Nước Đức chia rẽ vì 14 chiếc Leopard 2

Thứ Hai, 27/02/2023, 10:00

Khi cuộc chiến Nga-Ukraine chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, vấn đề ủng hộ và chuyển vũ khí hiện đại cho Ukraine đang trở thành đề tài nóng tại nhiều nước châu Âu. Tại Đức, vấn đề này còn “nóng” hơn, bởi Đức dường như được giao giữ vai trò “đầu tàu” trong cuộc đua cung cấp vũ khí cho Ukraine, gián tiếp can thiệp vào cuộc xung đột và đối đầu nước Nga.

Ngày 24/2 là vừa tròn một năm nước Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tân phát xít” ở Ukraine. Giới chức quân sự phương Tây chăm chú theo dõi mọi động thái của Nga để đưa ra dự đoán rằng “Nga đang chuẩn bị triển khai đợt tấn công mùa xuân” để đưa cuộc chiến vào giai đoạn mới.

Nước Đức chia rẽ vì 14 chiếc Leopard 2 -0
Người dân phản đối Đức can thiệp sâu vào cuộc chiến Ukraine qua việc gửi xe tăng Leopard 2.

Trước lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và áp lực từ các đồng minh NATO, vào hạ tuần tháng 1/2023 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz quyết định sẽ gửi 14 xe tăng công nghệ cao Leopard 2 cho Ukraine. Quyết định này được giới quan sát đánh giá là một “quyết định lịch sử”, là bước ngoặt trong thái độ và vai trò của nước Đức đối với cuộc chiến Ukraine, bởi nó cho thấy một sự chuyển hướng ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn so với giai đoạn đầu cuộc chiến. Phương Tây kỳ vọng việc Đức quyết định cung cấp xe tăng sẽ tạo chuyển biến mới có lợi cho Ukraine.

Cùng Đức, Mỹ và một số quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ cũng sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho lực lượng Ukraine. Canada (14 chiếc) và Ba Lan (4 chiếc) cùng là xe tăng Leopard 2; Mỹ tuyên bố sẽ gửi 31 chiếc M1 Abrams, Anh tuyên bố sẽ gửi 14 chiếc Challenger. Phương Tây đang dự liệu một cuộc tấn công mùa xuân của các lực lượng Nga và hy vọng cuộc chiến giành lại lãnh thổ của Ukraine sẽ sớm được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của vũ khí mạnh mẽ và hiện đại của phương Tây. Cũng như Mỹ và các đồng minh, nước Đức đã thay đổi quan điểm ban đầu, đó là “không cung cấp các loại khí tài hạng nặng đòi hỏi kỹ thuật bảo trì phức tạp”.

Tuy nhiên, phản ứng của dư luận người dân Đức được cho là có nhiều ý kiến trái chiều. Từ những lo ngại về chiến tranh leo thang, dư luận Đức giờ đây đang chia rẽ xung quanh việc liệu quyết định của chính phủ là đúng hay sai? Miền Đông nước Đức nhìn chung không ủng hộ việc can thiệp sâu vào cuộc chiến Ukraine, trong khi miền Tây Đức theo truyền thống chống lại nước Nga, ủng hộ việc cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine nhằm lật ngược tình thế.

Một luồng dư luận lo ngại rằng quyết định gửi xe tăng có thể thúc đẩy sự tức giận của Moscow và làm cho cuộc xung đột càng trở nên trầm trọng thêm. Nhiều người Đức vẫn có thái độ tích cực đối với Nga, cho rằng Nga sẽ không tấn công bất kỳ thành viên NATO nào, ít nhất là bây giờ. Nhưng, người ta lo lắng về việc Nga sẽ có hành động khốc liệt hơn nhắm vào Ukraine và người dân Ukraine. Việc triển khai và sử dụng Leopard 2 là một tài sản lớn cho chiến tranh Ukraine, nhưng Đức phải đối mặt với thực tế là điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và cả hậu quả chính trị.

Ngay cả những người ủng hộ việc nước Đức hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến cũng lo ngại rằng việc đưa xe tăng Leopard 2 sang Ukraine không những không giải quyết được vấn đề xung đột mà còn có nguy cơ đẩy cuộc chiến leo thang theo chiều hướng nguy hiểm hơn. Họ xem hành động của Chính phủ Đức như một sự can thiệp lớn. Việc triển khai xe tăng và huấn luyện quân đội Ukraine có thể được xem như lời tuyên bố chiến tranh của Đức và NATO bất cứ lúc nào.

Kết quả thăm dò dư luận do hãng ARD công bố cho thấy 46% người Đức ủng hộ việc gửi xe tăng cho Ukraine, trong khi 43% chống, trong đó có đến 59% người dân Đông Đức. Các thế hệ người lớn tuổi có chiều hướng ủng hộ việc gửi xe tăng cho Ukraine. Trong khi khoảng 52% của người trẻ, từ 18 đến 24 tuổi, tin rằng Đức không nên giao xe tăng.

Sự phân hóa rõ ràng nhất là trong chính trị. Một tỷ lệ cao (61%) những người ủng hộ của đảng Greens của Đức ủng hộ việc gửi xe tăng, trong khi tỉ lệ ủng hộ trong đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz là 49%. Phản đối việc cung cấp xe tăng chiến đấu nặng nề nhất đến từ những người ủng hộ đảng AfD, với 84% người từ chối việc giao xe tăng cho Ukraine. Khi Thủ tướng Scholz đưa ra quyết định gửi xe tăng, người đồng lãnh đạo đảng AfD Tino Chrupalla đã kịch liệt lên án, cho rằng đó là động thái “vô trách nhiệm” và nguy hiểm, có nguy cơ khiến nước Đức bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến.

Trong suốt giai đoạn đầu của cuộc chiến Ukraine, nước Đức dường như đã ghể hiện một thái độ thờ ơ đối với cuộc chiến, trong mọi vấn đề từ việc tham gia các biện pháp trừng phạt Nga cho đến việc gửi các khí tài cho Ukraine. Dường như Đức chỉ tham gia theo một xu thế chung trong NATO do sức ép từ các đồng minh, nhất là Mỹ.

Giới chính khách Đức cũng không thống nhất về việc liệu đưa xe tăng Leopard 2 sang Ukraine có mang lại kết quả tích cực nào không? Nghị sĩ Marie-Agnes Strack-Zimmermann (đảng Dân chủ tự do - FDP) cho rằng việc Đức chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine là hành động không thể tránh khỏi, như điều sớm muộn cũng xảy ra, trong khi nghị sĩ Ralf Stegner (đảng SPD) đặt câu hỏi liệu các xe tăng Đức có thể thay đổi đáng kể quá trình chiến tranh theo hướng có lợi cho Ukraine hay không, hay chỉ dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài hơn, nặng nề hơn, tàn phá nhiều hơn cả về vật chất lẫn con người.

Trong chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Kiev hôm 20/2 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskiy một lần nữa kêu gọi phương Tây sớm cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại. Điều này đang đặt phương Tây vào thế chọn lựa mới trong việc hậu thuẫn Ukraine chống lại Nga. Đó sẽ là một bước leo thang hết sức nguy hiểm, có thể kích hoạt chiến tranh lan rộng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

An Châu (Tổng hợp)
.
.