Nhìn lại kế hoạch hòa bình của Trung Quốc ở Gaza

Thứ Hai, 21/04/2025, 07:08

Tuyên bố Bắc Kinh về thống nhất Palestine, sáng kiến hòa giải đầy tham vọng của Trung Quốc, từng được xem là chương mới đầy táo bạo trong hành trình kéo dài nhằm tìm kiếm sự hòa giải giữa các phe phái Palestine. Thế nhưng, khi cuộc xung đột Israel - Palestine leo thang tàn khốc trở lại, vai trò quyết đoán ban đầu của Bắc Kinh dường như đã phai nhạt. Giờ thì sao?

Nỗ lực đột phá

Tháng 7/2024, Trung Quốc đã thể hiện nỗ lực ngoại giao nổi bật khi quy tụ được 14 phe phái Palestine vốn mâu thuẫn sâu sắc - một bước đi gây được tiếng vang không chỉ với giới lãnh đạo Palestine mà còn với các cường quốc trong khu vực. Các phái đoàn từ Ai Cập, Algeria, Saudi Arabia, Qatar, Jordan, Syria, Lebanon, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung tại Bắc Kinh để chứng kiến lễ ký kết, đánh dấu vai trò gia tăng của Trung Quốc như một cường quốc trung gian tiềm năng.

Tuyên bố Bắc Kinh đặt ra lộ trình 3 bước đầy tham vọng: Bước đầu thiết lập một lệnh ngừng bắn bền vững để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza. Bước 2 là thành lập chính quyền hòa giải lâm thời nhằm đảm bảo quyền tự trị của người Palestine. Và, bước cuối là nối lại nỗ lực để Palestine được công nhận là thành viên chính thức của Liên hợp quốc như một phần của giải pháp hai nhà nước.

Nhìn lại kế hoạch hòa bình của Trung Quốc ở Gaza -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đại diện phái đoàn Arab tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Arab, tháng 5/2024.

Tuy nhiên, dù là một văn kiện mang tính đột phá, bản tuyên bố Bắc Kinh lại không đưa ra được mốc thời gian cụ thể, khuôn khổ thể chế rõ ràng hay cơ chế thực thi ràng buộc cần thiết cho các mục tiêu nói trên. Khi xung đột tiếp tục leo thang trong những tháng sau đó, những điểm yếu này ngày càng bộc lộ rõ. Sự thiếu vắng những cam kết cụ thể khiến nhiều bên trong khu vực nghi ngờ tính khả thi trong việc hiện thực hóa tuyên bố thành giải pháp lâu dài. Việc Bắc Kinh rút khỏi vai trò trung gian gần đây không chỉ cho thấy bước điều chỉnh thận trọng trước các rủi ro leo thang mà còn phơi bày những giới hạn của sáng kiến ngoại giao ban đầu.

Thách thức của vai trò hòa giải

Nhiều yếu tố đan xen đã khiến Trung Quốc thận trọng rút khỏi vai trò trung gian trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Cốt lõi của vấn đề nằm ở bài toán kinh điển về chi phí - lợi ích: Đảm nhận vai trò dẫn đầu trong việc hòa giải một cuộc xung đột đầy biến động sẽ kéo theo những rủi ro lớn. Không giống Mỹ, quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Israel và mạng lưới hiện diện sâu sắc trên thực địa, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực vẫn còn tương đối hạn chế. Việc chưa đủ kinh nghiệm thực tế và mạng lưới tiếp xúc với các bên chủ chốt khiến Bắc Kinh buộc phải theo đuổi cách tiếp cận thận trọng hơn, tránh rủi ro.

Lập trường thận trọng này còn được thể hiển rõ qua những lời chỉ trích ngầm mà Trung Quốc dành cho chính sách của Mỹ tại khu vực. Phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế với đề xuất tái thiết gây tranh cãi dưới thời Tổng thống Donald Trump (dự án “tái thiết bất động sản”  được gọi là Riviera Trung Đông) càng khiến dư luận cho rằng Washington thiên vị và thiếu hiệu quả trong vai trò hòa giải.

