Nước cờ khôn khéo của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ngày 24/7, trong bài viết mang tiêu đề “Nga và châu Phi: Hợp lực vì hòa bình, tiến bộ và tương lai thành công” đăng trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Cho dù đã tạm đình chỉ tham gia thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, nước Nga vẫn sẵn sàng thay thế nguồn cung ngũ cốc của Ukraine trên cơ sở thương mại hay miễn phí, đồng thời tiếp tục cung cấp ngũ cốc, lương thực, phân bón và các mặt hàng khác cho các quốc gia châu Phi, bất chấp các biện pháp trừng phạt.
Trong nghìn nỗi lo âu
Cùng ngày, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc tại thủ đô Rome của Italy, với chương trình nghị sự tập trung thảo luận biện pháp giải quyết những vấn đề mà hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, với nguy cơ ngày càng nhiều người có thể bị đói dai dẳng. Hội nghị quy tụ 3 cơ quan lương thực của LHQ - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - cùng các nguyên thủ quốc gia, đại diện chính phủ và các đại biểu khác.
Tại đó, trong lời phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trích dẫn những số liệu chính thức, cho thấy: Hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực, trong khi khoảng 30% lương thực trên thế giới vẫn bị lãng phí hoặc thất thoát.
Còn theo WFP, những tác động ghê gớm từ tiến trình biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột, trong đó có xung đột Nga - Ukraine, đã góp phần đẩy số người phải đối mặt với nạn đói lên tới 122 triệu người kể từ năm 2019. Trong một báo cáo hồi đầu tháng này, WFP ước tính khoảng 691-783 triệu người phải đối mặt với nạn đói trong năm 2022, trung bình ở mức 735 triệu người.
Cũng tại hội nghị này, nhằm ứng phó với tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu, Tổng Thư ký LHQ tiếp tục “kêu gọi Liên bang Nga quay trở lại thực hiện Sáng kiến Biển Đen, theo các đề xuất mới nhất của tôi” - nghĩa là theo một bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/7. Trong đó, Tổng Thư ký Antonio Guterres đề xuất kết nối công ty con của Ngân hàng Rosselkhozbank, chứ không phải chính ngân hàng này với hệ thống thanh toán SWIFT, để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Ông cũng cho rằng: Hiện tại, các khoản thanh toán có thể được thực hiện thông qua một cơ chế được thiết lập với sự tham gia của ngân hàng Mỹ JPMorgan.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Điện Kremlin đánh giá: Không có giải pháp thay thế nào để kết nối lại Rosselkhozbank và các biện pháp do Tổng Thư ký Guterres đề xuất là không đủ. Moscow khẳng định: Nước Nga sẽ chỉ quay lại tham gia thỏa thuận khi các yêu cầu - về việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nga, tạo điều kiện cho các loại thực phẩm và phân bón của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn - được đáp ứng.
Và, đó là điều mà phương Tây không sẵn sàng thực hiện.
Vượt thoát sức ép
Tuy vậy, quan điểm cứng rắn cũng như lập trường kiên quyết của Điện Kremlin đối với những vấn đề xoay quanh Sáng kiến Biển Đen, dĩ nhiên, cũng hoàn toàn có thể khiến nước Nga bị “tô vẽ” thêm trong dáng dấp của một dạng “vai phản diện toàn cầu” sẵn sàng “vũ khí hóa lương thực”, từ phía truyền thông phương Tây.
Điều này lại càng trở nên dễ dàng hơn, với những nỗi lo lắng cực điểm về lương thực của “Lục địa Đen”. Bởi lẽ, khả năng sinh tồn của những cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương ở đây đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ngũ cốc từ Nga cũng như Ukraine, những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Từ ngày 18/7, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) - ông Moussa Faki Mahamat - đã viết trên tài khoản mạng xã hội Twitter cá nhân chính thức của mình: "Tôi lấy làm tiếc về việc Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen mà AU ủng hộ ngay từ đầu. Tôi kêu gọi các bên giải quyết mọi vấn đề để nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc và phân bón một cách an toàn từ Ukraine và Nga đến những nơi cần chúng, đặc biệt là ở châu Phi".
Tình hình này từng được Tổng Thư ký LHQ khái quát: “Tất nhiên, tham gia thỏa thuận là một lựa chọn, song những người dân đang gặp khó khăn ở khắp nơi trên thế giới và các nước đang phát triển thì không có lựa chọn nào khác”. Vô hình trung, bối cảnh ấy cũng tạo nên những sức ép, cho bất cứ động thái nào từ phía Nga, kể cả những đợt tiến công quân sự bằng tên lửa, nhắm vào các kho ngũ cốc của Ukraine ở cảng Odessa.
