Nước Mỹ giữa “bão” lạm phát kỷ lục

Thứ Bảy, 18/06/2022, 10:35

Trung tuần tháng 6, Mỹ báo cáo rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 5 đã tăng 8,6% - tốc độ tăng nhanh nhất trong 40 năm qua. Người Mỹ đang đối mặt với việc thực phẩm, nhiên liệu và nhà ở đắt đỏ hơn. Vậy chuyện gì đã gây ra sự bùng nổ giá này, nó có thể kéo dài bao lâu và chính quyền Washington có thể làm gì để giải quyết?

Tăng giá vì chi tiêu nhiều

Giá xăng dầu tăng kỷ lục, cộng với chi phí ăn uống và chỗ ở không ngừng gia tăng, đang gây thêm áp lực cho chi phí sinh hoạt của người Mỹ. Điều này càng làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế mà theo nhận định của một số nhà kinh tế là có thể xảy ra vào năm 2023.

Nước Mỹ giữa  “bão” lạm phát kỷ lục -0
Người dân đi mua sắm ở Costco, Santa Clarita, California, Mỹ. ảnh: AP

Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao của BMO Capital Markets, nói: “Sẽ có rất ít thời gian nghỉ ngơi sau khi lạm phát ở Mỹ đạt ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Cục Dữ trự liên bang Mỹ (FED) có thể vẫn tăng lãi suất chính sách nhưng nó là con dao hai lưỡi và có thể khiến lạm phát tiếp tục gây ngạc nhiên ở mức cao hơn”. Vậy điều gì đã thúc đẩy lạm phát ở Mỹ phi mã một cách chóng mặt như vậy?

Theo các chuyên gia kinh tế, có 3 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, các gia đình đã tích lũy được khoản tiết kiệm khi họ bị mắc kẹt ở nhà và nhận sự hỗ trợ kéo dài đến năm 2021 của chính phủ. Bây giờ, mọi người đang kiếm việc làm và giành lấy sự tăng lương. Tất cả những yếu tố đó đã làm tăng tiền trong tài khoản ngân hàng của các hộ gia đình, cho phép các gia đình chi tiêu mọi thứ, từ đồ nướng ở sân sau và kỳ nghỉ ở bãi biển cho đến xe hơi và bàn bếp…

Nước Mỹ giữa  “bão” lạm phát kỷ lục -0
Các chỉ số cho thấy lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao. ảnh: Getty

Nguyên nhân thứ 2 là việc có quá ít hàng hóa. Khi các gia đình có được khoản  tiết kiệm trong đại dịch, hiện giờ họ đang cố gắng mua xe bán tải và màn hình máy tính, nhưng họ gặp phải một vấn đề: có quá ít hàng hóa. Các nhà máy ngừng hoạt động vì liên quan đến đại dịch, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sản lượng… dẫn đến tình trạng thiếu phụ tùng và sản phẩm.

Nước Mỹ giữa  “bão” lạm phát kỷ lục -0
Giá khí đốt tăng làm xói mòn tài chính của hàng triệu người Mỹ. ảnh: Getty

Và bởi nhu cầu đã vượt xa khả năng cung hàng hóa, các công ty có thể tính phí nhiều hơn mà không bị mất khách hàng. Giờ đây, các đợt phong tỏa mới nhất ở Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cũng cắt giảm nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu của thế giới, đẩy lạm phát tổng thể lên cao hơn và ảnh hưởng đến chi phí của các sản phẩm và dịch vụ khác. Giá xăng trung bình khoảng 5 USD/ 1 gallon trên toàn đất Mỹ, tăng gần gấp đôi so với con số hơn 3 USD một năm trước.

Cuối cùng là sức ép từ khu vực dịch vụ. Gần đây, mọi người đã chuyển chi tiêu của mình ra khỏi mọi thứ quen thuộc trong 2 năm qua và quay trở lại với cuộc sống trước khi có đại dịch. Lạm phát đã tăng lên trong các ngành dịch vụ. Giá thuê đang tăng nhanh chóng khi người Mỹ cạnh tranh vì nguồn cung căn hộ hạn chế, hóa đơn nhà hàng tăng cao hơn khi chi phí thực phẩm và nhân công tăng, đồng thời giá vé máy bay và phòng khách sạn cũng tăng vì mọi người háo hức đi du lịch bất chấp việc nhiên liệu và nhân công đắt hơn.

“Có người đặt câu hỏi là lòng tham của doanh nghiệp đóng vai trò gì trong tất cả những điều này? Đúng là các công ty đã thu được lợi nhuận lớn bất thường khi họ tăng giá nhiều hơn mức cần thiết để trang trải chi phí tăng. Nhưng họ có thể làm được điều đó một phần vì nhu cầu quá mạnh. Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều ngay khi bị tăng giá”, tờ The New York Times viết.

Vai trò của FED

Theo lý giải của New York Times, các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi chặt chẽ hai thước đo lạm phát chính ở Mỹ: CPI và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE). Chỉ số CPI nắm bắt số tiền người tiêu dùng trả cho những thứ họ mua và đem lại cái nhìn rõ ràng đầu tiên của quốc gia về mức độ lạm phát đã xảy ra. Còn chỉ số PCE sẽ được phát hành vào ngày 30-6, theo dõi chi phí thực sự của mọi thứ.

