Nước Đức giật mình sau vụ khủng bố Solingen
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hứa sẽ thực thi nhanh hơn các quy định trục xuất và luật vũ khí nghiêm ngặt hơn để ứng phó với vụ đâm dao hàng loạt gây chết người ở Solingen, phía Tây nước Đức. Phe cực hữu đang lợi dụng sự phẫn nộ của công chúng trước thềm cuộc bầu cử quan trọng của tiểu bang Nordrhein-Westfalen.
Ông Scholz đã đặt một bông hồng trắng duy nhất tại hiện trường vụ tấn công đêm 23/8 do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm, trong đó một người tị nạn Syria bị cáo buộc đã giết chết 3 người và làm bị thương 8 người tham dự một lễ hội kỷ niệm 650 năm thành lập thành phố.
Sau khi gặp gỡ các quan chức khu vực và lắng nghe những gì ông gọi là “lời kể rất cảm động” của những nhân viên dịch vụ khẩn cấp đã chăm sóc các nạn nhân, ông Scholz nói với các phóng viên báo chí rằng ông tức giận về vụ giết người nhưng sẽ không để chúng phá vỡ xã hội Đức.
“Đây là khủng bố chống lại tất cả chúng ta, đe dọa cuộc sống của tất cả chúng ta, cách sống của chúng ta. Đây cũng là điều mà những người lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công như vậy luôn có ý định và là điều chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận”, ông Scholz nói.
Chính phủ hiện tại đang phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội về chính sách di cư và tội phạm từ đảng đối lập bảo thủ Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và đảng cực hữu Alternative für Deutschland (AfD) trước 3 cuộc bầu cử khu vực vào tháng tới. Ông Scholz cho biết liên minh trung tả của ông đã sẵn sàng “làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo những điều như vậy không bao giờ xảy ra nữa”.
Ông Scholz cho biết, việc đó sẽ bao gồm cải cách luật vũ khí và nghiên cứu tìm cách để đưa những người xin tị nạn có đơn xin bị từ chối trở lại quốc gia gốc của họ nhanh hơn nếu được coi là an toàn hoặc quốc gia châu Âu nơi họ nộp đơn xin tị nạn đầu tiên.
Theo tạp chí tin tức Der Spiegel, nghi phạm được các công tố viên liên bang xác định là Issa Al H, 26 tuổi, họ của nghi phạm chưa được tiết lộ do các quy tắc bảo vệ dữ liệu, đến Đức vào cuối năm 2022 và đã nộp đơn xin tị nạn. Truyền thông đưa tin, vào thời điểm đó, cơ quan an ninh chưa biết anh ta là một phần tử Hồi giáo cực đoan.
Đơn xin tị nạn của Issa sau đó đã bị bác bỏ và Issa bị đưa vào kế hoạch trục xuất về Bulgaria vào năm ngoái, nơi anh ta lần đầu tiên được đăng ký theo các quy định của EU với tư cách là người xin tị nạn.
Ông Herbert Reul, Bộ trưởng Nội vụ khu vực đã phủ nhận các báo cáo của giới truyền thông rằng Issa Al H sau đó đã “biến mất” nhưng cho biết có vẻ như thời gian lưu trú của anh ta tại Đức đã quá thời hạn pháp lý, nghĩa là anh ta không còn có thể bị đưa đến một quốc gia khác.
Đầu tháng 6, ông Scholz đã nói với Quốc hội rằng ông ủng hộ việc trục xuất những tên tội phạm bạo lực, sinh ra ở nước ngoài ngay cả khi chúng đến từ Afghanistan hoặc Syria. Lập trường cứng rắn này của ông Scholz được công bố vài ngày trước cuộc bầu cử châu Âu mà AfD đã thể hiện tốt.
Sự thay đổi lập trường của ông Scholz được cho là xuất phát từ vụ việc một người tị nạn Afghanistan bị cáo buộc đã giết một cảnh sát tại cuộc biểu tình cực hữu. Ông Scholz đưa ra quan điểm cứng rắn như thế cũng để đáp lại những cáo buộc từ phe cánh hữu và cực hữu rằng chính phủ của ông đã lỏng lẻo trong việc trục xuất.
Vụ việc của người tị nạn Afghanistan cũng khiến Bộ trưởng Nội vụ liên bang Nancy Faeser kêu gọi ban hành luật nghiêm ngặt hơn về việc mang theo dao dài ở nơi công cộng trong bối cảnh bạo lực bằng dao gia tăng. Tuy nhiên, các đề xuất này đã bị chỉ trích trong chính phủ bởi những người theo chủ nghĩa dân chủ tự do. Tuy nhiên, kể từ vụ tấn công ở Solingen, nhóm người này đã không còn phản đối các đề xuất nêu trên nữa.
Tino Chrupalla, đồng lãnh đạo của đảng AfD, đã viết trên X ngay cả trước khi kẻ tấn công được cho là đã đầu hàng cảnh sát vào hôm 24/8: “Lệnh cấm dao sẽ không giúp ích gì trong những tình huống như vậy. Đức cần phải thay đổi ngay lập tức chính sách di cư và an ninh của mình!”.
Lãnh đạo đảng CDU Friedrich Merz - người được cho là sẽ là đối thủ chính của ông Scholz trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9/2025, đã kêu gọi tạo ra một “bước ngoặt” trong chính sách di cư “ngây thơ” của Đức.
Ông đã gửi một bức thư cho ông Scholz kêu gọi dừng hoàn toàn những người xin tị nạn từ Syria và Afghanistan vào Đức. Ông viết: “Sau vụ tấn công khủng bố ở Solingen, cuối cùng thì vấn đề cũng đã rõ ràng: dao không phải là vấn đề mà chính là những người mang theo dao chạy loanh quanh”.
Ngay cả trước vụ đổ máu ở Solingen, các cuộc thăm dò cho thấy đảng AfD có khả năng trở thành đảng mạnh nhất ở cả 3 tiểu bang bỏ phiếu vào tháng 9 gồm: Thuringia, Saxony và Brandenburg.
Các nhà lãnh đạo đảng CDU cho biết hai ông Merz và Scholz sẽ gặp nhau để thảo luận về những hậu quả có thể xảy ra từ vụ tấn công ở Solingen. Hôm 25/8, khoảng 30 thành viên của nhóm thanh niên AfD đã tập hợp tại Solingen, gặp phải cuộc phản đối của vài trăm người bảo vệ sự đa dạng trong thành phố. Cảnh sát đã giải tán các cuộc ẩu đả giữa các nhóm. Một tấm biển ghi dòng chữ “yêu thương thay vì thù hận” được đặt giữa những bó hoa tưởng nhớ các nạn nhân.
Phát biểu tại cuộc họp báo với ông Scholz, ông Hendrik Wst - Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, đã cầu xin phe cực hữu không lợi dụng thảm kịch này và lưu ý rằng Solingen đã có kinh nghiệm cay đắng trong việc phục hồi sau chấn thương khi là nơi xảy ra vụ tấn công khủng khiếp của các thành phần tân Quốc xã vào năm 1993.
Giữa làn sóng bạo lực phân biệt chủng tộc gây chấn động cả nước, những kẻ tấn công cực hữu đã đốt cháy nhà của một gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ, giết chết 5 người, trong đó có 3 trẻ em và làm bị thương 14 người khác. Những kẻ thủ ác đã bị kết án và chịu án tù dài hạn.