Nước Nga trước sức ép tứ bề
Trước những tuyên bố mới đây của Mỹ về việc sẵn sàng “làm mọi thứ có thể” để giúp Ukraine thắng Nga, hôm 27-4, Tổng thống Nga Putin yêu cầu Washington ngừng gửi vũ khí cho Kiev và cảnh báo rằng các viện trợ về vũ khí cho Ukraine chỉ làm cuộc xung đột thêm căng thẳng...
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã kéo dài hơn 2 tháng. Từ 2 tuần nay, miền Đông Ukraine trở thành chiến trường ưu tiên của Tổng thống Putin. Moscow dường như muốn nhanh chóng giành được một thắng lợi quan trọng trước ngày 9-5, dịp kỉ niệm chiến thắng phát xít. Trong khi đó, các nước phương Tây đang gây sức ép trên 3 mặt trận, chiến trường, ngoại giao và kinh tế, muốn buộc Nga không những phải dừng cuộc chiến ở Ukraine mà còn phải trả giá cho cuộc chiến này. Nhưng, có những dấu hiệu cho thấy mục tiêu này khó có khả năng thành công.
Chiến sự căng thẳng này có thể sẽ phải kéo dài không như mong đợi của Nga vì phương Tây đang tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Sau Đức, ngày 26-4, Hà Lan cũng thông báo sẽ chuyển xe tăng PzH 2000 cho Kiev. Đây là loạt thiết bị quân sự hạng nặng nhất của quân đội Hà Lan, có tầm bắn 50 km và phù hợp chính xác với những gì Ukraine cho biết đang cần hiện nay. Phía Mỹ khẳng định nhiều loại pháo cối, xe bọc thép, máy bay không người lái... đang được đưa đến Ukraine. Ngày 27-4, Ngoại trưởng Anh kêu gọi gia tăng ủng hộ Ukraine với các loại vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay - “phải xuất hết ở trong kho, phải gia tăng sản xuất”.
Trước những tuyên bố mới đây của Mỹ về việc sẵn sàng “làm mọi thứ có thể” để giúp Ukraine thắng Nga, hôm 27-4, Tổng thống Nga Putin yêu cầu Washington ngừng gửi vũ khí cho Kiev và cảnh báo rằng các viện trợ về vũ khí cho Ukraine chỉ làm cuộc xung đột thêm căng thẳng.
“Bất kỳ thế lực nào từ bên ngoài cố gắng can thiệp vào tình hình hiện nay tại Ukraine, sẽ tạo ra những mối đe dọa chiến lược và Nga không thể chấp nhận điều này. Họ nên biết rằng Nga sẽ phản công ngay lập tức và nhanh chóng đối với những hành động gây hấn như vậy. Chúng tôi có tất cả các phương tiện cần thiết, mà hiện nay, chỉ duy nhất Nga có. Chúng tôi không phải khoe khoang mà chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần.Tôi muốn tất cả mọi người nhận thức được điều đó”.
Trong một cuộc phỏng vấn dài trên kênh truyền hình nhà nước mới đây, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cảnh cáo nguy cơ xung đột Ukraine trượt đà dẫn đến thế chiến thứ ba. Ông nói: “Mối nguy này là nghiêm trọng, hiện hữu, chúng ta không nên xem nhẹ”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Lavrov còn tố cáo phương Tây cung cấp các loại vũ khí tinh vi, các loại xe bọc thép và drone tân tiến cho Ukraine, cho đấy là một hành động khiêu khích trong mục tiêu kéo dài hơn là chấm dứt cuộc xung đột. Do vậy, lãnh đạo ngoại giao Nga cho rằng “những loại vũ khí này sẽ là đích ngắm hợp pháp cho quân Nga tấn công trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt này”, trước khi cáo buộc thêm là NATO, về thực chất, đang dấn thân vào một cuộc chiến với Nga thông qua một trung gian và khối liên minh quân sự này đang trang bị vũ khí cho bên trung gian. Điều đó có nghĩa là chiến tranh.Cuối cùng, Ngoại trưởng Nga tuyên bố điều cốt lõi của một thỏa thuận nếu có, cho phép chấm dứt xung đột tại Ukraine phần lớn sẽ phụ thuộc vào tình hình quân sự trên thực địa.
