Những cánh cửa mở từ phía Paris

Thứ Tư, 12/07/2023, 07:41

Trong ngày 13 và 14/7 tới, đương kim Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có chuyến công du chính thức tới thăm nước Pháp. Tại đây, ông sẽ là khách mời danh dự tại lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp ngày 14/7 - sự trọng thị đặc biệt không mấy khi được Paris dành cho những nguyên thủ quốc gia nước khác.

Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng, thể hiện định hướng mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như tìm kiếm sự cân bằng chiến lược địa chính trị quốc tế, điều mà đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn luôn theo đuổi.

 Theo những hướng “la bàn chiến lược”

Trước đó, ngày 9/7, như hãng tin SPA của Saudi Arabia đưa tin, Saudi Arabia và Pháp đã ký một biên bản ghi nhớ, nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào năng lượng sạch được tạo ra từ các nguồn tài nguyên tái tạo.

Những cánh cửa mở từ phía Paris -0
Nước Pháp thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia, với “đột phá khẩu” là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman và người đồng cấp Pháp Agnes Pannier-Runacher tại Riyadh hôm 8/7, hai bên xác nhận rằng năng lượng là một trong những “trụ cột chính” trong quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước.

Rất đáng chú ý, sự thắt chặt thêm mối quan hệ ngoại giao Pháp - Saudi Arabia này diễn ra trong khi chuyên cơ Air Force One đưa đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tới châu Âu, trong chuyến công du mà nước Pháp không có trong danh sách 3 điểm đến (Anh, Litva, Phần Lan).

Cũng cần nói thêm, Saudi Arabia chính là quốc gia đóng vai trò lãnh đạo trong tổ chức Hiệp hội Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ở vị thế ấy, kể từ tháng 2/2022 đến nay, Saudi Arabia liên tiếp khước từ những đề nghị từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về vấn đề tăng sản lượng khai thác dầu mỏ nhằm bình ổn thị trường - vốn bị cuốn vào những cơn “bão giá” của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng nổ.

Những cánh cửa ở Riyadh, cho đến hiện tại, vẫn không rộng mở. Song, nước Pháp dường như đã tìm thấy những ô cửa sổ. Saudi Arabia và Pháp nhất trí về lộ trình sản xuất hydro và điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Những cánh cửa mở từ phía Paris -0
Quân đội riêng của châu Âu - giấc mơ mà nước Pháp luôn theo đuổi.

Hai bên cũng đã nhất trí hợp tác nhằm cải thiện hiệu quả tại các lĩnh vực năng lượng hạt nhân trong “khuôn khổ hòa bình và an toàn”, quản lý chất thải phóng xạ cũng như các ứng dụng hạt nhân.

Một tháng trước, ngày 10/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đương kim Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có cuộc điện đàm kéo dài tới 90 phút, trong đó hai nhà lãnh đạo thảo luận cách thức tăng cường quan hệ song phương, tiến trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân cũng như kế hoạch phát triển vùng. Một kênh liên lạc trực tiếp như thế với Iran hiện vẫn là điều không thể có được, đối với nước Mỹ.

Với những bước tiến trong các mối quan hệ với các cường quốc khu vực như Saudi Arabia hay Iran, tầm ảnh hưởng của Paris tại Trung Đông đang gia tăng đáng kể so với quá khứ gần (hoặc so với chính sự sụt giảm về vị thế đang diễn ra tại Mali, cũng như các nước thuộc khu vực Sahel của châu Phi, sau khi quân đội Pháp chính thức kết thúc sự hiện diện trong chiến dịch chống khủng bố đã kéo dài tới 10 năm).

Trong khi đó, ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm nước Anh lần thứ hai trong vòng 3 tháng và hội kiến đương kim Thủ tướng Anh Rishi Sunak lần thứ 5 trong vòng 5 tháng.

Tại cuộc gặp ngắn (kéo dài khoảng 40 phút), Thủ tướng Anh Rishi Sunak đánh giá mối quan hệ đồng minh giữa Anh và Mỹ giờ đây “quan trọng hơn bao giờ hết, khi hai nước đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ về an ninh và kinh tế”, đồng thời nhấn mạnh: Anh là đối tác ngoại giao, quốc phòng và thương mại quan trọng nhất của Mỹ.

Điều này khiến giới quan sát quốc tế không thể không nhớ lại: Cũng mới gần đây thôi, ngày 19/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: Ông đã đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) xem xét và cân nhắc về một chiến lược phòng thủ mang tính tự chủ cao hơn, cụ thể là nước Pháp cùng Bỉ, Estonia, Hungary và Chypres phác thảo việc cùng triển khai thương vụ mua hệ thống phòng không Mistral của Pháp, do công ty sản xuất tên lửa của châu Âu MBDA phát triển. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho rằng: EU cần có một chiến lược phòng không của riêng mình, chứ không phải phụ thuộc vào nước Mỹ, thông qua tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Xa hơn, Pháp là nhân tố chủ chốt thúc đẩy ý tưởng thành lập một quân đội riêng của châu Âu, độc lập với NATO - điều đã bước đầu được cụ thể hóa ngày 21/3/2022, với định hướng “La bàn chiến lược” (Strategic Compass) được EU thông qua. Theo đó, điểm cốt lõi đáng chú ý nhất là kế hoạch thành lập một lực lượng quân đội (bước đầu gồm khoảng 5.000 binh sĩ) cùng những cam kết tăng chi tiêu quân sự, để có thể thực hiện các biện pháp can thiệp riêng vào năm 2025.