Ngược lại, lập trường không liên kết lâu nay cùng quan điểm ủng hộ Palestine của Trung Quốc giúp nước này được xem là một bên trung gian tương đối trung lập. Tuy nhiên, ưu thế này cần phải có thêm những hành động mang tính thực chất trên thực địa. Chính sự chưa rõ ràng trong Tuyên bố Bắc Kinh - thiếu đi các mốc thời gian cụ thể và cơ chế thể chế rõ ràng - đã tạo nên cảm nhận về sự trì trệ. Trong một môi trường mà bất kỳ sai lầm ngoại giao nào cũng có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc, việc Trung Quốc ưu tiên hạ nhiệt căng thẳng hơn là can thiệp mạnh mẽ là điều dễ hiểu, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội dẫn dắt một tiến trình hòa bình toàn diện.

Nhìn lại kế hoạch hòa bình của Trung Quốc ở Gaza -0
Thảm họa nhân đạo ở Gaza vẫn chưa thể chấm dứt.

Cơ hội để tái định hình

Dù đối mặt với vô vàn thách thức, không nên vội gạt bỏ hoàn toàn các nỗ lực trung gian của Trung Quốc. Uy tín của Bắc Kinh với tư cách một bên trung lập tương đối - không bị vướng vào các di sản thuộc địa hay lợi ích cốt lõi như nhiều cường quốc phương Tây - vẫn là một lợi thế đáng kể. Tại một khu vực mà sự khách quan hiếm khi hiện hữu, lập trường ủng hộ Palestine lâu dài và nhấn mạnh vào đối thoại nội bộ Palestine của Bắc Kinh vẫn nhận được sự hưởng ứng từ cả khu vực và quốc tế.

Thay vì cố gắng đóng vai trò kiến trúc sư duy nhất của tiến trình hòa bình, Bắc Kinh có thể hợp tác với các nhà hòa giải có kinh nghiệm từ thế giới Arab, Mỹ và châu Âu. Một cơ chế đa phương như vậy sẽ cho phép Trung Quốc phát huy những điểm mạnh riêng - uy tín đạo đức, sức mạnh kinh tế ngày càng tăng và cam kết không liên kết - trong khi giảm thiểu rủi ro khi can dự trực tiếp vào một cuộc xung đột.

Cơ chế vận động cho một khuôn khổ hòa giải mở rộng, không chỉ gồm nhóm bộ tứ truyền thống (Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga), mà còn có sự tham gia của các cường quốc trong khu vực mới nổi như Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập có thể coi là một biện pháp hữu hiệu. Thông qua việc tạo ra một nền tảng đối thoại thường xuyên và phối hợp hành động, Bắc Kinh có thể góp phần đồng bộ hóa các nỗ lực ngoại giao đa dạng, bảo đảm rằng ưu tiên nhân đạo - như cung cấp viện trợ và tái thiết Gaza - vẫn là trọng tâm của tiến trình hòa bình.

Điều quan trọng là phải cân bằng được giữa việc giữ vững lập trường nguyên tắc và tránh rơi vào tình trạng cứng nhắc về mặt ý thức hệ. Việc liên tục nhấn mạnh đối thoại và hòa giải nội bộ Palestine là nhằm trao quyền cho người Palestine tự quyết định tương lai của mình. Nhưng, nếu không có cơ chế vận hành cụ thể, tuyên bố mang tính đạo lý cao đẹp ấy dễ bị xem là tượng trưng hơn là thực chất.

Để vượt qua thách thức này, Trung Quốc cần hành động nhiều hơn thay vì chỉ đưa ra những phát biểu mang tính khái quát, đồng thời bắt đầu xây dựng một kế hoạch hòa bình cụ thể, khả thi - kết hợp giữa ngoại giao, nhân đạo và phát triển - thành một khuôn khổ nhất quán.

Bối cảnh toàn cầu hiện tại càng cho thấy nhu cầu về cách tiếp cận tích hợp như vậy. Khi ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông suy giảm, cộng đồng khu vực ngày càng nghi ngờ tính khách quan của Washington và các đề xuất chính sách gây tranh cãi của họ, những mô hình hòa giải thay thế đang dần thu hút sự chú ý. Nếu được điều chỉnh và tái khởi động đúng cách, các nỗ lực của Bắc Kinh có thể mang lại một mô hình xây dựng hòa bình mới - mô hình đề cao tính đa cực, tôn trọng tính nhạy cảm của khu vực và đặt ưu tiên cho hạ nhiệt căng thẳng và tái thiết. 

Ngọc Lan
.
.