Nhìn từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Chiến tranh Ukraine bước sang tháng thứ 10. Nga tuyên bố tin tưởng vào thắng lợi trong khi phương Tây tiếp tục bơm khí tài cho Kiev. Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ nảy sinh một khi mối tương quan lực lượng được nhận thấy là ổn định trên bình diện quân sự, nghĩa là đôi bên phải đạt được các mục tiêu của cuộc chiến. Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến tiêu hao này sẽ kéo dài đến khi nào?
Một trong những điểm nóng xung đột giữa Nga-Ukraine hiện nay gây sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế là nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Các vụ ném bom liên tiếp vào nhà máy điện hạt nhân này đã làm tăng khả năng xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng chỉ cách 500km so với địa điểm xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, thảm họa Chornobyl năm 1986. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiều lần bày tỏ lo ngại về vụ đánh bom nhà máy, đã đề xuất thành lập một khu bảo vệ an ninh hạt nhân xung quanh nơi này. Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng VVER-1000 V-320 do Liên Xô (cũ) thiết kế, được làm mát và điều tiết bằng nước có chứa uranium-235, có chu kỳ bán rã hơn 700 triệu năm. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1980 và lò phản ứng thứ 6 của nhà máy được kết nối với lưới điện vào năm 1995. 6 lò phản ứng hiện đã ngừng hoạt động sau khi lò phản ứng số 6 bị ngắt kết nối ngày 12/9/2022. Ngày 24/2/2022, sau khi tấn công Ukraine, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào đầu tháng 3. Các đơn vị quân đội đặc biệt bảo vệ cơ sở này và các chuyên gia hạt nhân của Nga có mặt tại đây.
Nhân viên Ukraine tiếp tục giúp vận hành nhà máy. Sau khi sáp nhập một phần lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả khu vực đặt nhà máy điện hạt nhân, ngày 5-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh chính thức hóa quyền kiểm soát của Nga đối với nhà máy này. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây giao tranh giữa Nga và Ukraine xung quanh nhà máy này vẫn diễn ra ác liệt.
Viện trợ… ‘’sắt vụn”?
Sau 9 tháng chiến tranh, câu hỏi đặt ra là liệu hai bên đã hết đạn để bắn? Theo các chuyên gia quân sự, trong giai đoạn cao điểm vào mùa hè, Nga đã bắn đi 60.000 quả đạn pháo mỗi ngày, Ukraine 20.000 quả. Sau đó con số này giảm xuống còn 20.000 một ngày phía Nga và 7.000 phía Ukraine. Trang web Oryx chuyên đếm số vũ khí bị phá hủy của mỗi bên dựa theo bằng chứng video, ước lượng quân đội Nga đã mất trên 1.500 xe tăng kể từ ngày 24/2, tức phân nửa số xe đang hoạt động. Để giúp Kiev đối phó với những trận bão lửa của Nga, phương Tây đã mở kho vũ khí, đứng đầu là Mỹ, chiếm 2/3. Lầu Năm Góc đã chuyển giao trên 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine. Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự hơn 20 tỷ USD cho Ukraine và sẽ tiếp tục giúp đỡ Kiev. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói điều này trong một cuộc họp báo ở Indonesia nhân cuộc họp G20. Ngày 10/11, Lầu Năm Góc công bố khoản “hỗ trợ an ninh” mới trị giá 400 triệu USD. Tổng thống Mỹ có quyền gửi vũ khí cho Ukraine mà không cần Quốc hội thông qua luật đặc biệt. Về vũ khí cơ động, Ukraine đã nhận gần 50.000 tên lửa chống tăng trong đó có 8.500 Javelin. Bên cạnh đó còn có khoảng 1.600 tên lửa phòng không Stinger, 3.000 drone Switchblade, Phoenix Ghost. Nhà nghiên cứu Mark Cancian của CSIS ước lượng một số dự trữ vũ khí của Mỹ đã xuống đến mức tối thiểu cần thiết cho chiến tranh và huấn luyện. Mỹ đã chuyển cho Kiev 2/3 số tên lửa Javelin và Stinger. Báo cáo của Center for a New American Security (CNAS) ngày 17/11 cho biết: “Để giúp Ukraine, Mỹ đã tận dụng lượng vũ khí thiết yếu của mình”.
