Nỗ lực hòa bình của châu Phi

Thứ Sáu, 23/06/2023, 08:27

Một phái đoàn gồm nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 7 nước châu Phi do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa dẫn đầu vừa thực hiện một “sứ mệnh hòa bình” tại Nga và Ukraine, đề xuất một kế hoạch hòa bình, chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Động thái này thêm một lần nữa chứng minh rằng uy tín và ảnh hưởng của nước Nga và Tổng thống Putin tại châu Phi vượt trội so với phương Tây. Tuy nhiên, nỗ lực của các nước châu Phi tiếp tục vấp phải sự phản bác từ phía Ukraine.

Sứ mệnh hòa bình

Phái đoàn châu Phi do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa dẫn đầu bao gồm các quốc gia: Ai Cập, Senegal, Zambia, Comoros, Congo và Uganda. Phái đoàn đã đến Ukraine vào ngày 16/6 trước khi đặt chân đến Nga vào ngày 17/6 trong một nỗ lực được gọi là “sứ mệnh hòa bình” vì sự ổn định, an ninh kinh tế chính trị toàn cầu. Một thông báo của Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết chuyến công du của ông Cyril Ramaphosa cùng phái đoàn châu Phi đã kết thúc vào ngày 18/6,  trong đó các lãnh đạo châu Phi đề xuất một kế hoạch hòa bình 10 điểm cho cuộc xung đột đã kéo dài 16 tháng.

1_tổng thống vladimir putin tiếp phái đoàn châu phi tại cung điện konstantin, thành phố st. petersburg - ria novosti.jpg -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp phái đoàn châu Phi tại Cung điện Konstantin, thành phố St. Petersburg

Trong kế hoạch hòa bình, phái đoàn châu Phi đề nghị lãnh đạo Nga và Ukraine lắng nghe quan điểm của nhau; khẳng định cuộc chiến phải được giải quyết bằng con đường đàm phán và ngoại giao; hai bên phải giảm nhiệt xung đột; thừa nhận chủ quyền quốc gia theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc quốc tế.

Đề xuất của phái đoàn còn cho rằng cần sự đảm bảo an ninh cho tất cả các nước liên quan; loại bỏ mọi trở ngại với dòng chảy ngũ cốc trên Biển Đen để chúng có thể tới được thị trường tiêu thụ; nỗ lực nhân đạo cần được tiến hành với những người bị ảnh hưởng; tù nhân chiến tranh cần được phóng thích và trẻ em được trả về Ukraine; thiệt hại do cuộc chiến cần được tái thiết; và các cuộc tiếp xúc tiếp theo cần được tổ chức để khuyến khích đối thoại thông qua Phái bộ Hòa bình châu Phi.

“Chúng tôi đến đây để truyền tải thông điệp rất rõ ràng rằng chúng tôi muốn cuộc chiến này chấm dứt”, ông Ramaphosa nói khi phái đoàn châu Phi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg ngày 17/6. Đây cũng là thông điệp phái đoàn châu Phi gửi đến Ukraine khi tới Kiev một ngày trước đó.

Văn phòng của Tổng thống Ramaphosa mô tả sáng kiến hòa bình là “lần đầu tiên châu Phi thống nhất cùng tham gia việc giải quyết một cuộc xung đột bên ngoài lục địa của chúng tôi, với một nhóm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Phi cùng nhau nỗ lực tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình cho cuộc xung đột này”.

Nỗ lực hòa bình của châu Phi -0
Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón nhận kế hoạch hòa bình của châu Phi với một thái độ bình thản và không vội vàng. Ông Putin cho biết Nga luôn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine nhằm chấm dứt chiến tranh. “Chúng tôi hoan nghênh cách tiếp cận cân bằng của những người bạn châu Phi đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với tất cả những ai mong muốn hòa bình dựa trên các nguyên tắc công lý và cân nhắc lợi ích hợp pháp của các bên”. Tổng thống Putin tuyên bố.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng việc hai bên cho đến nay chưa đi đến được bàn đàm phán chủ yếu là do phía Ukraine không muốn đàm phán, đã nhiều lần hủy bỏ các nỗ lực đàm phán. Tổng thống Putin cũng nhắc lại những lần đàm phán thất bại trong thời gian qua, đặc biệt là ông đưa ra việc Ukraine đã xé bỏ bản dự thảo thỏa thuận nhằm chuẩn bị cho đàm phán dự kiến vào tháng 3/2022.

