“Phá băng” quan hệ ngoại giao Iran và Saudi Arabia
Với việc Saudi Arabia gửi đến phía Iran đề xuất triển khai 3 đường bay thường lệ, ngày 23/4, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu của thế giới Hồi giáo tại khu vực Trung Đông tiếp tục có thêm những xung lực quan trọng mới. Mục tiêu mở lại đại sứ quán ở hai nước đã trở nên rất gần trong hiện thực, và ở nhiều khía cạnh, câu chuyện này khắc họa rõ hơn tính chất tất yếu của xu thế đa phương hóa - đa cực hóa, trong một trật tự thế giới mới đang dần hình thành.
Những nhịp cầu hối hả
Trong một thông báo chính thức, Bộ trưởng Vận tải và Phát triển đô thị Iran - ông Mehrdad Bazrpash cho biết đề xuất mở 3 đường bay thường lệ nói trên được Tổng cục Hàng không dân dụng của Saudi Arabia đưa ra, dựa trên quyết định thành lập đường bay trực tiếp giữa hai nước mới đây.
Những đường bay trực tiếp chính là một trong các tín hiệu rõ ràng nhất về việc tái kết nối những mối quan hệ về chính trị - kinh tế - xã hội giữa hai quốc gia. Chúng đã từng trở nên thừa thãi và không cần thiết phải hiện hữu, suốt thời gian “băng giá” vừa qua, kể từ năm 2016, thời điểm quan hệ ngoại giao Iran - Saudi Arabia xấu đi nghiêm trọng.
Xuất phát từ sự vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại nước này, liên quan việc Riyadh tử hình giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite (dòng Hồi giáo chính tại Iran) Nimr al-Nimr, cộng hưởng với những bất đồng xoay quanh cuộc xung đột tại Yemen (nơi Iran bị cáo buộc hậu thuẫn quân nổi dậy Houthi, còn Saudi Arabia dẫn đầu liên quân Arab ủng hộ chính phủ) và tại Syria (nơi Iran là đồng minh khăng khít của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, còn Saudi Arabia thì ngược lại), quan hệ Iran - Saudi Arabia nhanh chóng rơi vào trạng thái gián đoạn.
Tình trạng căng thẳng và luôn ở thế đối đầu giữa quốc gia lãnh đạo khối các tín đồ Arab Hồi giáo theo dòng Sunni (Saudi Arabia) với cường quốc Hồi giáo “chủ lực” dòng Shi’ite, đương nhiên, tạo nên một sự rạn nứt đáng kể trong kết cấu của cộng đồng các quốc gia Hồi giáo nói chung. Nó gia tăng sự phức tạp trên bản đồ địa chính trị Trung Đông, nhất là khi tổng quan có thêm những mâu thuẫn chồng chéo với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel - hai cường quốc khu vực khác.
Suốt từ thời điểm ấy, bất ổn và thậm chí là xung đột gay gắt đã liên tục hiện hữu. Hệ quả tất yếu là những dự án hợp tác trong cộng đồng Hồi giáo Trung Đông cũng luôn gặp trắc trở, thậm chí là bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phải đến ngày 10/3 vừa qua, với một thỏa thuận do Trung Quốc đóng vai trò trung gian, quan hệ ngoại giao mới được Iran và Saudi Arabia nhất trí tái thiết lập. Hai bên cam kết mở lại các đại sứ quán và các cơ quan đại diện tại mỗi nước trong vòng 2 tháng, cũng như thực hiện những thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh đã ký kết hơn 20 năm trước.
Động thái “phá băng” này, ngay lập tức, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận cộng đồng quốc tế.
Từ bên kia Địa Trung Hải, Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh: Saudi Arabia và Iran đều là trung tâm của an ninh khu vực, vì vậy việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao có thể góp phần ổn định toàn bộ khu vực.
Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed cũng hoan nghênh thỏa thuận ấy giữa Saudi Arabia và Iran, coi đây là "bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu ổn định và thịnh vượng" trong khu vực.
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar - ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani khẳng định Qatar mong muốn và ủng hộ Riyadh và Tehran tái khởi động hợp tác an ninh và hợp tác trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, khoa học, văn hóa, thể thao và thanh niên.
Những đánh giá tương tự cũng được gửi tới từ Iraq và Oman. Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi nhấn mạnh đây là “giải pháp hai bên cùng có lợi và sẽ đảm bảo lợi ích an ninh khu vực cũng như toàn cầu". Theo ông, thỏa thuận sẽ góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho tất cả các bên. Iraq cũng cho rằng đây là bước đi mở ra “trang mới” trong quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ giảm bớt căng thẳng khu vực, góp phần mang lại ổn định và duy trì an ninh của các nước Arab. Ngoài ra, thỏa thuận còn đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực trong việc hướng tới thịnh vượng, phát triển và ổn định.