Tuy nhiên, có một điều ít ai biết được rằng nhiều trong số vũ khí Mỹ tài trợ hoặc bán cho Ukraine với giá ưu đãi có từ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Theo tờ Observateur Continental, khi Mỹ chuyển hàng đống “sắt vụn” từ thời Chiến tranh Việt Nam sang Ukraine, tiềm lực vũ khí của các nước NATO và ngành công nghiệp quân sự Mỹ sẽ được thay máu mới. Ban đầu, bằng chứng về việc Mỹ giao các loại vũ khí đã lỗi thời và không thể hoạt động được sang Ukraine là rất nhiều. Sau đó, Kiev cấm các phương tiện truyền thông đưa tin làm mất uy tín “viện trợ” của phương Tây và bằng chứng đó bắt đầu biến mất. Ngày 10/11, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, một lô hàng mới đã được gửi tới Ukraine, bao gồm 4 hệ thống phòng không Avenger, tên lửa phòng không Hawk, Stinger...
Các chuyên gia vũ khí độc lập được Observateur Continental tham vấn cho biết tên lửa Hawk mà Mỹ cấp cho Ukraine là mẫu năm 1960 và không còn khả năng nâng cấp, nhưng tên lửa này vẫn được sử dụng (ở Ukraine và một số nước NATO Đông Âu, như Romania). Tên lửa được đưa ra khỏi kho, sửa chữa bằng nguồn vốn từ USAI (Sáng kiến ủng hộ an ninh Ukraine), lắp đặt trên tên lửa Hawk MIM-23 (Tây Ban Nha bàn giao cho Ukraine) và được gửi cho quân đội Ukraine dưới dạng viện trợ quân sự. Hệ thống phòng không Avenger bắn tên lửa Stinger ra đời từ những năm 1980, từ sự hợp tác giữa hai tập đoàn Boeing Aerospace Company và General Electric. Loại vũ khí này cũng không còn khả năng hiện đại hóa, nhưng nó được lắp đặt trên xe Humvee để tạo ra một loại bệ phóng tên lửa di động.
Nguy cơ vũ khí tài trợ rơi vào tay khủng bố
Giới tinh hoa phương Tây bắt đầu thảo luận về tương lai của số vũ khí được bàn giao cho chính quyền Kiev, đặc biệt những vũ khí này có nguy cơ sẽ rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Graeme Biggar, người đứng đầu Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia ở Anh (NCA) cảnh báo, vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine để chống lại Nga có thể rơi vào tay các băng nhóm tội phạm hoặc khủng bố, kể cả ở Anh.
Ngoài Mỹ, ngày 21/11, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: “Ủy ban châu Âu đang phân bổ thêm 2,5 tỷ euro cho Ukraine”. Bà nói thêm: “Chúng tôi đang lên kế hoạch bổ sung thêm 18 tỷ euro cho nước này vào năm 2023 với nguồn tiền được giải ngân thường xuyên, để phục vụ các hoạt động sửa chữa khẩn cấp và phục hồi nhanh chóng hướng đến mục tiêu tái thiết Ukraine thành công”. Các khoản tiền được công bố là một phần của kế hoạch hỗ trợ tài chính vĩ mô trị giá 9 tỷ euro của EU cho năm nay. Ukraine dự kiến sẽ nhận được thêm 500 triệu euro vào tháng 12. Hơn nữa, vào đầu năm 2023, Ukraine dự kiến sẽ được chi tới 3 tỷ euro. Khoản tiền này sẽ là một phần của gói 18 tỷ euro cho năm 2023.
Theo tờ La Croix của Pháp, công nghiệp quốc phòng Nga cũng đang hụt hơi, khó thể theo kịp nhịp độ cuộc chiến, nhất là khi đang bị phương Tây trừng phạt. Quân đội Nga đứng trước vô vàn khó khăn về hậu cần, không thể trong ngày một ngày hai trang bị được cho cả trăm ngàn tân binh. Chuyên gia Samuel Bendett nhận xét, Moscow không chuẩn bị cho một cuộc chiến cần đến nhiều nguồn lực như vậy và cũng không chắc rằng có thể tiếp tục cùng một nhịp độ trong những tháng tới.
Đã đến lúc đàm phán?
