Nỗ lực hội nhập khu vực của Syria
Trong quá trình cố gắng khôi phục ngoại giao khu vực, chính phủ Syria đã đồng ý trấn áp những đường dây buôn ma túy bất hợp pháp. Một trong số đó là đường dây buôn loại ma túy gây nghiện cao tên Captagon, đi từ Syria vào Saudi Arabia. Do đó, hợp sức là điều cần thiết, ngay cả khi quyết định này mâu thuẫn với Mỹ.
Trong những tuần gần đây, Syria đã điều động lực lượng an ninh vào khu vực biên giới - khu vực có mức độ kiểm soát an ninh tương đối còn yếu. Thậm chí, chính phủ Damas còn đe dọa sẽ đội bom vào những xưởng sản xuất Captagon.
Hợp lực
Đây là kết quả gặt hái được từ công tác nối lại quan hệ hợp tác giữa Syria và Saudi Arabia trong thời gian gần đây. Syria cam kết sẽ mở cuộc chiến chống lại hoạt động sản xuất ma túy trên lãnh thổ của mình, còn Saudi Arabia nâng gấp đôi nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ phát tán một loại ma túy mới nổi, dễ sản xuất, được biết đến với tên nội địa là “shabu” hoặc trên toàn thế giới là “ma túy pha lê”.
Vai trò của Syria và Saudi Arabia trong cuộc chiến chống ma túy cũng tương hợp với xu hướng chủ đạo gần đây ở Iraq và Jordan, vì hai quốc gia này đã cùng hợp lực trong cuộc chiến chống ma túy, ngăn chặn không để cho lãnh thổ của họ bị lấy làm trung tâm sản xuất ma túy và tuyến đường trung chuyển.
Nhưng, trong lúc mối quan hệ hợp tác trong khu vực về việc chống buôn bán ma túy đang trên đà phát triển thì giới truyền thông Mỹ lại không ngừng tuyên truyền quan điểm rằng Syria và Lebanon đã trở thành những “chảo lửa” ma túy, là điểm nóng về sản xuất và buôn lậu Captagon.
Trong khi Mỹ đang bận lên tiếng về vấn đề Captagon - vốn xuất hiện từ việc lợi dụng khoảng trống an ninh trong giai đoạn xung đột khu vực - thì nhiều thủ đô của những nước Arab, bao gồm Riyadh, Damas, Baghdad, Amman và Beirut, đã bắt tay vào hợp tác để xóa bỏ thị trường bất hợp pháp này. Họ đã thành lập một phòng kiểm soát phối hợp để theo dõi các nguồn ma túy và tuyến đường buôn lậu, với mục tiêu triệt phá các mạng lưới vốn đang phát triển nhanh chóng những năm gần đây.
Vượt xa hơn cả Syria
Trong vô số loại ma túy hiện hành, Captagon trở nên nổi bật và rất phổ biến do dễ sản xuất và chi phí sản xuất thấp. Tình trạng bất ổn tại Syria đã tạo ra một nơi lý tưởng để sản xuất ma túy. Chưa kể, những điều kiện kinh tế đầy thách thức của khu vực càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thiết lập những đường dây phân phối và buôn lậu rộng lớn. Lợi nhuận hấp dẫn đã thúc đẩy sự xuất hiện của những mạng lưới bất hợp pháp này, làm trầm trọng thêm vấn đề ma túy trong khu vực.
Trong khi đó, Washington xem Captagon là mối đe dọa an ninh và nhà nước Syria là nguồn gốc của chuyện này. Từ đó, họ lấy điều này làm cơ sở để soạn thảo những biện pháp trừng phạt Damas, làm gia tăng áp lực lên đất nước này, đồng thời tạo vỏ bọc cho sự hiện diện bất hợp pháp của những lực lượng của Mỹ tại Syria. Tuy nhiên, các quốc gia Arab tham gia vào nỗ lực chung đã chọn một con đường khác: Tận dụng kinh nghiệm hợp tác trong quá khứ và nhận thấy sự vô ích khi lệ thuộc vào những thủ đoạn đầu cơ chính trị của Mỹ.
Nội dung hoạt động an ninh thường được giữ bí mật, nhưng những quốc gia này đã chọn bày tỏ công khai cam kết chính trị và mối quan hệ hợp tác giữa họ. Điều này thể hiện rõ trong những điều khoản của tuyên bố cuối cùng được đưa ra vào tháng trước, trong cuộc họp giữa những Bộ trưởng Ngoại giao của Syria, Iraq, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia, được tổ chức tại Amman.
Ngoài ra, nỗ lực bền chặt mối quan hệ hợp tác này cũng tạo ra nhiều tác động đến khía cạnh chính trị của vấn đề Captagon. Điều này đã được chứng minh cụ thể qua cuộc thảo luận về Captagon. Cuộc trao đổi này diễn ra trong thời gian Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad thăm chính thức Baghdad ngày 4/6. Sự kiện thảo luận cũng cho thấy, quan điểm của các nước Arab hoàn toàn đi ngược lại với cách tiếp cận mà Mỹ mong muốn. Vốn dĩ, kế hoạch của Washington là hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới của những quốc gia láng giềng với Syria và cùng tham gia đóng góp vào nỗ lực chung nhằm chống lại ma túy.
Kinh phí cho những hoạt động này, ban đầu được phê duyệt với lý do dùng để chống lại ISIS, hiện đã được Bộ Quốc phòng Mỹ phân bổ trong khuôn khổ “Đạo luật CAPTAGON”, nhằm mục đích chứng minh Chính phủ Syria có tham gia tiếp tay đường dây buôn ma túy. Theo The Cradle, đạo luật này cũng tìm cách làm suy yếu ngành công nghiệp dược phẩm ở Syria.
Không ngừng chung tay chống ma túy trong khu vực
Gần đây, Reuters tiết lộ rằng, Saudi Arabia đã đề xuất chi viện 4 tỷ USD cho Chính phủ Syria nhằm giải quyết vấn đề buôn lậu Captagon, làm nổ ra cuộc tranh cãi. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia bác bỏ những tuyên bố này, còn một nguồn tin từ Syria thì nói với The Cradle rằng đây là những cáo buộc do Mỹ đưa ra, như một phần của “chiến dịch truyền thông nhằm chống lại Chính phủ Syria”. Nguồn tin nhấn mạnh rằng, trên thực tế, Saudi Arabia đang hợp tác với Chính phủ Syria để giải quyết cuộc khủng hoảng ma túy. Còn Damas thì xem Captagon là một trong những rủi ro lớn nhất trong thời buổi chiến tranh, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi kinh tế, an ninh, phúc lợi và nhân đạo của đất nước.
The Cradle dự đoán rằng nhiều đường dây sẽ bị triệt phá trong thời gian tới. Mặt khác, phần lớn những mạng lưới đã bị triệt hạ đều nằm ở miền Nam Syria. Khu vực này đang trải qua quá trình phục hồi dần sau nội chiến, nhằm khôi phục những cơ sở nhà nước và loại bỏ khoảng trống an ninh. Đồng thời, Syria đang thực hiện nhiều nỗ lực để giành lại quyền kiểm soát những khu vực nằm ngoài quyền tài phán của chính phủ và nâng cao hiệu quả của các cơ quan chính phủ tại những khu vực mà chính phủ đã nắm quyền kiểm soát. Syria cần có nhiều nỗ lực và sự giúp đỡ hợp tác thường xuyên từ những đất nước láng giếng. Họ cần thiết lập một vành đai hợp tác an ninh.