Nội các Anh đối diện cuộc cải tổ "không mong đợi"

Thứ Năm, 28/03/2024, 07:02

Việc hai bộ trưởng từ chức liên tiếp được cho là "đòn kép" nhằm vào đương kim Thủ tướng Anh Rishi Sunak, với sức ép về một cuộc cải tổ nội các mới, trong bối cảnh Đảng Bảo thủ cầm quyền đang có nguy cơ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

The Guardian đưa tin, Nghị sĩ kỳ cựu Robert Halfon của Đảng Bảo thủ hôm 27/3 bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức Bộ trưởng giáo dục Anh và sẽ rời Quốc hội tại cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra. Ông Halfon, với tư cách là Bộ trưởng giáo dục - chịu trách nhiệm về đào tạo, học nghề và kỹ năng - là nghị sĩ Đảng Bảo thủ của khu vực Harlow kể từ năm 2010. Ông từng giữ Phó Chủ tịch Đảng khi ông David Cameron còn là Thủ tướng và từng là cựu Chủ tịch Ủy ban giáo dục Quốc hội.

Cùng ngày, Bộ trưởng lực lượng vũ trang Anh James Heappey cũng xác nhận đã nộp đơn từ chức. Ông Heappey là nghị sỹ đại diện cho xứ Wells ở Somerset từ năm 2015. Dư luận cho rằng lý do từ chức của ông là vì không hài lòng với mức chi tiêu quân sự của chính phủ trong gói ngân sách mùa xuân, bao gồm việc chính phủ đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để Anh đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng chiếm 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ông Heappey từng được dự đoán sẽ trở thành Bộ trưởng quốc phòng Anh, song vị trí này sau đó lại được bổ nhiệm cho chính trị gia Grant Shapps trong cuộc cải tổ nội các Anh cuối năm ngoái.

Nội các Anh đối diện cuộc cải tổ
Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, đây là hai chính trị gia mới nhất từ chức khỏi nội các Anh trong làn sóng rút lui ngày càng tăng của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ khỏi Quốc hội. Cụ thể, ông Halfon trở thành nghị sĩ Bảo thủ thứ 63 tuyên bố sẽ không tiếp tục tham gia bầu cử. Cựu Bộ trưởng Heappey cũng úp mở việc rời Quốc hội với lời nhắn tới ông Sunak về "cam kết đầy đủ" của ông cho đến khi Quốc hội khóa này kết thúc. Trước đó, cựu Thủ tướng Anh Theresa May hôm 8/3 cũng tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử Quốc hội tại cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra giữa năm nay. Bà May đã đại diện cho khu vực bầu cử Maidenhead ở Đông Nam nước Anh từ năm 1997 và giữ chức thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2019 - một giai đoạn hỗn loạn ở Anh khi nước này cố gắng đàm phán việc rút khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit). 

Theo truyền thông Anh, quyết định rời nhiệm sở và không tranh cử của nhiều chính trị gia Đảng Bảo thủ được đưa ra trong bối cảnh đảng này đã liên tục bị Công đảng đối lập bỏ xa về tỷ lệ ủng hộ của người dân trong các cuộc thăm dò dư luận kể từ tháng 10/2022. Theo kết quả thăm dò gần nhất được tổ chức Savanta thực hiện từ ngày 8-10/3, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ hiện chỉ còn 25%, trong khi tỷ lệ ủng hộ Công đảng đạt 43%.

Đáng chú ý, đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất của đảng Bảo thủ kể từ khi cựu Thủ tướng Liz Truss từ chức vào tháng 10/2022. Giới quan sát cho rằng, thông tin kinh tế Anh bước vào suy thoái vào cuối năm ngoái đã tác động lớn tới sự ủng hộ của cử tri, và kết quả khảo sát mới nhất cho thấy Thủ tướng Rishi Sunak sẽ tiếp tục có một năm khó khăn. Trong một năm tại nhiệm vừa qua, Thủ tướng Sunak đã phải vật lộn để thực hiện các cam kết quan trọng, như giải quyết vấn đề di cư, phát triển kinh tế và cải thiện hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Những động thái này của các bộ trưởng cũng buộc Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải tiến hành một cuộc cải tổ nội các mới, với những xáo trộn về nhân sự không được mong đợi trước. Theo đó, Nghị sĩ Leo Docherty được bổ nhiệm làm Bộ trưởng lực lượng vũ trang và Nghị sĩ Luke Hall được bổ nhiệm làm Bộ trưởng giáo dục. Ông Sunak cũng tiến hành một số thay đổi nhân sự khác trong nội các, trong đó bao gồm việc bà Nus Ghani đảm nhiệm chức Bộ trưởng phụ trách châu Âu tại Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, cuộc cải tổ này cũng dấy lên nhiều lo ngại, nhất là khi Thủ tướng Sunak tuyên bố Anh sẽ tổ chức bầu cử vào năm nay hoặc muộn nhất là vào tháng 1/2025. Trong khi đó, trong số 98 nghị sỹ tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử tiếp theo, hầu hết nghị sỹ là thành viên Đảng Bảo thủ. Một số người như bà Theresa May và ông Dominic Raab, là những chính khách kỳ cựu trong khi những người khác, như các nghị sĩ Dehenna Davison và Nicola Richards, còn khá trẻ và mới gia nhập Quốc hội.

Bên cạnh đó, bản thân Thủ tướng Anh Sunak cũng đang phải đối mặt với những đồn đoán về việc bị thay thế, nhất là khi thời điểm tổng tuyển cử đang đến gần hơn. Song, Sky News mới đây dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Anh Mark Harper, đồng thời là nghị sỹ cấp cao của Đảng Bảo thủ, bác bỏ đồn đoán cho rằng lãnh đạo Quốc hội Penny Mordaunt có thể sẽ thay ông Sunak lãnh đạo đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Trước đó, bà Mordaunt cũng đã bác bỏ thông tin đồn đoán gây hoang mang nêu trên. Hai thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ đưa ra những tuyên bố trên sau khi xuất hiện đồn đoán về khả năng đảng này sẽ thay lãnh đạo ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Như vậy, nội các mới của Thủ tướng Anh sẽ cần gấp rút tìm tiếng nói chung với chính những cử tri của mình để giảm thiểu các xáo trộn và tăng cường sức ảnh hưởng trước khi thời điểm bầu cử gần kề.

Bảo Hân
.
.