Nhìn từ Hội nghị An ninh Munich 2024

Thứ Hai, 26/02/2024, 10:55

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 được tổ chức tại Munich, Đức từ ngày 16 đến 18/2. Như những năm trước, ban tổ chức đã công bố Báo cáo An ninh Munich năm 2024 trước thềm hội nghị, với mục đích ảnh hưởng, thậm chí là định hướng các cuộc thảo luận tại MSC lần này.

Lo lắng

Kể từ năm 2020, các báo cáo của MSC nhìn chung đều thể hiện quan điểm bi quan, chẳng hạn như chủ đề “Mất tính phương Tây” (Westlessness) hay ảnh hưởng của phương Tây suy yếu trong báo cáo năm 2020, chủ đề “Thoát khỏi sự bất lực” (Unlearning Helplessness) trong báo cáo năm 2022, chủ đề “Chủ nghĩa xét lại” trong báo cáo năm 2023 và chủ đề “Cùng thua” trong báo cáo năm 2024 đều phản ánh sự xem xét lại của giới tinh hoa phương Tây đối với tình hình và những thay đổi quốc tế hiện nay, cũng như sự cảnh báo và lo lắng đối với vị thế của phương Tây đang suy giảm. Báo cáo năm nay cho thấy, giới tinh hoa phương Tây đang dần mất niềm tin vào tương lai của mô hình phương Tây và ngày càng lo lắng về sự suy tàn của mình.

1.jpg -0
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại MSC 2024.

Báo cáo năm nay nhiều lần trích dẫn Chỉ số an ninh Munich dựa trên số liệu từ các cuộc thăm dò đối với 12.000 người đến từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), BRICS (trừ Nga) và Ukraine. Các cuộc thăm dò dư luận này cho thấy đại đa phần người dân ở các nước G7 đều cho rằng sau 10 năm nữa, đất nước của họ sẽ trở nên ít an toàn và thịnh vượng hơn. So sánh với cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Trung Quốc và các nước Nam bán cầu, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng đất nước của họ sẽ an toàn hơn trong 10 năm tới. Người dân ở các nước G7 cho rằng, trong 10 năm tới, Trung Quốc và các nước Nam bán cầu sẽ trở nên hùng mạnh hơn, trong khi quốc gia phương Tây sẽ tăng trưởng trì trệ, thậm chí rơi vào suy thoái.

Điều khiến giới tinh hoa phương Tây lo lắng hơn là các cuộc thăm dò dư luận còn cho thấy tầm quan trọng của xung đột Nga - Ukraine đối với nguy cơ an ninh của nhiều quốc gia đang suy giảm đáng kể. So với việc người dân các nước G7 đều coi Nga là rủi ro an ninh hàng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận năm 2023, năm 2024 chỉ có những người được hỏi ở Anh và Nhật Bản mới có quan điểm này, trong khi người dân Đức lại xếp Nga là rủi ro an ninh thứ 7 và Italy là thứ 12. Qua đó để thấy tâm lý chán nản của người dân châu Âu đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Xét lại

Về những khó khăn hiện nay, bản báo cáo cũng tiến hành xem xét lại sâu sắc, trong đó chỉ ra rằng trong tình hình quốc tế hiện nay, chính phủ nhiều nước đang cân nhắc lại hợp tác quốc tế và chú ý hơn đến tính mong manh của việc phụ thuộc lẫn nhau và ai sẽ được hưởng lợi trong quá trình hợp tác. Tuy nhiên, việc tập trung quá mức vào lợi ích tương đối có thể làm suy yếu lợi ích tuyệt đối của hợp tác và dẫn tới sự sụp đổ của trật tự toàn cầu, đi đến cục diện “cùng thua”.