Nước Mỹ giữa  “bão” lạm phát kỷ lục -0
Lạm phát tăng cao một phần do sức mua của người tiêu dùng Mỹ gia tăng chóng mặt. ảnh: Getty

Ví dụ, nó tính giá của các thủ tục chăm sóc sức khỏe ngay cả khi chính phủ và bảo hiểm trợ giúp chi trả. Nó có xu hướng ít biến động hơn và đây là chỉ số mà FED xem xét khi cố gắng đạt được mức lạm phát trung bình 2%. Tính đến tháng 4, chỉ số PCE đã tăng 6,3% so với năm trước - gấp hơn ba lần mục tiêu của FED. Vì thế, các quan chức FED đang chú ý đến những thay đổi trong lạm phát hàng tháng để nắm được động lực của nó.

Nước Mỹ giữa  “bão” lạm phát kỷ lục -0

Các nhà hoạch định chính sách cũng đặc biệt quan tâm đến cái gọi là biện pháp lạm phát cốt lõi, loại bỏ giá thực phẩm và nhiên liệu. Mặc dù hàng tạp hóa và khí đốt chiếm một phần lớn trong ngân sách hộ gia đình, chúng cũng tăng giá theo sự thay đổi của nguồn cung toàn cầu. Do đó, hiện khó có thể đưa ra được thông tin rõ ràng hơn về áp lực lạm phát tiềm ẩn trong nền kinh tế.

Cho đến nay, bất kỳ ai ở Mỹ cũng có thể đoán được giá sẽ tiếp tục tăng nhanh trong một thời gian không ngắn nữa. Lạm phát đã khiến các chuyên gia bối rối liên tục kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020. Nhưng dựa trên các nguyên nhân đằng sau mức giá nóng hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, tiền lương đang tăng nhanh hơn nhiều so với bình thường và điều đó có nghĩa là trừ khi các công ty đột nhiên làm việc hiệu quả hơn, họ có thể sẽ cố gắng tiếp tục tăng giá để trang trải chi phí lao động của mình. Kết quả là, FED đang tăng lãi suất để làm chậm nhu cầu và làm giảm tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng như giá cả. Phản ứng chính sách của FED có nghĩa là nền kinh tế gần như chắc chắn sẽ đi đến suy thoái. Hiện tại, chi phí đi vay cao hơn đã bắt đầu hạ nhiệt thị trường nhà ở.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là FED sẽ cần hành động bao nhiêu để kiểm soát lạm phát. Nếu nước Mỹ gặp may và tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng giảm bớt, FED có thể để nền kinh tế giảm tốc một cách nhẹ nhàng, làm chậm thị trường việc làm đủ để kiềm chế tăng trưởng tiền lương mà không gây ra suy thoái. Trong kịch bản lạc quan đó, thường được gọi là “hạ cánh mềm”, các công ty sẽ buộc phải hạ giá và hạ mức thu lợi nhuận lớn khi cung và cầu cân bằng, khi đó họ lại cạnh tranh để giành khách hàng. Nhưng cũng có thể, các vấn đề về nguồn cung sẽ vẫn tồn tại, khiến FED phải đứng trước một nhiệm vụ khó khăn hơn là tăng lãi suất mạnh hơn để làm chậm nhu cầu, đủ để đưa mức tăng giá trong tầm kiểm soát.

Nước Mỹ giữa  “bão” lạm phát kỷ lục -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm một trang trại gia đình ở Kankakee, Illinois. ảnh: Getty

Nhóm nghiên cứu của Luzzetti, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank đã ước tính rằng, các hộ gia đình Mỹ vẫn còn khoảng 2.300 tỷ USD tiết kiệm để giúp họ vượt qua mức giá hiện nay hoặc mức giá cả cao hơn. Cũng có nhiều luồng ý kiến lạc quan cho rằng giá hàng hóa sẽ giảm trong những tháng tới. Nhiều nhà bán lẻ lớn bao gồm: Target, Walmart và Macys đã báo cáo rằng họ hiện đang mắc kẹt với quá nhiều sản phẩm trong kho, đồ điện tử và các hàng hóa khác mà họ đã đặt khi những mặt hàng đó có nhu cầu cao hơn và sẽ phải giảm giá để tiêu thụ. Mặc dù vậy, giá khí đốt tăng lại đang làm xói mòn tài chính của hàng triệu người Mỹ. Nghiên cứu của Viện Ngân hàng Mỹ, sử dụng dữ liệu ẩn danh từ hàng triệu tài khoản thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng, cho thấy việc chi tiêu cho xăng đang chiếm tỷ lệ lớn hơn trong ngân sách của người tiêu dùng và thu hẹp khả năng mua các mặt hàng khác.

Đối với các hộ gia đình Mỹ có thu nhập thấp hơn (ở mức thu nhập dưới 50.000 USD), chi tiêu cho khí đốt- nhiên liệu đạt gần 10% tổng chi tiêu cho thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong tuần cuối cùng của tháng 5. Con số này tăng từ khoảng 7,5% vào tháng 2, một mức tăng mạnh trong một thời gian ngắn.

Nghiên cứu của Viện Ngân hàng Mỹ cũng cho biết, mức chi tiêu của tất cả khách hàng của ngân hàng cho những mặt hàng sử dụng lâu dài như: đồ nội thất, đồ điện tử và cải thiện nhà cửa, đã giảm nhiều so với một năm trước. Nhưng chi tiêu cho vé máy bay, khách sạn và giải trí vẫn tiếp tục tăng. Và chính sự thay đổi trong chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ là một xu hướng có thể giúp giảm lạm phát vào cuối năm 2022.

.
.