vận động thì bây giờ nhìn đâu cũng chỉ thấy nước.
Theo đánh giá của Chính phủ Pakistan, phải mất nhiều năm nữa quốc gia này mới có thể khôi phục lại các cơ sở hạ tầng với điều kiện nguồn lực vật chất có đủ, dự kiến là khoảng 30 tỉ USD. Trước mắt, Thủ tướng Shebaz Sharif cho biết chính phủ đang cân nhắc việc nhập khẩu lúa mì để đề phòng nạn đói đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế vào thời điểm mà ông nói là “khó khăn nhất trong lịch sử quốc gia”. Theo Liên Hợp Quốc, tổ chức toàn cầu này đã kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho Pakistan 160 triệu USD để giải quyết những vấn đề trước mắt nhằm giảm thiểu tử vong, bệnh tật ở những vùng ngập lụt nặng nề.
Nông dân Admad Hasan, 38 tuổi ở Khairpur Nathan Shah, ông cho biết “không thể hiểu vì sao người ta có thể tài trợ đến 80 triệu USD cho một sự kiện thể thao trong lúc ở Pakistan, chúng tôi đang cầu xin từng ổ bánh mì, từng chai nước sạch, từng viên thuốc”. Ông nói: “Những cánh đồng lúa mì mênh mông trước đây phải đi bằng máy cày nếu muốn đi hết thì bây giờ phải đi bằng thuyền. Chúng tôi vừa chết đói, vừa chết vì lũ lụt”….