2.jpeg -0
2b.jpg -1
Đã có nhiều cuộc tranh luận gay gắt tại MSC 2024, thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Liên quan đến việc các nước quá chú trọng đến an ninh kinh tế, báo cáo cho rằng, mặc dù hiện đang tồn tại nguy cơ bị các đối thủ địa chính trị thực hiện chính sách gây sức ép kinh tế, nhưng cũng tồn tại nguy cơ phải trả cái giá rất lớn cho sự phân mảnh và chia rẽ... Các chính sách an ninh kinh tế có thể phát triển thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, điều này không chỉ phá vỡ hệ thống thương mại đa phương, mà còn có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Các mối quan hệ lỏng lẻo, hời hợt cũng có thể loại bỏ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, nhưng trong lịch sử mối quan hệ này lại thường có thể giúp cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa các đối thủ cạnh tranh.

Về hiện tượng liên minh giữa các nước, báo cáo nêu rõ: “Các quốc gia cùng chung chí hướng chọn thành lập các liên minh hẹp hơn, chẳng hạn như Đối thoại an ninh 4 bên (Bộ tứ) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ hay Quan hệ an ninh 3 bên (AUKUS) gồm Mỹ, Anh và Australia theo đuổi các mục tiêu chính trị của riêng mình. Cách tiếp cận nhỏ hẹp hơn đối với hợp tác khu vực này mang lại sự linh hoạt trong một số vấn đề nhất định, nhưng có thể sẽ cản trở các quốc gia hợp tác trong các vấn đề cần liên minh rộng rãi hơn, chẳng hạn như vấn đề khí hậu hoặc kiểm soát vũ khí”.

Đề cập đến công nghệ xanh, báo cáo mượn sự chỉ trích ngầm của các chuyên gia phân tích, cho rằng: “Việc quá tập trung vào chuyển dịch ngành nghề mà không tận dụng quan hệ đối tác hợp tác và thương mại, ít nhất là trong trung và ngắn hạn, có thể làm cho giá công nghệ xanh cao hơn và tốc độ quảng bá chậm hơn. Đồng thời, Liên minh châu Âu (EU) sẽ khó có thể cắt đứt quan hệ với Trung Quốc cho đến khi tìm được nguồn nguyên liệu thô quan trọng thay thế”.

Trong phần công nghệ mới, báo cáo thậm chí còn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả chính sách của các nước phương Tây khi thực hiện “giảm thiểu rủi ro” thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Do việc “giảm thiểu rủi ro” khiến chi phí kinh tế tăng cao và gần như không thể tách rời hoàn toàn khỏi các đối thủ cạnh tranh chiến lược trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, nên các quốc gia vừa phải quản lý rủi ro, vừa phải tiếp tục hợp tác với tất cả các bên trong chuỗi cung ứng.

Cùng thua?

Tất cả những điều trên đều phản ánh sự xem xét lại sâu sắc của giới tinh hoa châu Âu trong bối cảnh giao thời và bắt đầu hoài nghi về môi trường an ninh của họ: Liệu cách tiếp cận “một mất một còn và được mất ngang nhau” trước đó có còn phù hợp không? Có thực sự mang lại lợi ích cho chính họ không? Sự hoài nghi này vẫn có thể coi là sự xem xét có lý trí và tiến bộ hiếm có.

3.jpg -0
3b.jpg -1
Bên ngoài khách sạn thành phố Munich, nơi diễn ra MSC 2024.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng phản ánh tâm lý mâu thuẫn trong giới chính sách và học thuật phương Tây. Một mặt, nó nhận định cuộc đọ sức được mất ngang nhau không thể phù hợp với thế giới tương lai. Thật khó để tưởng tượng một thế giới bị chia năm xẻ bảy và cạnh tranh không ngừng leo thang làm thế nào để có thể thực hiện được các mục tiêu về phát triển và khí hậu, thúc đẩy giải quyết xung đột bằng giải pháp hòa bình cũng như ngăn chặn một đại dịch toàn cầu khác. Vì vậy, cần phải thông qua hợp tác toàn cầu mới có thể giải quyết các vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực...

Mặt khác, báo cáo kiên trì tư duy được mất ngang nhau khi phân biệt các quốc gia Đại Tây Dương và các quốc gia cùng chung chí hướng với các quốc gia khác, đồng thời nhấn mạnh chỉ có trật tự của họ mới có thể khiến cộng đồng quốc tế phát triển mạnh mẽ.