Áp lực gia tăng thêm, khi liên tiếp các bộ trưởng ngoại giao Đức, Áo, Hà Lan... và nhiều quốc gia khác kêu gọi phía Nga “nghĩ lại” về việc ngừng tham gia Sáng kiến Biển Đen, với mục tiêu tối thượng là bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Cũng dưới danh nghĩa này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã và đang tìm mọi cách để Ukraine có thể tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, theo những phương thức khác. Đơn cử, đến ngày 24/7, Lithuania kêu gọi các nước chung tay mở một con đường mới qua biển Baltic, “tới những nơi cần ngũ cốc của Ukraine”.
Cho dù vấn đề cốt lõi vẫn luôn là lợi ích thì trên bề mặt, những diễn biến này vẫn mang dáng dấp của một cuộc giành giật danh nghĩa, nhằm phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại. Những lời cáo buộc từ Moscow và cả những lời “than vãn” của châu Phi về chuyện phần lớn số ngũ cốc xuất cảng từ Biển Đen không đến những mảnh đất nhiều người thiếu đói nhất, mà đến những quốc gia phát triển đã từng được đưa ra trước đây có thể nhanh chóng bị lãng quên trong tình thế mới.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, khi bài viết của Tổng thống Nga xuất hiện trên trang chủ Điện Kremlin. Một nước cờ khéo léo, để vừa thoát khỏi mọi sự chỉ trích, vừa “chiếu bí” ngược lại đối phương (chưa kể đến những tác động chiều sâu có thể củng cố thêm vị trí độc tôn của ngũ cốc Nga trên thị trường toàn cầu).
Siết chặt những bàn tay
Thế nhưng, ở một tầng cao hơn, vẫn còn những yếu tố địa chính trị quan trọng khác nữa, để chủ nhân Điện Kremlin “đích thân đăng đàn”, nhằm thắt chặt thêm những mối dây liên hệ tốt đẹp đã có sẵn với châu Phi.
Giới quan sát quốc tế đều chưa thể quên, sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền Đông Ukraine bùng nổ cuối tháng 2/2022, năm lần bảy lượt, Mỹ cũng như phương Tây cố gắng tác động, nhằm lôi kéo châu Phi tham gia những đợt công kích hạ uy tín và ảnh hưởng của nước Nga, ở cả Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực ấy đều không mang lại kết quả. Hầu hết các quốc gia châu Phi đều từ chối lên án hành động quân sự của Nga, theo cách này hay cách khác, ở mức độ này hoặc mức độ kia.
Sự ủng hộ này giúp Moscow tự tin hơn rất nhiều, để theo đuổi kế hoạch tái định hình trật tự thế giới - trật tự mà ông Vladimir Putin vừa nhắc lại trong bài viết của mình, khi nhận định: Cả Nga và các nước châu Phi cùng mong muốn hình thành một hệ thống quan hệ chủ yếu dựa trên luật pháp quốc tế, có tính đến lợi ích quốc gia, tính không thể chia cắt của an ninh và cũng công nhận vai trò điều phối trung tâm của LHQ. Một trật tự thế giới đa cực.
“Chúng tôi chân thành đánh giá cao tình hữu nghị và sự hợp tác được tích lũy một cách chân chính, truyền thống tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau đã phát triển giữa Nga và các nước châu Phi” - người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh. Ông cũng không quên đề cập đến điều sẽ không bao giờ có thể bị bôi xóa: Nga luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân châu Phi, liên quan đến các cuộc đấu tranh giải phóng họ khỏi ách áp bức thuộc địa.
Vào ngày 27 và 28/7 tới, tại “cố đô” St Petersburg, Tổng thống Nga sẽ gặp các nhà lãnh đạo châu Phi, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai (hiện đã có 49 quốc gia xác nhận tham dự). Dự kiến, hội nghị sẽ thông qua tuyên bố chung, cũng như kế hoạch hành động của Diễn đàn Đối tác giữa quốc gia và châu lục đến năm 2026.
Lương thực và an ninh lương thực cho châu Phi là vấn đề chắc chắn sẽ được đề cập, trong bối cảnh đến cả WFP cũng đã và đang phải cắt giảm dần hoạt động, do thiếu hụt tài chính, mở ra những khoảng trống đòi hỏi nước Nga hiện diện. Nhưng, đi kèm với nó, sẽ là không ít cơ hội hợp tác phát triển, khi phương Tây đang đánh mất dần ảnh hưởng ở châu lục còn rất nhiều tiềm năng khai phá ấy.
Cuối cùng, hoàn toàn có thể, là những kết nối khăng khít hơn nữa về địa chính trị. Mới ngày 30/6, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lặp lại lời kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an LHQ, theo đó bổ sung thêm đại diện của các nước châu Á, châu Phi và Mỹ latin, để phù hợp với tình hình thực tế thế giới trong giai đoạn mới.
Nói cách khác, Nga đang thiết lập những mối quan hệ với Nam bán cầu tốt đẹp hơn nhiều, so với không ít “kình địch” khác, trong xu thế tất yếu đa phương hóa - toàn cầu hóa đã chính thức hình thành.