Nước Mỹ và cuộc chiến bảo vệ ảnh hưởng tại châu Phi

Thứ Tư, 15/05/2024, 10:30

Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden đang nỗ lực tái khẳng định vị trí của nước Mỹ ở châu Phi khi ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tăng lên.

Vị thế bị thách thức

Từ những năm 2020, châu Phi đã được nhìn nhận sẽ là điểm nóng mới trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn khi tiềm năng của châu lục này đang dần hiển lộ. Trong một thời gian dài, Mỹ với vị thế bá chủ của mình đã duy trì ảnh hưởng gần như tuyệt đối tại khu vực. Nhưng tình thế đang thay đổi rất nhanh. Với các sự kiện trong vài năm qua, vị thế của Mỹ ở Châu Phi đang dần bị thay thế. Thất bại trong việc ngăn chặn sự lan rộng của các cuộc đảo chính quân sự trên khắp vành đai trải dài từ Guinea ở phía Tây đến Sudan ở phía Đông thời gian qua càng làm lung lay chỗ đứng của Mỹ tại khu vực.

Nước Mỹ và cuộc chiến bảo vệ ảnh hưởng tại châu Phi -0
Những tuyên bố hùng hồn của ông Joe Biden tại hội nghị Mỹ - Phi năm 2022 vẫn chưa được thực hiện.

Từ cuộc nội chiến hai thập kỷ ở Sudan cho đến sự kiện các tướng lĩnh của Niger yêu cầu Mỹ đóng cửa căn cứ tại nước này vào năm 2023 cho thấy, khu vực hạ Sahara đang rời xa người Mỹ. Sau cuộc đảo chính tháng 7/2023, một phái đoàn Mỹ do bà Molly Phee, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về khu vực châu Phi đã tới Niger để tìm kiếm thỏa thuận nhưng không may, tất cả những gì nhà ngoại giao Mỹ nhận được là những lời chỉ trích tới từ các tướng lĩnh. Một thành viên trong phái đoàn Mỹ sau đó đã thốt lên: “Đó là một sự sỉ nhục”. Điều tồi tệ hơn đến vào đầu tháng 5/2024 này, chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ cho biết họ sẽ phải rút phần lớn lực lượng của mình khỏi Chad “như một phần trong quá trình đánh giá liên tục về hợp tác an ninh của chúng ta”.

Trước đó, các quốc gia trong khu vực như Mali, Burkina Faso và Niger công khai hoan nghênh Nga hiện diện tại khu vực. Quân đội Nga cũng đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi. Nam Sudan, nơi Mỹ đứng ra làm trung gian cho nền độc lập từ năm 2011, nhưng đã rơi vào “cái thùng bị mất”, theo lời của cố vấn Tổng thống Joe Biden.

Một cuộc thăm dò năm ngoái của hãng tư vấn Gallup cho thấy sự ủng hộ của người châu Phi đối với sự lãnh đạo của Mỹ thậm chí đã thấp hơn cả của Trung Quốc. Khi sự cạnh tranh toàn cầu của Mỹ với Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng, khả năng thể hiện ảnh hưởng của nước này ở các khu vực như châu Phi đang trở nên hiệu quả hơn. Trong khi đó, Mỹ phải đối mặt với tình thế khó khăn khi phải chuyển hướng các nguồn lực của mình tới các điểm nóng của các đồng minh ở Đông Âu và Đông Á.

Nước Mỹ và cuộc chiến bảo vệ ảnh hưởng tại châu Phi -0
Phản ứng tiêu cực của người dân nhiều nước trước sự xuất hiện của quân đội Mỹ.

Sai lầm chính sách

Quyền lực đang suy giảm của Mỹ ở nhiều khu vực châu Phi bắt nguồn từ ba yếu tố chính: sự cạnh tranh gia tăng, bao gồm cả từ các cường quốc tầm trung vốn là đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất; sự xung đột lợi ích giữa mục tiêu của Mỹ với các quốc gia khu vực và sự xao lãng của chính nước Mỹ bởi các cuộc khủng hoảng ở các châu lục khác.

Ông Brian Kagoro, Giám đốc Điều hành của Open Society Foundations (Tổ chức xã hội dân sự hoạt động khắp thế giới từ nguồn tài trợ của tỷ phú Soros) tại châu Phi cho biết: “Châu Phi một lần nữa đã trượt một chặng dài khỏi nước Mỹ”, “dù nhiều thường dân thiệt mạng ở Sudan hơn so với ở Gaza và Ukraine, thì người Mỹ vẫn ít chú ý hơn tới khu vực này”.

Nước Mỹ và cuộc chiến bảo vệ ảnh hưởng tại châu Phi -0
Tổng thống Kenya William Ruto sắp thăm Mỹ.

Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ bị giằng xé giữa việc vừa chỉ trích các chính quyền quân sự vừa muốn duy trì mối quan hệ với chính quyền mới được lập lên sau đảo chính thì cùng lúc, nhiều người châu Phi cáo buộc Mỹ đạo đức giả và tiêu chuẩn kép. Điển hình như việc Mỹ “vui vẻ bỏ qua” những sai sót trong cuộc bầu cử ở Congo tháng 12/2023, nơi có trữ lượng coban lớn nhất thế giới mà các công ty Mỹ đang muốn tiếp cận. Jeffrey Smith, người sáng lập Vanguard Africa, than phiền về điều mà ông cho là “sự thất bại thảm hại của chính quyền ông Biden trong việc lên tiếng mạnh mẽ chống lại hành vi vi phạm nhân quyền ở các quốc gia như Ethiopia, Rwanda, Swaziland và Uganda”. Ông nói, “chính sách quan trọng nhất của Mỹ hiện nay là không làm rung chuyển con thuyền (ám chỉ ảnh hưởng Mỹ còn duy trì được ở những quốc gia này)”.