Ví dụ, báo cáo đề xuất các đối tác xuyên Đại Tây Dương không những cần phải duy trì sự hợp tác dựa trên niềm tin giữa các quốc gia cùng chung chí hướng, mà còn phải nỗ lực vạch ra giới hạn cảnh báo cạnh tranh với những kẻ thách thức, tìm ra các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi với các đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu mới để đảm bảo có được lợi ích mang tính bao trùm hơn, tiếp tục vạch ra ranh giới bằng ý thức hệ và lôi kéo các liên minh có cùng quan niệm giá trị. Kiểu chia bè kết phái, tách bạch bạn - thù này mới là nguyên nhân sâu xa khiến dẫn đến nhiều vấn đề toàn cầu được đề cập trong báo cáo.

Khi đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách, báo cáo nhiều lần đề cập đến việc khó có thể đạt được sự cân bằng, đồng thời các khuyến nghị được đưa ra cũng rất mơ hồ và mâu thuẫn. Ví dụ, báo cáo đề xuất các đối tác xuyên Đại Tây Dương cần đạt được sự cân bằng giữa cạnh tranh vì lợi ích tương đối với hợp tác để thực hiện lợi ích tuyệt đối toàn diện; các nhà hoạch định chính sách cần cân bằng giữa các vấn đề liên quan đến an ninh với việc giảm thiểu hậu quả của quá trình chống toàn cầu hóa, các nhà hoạch định cần thận trọng, tránh mở rộng quá mức các định nghĩa liên quan đến an ninh.

4.jpg -0
Binh lính NATO diễu hành tại Lithuania trong lễ khởi động của các quốc gia vùng Baltic trước thềm MSC 2024.

Tuy nhiên, việc phân biệt các sản phẩm lưỡng dụng có rủi ro cao với các sản phẩm chủ yếu sử dụng cho một mục đích và xác định được điểm nguy hiểm quan trọng trong chuỗi cung ứng phức tạp có thể gặp rất nhiều khó khăn; các nhà hoạch định chính sách cần phải cân bằng giữa việc tăng cường các ngành công nghiệp xanh trong nước với nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác quốc tế, tạo ra sự cân bằng giữa giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của việc vũ khí hóa công nghệ sạch với hợp tác thiết thực để đạt được các mục tiêu khử carbon.

Không khó để hình dung rằng nhóm lợi ích gồm các quốc gia đối tác xuyên Đại Tây Dương và các quốc gia cùng chung chí hướng được nêu trong báo cáo phải trả cái giá và tổn thất nhất định để theo đuổi lợi ích tương đối và ưu thế tuyệt đối. Những điều này sẽ làm suy yếu an ninh, thịnh vượng và ổn định toàn cầu, cuối cùng sẽ tác dụng trở lại nhóm lợi ích này. Với sự ràng buộc của kiểu tư duy này, báo cáo đương nhiên khó có thể đưa ra được giải pháp tốt.

Báo cáo lấy “cùng thua” làm chủ đề, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn hiện nay, tất cả các quốc gia đều muốn trở thành bên chiến thắng và thành công hơn các quốc gia khác, nhưng ngày càng nhiều quốc gia cuối cùng lại rơi vào tình thế cùng thua. Tình thế này không chỉ còn là chuyện ai được hưởng lợi nhiều hơn mà là ai tổn thất ít hơn. Điều này phản ánh tư duy xét lại và sự quan ngại sâu sắc của giới tinh hoa châu Âu về tình hình và những thay đổi quốc tế hiện nay. MSC 2024 có 2 ngày tranh luận gay gắt và thảo luận chuyên sâu về những vấn đề này. Tuy nhiên, do vẫn vạch ra các ranh giới bằng ý thức hệ và bị chi phối tư duy bạn - thù nên MSC chưa thể đưa ra các giải pháp tốt hơn cho thế giới lần này.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.