Việc nhiều nước phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev có trở thành bước ngoặt mới cho cuộc chiến ở Ukraine? Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái đoàn quân sự Pháp tại Liên Hợp quốc, cho rằng ít nhất Ukraine có khả năng chống trả các vụ tấn công của Nga.Với đà này Mariupol và vùng Donbass sẽ khó thất thủ hoàn toàn trước ngày 9-5.
Thời gian càng trôi qua thì thiết bị quân sự của phương Tây càng được đưa đến chiến trường và giúp quân Ukraine kéo dài thời gian trong khi chờ các mặt trận khác. Ngày 27-4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, cảnh báo “những tuần sắp tới sẽ vô cùng khó khăn”.
Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ và EU tiếp tục lôi kéo Ấn Độ và Trung Quốc, hai khách hàng lớn của Nga, về phe mình. Ngày 24-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tới Ấn Độ trong chuyến công du 2 ngày, dành cho các vấn đề thương mại, an ninh và khí hậu. Chuyến đi của lãnh đạo EU còn mang sứ mệnh thuyết phục chính phủ ông Narendra Modi rời xa Moscow nhằm cô lập hơn nữa Nga. Nhưng, New Delhi đã chọn cách vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp quốc về nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine và Ấn Độ cũng đã chọn mua dầu của Nga với giá ưu đãi, bỏ ngoài tai các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo CNN, Mỹ nhận thấy rằng quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đi theo một chiều hướng khác phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Blinken lưu ý rằng quan hệ này “đã phát triển trong nhiều thập kỷ vào thời điểm mà Mỹ không thể là đối tác của Ấn Độ”. Năm 2018, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ đô la với Nga, mua một hệ thống tên lửa phòng không, bất chấp thỏa thuận này có thể khiến New Delhi lãnh trừng phạt của Washington.
Theo tạp chí Foreign Policy, trong bối cảnh căng thẳng vẫn cao với Trung Quốc, Ấn Độ nhận thấy tầm quan trọng của Nga, không chỉ việc sẵn sàng cung cấp vũ khí mà mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có thể giúp New Delhi kiềm chế Bắc Kinh hoặc Moscow có thể đứng ra làm trung gian hòa giải.
Trên mặt trận kinh tế, Liên minh châu Âu đang dần siết chặt hầu bao với Nga.Sau khi cấm nhập khẩu than từ Nga, một số thành viên EU đã cấm mua dầu của Nga nhưng không nhắc gì tới khí đốt. EU mua không nhiều dầu của Nga nhưng năm ngoái, Moscow đã cung cấp cho châu Âu 155 tỷ mét khối khí tự nhiên, chiếm khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ. Chính vì vậy, như muốn “giúp các nước châu Âu thử khả năng ngừng mua khí đốt”, Gazprom, tập đoàn năng lượng của nhà nước Nga đã quyết định cắt nguồn khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria ngay từ ngày 27-4 với lý do hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
Hành động này được đánh giá là một bước leo thang mới của Điện Kremlin gây tăng giá nhiên liệu và ép các nước khác trong EU phải chấp nhận các điều kiện của Nga và nhằm đối phó với viễn cảnh châu Âu đang chuẩn bị loạt trừng phạt mới đối với Nga. EU lo ngại đòn trả đũa bằng năng lượng này chỉ là bước khởi đầu và Nga sẽ áp dụng với một loạt thành viên châu Âu khác, trong đó có nhiều nước chưa thực sự sẵn sàng từ bỏ hẳn khí đốt của Nga.
Về ngắn hạn, giới chuyên gia đều đánh giá, quyết định cắt khí đốt của Nga lần này với Ba Lan và Bulgaria không gây tác động nhiều đối với châu Âu. Nhưng, với việc đưa ra quyết định chưa từng có này, Tổng thống Putin muốn cho thấy là ông vẫn còn những lá bài để đối phó với trừng phạt của EU.Khí đốt Nga vẫn là vũ khí gây rối loạn thị trường năng lượng châu Âu, luôn là công cụ gây chia rẽ, gây áp lực với châu Âu.