Trước đó, khi đoàn đến Ukraine vào hôm 16/6 và đưa ra bản kế hoạch hòa bình kèm đề xuất đàm phán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch đàm phán mà phái đoàn châu Phi đưa ra. Một trong những vấn đề mấu chốt khiến đàm phán Nga-Ukraine không thể tiến hành đó là việc Nga muốn công nhận các vùng lãnh thổ miền Đông Ukraine đã sáp nhập vào Nga vào năm 2022, trong khi Ukraine xem đây là điều không thể chấp nhận và một mực đòi Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ của mình. Trong cuộc họp báo chung sau khi hội đàm với phái đoàn châu Phi, ông Zelenskiy tuyên bố một cách cứng rắn rằng sẽ không có chuyện đàm phán với Moscow chừng nào quân đội Nga chưa rút hết khỏi các vùng đất đang kiểm soát ở miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, một sự cố an ninh đã bất ngờ xảy ra giữa phái đoàn nhà báo và đội an ninh tháp tùng Tổng thống Nam Phi Ramaphosa với chính quyền Ba Lan và có nguy cơ làm lu mờ chuyến thăm. Nhóm này không được phép rời đi cho đến hơn 24 giờ sau khi họ đến thủ đô Warsaw của Ba Lan, nơi Tổng thống Ramaphosa đã đến thăm xã giao Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ba Lan có chung đường biên giới với Ukraine và Nga. Bộ đội Biên phòng Ba Lan cho biết hôm 16/6 rằng các thành viên của phái đoàn Nam Phi không có giấy phép nhập khẩu cần thiết đối với vũ khí mà họ đã mang lên máy bay do chính phủ thuê. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Nam Phi khẳng định rằng họ đã xin được tất cả các giấy phép cần thiết, với người đứng đầu bộ phận an ninh của Tổng thống Ramaphosa.

Nỗ lực hòa bình của châu Phi -0
Tổng thống Ukraine Zelenskiy chụp ảnh cùng các lãnh đạo trong phái đoàn châu Phi

Vụ việc tại Ba Lan một lần nữa cho thấy thái độ của các nước EU và NATO đối với các quốc gia không tham gia chống Nga và lên án cuộc chiến Ukraine. Nhiều quốc gia châu Phi đã bị các quốc gia phương Tây chỉ trích vì không lên án cuộc chiến Ukraine và không tham gia các cuộc bỏ phiếu chống Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Ramaphosa đã nói rõ rằng ông sẽ không “đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu”, và rằng ông đang thúc đẩy một kết thúc thương lượng cho cuộc xung đột.

Các quốc gia châu Phi đã cảm thấy tác động kinh tế đáng kể từ cuộc xung đột Ukraine, đặc biệt là khi nói đến giá ngũ cốc và phân bón. “Như các bạn đã biết, châu Phi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột này về tình trạng mất an ninh lương thực; giá ngũ cốc, giá phân bón, nhưng đồng thời, sứ mệnh này nói rằng hãy tìm kiếm một con đường dẫn đến hòa bình để giảm bớt những đau khổ đang diễn ra ở Ukraine”, phát ngôn viên Tổng thống Nam Phi Vincent Magwenya nói.

Nga có ảnh hưởng vượt trội ở châu Phi

Một số nhà quan sát theo dõi chuyến công du của phái đoàn châu Phi tới Ukraine và Nga cho rằng chuyến đi mang tính chất một nỗ lực gây chú ý và tìm kiếm đồng minh hơn là đưa đến một kết quả đàm phán hòa bình thực thụ. Chuyến công du của phái đoàn châu Phi được xem là một nỗ lực nhằm khởi đầu cho một tiến trình đối thoại, từ đó xây dựng sự hiểu biết để đi đến đàm phán, thỏa thuận.