"La bàn chiến lược" được xem là một chương trình hành động đầy tham vọng, hướng đến mục tiêu giúp EU có khả năng tự cung cấp những bảo đảm an ninh mạnh mẽ và giàu năng lực hơn, nhằm nâng cao quyền tự chủ chiến lược của EU cũng như khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ các giá trị và lợi ích của EU.

Mà nước Pháp, cùng với nước Đức, là hai quốc gia lãnh đạo EU.

Ấn Độ - mối quan hệ đầy tiềm năng

“Strategic Compass” có thể vẫn còn cần rất nhiều thời gian và công sức để có thể được định hình một cách rõ rệt, nhất là khi cho đến hiện tại, Berlin vẫn nghiêng về hướng mua sắm cho EU các hệ thống phòng không sẵn có (như hệ thống phòng không Patriot của Mỹ hay hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của Israel) mà không cần đặt mẫu thiết kế hay đặt hàng, do e ngại phải chờ đợi. Quan điểm này ngược với cách tiếp cận vấn đề của Paris, bởi ông chủ Điện Elysess cho rằng “Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu” (European Sky Shield Initiative) ấy sẽ gây ra tình trạng phụ thuộc mới và sau đó sẽ gây ra những mâu thuẫn nội bộ, giữa Pháp với Đức.

PNMZU3JUC5KFPO6OVGSC3C5ONI-1689072217549.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, nước Pháp không lãng phí thời gian, để bảo vệ vị thế là một trong những nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới (cũng như những lợi ích đi kèm), một “đại cường” thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong giai đoạn 2017-2021 vừa qua, nước Pháp trở thành đối tác quốc phòng chủ chốt của Ấn Độ với vị thế là nhà cung cấp quốc phòng lớn thứ hai. Hai bên có mối quan hệ chính trị sâu sắc đến mức Paris không cung cấp vũ khí cho các đối thủ của New Delhi.

Hơn thế, trên lĩnh vực ngoại giao, có lẽ cũng cần nhấn mạnh: Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên mà Ấn Độ ký kết quan hệ đối tác chiến lược trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh (tháng 1/1998), sớm hơn tới 6 năm so với Mỹ. Ấn Độ và Pháp là đồng minh khăng khít ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đối thoại không gian chiến lược Pháp - Ấn Độ vừa được tổ chức lần đầu tiên tại Paris vào ngày 27/6. Trước đó, hồi tháng 2/2023, Ấn Độ, Pháp và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (U.A.E) công bố một lộ trình hợp tác đầy tham vọng trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và công nghệ, trong khuôn khổ đối thoại chiến lược 3 bên lần đầu.

Những cánh cửa mở từ phía Paris -0
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Trong chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, chắc chắn, khía cạnh chiến lược của mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục được làm sâu sắc thêm, trên nền tảng là các kế hoạch hợp tác quốc phòng cũng như công nghiệp quốc phòng. Trước thềm chuyến thăm, người lãnh đạo đất nước 1,4 tỷ dân, thành viên khối BRICS, cũng là một trung tâm quyền lực mới tại châu Á và cả quốc tế, người từng tuyên bố: “Đã qua rồi, cái thời đại mà phương Tây coi mọi vấn đề của họ là vấn đề của toàn thế giới, trong khi vấn đề của toàn thế giới thì không liên quan tới phương Tây!”... đã hé lộ về một hợp đồng lớn: Mua 26 chiến đấu cơ Rafale M từ Pháp, do hãng Dassault Aviation chế tạo.

Những dấu ấn kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Ấn, trong thời gian tới, cũng chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó. Hai cường quốc ấy tìm thấy ở nhau những điều kiện lý tưởng, trong vai trò đối tác chiến lược. Paris và New Dehli, thực chất, đều đang cố gắng tận dụng tối ưu những biến động thời cuộc, để định vị và gia tăng vị thế của mình trong xu thế đa cực tất yếu của quỹ đạo thế giới, để không những giảm bớt mọi sự phụ thuộc mà còn tạo tiền đề trở thành những “cực”mới. Họ không cạnh tranh với nhau, mà có thể bổ sung cho nhau, đồng thời kiến tạo các cơ hội phát triển kinh tế khổng lồ.

Cùng lúc này, Hội nghị thượng đỉnh NATO cũng đang diễn ra.

Cùng lúc này, phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã bắt đầu, tại Strasbourg (Pháp). Qua những cánh cửa mở, rất nhiều thông điệp sẽ được gửi đi...

Mây Linh
.
.