Peru chìm sâu trong khủng hoảng chính trị

Chủ Nhật, 25/12/2022, 09:32

Một cuộc bỏ phiếu luận tội, một vụ bắt giữ, một tổng thống mới và tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc là những lời mô tả ngắn gọn về tình hình đất nước Peru hiện nay. Quá trình chuyển giao quyền lực ban đầu hòa bình đã nhuốm màu bạo lực tại nền dân chủ Nam Mỹ mong manh này.

Hỗn loạn

Ngày 7/12, Quốc hội Peru đã lên lịch tổ chức bỏ phiếu vào buổi chiều cùng ngày về việc có nên luận tội Tổng thống Pedro Castillo do các cáo buộc tham nhũng hay không. Nhưng, ông Castillo đã tìm cách cản trở cuộc bỏ phiếu khi tuyên bố giải tán quốc hội và thành lập một chính phủ khẩn cấp, hành động này nhanh chóng bị lên án là một âm mưu đảo chính.

Peru chìm sâu trong khủng hoảng chính trị -0
Ông Pedro Castillo phủ nhận các cáo buộc liên quan.

Động thái này gây sốc ngay cả với các đồng minh của ông Castillo và đến cuối ngày, ông đã bị cách chức và bị bắt giữ. Phó Tổng thống, bà Dina Boluarte đã thay ông lên nắm quyền, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Peru.

Nhưng, những gì ban đầu dường như là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của một nền dân chủ mong manh đã biến thành tình trạng hỗn loạn chỉ vài ngày sau đó, khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Castillo tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào đồn cảnh sát, sây bay và nhà máy. Ngày 14/12, Bộ trưởng Quốc phòng Peru tuyên bố thiết lập tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc khi chính phủ tìm cách kiểm soát bạo lực lan rộng, một động thái được coi là bất thường về nhiều mặt.

Ông Castillo là ai?

Pedro Castillo, 53 tuổi, được bầu làm Tổng thống Peru tháng 7/2021, xuất thân từ một gia đình có cha mẹ là nông dân mù chữ ở một vùng nông thôn nghèo khó, không có hệ thống thoát nước, không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trường học.

Ngay cả sau khi đã trở thành giáo viên, ông Castillo vẫn làm nông để kiếm thêm thu nhập. Ông trở thành một nhà hoạt động công đoàn, giúp tổ chức một cuộc đình công để yêu cầu trả lương cao hơn cho giáo viên. Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, với tư cách là một người theo chủ nghĩa xã hội, ông Castillo có sức hút đối với những cử tri thất vọng với giới tinh hoa chính trị truyền thống.

Ông đã giương cao khẩu hiệu “Không còn người nghèo ở một quốc gia giàu có”, hứa hẹn sẽ cải thiện nền kinh tế của đất nước và giảm tình trạng bất bình đẳng kinh niên của Peru. Mặc dù tự cho mình là một người hoàn toàn không dính dáng tới quá khứ tham nhũng của đất nước, song ông Castillo đã nhanh chóng bị kéo vào bê bối sau khi đắc cử và được cho là đã không thực hiện được nhiều lời hứa của mình.

Trong nhiều năm, Peru đã liên tiếp vấp phải tham nhũng chính trị, điều đã khiến nước này chứng kiến tới 6 đời tổng thống kể từ năm 2016. Dưới nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, ông Castillo đã thành lập 5 nội các khác nhau và bổ nhiệm hơn 80 bộ trưởng, một số người trong số này được cho là thiếu kỹ năng hoặc kinh nghiệm liên quan tới vị trí của mình và phải đối mặt với các cuộc điều tra liên quan đến tham nhũng, bạo lực gia đình và án mạng.

Bản thân ông Castillo là mục tiêu của 6 cuộc điều tra hình sự, trong đó có cáo buộc ông đã lãnh đạo một tổ chức tội phạm để trục lợi từ các hợp đồng của chính phủ và nhiều lần cản trở việc thực thi công lý. Ông Castillo phủ nhận mọi cáo buộc, trong khi đó, những người ủng hộ ông thì cho rằng cựu Tổng thống Peru là nạn nhân của một nỗ lực có phối hợp nhằm khôi phục vị thế của giới tinh hoa cầm quyền trước đây.

Ngay sau khi ông Castillo tuyên bố quyết định qua mặt quốc hội trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, các lực lượng vũ trang và cảnh sát Peru đã bác bỏ động thái này của ông, trong khi các quan chức hàng đầu trong chính phủ đã nhanh chóng từ chức, các chuyên gia luật gọi nỗ lực của ông là bất hợp pháp. Mỹ cũng bày tỏ phản đối. Trong vòng vài giờ, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu luận tội ông. Cảnh sát cho biết ông đang bị giam giữ tại một căn cứ hải quân ở ngoại ô thủ đô Lima.

Ông Castillo đã  bảo vệ hành động của mình và không tỏ ra hối hận trong một vài lần xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị bắt. Tại phiên tòa thứ 2, cựu lãnh đạo Peru nói rằng ông đã bị giam giữ một cách bất công và sẽ “không bao giờ từ chức”.

Tổng thống mới là ai?

Bà Dina Boluarte, 60 tuổi, từng là một luật sư và thành viên của một đảng chính trị theo chủ nghĩa Marx cho đến khi bà bị khai trừ khỏi đảng vào năm ngoái sau khi chỉ trích lãnh đạo đảng. Bà Boluarte cũng xuất thân từ một vùng nông thôn của Peru và đã ra tranh cử vào năm 2022 với tư cách Phó Tổng thống và Bộ trưởng Phát triển và Hội nhập xã hội của ông Castillo. Bà từ chức bộ trưởng vào tháng 11/2022 sau khi ông Castillo thành lập nội các mới nhất của ông.

Sau khi bà Boluarte nhậm chức vào ngày 7/12, các cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra ở thủ đô Lima và nhiều vùng khác của đất nước. Theo văn phòng thanh tra của Peru, các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực hơn khi có ít nhất 6 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Nhà chức trách cho biết hơn 100 cảnh sát đã bị thương.

Các cuộc biểu tình nhận được sự ủng hộ của công đoàn lớn nhất đất nước, hiệp hội người bản địa lớn nhất tại khu vực Peruvian Amazon và nhiều tổ chức đại diện cho nông dân nghèo, cùng với các nhóm khác. Những người tham gia biểu tình ủng ông Castillo cho rằng lá phiếu của họ đã “bị cướp mất” và cáo buộc giới tinh hoa chính trị đã đẩy ông Castillo đến chỗ tự sát chính trị và nói rằng giới cầm quyền chưa bao giờ cho ông cơ hội điều hành đất nước thành công.

1/4 trong số 33 triệu người dân Peru sống trong cảnh nghèo đói. Tháng 11/2022, Liên hợp quốc cảnh báo rằng quốc gia này có tỷ lệ người chịu cảnh mất an ninh lương thực cao nhất ở Nam Mỹ, với một nửa dân số không được tiếp cận dinh dưỡng đầy đủ. Ông Castillo là cựu tổng thống thứ 6 phải đối mặt với án tù chỉ trong vòng 2 thập kỷ qua, một dấu hiệu cho thấy sự bất ổn thể chế tại quốc gia Nam Mỹ này.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.