Nhức nhối tin giả về chiến sự Israel-Hamas

Thứ Ba, 24/10/2023, 09:15

Một số người có thể ngạc nhiên khi biết rằng chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến thông tin diễn ra hàng ngày trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội. Nhưng phát hiện thông tin sai lệch là một chuyện, còn việc trở thành người tham gia tích cực (hoặc vô tình) trong trận chiến lại là câu chuyện khác.

Khi tin tức về nhóm chiến binh Hamas tiến hành tấn công vào Israel và lời đe dọa trả đũa của Israel bắt đầu lan truyền trên các mạng tin tức và nền tảng truyền thông xã hội, một làn sóng thông tin sai lệch và video giả mạo đã nổi lên. Trong xã hội “ưu tiên công nghệ”, việc phân biệt giữa thông tin xác thực và tuyên bố sai sự thật hoặc nội dung video cố tình gây hiểu nhầm ngày càng khó khăn hơn. Rõ ràng là nhiều video, bài đăng trên mạng xã hội và hình ảnh được cho là về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã cố tình gây hiểu lầm.

israel hamas 1 .jpg -0
Một người đàn ông dùng điện thoại di động quay video tên lửa được bắn từ Thành phố Gaza về phía Israel vào ngày 7/10/2023

Thay vì bật TV khi các sự kiện quan trọng xảy ra, chẳng hạn như cuộc tấn công của Hamas vào Israel và sự trả đũa sau đó của lực lượng Israel ở Gaza, giờ đây người ta thường mở mạng xã hội để nhận thông tin được cập nhật từng phút. Tuy nhiên, trong khi truyền thông chính thống vẫn bị ràng buộc bởi các quy định yêu cầu một lượng nội dung trung thực nhất định thì mạng xã hội là chiến trường của cả sự thật, dối trá và fake news, nơi tất cả đang ở trên một sân chơi không bình đẳng.

Trên X (trước đây gọi là Twitter) hiện đang lan truyền một đoạn video có hơn 2 triệu lượt xem. Nó được chia sẻ bởi một người dùng đã được xác minh với chú thích: “Video cho thấy Israel đang cố gắng tạo ra cảnh quay giả về những cái chết”. Đoạn video cho thấy một cậu bé mặc áo phông đen nằm trên vũng máu trên mặt đất. Phía trên cậu là một chiếc camera, với một người đàn ông đang hét to hướng dẫn ở ngay cạnh đó. Hai người đàn ông mặc kippah, đội mũ đầu lâu của người Do Thái và những người đàn ông mặc quân phục màu xanh lá cây tương tự đồng phục của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tụ tập xung quanh anh ta.

Trên thực tế, đoạn clip này là cảnh hậu trường của một bộ phim ngắn có tên “Nơi trống rỗng” (Empty Place) của người Palestine, tập trung vào khoảng trống mà những người Palestine chạy trốn do sự chiếm đóng của Israel để lại. Nó dường như bắt nguồn từ TikTok trước khi tìm đường đến X. Mặc dù bài đăng ban đầu trên TikTok dường như đã bị vô hiệu hóa nhưng trên X, nó vẫn tiếp tục được lan truyền và thu hút được sự chú ý.

Người dùng đằng sau bài đăng trên X thu hút 2 triệu lượt xem sau đó thừa nhận đoạn clip có thể đã được sử dụng không đúng ngữ cảnh.

Đó không phải là trường hợp duy nhất. Kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công vào Israel vào sáng 7/10, X đã tràn ngập thông tin sai lệch cố ý và thông tin sai lệch vô ý. Thông tin sai lệch cố ý chỉ việc cố tình truyền bá “thông tin sai”, trong khi thông tin sai lệch vô ý là khi ai đó vô tình lan truyền hoặc tin rằng “thông tin sai” là đúng.

Theo tạp chí TIME, phần lớn hình ảnh và cảnh quay phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội mô tả bằng chứng xác thực và đáng tin cậy về bạo lực xảy ra trong cuộc chiến Israel-Hamas. Nhưng các chuyên gia cho biết các nền tảng truyền thông xã hội cũng tràn ngập thông tin sai lệch cả cố ý và vô ý, làm tăng thêm sự nhầm lẫn về những gì đang xảy ra trên thực tế. Nội dung này bao gồm các tuyên bố không chính xác và khẳng định bịa đặt cũng như việc hiển thị lại các video về chiến tranh hoặc trò chơi điện tử cũ không liên quan.