Đó là một cuộc chiến tranh tiêu hao, La Croix nhấn mạnh trên trang nhất, với khuôn mặt một chiến binh Ukraine đầy ưu tư, trên chiến xa cùng đồng đội. Phải chăng đây là lúc để đàm phán? Trang tin Politico ngày 18/11 dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin ông Dmitri Peskov khẳng định: “Ukraine chưa muốn đàm phán”. Bằng chứng là trước đó, ngày 15/11, trong bài phát biểu dài hơn 20 phút qua video tại thượng đỉnh G20, Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra một bản kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó đòi hỏi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và nhất là mở một tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh của Nga... Không những bản kế hoạch này đã bị bác bỏ, mà quân đội Nga ngay trong cùng ngày, giữa lúc diễn ra thượng đỉnh G20, đã cho bắn vào lãnh thổ Ukraine đúng 100 quả tên lửa. Tổng thốngZelensky không ngần ngại ví rằng “Nga đáp trả cho mỗi điều khoản bằng 10 quả tên lửa tương ứng”.
Theo giới quan sát, sự việc cho thấy khả năng đàm phán lúc này dường như là bất khả. Mặt khác, bản kế hoạch hòa bình 10 điểm mà ông Zelensky trình bày bị giới quan sát đánh giá là một kế hoạch hậu chiến, dành để đàm phán với phương Tây. Đối với Tổng thống Ukraine, sẽ không có một thỏa thuận Minks 3 khi bán đảo Crimea giờ trở thành một trong số các điều kiện để đàm phán, trái với những gì diễn ra trong các thỏa thuận Minks 1 và 2.
Chuyên gia về Nga, Jean de Gliniasty, từng là Đại sứ Pháp ở Nga, hiện là cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (IRIS) lưu ý, thế giới mới chỉ ở điểm khởi đầu của một tiến trình hòa bình phức tạp. Nga từng thông báo sẵn sàng đàm phán vô điều kiện nhưng Nga chưa sẵn sàng đưa lại vào đàm phán các vùng mà Nga đã chiếm, kể cả bán đảo Crimea, vốn dĩ đối với Tổng thống Putin mang một ý nghĩa biểu tượng chính trị cao, một lằn ranh đỏ không nên vượt qua.
Vẫn theo ông Jean de Gliniasty, kế hoạch 10 điểm của ông Zelensky mang dáng dấp của những mục tiêu chiến tranh hơn là cho hòa bình trong trước mắt. Những đòi hỏi mà Nga đánh giá chưa thể khởi động một cuộc đàm phán với Ukraine.
Việc cả Nga và Ukraine khăng khăng lập trường của mình khiến phương Tây lo lắng. Thời gian gần đây, tại hậu trường, nhiều quan chức Mỹ và châu Âu hối thúc Ukraine nên để ngỏ cánh cửa cho đàm phán dù vẫn tuyên bố rằng không tìm cách gây áp lực với Kiev. Đáng chú ý là phát biểu của tướng Mark Milley, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Một ngày sau khi Nga thông báo rút quân khỏi thành phố Kherson, tướng Mark Milley, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 10/11, có tuyên bố rằng “Khi có một cơ hội đàm phán, khi hòa bình có thể với được thì hãy nắm lấy. Hãy nắm bắt lấy thời điểm đó”. Luận điểm này của ông không làm phía Ukraine và phe diều hâu tại Mỹ hài lòng. Trước những phát biểu này, chính quyền Tổng thống Biden phải lên tiếng xoa dịu mối lo Mỹ chuyển hướng. Cũng trong ngày 10/11, Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khẳng định “Washington không gây áp lực với Kiev”. Lầu Năm Góc thì thông báo cấp thêm 400 triệu đô la hỗ trợ quân sự.
Thế nhưng, ngày 7/11, tờ Wall Street Journal nói đến các cuộc trao đổi kín giữa Jake Sullivan và các nhân vật thân cận của Tổng thống Putin từ nhiều tháng qua. Về mặt chính thức là nhằm cảnh báo lẫn nhau rủi ro leo thang xung đột, chứ không phải thảo luận về việc giải quyết cuộc chiến tại Ukraine.
Trước đó ít ngày, báo Mỹ Washington Post tiết lộ, chính quyền Tổng thống Biden dường như đã đề nghị riêng với Ukraine, nên cho thấy nước này sẵn sàng đàm phán với Nga. Nếu như theo đánh giá của ông Jean de Gliniasty, những thông tin này được ra là một phần trong chiến lược “đánh động”, chứng tỏ có một sự “thay đổi trong lập trường của Mỹ, khi nghĩ rằng nên tập cho Ukraine bắt đầu quen dần với việc đàm phán”, thì đây có lẽ cũng là một cách Washington “dò dẫm tìm kiếm một khả năng cho ngoại giao” chí ít là có được một thỏa thuận ngừng bắn, theo như phân tích từ ông Charles A. Kupchan, cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama về các vấn đề châu Âu.