Nỗ lực hòa bình của châu Phi -0
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa họp báo sau hội đàm ngày 16/6

Các nhà phân tích cũng cho rằng phái đoàn châu Phi đã thể hiện “tính trung lập” như tuyên bố của Tổng thống Nam Phi Ramaphosa khi họ đến Ukraine trong tiếng gầm thét của tên lửa Nga nhưng vẫn bình thản không hề có phản ứng gì trong các cuộc đàm phán ở Ukraine và Nga sau đó. Đặc biệt, khi đặt vấn đề trong hội đàm với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ramaphosa cùng phái đoàn đều không có động thái nào để gọi là “lên án” cuộc chiến tại Ukraine hoặc tỏ thái độ cứng rắn với Tổng thống Putin. Thái độ này đã khiến ông Zelenskiy bực tức và kêu lên rằng “thật không hiểu nổi khi họ đến Kiev giữa lúc bị Nga tập kích mà không hề có động thái lên án nào”.

Thực tế, nhiều nước châu Phi chưa bao giờ lên án cuộc chiến Ukraine cũng như đã nhiều lần từ chối tham gia liên minh chống Nga do phương Tây cầm đầu, từ chối tham gia các cuộc bỏ phiếu chống Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cụ thể, Nam Phi và 17 quốc gia châu Phi khác đã bỏ phiếu trắng khi lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine tại Liên hợp quốc vào tháng 3/2023. 8 quốc gia khác đã không tham gia bỏ phiếu. Eritrea là một trong 4 quốc gia trên toàn cầu, cùng với Belarus, CHDCND Triều Tiên và Syria công khai đứng về phía Nga.

Nhà báo Joyce M. Davis đã phát biểu trong bài bình luận trên kênh truyền hình CNN rằng những thái độ và hành động của các quốc gia châu Phi cho thấy nước Nga đang có uy tín và ảnh hưởng ở châu Phi vượt trội hơn hẳn so với Mỹ và phương Tây. Đặc biệt là quan hệ giữa Nga với Nam Phi được xem là rất sâu đậm và là điển hình về quan hệ Nga với châu Phi.

Mối quan hệ sâu đậm đó đã có từ thời Nam Phi còn nằm dưới chế độ diệt chủng Apartheid. Khi đó, Liên Xô, sau này là Nga đã đứng về phía đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) do ông Nelson Mandela lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nam Phi da đen. Khi cuộc đấu tranh đó thành công, ANC lên nắm quyền và ông Nelson Mandela được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Nam Phi, mối quan hệ đó tiếp tục được duy trì và phát triển cao hơn, sâu hơn. Lãnh tụ Nelson Mandela đã từng trả lời phỏng vấn trên báo chí rằng “thật sai lầm khi nghĩ rằng kẻ thù của họ phải là kẻ thù của chúng tôi”.

Mối quan hệ Nga - Nam Phi càng được chứng minh cụ thể hơn khi Tổng thống Nam Phi Ramaphosa từ chối thi hành lệnh bắt Tổng thống Putin của ICC nếu ông Putin đến Nam Phi dự hội nghị BRICS. Ông Ramaphosa cũng bị phương Tây chỉ trích sau khi Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Reuben Brigety lên tiếng tố cáo Nam Phi đã cung cấp vũ khí cho Nga vào tháng 12 năm ngoái.

Bên cạnh Nam Phi, nhiều quốc gia châu Phi trong nhiều năm qua đã có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với Nga. Đặc biệt, nhiều nước châu Phi đã là thị trường vũ khí của Nga. Đáng chú ý, tập đoàn quân sự Wagner được xem là đại diện tiêu biểu cho sự hiện diện của nước Nga tại lục địa đen.

Đầu năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có chuyến công du châu Phi và được các nhà lãnh đạo ở Nam Phi, Eritrea, Angola và Eswatini (trước đây là Swaziland) tiếp đón, đối xử như một người bạn quý mến. Tại Nam Phi, Ngoại trưởng Naledi Pandor đã chào đón ông Lavrov với vòng tay rộng mở. Bà Pandor đã không sử dụng cuộc hội đàm giữa hai người để kêu gọi Nga ngừng cuộc chiến tại Ukraine. Và bà cũng đã gạt bỏ những lời chỉ trích. Bà Pandor còn tuyên bố Nam Phi sẽ sớm tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc, gọi đó là “các cuộc tập trận với bạn bè”, một việc mà Mỹ và châu Âu không hề thích thú.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.