Lisa Kaplan, người sáng lập Alethea, một công ty theo dõi thông tin sai lệch, cho biết: “Trong thời điểm hỗn loạn và xung đột nói chung, chúng tôi thấy rất nhiều thông tin sai lệch cả vô ý và cố ý”. “Điều này đúng trong cuộc xâm lược Ukraine, việc rút quân khỏi Afghanistan và bây giờ là cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.”

Mức độ của thông tin sai lệch

Theo những phát hiện bí mật được chia sẻ với TIME bởi NewsGuard, một tổ chức theo dõi thông tin sai lệch, ít nhất 14 tuyên bố sai sự thật liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas đã thu hút được 22 triệu lượt xem trên X, TikTok và Instagram trong vòng 3 ngày kể từ cuộc tấn công của Hamas.

Sự lan truyền thông tin sai lệch đặc biệt lan tràn trên X. Trong nhiều trường hợp, các tài khoản tích xanh mà người dùng có được bằng cách đăng ký dịch vụ cao cấp của X, đã thúc đẩy các tuyên bố không có căn cứ.

Nhức nhối tin giả về chiến sự Israel-Hamas -0
Hệ thống Iron Dome đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, nhìn từ thành phố Ashkelon, Israel ngày 9/10/2023. (Ảnh: REUTERS)

Một số báo cáo phương tiện truyền thông đã chỉ ra sự gia tăng các bài đăng giả mạo xung quanh cuộc xung đột Israel-Hamas trên X, gần đây đã thực hiện những thay đổi đáng kể trong cách thức hoạt động. The Guardian đã chỉ ra dữ liệu từ công ty giám sát Cyabra của Israel, chuyên cung cấp thông tin sai lệch về bầu cử Mỹ và theo dõi các tài khoản bot trên X, để chứng minh mức độ của các bài đăng giả mạo.

Cyabra tuyên bố rằng nhiều bài đăng đến từ tài khoản giả - sử dụng bot tự động - hoạt động rất tích cực trên Twitter, TikTok và các nền tảng khác. Cyabra đã quét hơn hai triệu hình ảnh, bài đăng và video. Trong số 162.000 hồ sơ, 25% là giả mạo.

Một video khác, bắt nguồn từ TikTok nhưng hiện đã bị vô hiệu hóa, đã thu hút được 2 triệu lượt xem trên X tuyên bố chiếu cảnh các tướng lĩnh cấp cao của Israel bị các chiến binh Hamas bắt giữ. Trên thực tế, đoạn video này ban đầu được kênh YouTube chính thức của cơ quan an ninh nhà nước Azerbaijan đăng tải vào tuần trước, quay cảnh các cựu lãnh đạo của chính phủ ly khai Nagorno-Karabakh bị bắt giữ.

Một tài liệu được chỉnh sửa cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hỗ trợ 8 tỷ USD cho Israel đã xuất hiện trên X vào tuần trước và thu hút 400.000 lượt xem. Bản ghi nhớ giả mạo này là phiên bản chỉnh sửa từ bản ghi nhớ vào tháng 7 của Tổng thống Mỹ, trong đó ông công bố viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine. Không có tài liệu nào như vậy trên trang web của Nhà Trắng hoặc mạng xã hội. Nhà Trắng xác nhận với NBC rằng tài liệu này là giả mạo.

Một video khác, dường như chiếu cảnh Hamas cảm ơn Ukraine vì đã bán vũ khí mà họ dự định sử dụng để chống lại Israel, được đăng bởi một tài khoản X có liên kết với nhóm lính đánh thuê Wagner. Kể từ đó, video đã được xem hơn 300.000 lần và được phát tán rộng rãi bởi các tài khoản cực hữu từ Mỹ.

