Những vấn đề lớn tại G20
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 18 và 19/11 vừa qua đã ra tuyên bố Rio De Janeiro, trong đó nhấn mạnh đến việc đánh thuế các tỷ phú, quá trình chuyển đổi năng lượng, giải pháp cho các thách thức toàn cầu, tập trung vào tăng trưởng bền vững và cuộc chiến chống đói nghèo.
Tuyên bố cũng đề cập đến vấn đề cải cách quản trị toàn cầu và đẩy nhanh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời ủng hộ COP30 vào năm 2025, sẽ được tổ chức tại Belém, Brazil. Đây là những cam kết cốt lõi Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, được công bố vào ngày 18/11.
Văn bản đạt được sự đồng thuận giữa tất cả các quốc gia thành viên, củng cố cam kết của nhóm trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và toàn diện. Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cống hiến của họ cho các vấn đề quan trọng định hình tương lai toàn cầu. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động phối hợp để chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và bảo vệ môi trường; nhấn mạnh nhu cầu cải cách toàn diện trong quản trị toàn cầu, bao gồm tăng cường Liên hợp quốc, hiện đại hóa hệ thống tài chính quốc tế, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương toàn diện và thúc đẩy sự phát triển có đạo đức của trí tuệ nhân tạo.
Các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh tính cấp thiết của việc huy động toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu, tái khẳng định các cam kết đối với Thỏa thuận Paris và các mục tiêu trung hòa carbon; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tài chính xanh công và tư, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và lập luận rằng cải cách cấu trúc tài chính quốc tế là điều cần thiết để hỗ trợ hành động vì khí hậu. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo đã tán thành các cuộc đàm phán COP29 đang diễn ra tại Baku, Azerbaijan và bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với COP30 sắp tới, sẽ diễn ra vào năm 2025 tại Belém, Brazil. G20 cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Mục tiêu tập thể định lượng mới về tài chính khí hậu (NCQG).
Vấn đề biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Căng thẳng ngoại giao về tình trạng nóng lên toàn cầu tại Hội nghị COP29 diễn ra tại Baku, Azerbaijan, đã lan sang các cuộc đàm phán của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil. Ngay trước khi Hội nghị G20 bắt đầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nói trong một cuộc họp báo: “Kết quả thành công tại COP29 vẫn trong tầm tay, nhưng sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo và thỏa hiệp, cụ thể là từ các nước G20”.
Hãng tin AFP đưa tin: “Các cuộc đàm phán thường niên của Liên hợp quốc tại Baku đang bế tắc ở giữa chừng. Sau một tuần đàm phán, các quốc gia vẫn chưa tiến gần đến việc nhất trí thỏa thuận trị giá 1 nghìn tỷ USD cho các khoản đầu tư khí hậu vào các quốc gia đang phát triển”.
Các cuộc đàm phán đang bế tắc về con số cuối cùng, loại hình tài trợ và ai sẽ trả tiền, trong đó các nước phương Tây muốn Trung Quốc và các quốc gia Vùng Vịnh giàu có tham gia danh sách các nhà tài trợ. Mọi con mắt đều đổ dồn về Rio với hy vọng có một bước đột phá. “Tất nhiên, sự chú ý đang đổ dồn vào G20. Họ chiếm 80 phần trăm lượng khí thải toàn cầu”, ông Guterres cho biết, đồng thời kêu gọi G20 “làm gương”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến khoản tài trợ song phương 11 tỷ USD cho vấn đề khí hậu mà chính quyền của ông đã phân bổ trong năm nay. Ông tuyên bố rằng “không ai” có thể đảo ngược “cuộc cách mạng năng lượng sạch” do chính phủ của ông chỉ đạo. Ông Biden muốn ám chỉ Tổng thống đắc cử Donald Trump đang được dư luận dự báo là sẽ thay đổi toàn bộ chính sách khí hậu của ông sau khi lên nhậm chức.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Rio đã cùng nhau phát động một chiến dịch thúc đẩy năng lượng tái tạo ở châu Phi. “Tăng gấp 3 năng lượng tái tạo trên toàn cầu cho đến năm 2030 sẽ có nghĩa là cắt giảm 10 tỷ tấn khí thải CO2”, bà von der Leyen phát biểu tại một sự kiện do nhóm vận động Global Citizen tổ chức. Bà cho biết EU đang tăng cường đầu tư trên toàn thế giới để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, cụ thể là ở châu Phi thông qua chương trình Global Gateway của khối - được thiết kế để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Liên minh châu Âu có đóng góp lớn nhất thế giới cho tài chính khí hậu, phần lớn trong số đó thông qua các quỹ đa phương.
Quả thực, vấn đề biến đổi khí hậu đang được rất nhiều quốc gia quan tâm và đây là vấn đề trọng tâm cần bàn bạc. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, như nắng nóng kỷ lục kéo dài, mưa bão bất thường và dữ dội chưa từng có,... đang gây ra những hậu quả rất lớn tại tất cả các vùng trên thế giới, không loại trừ quốc gia nào.
Các nguồn tin cho biết 20 nền kinh tế lớn đã đạt được sự đồng thuận mong manh về tài chính khí hậu vốn đã không thực hiện được tại các cuộc đàm phán COP29 ở Azerbaijan.
Cuộc chiến Ukraine cũng được lãnh đạo một số quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Pháp mang ra thảo luận tại G20. Trong đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tận dụng mọi cơ hội trong các hoạt động tại G20 để đưa vấn đề cuộc chiến Ukraine trở thành vấn đề chính của hội nghị, nhưng rốt cuộc đó lại không phải là mối bận tâm lớn của nhiều nước, kể cả Liên hợp quốc. Trong Tuyên bố Rio De Janeiro, G20 đã không đáp ứng mong mỏi của Ukraine và các nước đồng minh phương Tây trong việc đưa ra tuyên bố đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
Cụ thể, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy muốn G20 phải lên án nước Nga và đưa vấn đề nào vào tuyên bố chung. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ chung của bản tuyên bố, lời lẽ đã được trau chuốt mang tính ngoại giao hơn là lên án hay chỉ trích gay gắt và điều này đã được các quốc gia thống nhất chung, trong đó có cả các nước phương Tây.