Pháp: Bạo loạn khắc họa sâu những mâu thuẫn xã hội

Thứ Tư, 05/07/2023, 08:05

Các vụ bạo loạn leo thang dữ dội ở Pháp sau khi cảnh sát bắn chết một thiếu niên gốc Bắc Phi không chỉ tạo ra tình trạng bất ổn khắp nơi, mà còn một lần nữa phơi bày những mâu thuẫn xã hội gay gắt vẫn âm ỉ trong lòng nước này.

Bạo loạn bùng phát khắp nước Pháp

Sáng thứ hai vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin thông báo một lính cứu hỏa đã chết trong đêm Chủ nhật khi cố gắng dập lửa từ những chiếc ô tô bị đốt cháy ở vùng ngoại ô Saint-Denis của Paris. Người lính 24 tuổi bị thương nặng, được các đồng đội đưa ngay đến bệnh viện trong đêm song đã không qua khỏi.

Hiện vẫn chưa rõ liệu vụ hỏa hoạn này có liên quan đến các cuộc bạo loạn đang diễn ra hay không. Nhưng, theo Bộ Nội vụ Pháp, đến Thứ hai vừa qua, đất nước hình lục lăng đã phải đối mặt với ngày thứ sáu bất ổn liên tiếp khi hàng chục nghìn người xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ trước việc cảnh sát bắn chết Nahel Merzouk - một thiếu niên 17 tuổi, gốc Bắc Phi, khi cậu lái xe ô tô vi phạm luật giao thông ở Nan[1]terre, phía Tây Bắc Paris, hôm 29/6.

Pháp: Bạo loạn khắc họa sâu những mâu thuẫn xã hội -0
Hàng chục nghìn người Pháp biểu tình phản đối vụ cảnh sát bắn chết NaHel Merzouk - một thiếu niên 17 tuổi, gốc Bắc Phi, hôm 29/6. Ảnh: Reuters

Những cuộc tuần hành phản đối nhanh chóng trở thành bạo loạn. Người biểu tình hung hăng phong tỏa nhiều con phố, bao vây các cơ quan công quyền, đốt cháy hàng nghìn phương tiện giao thông, phóng hỏa và phá hỏng hàng trăm tòa nhà trên khắp đất nước, đồng thời tấn công một số đồn cảnh sát.

Không chỉ hủy hoại các công sở, những kẻ bạo loạn còn đập phá những cửa hàng và nhiều nhóm lưu manh đã lợi dụng tình hình rối ren này để hôi của, cướp bóc các trung tâm mua sắm. Và, cơn thịnh nộ trút cả xuống đầu của người thân các quan chức, khi hãng tin Reuters cho hay, nhà của một thị trưởng ngoại ô Paris hôm 1/7 đã bị đột nhập và phóng hỏa.

Vincent Jeanbrun, Thị trưởng L'Hay-les-Roses - thị trấn ngoại ô phía Nam Paris - đang ở tòa thị chính thì nhà của ông bị tấn công. Vợ ông, Melanie và 2 con đang ngủ trong nhà lúc đó. Viên thị trưởng 39 tuổi cho biết vợ con mình đã bị thương trong lúc cố gắng chạy trốn khỏi những kẻ xâm nhập. Các công tố viên đã mở một cuộc điều tra về tội cố ý giết người song chưa bắt giữ được nghi phạm nào.

Pháp: Bạo loạn khắc họa sâu những mâu thuẫn xã hội -0
Lính cứu hỏa dập lửa cho một chiếc xe bị đốt cháy trên đường phố Paris. Ảnh: CNN

Chính quyền Pháp đã điều động 45.000 cảnh sát và lực lượng này còn được hỗ trợ bởi các xe bọc thép hạng nhẹ, để vãn hồi trật tự, khi mà các vụ bạo loạn nổ ra ở rất nhiều thành phố lớn trên toàn quốc như Paris, Lyon, Marseille hay Stras[1]bourg... Đến tối Chủ nhật, nhà chức trách Pháp đã bắt giam hơn 3.000 người, với cao điểm là 719 vụ bắt giữ được tiến hành hôm Thứ bảy (1/7).

Sau hàng loạt biện pháp trấn áp của chính quyền, tình trạng bạo loạn, đặc biệt là những vụ lợi dụng bất ổn để hôi của, cướp bóc đã có dấu hiệu thuyên giảm. Nhưng, bầu không khí bình yên vẫn chưa thực sự trở lại.

