Những điểm nóng của năm 2022
Năm 2022 kết thúc với nhiều diễn biến mang tính bản lề như chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã lật tung trật tự địa chính thế giới, kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử… Và, ở đâu đó trên thế giới vẫn còn nhiều “quả bom” âm ỉ chờ phát nổ.
Cuộc chiến Nga - Ukraine
Cục diện địa chính trị, địa kinh tế thế giới thay đổi sâu sắc sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau gần 10 tháng đối đầu và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, xung đột ở Ukraine đã và đang gây ra những tác động dài hạn đến tương lai quan hệ quốc tế, đặt thế giới đứng trước những ngã rẽ nguy hiểm mới.
Thế giới chủ động thích ứng đại dịch COVID-19
Bắt đầu từ quý I/2022, thế giới đã thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, chủ động thích ứng với làn sóng dịch mới. Hầu hết các nước trên thế giới đã dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, mở cửa biên giới, khôi phục giao thương... để lấy lại đà phát triển kinh tế sau gần 2 năm kiệt quệ do các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, các trụ cột kinh tế thế giới rơi vào lạm phát với tỷ lệ cao chưa từng có, buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới phải ứng phó bằng cách thắt chặt chi tiêu, mạnh tay trong chính sách tiền tệ. Áp lực từ lạm phát, cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng do xung đột và lãi suất cao đang đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái và có thể còn tiếp diễn trong năm 2023.
Dân số thế giới cán mốc 8 tỉ người
Ngày 15/11/2022 đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của nhân loại khi dân số toàn cầu chính thức đạt 8 tỷ người. Sự tăng trưởng này đánh dấu những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y tế, tạo nguồn lực to lớn, nguồn cung lao động dồi dào để thế giới thực hiện những mục tiêu về phát triển con người, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với tăng dân số là không ít thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp tầm liên chính phủ: Đó là áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu; tình trạng già hóa dân số và bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu-nghèo gia tăng; ô nhiễm môi trường, cạn kiệt hệ sinh thái.
Khủng hoảng năng lượng
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra với hệ lụy là phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu, giá khí đốt và giá điện tăng mạnh. Có nhiều yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng này như đại dịch COVID[1]19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng nóng trong những năm trước đây kết hợp với những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Giá năng lượng tăng đột biến trên toàn cầu, với giá than cao gấp 5 lần và giá khí đốt tự nhiên cao gấp 10 lần so với năm 2021, đặt thế giới trước những nguy cơ khó lường. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu cho thấy xu thế tất yếu phải nhanh chóng chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
NATO tiếp tục mở rộng
Ngày 5/7/2022, tại Brussels (Bỉ), 30 nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký nghị định thư kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, động thái mở rộng quan trọng nhất của liên minh này kể từ giữa những năm 1990 của thế kỷ trước. Việc nộp đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã phá vỡ quan điểm trung lập của các nước Bắc Âu, đang làm thay đổi bàn cờ địa chính trị châu Âu. Nếu hai quốc gia Bắc Âu này hoàn tất quá trình gia nhập NATO thì điều đó sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với cấu trúc an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.
CHDCND Triều Tiên tuyên bố là cường quốc hạt nhân
Ngày 8/9/2022, Hội đồng nhân dân Tối cao CHDCND Triều Tiên đã chính thức thông qua luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ. Luật tuyên bố CHDCND Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cho phép nước này tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các “mục tiêu chiến lược” của đất nước.
Để đối phó, các nước có liên quan gồm Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã gia tăng các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bình Nhưỡng. Động thái của các bên đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh, hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á.
Syria – Libya – Yemen: 3 “quả bom chưa được tháo gỡ”
Nhà nghiên cứu chính trị Andrea Muratore đã chọn vùng “Đại Trung Đông” và Bắc Phi làm những khu vực đầu tiên để đánh giá cẩn thận. Theo những cuộc thảo luận gần đây, cuộc chiến Syria bị đánh giá là cuộc chiến bạo lực nhất trong số những cuộc giao tranh đã bị đóng băng. Tuy về mặt chính thức, không ai đang đe dọa quyền lực của Tổng thống Syria Bashar el-Assad, nhưng cuộc chiến không có kết quả rõ ràng. Hiện nay, Syria vẫn đang đấu tranh để thống nhất đất nước, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì can thiệp quân sự vào vùng tự trị Rojava để đánh đuổi người Kurd. Như vậy, theo ông Andrea Muratore: Thế giới cần nhớ rằng, quốc gia Trung Đông đầy biến động này có thể trở thành một mối đe dọa lớn đến nhường nào đối với sự ổn định của thế giới.
Yemen và Libya cũng là những quốc gia chịu chia cắt bởi những cuộc nội chiến liên miên. Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của hai quốc gia này là thoát khỏi vũng lầy xung đột và chiến trận, phát động bởi những thế lực không thành hình rõ ràng. Tuy cuộc xung đột giữa các chính phủ không ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự thế giới, 3 quốc gia này vẫn tích tụ nhiều “hố đen” địa chính trị và chiến lược - hai nguồn gốc gây căng thẳng lên nền trật tự quốc tế. Sahel - khu vực giáp ranh sa mạc Sahara và Sudan của châu Phi, cũng là một “điểm nóng” bị bỏ quên như vậy.