Những lời hứa về việc “ủng hộ một nước châu Phi có chân trong Hội đồng bảo an” và nỗ lực khơi dậy sự chú ý của quốc tế với Sudan từ đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Linda Thomas-Greenfield chỉ đạt được thành công hạn chế. Nam Phi, cùng với các quốc gia hàng đầu khác, đã từ chối ủng hộ Ukraine theo đề nghị của Mỹ. Ngay sau cuộc tấn công của Nga vào tháng 2/2022, 28 quốc gia châu Phi đã lên án Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhưng 25 quốc gia khác lại bỏ phiếu trắng.

Nước Mỹ và cuộc chiến bảo vệ ảnh hưởng tại châu Phi -0
Mỹ đang cố gắng duy trì quan hệ và ảnh hưởng tại châu Phi.

Sự ủng hộ của Mỹ đối với chiến dịch của Israel chống lại người Palestine kể từ tháng 10 năm ngoái đã khiến dư luận châu Phi càng xa rời Mỹ. Samantha Power, người điều hành Cơ quan hỗ trợ nước ngoài của Mỹ (USAID) đã bị các nhà lãnh đạo châu Phi chỉ trích vì không lên tiếng chống lại Israel ở Gaza. Ông Smith nói: “Tôi chưa bao giờ thấy người châu Phi có nhận thức thấp như vậy về chính sách đối ngoại của chúng tôi”.

Để lý giải cho tất cả thất bại này, người ta có thể nhớ lại lời hứa của đương kim tổng thống Mỹ, ông Joe Biden vào tháng 12/2022. Đó là khi ông Biden mời những người dẫn đầu 49 quốc gia châu Phi tới Washington dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi. Tại hội nghị, nhà lãnh đạo nước Mỹ gây chú ý với lời hứa rót 55 tỷ USD vào châu Phi trong 3 năm và sẽ đến thăm lục địa này cuối năm 2023. Bất chấp những phát biểu hùng hồn như đảm bảo rằng ông “không giống như người tiền nhiệm” hay “tất cả vì châu Phi”, thì cho đến nay những lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện.

Nỗ lực sửa chữa

Không thể phủ nhận chính quyền của ông Joe Biden đã làm được nhiều việc trong thúc đẩy quan hệ với châu Phi, đặc biệt là “nâng tầm” vị thế của châu lục đen bằng tiếng nói của mình trong những năm qua. Liên minh châu Phi (AU) đã được đưa vào G20 theo sáng kiến của Mỹ. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, châu Phi đã giành được sự đại diện tốt hơn tại các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới. Về mặt tín dụng, Mỹ đã thúc đẩy các chương trình như Power Africa (được cho là đã giúp hơn 33 triệu người châu Phi có điện chỉ riêng trong năm ngoái) và Chuyển đổi kỹ thuật số cho châu Phi. Nhóm châu Phi của ông Biden đang thảo luận về kế hoạch cải tạo tuyến đường sắt từ Zambia và Congo đến cảng Lobito của Angola.

Trong một nỗ lực gấp gáp, sau khi bị “đuổi khỏi” Niger, chính quyền Mỹ đã thực hiện một loạt động thái đáng chú ý trong thời gian gần đây. Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Mỹ-châu Phi lần thứ 16 diễn ra từ ngày 6-9/5/2024 tại Dallas, Texas vừa kết thúc trở thành nơi tụ họp của hơn 1.500 giám đốc điều hành khu vực công và tư nhân của Mỹ và châu Phi cũng như các nhà đầu tư quốc tế. Cuộc tập trận thường niên hàng đầu của Bộ chỉ huy châu Phi thuộc quân đội Mỹ có tên Sư tử châu Phi 2024 cũng được diễn ra ở Tunisia, đánh dấu thời điểm quan trọng trong hợp tác quân sự giữa Washington và lục địa này. Kéo dài từ ngày 29/4-31/5, cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 8.000 binh lính từ 27 quốc gia, bao gồm cả lực lượng dự bị từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thể hiện quy mô hợp tác đa quốc gia chưa từng có. Với một loạt hoạt động trải rộng khắp Tunisia, Morocco, Ghana và Senegal, đây là cuộc tập trận lớn nhất trong 20 năm qua của Bộ chỉ huy châu Phi.

Nước Mỹ và cuộc chiến bảo vệ ảnh hưởng tại châu Phi -0
Kết quả khảo sát cho thấy người dân châu Phi đánh giá thấp Mỹ so với Trung Quốc.

Nhưng điều bất ngờ là chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Kenya, ông William Ruto vào cuối tháng này. Nếu đến Washington, ông Ruto sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của châu Phi tới thăm chính thức Mỹ từ năm 2008, mặc dù vào năm 2010, ông đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague truy tố vì cáo buộc liên quan đến bạo lực sau bầu cử. Sự thân thiết đặc biệt với nhà lãnh đạo tai tiếng của Kenya này đến trong thời gian gần đây khi quốc gia này  là đầu cầu cung cấp nhân đạo cho các khu vực rộng lớn hơn, bao gồm Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Somalia và miền đông Congo.

Ít nhất, những người Mỹ gốc Phi cũng cảm thấy an ủi rằng chính sách đối với lục địa này vẫn nhận được ủng hộ từ cả Chính phủ và Quốc hội. Người Mỹ với mối quan hệ lâu dài tại châu Phi cũng như vị thế của mình vẫn nắm nhiều ưu thế tại khu vực này.

Tử Uyên
.
.