Áp lực bủa vây Tổng thống Macron

Những gì diễn ra lúc này tại Pháp, mặc dù gây sốc, nhưng vẫn chưa ở quy mô của năm 2005, khi hơn 10.000 phương tiện giao thông bị đốt cháy và hơn 230 tòa nhà công sở bị hư hại trong một cuộc bạo động kéo dài 3 tuần. Nhưng, có thể hiểu được nỗi lo tái diễn cơn ác mộng ấy nơi các nhà chức trách nước này.

Pháp: Bạo loạn khắc họa sâu những mâu thuẫn xã hội -0
Những cuộc biểu tình trở thành bạo loạn khi nhiều kẻ quá khích phong tỏa các con phố, ném đá vào các tòa nhà và cửa hiệu. Ảnh: BBC

Còn nhớ, vào năm 2005, nước Pháp cũng rúng động suốt 3 tuần bởi bạo loạn khi 2 thiếu niên thiệt mạng sau cuộc rượt đuổi của cảnh sát. 2 thiếu niên, một người Mau[1]ritanie, một người gốc Tunisia, bị điện giật khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp ở ngoại ô phía Đông Bắc thủ đô Paris.

Khác biệt ở lần này là sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội khiến việc kích động và lan tỏa bạo lực dễ dàng hơn. Video về vụ nổ súng của cảnh sát nhằm vào cậu thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi, cũng như những lời kêu gọi xuống đường, kêu gọi bạo lực dễ dàng được phát tán thông qua các mạng xã hội, khiến mọi thứ nhanh chóng trở nên bùng nổ. Và, phản ứng của chính phủ cũng khác năm 2005.

Năm 2005, Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Nicolas Sarkozy mô tả những thanh niên gây bạo loạn tại các khu nhà ở ngoại ô Paris là thành phần cần bị "loại bỏ". Nhìn nhận về sự việc 2 thiếu niên bị chết khi chạy trốn cảnh sát, những người đứng đầu Chính phủ Pháp khi ấy cũng có những phát biểu đừng về phía cảnh sát và cho rằng 2 cậu bé là kẻ trộm.

Ngược lại, ở vụ việc lần này, Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông đã tìm cách xoa dịu căng thẳng hơn là châm ngòi cho chúng. Ông Macron mô tả vụ cảnh sát bắn chết cậu thiếu niên Nahel Merzouk là "không thể bào chữa" và "không thể giải thích được". Viên cảnh sát ra tay trong vụ việc hôm 29/6 đã bị bắt và bị điều tra về tội giết người.

Bạo loạn đã buộc ông Macron phải rút ngắn chuyến thăm Brussels dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu và quay trở lại Paris để tổ chức cuộc họp nội các khẩn cấp. Chính quyền Pháp, như đã đề cập, triển khai lực lượng an ninh rất lớn để vãn hồi trật tự, hạn chế các hoạt động giao thông công cộng và tụ tập đông người.

Bản thân ông Macron cũng kêu gọi các bậc cha mẹ trên khắp nước Pháp kiểm soát con mình, không cho chúng tham gia những cuộc bạo loạn trên phố. Tổng thống Pháp nói rằng một số vụ bạo lực dường như đã được tổ chức trên các mạng truyền thông xã hội bao gồm Snapchat, TikTok và ông đã yêu cầu các nền tảng này hợp tác với chính phủ để xóa nội dung kích động bạo lực.

Pháp: Bạo loạn khắc họa sâu những mâu thuẫn xã hội -0
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Paris hôm 30/6 để giải quyết khủng hoảng. Ảnh: CNN

Nhưng, bất chấp nỗ lực ấy, trên nghị trường, Tổng thống Macron vẫn bị các đối thủ chính trị chỉ trích và bị công đoàn cảnh sát gây áp lực mạnh mẽ. Một số chính trị gia bảo thủ và cực hữu tỏ ra sốt ruột, muốn dùng biện pháp trấn áp mạnh tay và kêu gọi ông Macron ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong khi phe đối lập cánh tả thì tuyên bố rằng nước Pháp “không chỉ cần có sự bình tĩnh mà còn cần có công lý”.

Đó là một sự chia rẽ chính trị mà ông Macron đang phải cố gắng điều hướng một cách cẩn thận. Trong khi thông cảm với gia đình của Nahel Merzouk và hiểu được sự tức giận trước cái chết của cậu thiếu niên, ông cũng phải tránh đẩy cảnh sát vào thế chân tường. Lực lượng cảnh sát của đất nước tuyên bố đã kiệt sức vì những cuộc khủng hoảng không ngừng nghỉ những năm gần đây: Các cuộc tấn công khủng bố, các cuộc biểu tình “Áo gilet vàng”, các cuộc biểu tình phản đối cải cách tuổi nghỉ hưu...