Nhiều nước khác như Bahrain, Kuwait, Jordan, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Sudan và Pakistan (nghĩa là hầu như toàn bộ thế giới Hồi giáo) cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận trên. Dĩ nhiên, động thái này nhận được sự ủng hộ từ Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Bởi vậy, cho dù có lẽ là không “thoải mái” lắm (với việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc trung gian kiến tạo hòa bình, trong trường hợp cụ thể mà Washington từng “bỏ qua” này), nước Mỹ cũng hoan nghênh mọi nỗ lực giảm căng thẳng ở Trung Đông.
Xu thế tất yếu
Ngày 20/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia, hoàng tử Faisal Bin Farhan đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian, nhằm thảo luận về tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Đây là cuộc điện đàm mới nhất trong một loạt sự kiện tiếp xúc giữa người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước, kể từ cuộc hội đàm do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì tại Bắc Kinh hồi tháng trước, kết thúc bằng thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao song phương.
Không phải ngẫu nhiên, từ ngày 14/3, nhà bình luận quốc tế Stephen M.Walt đã viết trên tờ Foreign Policy, trong bài phân tích mang tiêu đề “Tiếng chuông cảnh báo cho nước Mỹ” (Saudi-Iranian Détente Is a Wake-Up Call for America): “Những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Riyadh và Tehran đã được tiến hành suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể can thiệp và giúp hai bên đạt được thỏa thuận vì sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đã mang lại cho nước này vai trò ngày càng lớn ở Trung Đông. Quan trọng hơn, Trung Quốc có thể làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia, vì nước này có mối quan hệ thân thiết với phần lớn các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và kinh tế với tất cả các bên: Ai Cập, Saudi Arabia, Israel, các quốc gia Vùng Vịnh, thậm chí cả Bashar al-Assad ở Syria. Đó là cách một cường quốc tối đa hóa đòn bẩy của mình: Nói rõ rằng bạn sẵn sàng làm việc với những bên khác nếu họ sẵn sàng làm việc với bạn và mối quan hệ của bạn với những bên còn lại nhắc nhở họ rằng bản thân bạn cũng có những lựa chọn khác”.
Và ông so sánh: “Ngược lại, Mỹ chỉ có “quan hệ đặc biệt” với một vài quốc gia ở Trung Đông, nhưng hoàn toàn không có quan hệ nào với các quốc gia còn lại, đáng chú ý nhất là Iran. Kết quả là, những quốc gia có liên quan như Ai Cập, Israel hoặc Saudi Arabia coi sự hỗ trợ của Mỹ là điều hiển nhiên, nhưng chẳng buồn để tâm đến những quan ngại của Mỹ, cho dù vấn đề là nhân quyền ở Ai Cập, cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen, hay chiến dịch xâm chiếm Bờ Tây kéo dài và đầy tàn bạo của Israel. Đồng thời, những nỗ lực gần như vô ích của người Mỹ nhằm cô lập và lật đổ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã khiến Washington mất đi khả năng định hình nhận thức, hành động, hay quỹ đạo ngoại giao của Iran. Chính sách này - vốn là sản phẩm từ những nỗ lực của Ủy ban Quan hệ công chúng Israel tại Mỹ (American Israel Public Affairs Committee, AIPAC), Tổ chức Bảo vệ dân chủ (Foundation for Defense of Democracies, FDD) và các nỗ lực vận động hành lang được tài trợ bởi Chính phủ Arab - có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về hành động “phản lưới nhà” trong nền ngoại giao Mỹ đương đại. Bằng cách chứng minh rằng Washington không thể làm gì nhiều để thúc đẩy hòa bình hoặc công lý tại Trung Đông, cơ hội cho Bắc Kinh đã được để ngỏ”.
Tính chất đa phương hóa - như một xu thế tất yếu của thế giới hiện đại - được thể hiện trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia - Iran lần này là vô cùng rõ ràng. Cách mà hai quốc gia đã từng thù địch trong thời gian dài xích lại gần nhau, với lực đẩy từ một trung tâm quyền lực quốc tế mới nằm ngoài phương Tây, thể hiện rằng hầu hết các nước sẽ đồng thuận với đại cường nào có nhiều khả năng thúc đẩy hòa bình, ổn định và trật tự, nhằm hướng đến mục tiêu tối thượng là hợp tác và phát triển kinh tế - những lợi ích cốt lõi được ưu tiên hàng đầu đối với bất cứ quốc gia nào.
Ngược lại, dĩ nhiên, hầu hết các nước nhỏ cũng sẽ có xu hướng tránh xa bất kỳ cường quốc nào mà họ tin rằng đang phá hoại hòa bình. Không phải ở đâu, chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng luôn luôn nhận được sự ủng hộ. Điều tương tự cũng diễn ra với chính sách đối ngoại của nước Nga, hay Anh và Pháp - các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khác.
Bởi vậy, chính nước Mỹ cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng “bàn lọt lưới” này, để thể hiện nhiều hơn bằng các hành động thực tế tại những “điểm nóng” trên thế giới (nhất là “trọng địa” Trung Đông), rằng họ có thực sự khả năng làm được nhiều hơn trong việc xoa dịu căng thẳng, ngăn chặn chiến tranh và chấm dứt các cuộc xung đột.