Vào tháng 2, Tổng thanh tra Lầu Năm Góc báo cáo rằng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy vũ khí và viện trợ cho Ukraine được chuyển cho bên thứ ba, trong khi tình báo Ukraine tuần này đã cáo buộc Nga giao “chiến lợi phẩm” là các loại vũ khí của phương Tây tịch thu được từ chiến trường ở Ukraine cho Hamas để phá hoại sự ủng hộ dành cho Kiev.

Eliot Higgins, người sáng lập cơ quan điều tra Bellingcat, cũng đã gắn cờ một video giả mạo được cho là của BBC mà theo video đó, cuộc điều tra của Bellingcat cho thấy Ukraine buôn lậu vũ khí cho Hamas.

X phản ứng thế nào trước những lời chỉ trích?

Tâm điểm của mối lo ngại ngày càng tăng về tin tức giả liên quan đến xung đột Israel-Hamas là tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu của X và tự xưng là “người theo chủ nghĩa chuyên chế về tự do ngôn luận”, người đã phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về việc phổ biến các thuyết âm mưu và chủ nghĩa bài Do Thái trên nền tảng này. Tuy nhiên, Elon Musk không thừa nhận.

X đã trải qua những thay đổi rộng rãi kể từ khi Elon Musk nắm quyền sở hữu Twitter vào tháng 10/2022, bao gồm việc nới lỏng các chính sách an toàn nội dung, cắt giảm nhân viên thuộc bộ phận tin cậy và an toàn, khôi phục các tài khoản từng bị cấm và giới thiệu một dịch vụ cao cấp cho phép người dùng trả tiền để có huy hiệu xác minh. Các chuyên gia cho biết những thay đổi này đã làm suy yếu khả năng của người dùng trong việc xác định tài khoản nào là đáng tin cậy và phân biệt sự thật với hư cấu. Trong những giờ đầu của cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, chính Musk đã chia sẻ - và sau đó xóa - một bài đăng trên X về các cập nhật “theo thời gian thực” về cuộc xung đột đồng thời khuyến nghị người dùng X theo dõi hai tài khoản bị phát hiện đã từng lan truyền những tuyên bố sai sự thật trước đó.

Giám đốc của Liên đoàn Chống phỉ báng, Jonathan Greenblatt, đã cáo buộc Elon Musk “khuếch đại” các thông điệp từ những kẻ theo chủ nghĩa Quốc xã mới trong khi đăng bài nói rằng ông ấy “ủng hộ tự do ngôn luận, nhưng chống lại chủ nghĩa bài Do Thái dưới bất kỳ hình thức nào”. Liên đoàn cho biết các bài đăng chống Do Thái trên X tăng mạnh sau khi Musk mua lại trang này, khiến ông bị dọa kiện.

Elon Musk cũng đã tham gia hoặc đăng nội dung nhắm đến doanh nhân và nhà từ thiện người Mỹ gốc Hungary George Soros, người thường xuyên là mục tiêu của những người theo thuyết âm mưu.

Hôm 10/10, Ủy ban Châu Âu đã gửi thư cho Musk để cảnh báo ông về cáo buộc đưa thông tin sai lệch trên X về cuộc tấn công của Hamas vào Israel, bao gồm tin tức giả mạo và “những hình ảnh cũ được sử dụng lại”. Được biết, X đang hợp tác với yêu cầu cung cấp thông tin của EU nhưng sẽ phải mất một thời gian nữa Brussels mới thực hiện bất kỳ bước tiếp theo nào.

Pat de Brún, Phó Giám đốc của Amnesty Tech, cho biết: “Các công ty nền tảng truyền thông xã hội như Meta và X có trách nhiệm rõ ràng theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, chẳng hạn như các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và nhân quyền, và những trách nhiệm này càng được đề cao trong thời gian khủng hoảng và xung đột. Các công ty truyền thông xã hội có trách nhiệm xác định và ứng phó hiệu quả với các rủi ro cũng như thực hiện các biện pháp hiệu quả để hạn chế lan truyền nội dung có hại - việc khuếch đại nội dung này có thể dẫn đến vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, thường thì các công ty công nghệ lớn đã không thể đứng vững trước những tình huống khẩn cấp như vậy, tạo điều kiện cho sự căm ghét và thông tin sai lệch vô ý lan rộng”.

Thế Nam (Tổng hợp)
.
.