2 trong số các liên đoàn cảnh sát lớn nhất của Pháp nói rằng họ đang chiến đấu trong một cuộc chiến, bày tỏ sự mệt mỏi trước tình trạng bạo loạn kéo dài và tuyên bố “kêu gọi người dân bình tĩnh là chưa đủ, mà chúng ta phải áp đặt yêu cầu đó”. Người đứng đầu nước Pháp, vì thế, cần giữ được sự cân bằng giữa việc nhanh chóng dập tắt bạo lực nhưng không được thổi bùng nó bằng những biện pháp trấn áp quá mạnh tay.

Phơi bày mâu thuẫn xã hội sâu sắc

Theo các nhà phân tích chính trị, gần một tuần bạo loạn vừa qua là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về các vấn đề kinh tế và xã hội đã ăn sâu vào đời sống nước Pháp, đặc biệt là sự bất mãn dai dẳng của những người nhập cư. Cộng đồng cư dân này sống chủ yếu ở các vùng ngoại ô các thành phố lớn, mà người Pháp gọi là các “banlieues”, luôn mang trong mình mặc cảm bị phân biệt đối xử, bị nhà nước bỏ rơi khi hoạch định chính sách và không có cơ hội phát triển bản thân.

Vì thế, đối với những người ở banlieues, đoạn phim về việc cảnh sát chặn xe và nổ súng vào cậu thiếu niên Nahel Merzouk không phải là sự tiết lộ nguyên nhân cái chết, mà là sự xác nhận cho những gì họ vẫn nghĩ về cảnh sát, về chính quyền. Sự tức giận tích lũy bấy lâu, như chiếc lò xo bị nén lại đến cực độ, đã bùng lên với sức mạnh không thể cản nổi khi có tác nhân “châm ngòi, giải nén” như thế.

Pháp: Bạo loạn khắc họa sâu những mâu thuẫn xã hội -0
Hơn 40 nghìn cảnh sát được triển khai ở nhiều thành phố lớn tại Pháp nhằm trấn áp bạo loạn. Ảnh: Guardian

Ông Nadir Kahia, đại diện Hiệp hội Gennevilliers Ban[1]lieue Plus, một đô thị ở phía Bắc Paris, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc bạo loạn trong tuần qua, phân tích với báo El Pais: “Các vấn đề ở banlieues đã âm ỉ trong 40 năm. Vào những năm 1960 và 1970, các dự án nhà ở xã hội được xây dựng để giải quyết một vấn đề kinh tế - nhu cầu lao động nhập cư. Rất nhiều người nhập cư được mời vào sống tại đây và con cái họ lớn lên mang quốc tịch Pháp. Nhưng, họ không cảm thấy mình là người Pháp vì đất nước này chưa bao giờ đối xử với họ như vậy. Chúng ta chưa giải quyết được các vấn đề cơ bản về giáo dục, nhà ở, bất bình đẳng, phân biệt đối xử đối với họ”.

Đã có những thành tựu kể từ khi Tổng thống Macron lên nắm quyền vào năm 2017, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp nói chung và trong nhóm thanh niên nói riêng, đã giảm xuống. Nhưng, tình trạng kéo dài của nghèo đói, tội phạm, phân biệt chủng tộc và giáo dục xuống cấp đòi hỏi sự quan tâm và nguồn lực của chính phủ nhiều hơn. Vậy mà, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn về tài chính công, kế hoạch Quartiers 2030 mà ông Macron hứa hẹn dành cho những khu vực này vẫn chậm triển khai.

Rất may là tình hình tại Pháp đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng, theo báo chí nước này, để không còn lặp lại những sự hỗn loạn như thế, cần một giải pháp căn cơ. “Ngăn chặn vòng xoáy bạo lực và làm dịu mối quan hệ giữa lực lượng an ninh với các thanh niên từ những khu lao động đòi hỏi những thay đổi sâu sắc. Cuộc chiến chống lại tâm lý bị xem thường hoặc bị bỏ rơi của những cư dân nghèo nhất phải là ưu tiên hàng đầu của quốc gia”, bài xã luận hôm 1/7 của tờ Le Monde nhấn mạnh.

Khánh Nguyễn (Tổng hợp)
.
.