Mỹ và Trung Quốc: Mặt trận Thái Bình Dương thời hiện đại
Dĩ nhiên, “hố đen” có thể trở thành mối rắc rối lớn đối với những cuộc tranh chấp, vì chúng có thể khiến thể chế nhà nước sụp đổ, khiến các phe khủng bố kéo vào tại những quốc gia gần như không còn pháp luật này. Nhưng, vấn đề thực sự ngày nay, đối với nhà nghiên cứu chính trị Andrea Muratore, vẫn là cuộc tranh chấp tiềm tàng giữa các cường quốc tại những lãnh thổ có nguy cơ trực tiếp trở thành điểm đối đầu giữa các khối quyền lực. Ông Andrea Muratore suy nghĩ ngay đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông và mối quan hệ đối đầu Trung Quốc - Mỹ. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân ở eo biển Đài Loan. Bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng đã thực hiện chuyến thăm đến hòn đảo mà Bắc Kinh xem là “vùng nổi loạn”. Những sự kiện này đã đánh dấu sự căng thẳng và quan hệ cạnh tranh chính trị giữa hai gã khổng lồ.
Từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã huy động lực lượng ra Biển Đông, quân sự hóa hoàn toàn 3 trong số nhiều đảo đang tranh chấp. Trên đảo, Trung Quốc đã trang bị hệ thống tên lửa các loại, tiêu biểu là tên lửa chống hạm Donfeng-21. Theo báo The Guardian, Đô đốc John C. Aquilino - chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã gọi “hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo bị cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp” là “hành động thù địch đi ngược hoàn toàn lại với những lời trấn an mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đưa ra, rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự”.
Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sử dụng các tàu đánh cá như một yếu tố phóng chiếu. Trung bình, các tàu thả neo ở quần đảo tranh chấp vùng Ấn Độ Dương[1]Thái Bình Dương trong ít nhất 9 tháng mỗi năm. Mỹ chọn cách đáp trả bằng sự hiện diện của một hệ thống hải quân phức tạp. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, kiêm quản lý hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương, có hai hạm đội số 3 và số 7, theo sau đó là các tàu sân bay Nimitz, Carl Vinson, Ronald Reagan cùng Theodore Roosevelt (đang được triển khai ở San Diego) và cuối cùng là Abraham Lincoln (triển khai ở Yokosuka, Nhật Bản). Mỹ trông cậy vào Nhật Bản và căn cứ không quân - hải quân Guam để kiểm soát tình hình ở khu vực.
Kashmir và Kuril – Những cuộc tranh chấp trải dài khắp Châu Á
Châu Á vẫn còn nhiều bối cảnh tranh chấp lãnh thổ, đủ để làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc. Chẳng hạn, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và việc cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát bi thảm, đã khơi lại sự chú ý về tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Kuril mà Liên Xô kiểm soát sau khi kết thúc cuộc chiến Xô - Nga tháng 8/1945 (hay còn gọi là Chiến dịch Mãn Châu).
Vụ ám sát ông Shinzo Abe đã tước đi vị chính khách duy nhất từng cố gắng thực hiện một chiến lược ngoại giao để dần dần giải quyết vấn đề với Nga của Nhật Bản. Sự gia tăng căng thẳng trong những tháng gần đây đã khiến vùng Viễn Đông xuất hiện thêm một khu vực căng thẳng.
Tình hình ở vùng Kashmir - nơi diễn ra xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan (với New Delhi chiếm phần kiểm soát đáng kể), thậm chí còn rắc rối hơn. Từ năm 1947 và sau 4 lần xung đột trong quá khứ (1948, 1965, 1971 và 1998), Ấn Độ và Pakistan đã nhiều lần nỗ lực mở đối thoại để giải quyết tình trạng tranh chấp trong khu vực. Đối với ông Andrea Muratore, nơi đây chính là tâm điểm thực sự của một cuộc xung đột có khả năng tàn phá trên quy mô toàn cầu, là vùng căng thẳng đỉnh điểm giữa hai cường quốc hạt nhân.
Biển Baltic - “Điểm nóng” mới giữa lòng biển
Đến châu Âu cũng không được miễn trừ khỏi sự hiện diện của những “điểm nóng” như vậy. Sau sự kiện bước ngoặt ngày 24/2/2022 - ngày nổ ra cuộc chiến Nga - Ukraine, nhà nghiên cứu chính trị tại tổ chức Trends đã đảo mắt đến vùng Biển Baltic. Đối với ông, vùng “hồ nước” Đại Tây Dương mới này đang trở thành tâm điểm đối đầu giữa “trại quân sự liên minh EU - Đại Tây Dương” và Liên bang Nga.
NATO đã mở rộng sự hiện diện đến Biển Baltic và dự định sẽ mở rộng sang Thụy Điển và Phần Lan trong những năm tới. Ngoài ra, Biển Baltic còn có sự hiện diện của Nga qua tỉnh Kaliningrad và thành phố St. Petersburg đông dân. Vùng biển này còn tập trung hạm đội lớn nhất của Nga trong khu vực và lực lượng vũ trang của các nước châu Âu có mối quan hệ thù địch sâu đậm với Moscow: Estonia, Latvia, Litva và đặc biệt là Ba Lan. Đã vậy, Biển Baltic còn là trung tâm của nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu. Sự kiện rò rỉ Nord Stream chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho mối căng thẳng này.
Thật sự, đối với ông Andrea Muratore, Biển Baltic có thể sẽ là tâm điểm căng thẳng trong những năm tới, một rối loạn toàn cầu lớn lấy châu Âu làm trục. Kéo theo đó sẽ là những bất ổn vừa và nhỏ, đi đôi với những thách thức lớn. Điều đó có thể gieo mầm cho những xung đột mới trong những năm tới.