Những vết rạn của lợi ích

Chủ Nhật, 10/04/2022, 19:05

Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu và Mỹ ra sức hô hào tố cáo và trừng phạt Nga. Hiệu ứng dư luận của việc này ban đầu đã khá thành công nhưng khi đi vào thực chất, tức là khi cần hi sinh lợi ích của mình để trừng phạt và khiến Nga “phải sợ” thì đã bắt đầu xuất hiện tình trạng “không hào hứng”, thậm chí là công khai phản đối.

Từ khi Nga đưa quân sang Ukraine, Ba Lan cùng với Mỹ là hai quốc gia có lập trường cứng rắn nhất với nước Nga và thậm chí là chỉ trích châu Âu “mất thời giờ vô ích” để đối thoại với chủ nhân Điện Kremlin. Trong phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw ngày 4-4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki công khai chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì đã đàm phán với Tổng thống Nga Putin, bất chấp việc ông Macron đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky.

Ông Macron đã trao đổi với Tổng thống Putin 16 lần kể từ đầu năm và tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng giữa Moscow với Kiev.

Những vết rạn của lợi ích  -0
Châu Âu kích hoạt cơ chế “cấp vốn có điều kiện”, đe dọa ngừng tài trợ cho  Hungary và Ba Lan.

Cũng trong phát biểu trên, ông Morawiecki cho rằng Liên minh châu Âu (EU) phải tăng cường biện pháp trừng phạt Nga, cần áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất có thể.

Thủ tướng Ba Lan đồng thời chỉ trích Đức vì các mối giao thương với Nga và cáo buộc Berlin cản trở trừng phạt Nga. “Bất kỳ ai đọc biên bản các cuộc họp của EU đều biết Đức là trở ngại chính trên con đường áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga”, ông Morawiecki cho biết.

Về mặt ngoại giao, Thủ tướng Mateusz Morawiecki là một trong 3 nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Kiev hội đàm với Tổng thống Ukraine để khẳng định Kiev không đơn độc đối đầu với quân đội Nga.

Về kinh tế, dù lệ thuộc nhiều vào năng lượng Nga nhưng Ba Lan dám tuyên bố sẵn sang “cắt đứt” kênh dầu khí của Nga.

Thái độ cứng rắn của chính quyền Ba Lan xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là thái độ nghi kị sâu sắc của Warsaw với nước láng giềng to lớn sát cạnh. Cộng thêm với những hiềm khích đó là tâm tình cá nhân của nhân vật quyền lực nhất Ba Lan hiện tại, Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng bảo thủ cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS). Đến nay ông này vẫn quy trách nhiệm cho nước Nga trong vụ tai nạn máy bay năm 2010 khiến Tổng thống Ba Lan khi đó, người anh em song sinh với ông và phu nhân thiệt mạng.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4-4 nói rằng lời lẽ của Ba Lan là “cực kỳ hiếu chiến” và “chống Nga”, gây ra “mối quan ngại sâu sắc” ở Moscow. Theo giới quan sát, thái độ gay gắt hiện nay của Ba Lan với lãnh đạo châu Âu còn được giải thích bởi việc EU kích hoạt cơ chế “cấp vốn có điều kiện”, đe dọa ngừng tài trợ cho Hungary và Ba Lan do xâm phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Quyết định được đưa ra hôm 5-4, hai ngày sau khi đảng của Thủ tướng Viktor Orban của Hungary giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội. Theo AFP, lãnh đạo Ủy ban châu Âu không cho biết rõ nội dung của công văn nói trên nhưng trong một văn bản trước đó đã được gửi đến chính quyền Hungary hồi tháng 11-2021, Ủy ban châu Âu đã bày tỏ lo ngại về các vấn đề đấu thầu các dự án dùng ngân sách công, xung đột lợi ích và tham nhũng. Thủ tục xem xét việc ngừng cấp vốn của EU cho Hungary dự kiến sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 9 tháng.

Những vết rạn của lợi ích  -0
EU muốn tìm kiếm sự đoàn kết trong mực tiêu cấm vận năng lượng của Nga.

Cơ chế “cấp vốn có điều kiện” của EU bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 1-2021 nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Cơ chế này cho phép đình chỉ việc cấp vốn thuộc thẩm quyền của EU cho một quốc gia có các hành động vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền gây thiệt hại đến các nguồn tài chính của khối. Việc đình chỉ cấp vốn hoặc giảm cấp vốn sẽ được thực hiện khi được ít nhất 15 thành viên EU thông qua. Đối với Hungary và Ba Lan, đây là các khoản tài chính quan trọng liên quan đến các kế hoạch chấn hưng hậu COVID-19. Sau quyết định nói trên của Ủy ban châu Âu, ông Gergely Gulyas, Chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary đã chỉ trích Ủy ban châu Âu “phạm sai lầm”, tố cáo việc Bruxelles muốn “trừng phạt các cử tri Hungary vì đã không bày tỏ thái độ phù hợp với mong muốn của Bruxelles trong cuộc bầu cử Quốc hội Hungary hôm Chủ nhật tuần trước”.

Trước đó, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJUE), hôm 16-2, đã ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của Ba Lan và Hungary, liên quan đến “biện pháp chưa từng có” của Ủy ban châu Âu gắn liền việc cấp vốn với việc tôn trọng nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Chính quyền Ba Lan, với nhiều cáo buộc xâm phạm các nguyên tắc này, tạm thời chưa bị Ủy ban châu Âu kích hoạt cơ chế “cấp vốn có điều kiện” nói trên. Nhưng, lãnh đạo Ủy ban châu Âu cho biết chính quyền Ba Lan sẽ phải trình một dự luật mới trước Quốc hội nước này nhằm đáp ứng được 3 đòi hỏi của Ủy ban châu Âu liên quan đến việc đưa trở lại bộ máy tư pháp các thẩm phán bị cách chức, cải cách quy chế kỷ luật đối với các thẩm phán và giải thể “Phòng kỷ luật” thuộc Tòa án Tối cao Ba Lan.

Trên một mặt trận khác, EU đang muốn đoàn kết cấm vận năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Đức luôn cân nhắc trước những thiệt hại về tăng trưởng nếu tẩy chay dầu khí của Nga. EU đã ngừng mua than đá của Nga, hiện chiếm 45% nhập khẩu của khối và dự định đóng cửa các cảng biển đối với tàu của Nga. Tuy nhiên, khả năng cấm vận dầu lửa Nga (chiếm 25% nhập khẩu của EU) và khí đốt (chiếm 45% tỷ trọng nhập khẩu của EU) vẫn là chủ đề gây tranh luận gay gắt giữa các quốc gia thành viên EU.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng Phân tích kinh tế (CEA), cơ quan trực thuộc Thủ tướng Pháp, theo đó trong trường hợp ngừng toàn bộ nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga, nền kinh tế của châu Âu sẽ phải đối mặt với một cú sốc mạnh. Khi đó giá năng lượng sẽ tăng chóng mặt, đánh trực tiếp vào đời sống người dân làm bùng lên các phong trào phản kháng chống chính phủ, gây mất ổn định xã hội không thể lường trước được.

Ngày 7-4, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích quyết định đình chỉ tư  cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Moscow gọi đây là “bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập”. Nga cáo buộc các nước phương Tây đang lợi dụng cơ quan này cho các “mục đích cơ hội” của mình. “Tự tuyên bố mình là một tiêu chuẩn trong lĩnh vực nhân quyền, các nước này trực tiếp tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền hàng loạt và trắng trợn”, Bộ Ngoại giao Nga nhận xét, đồng thời thông báo nước này đã quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2023.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.