Pháp và Israel khi chính sách chưa hợp lòng dân

Thứ Năm, 06/04/2023, 21:47

Không hẹn mà cả Pháp và Israel đều đang cùng lâm vào tình trạng an ninh chính trị, trật tự xã hội xáo trôn do các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ của người dân và cả hai đều cùng xuất phát từ nguyên nhân giống nhau: các chính sách được chính phủ đưa ra chưa hợp lòng dân, đụng chạm đến quyền lợi chính đáng của người dân và bị phản ứng quyết liệt.

Israel: Ông Netanyahu phải nhượng bộ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết hôm 27/3 rằng ông sẽ tạm hoãn việc triển khai kế hoạch cải cách tư pháp vốn là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông trong nhiệm kỳ hiện tại. Phát biểu trên truyền hình vào tối 27/3, ông Netanyahu cho biết ông “không muốn phân chia đất nước làm đôi” và tuyên bố ông sẵn sàng dành thời gian cho đối thoại chính sách với các đối thủ chính trị để tìm kiếm một thỏa hiệp về gói cải cách tư pháp gây tranh cãi này.

Pháp và Israel khi chính sách chưa hợp lòng dân -0
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.

Để đổi lấy việc đồng ý hoãn triển khai cải cách tư pháp, đảng Quyền lực Do Thái (Jewish Power) cực hữu cho biết Thủ tướng Netanyahu đã đề nghị thành lập một đội “vệ binh quốc gia” dân sự, từ đó lại gây lo ngại về một nhóm vũ trang dưới sự kiểm soát của chính trị gia cực hữu Itamar Ben-Gvir.

Với cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu, ông Netanyahu đã buộc phải dựa vào các đối tác liên minh cực đoan. Mặc dù nổi tiếng với tài luồn lách để thoát khỏi những tình huống khó khăn, nhưng “Vua Bibi” dường như đang mất dần quyền năng của mình và đang phải vật lộn để duy trì quyền kiểm soát bên trong và bên ngoài Knesset.

Trong số hàng loạt các đề xuất có ảnh hưởng sâu rộng từ chính phủ mới của Thủ tướng Netanyahu có kế hoạch cho phép đa số đơn giản gồm 61 người trong Knesset 120 ghế bác bỏ hầu hết mọi phán quyết của Tòa án Tối cao và cho phép các chính trị gia bổ nhiệm hầu hết các thẩm phán. Những thay đổi tư pháp đó được đề xuất không phải bởi Thủ tướng Netanyahu mà bởi đồng nghiệp Likud của ông Yariv Levin, Bộ trưởng Tư pháp và người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái tôn giáo MK Simcha Rothman, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và luật của Knesset.

Cả hai người này đều căm ghét Tòa án Tối cao của Israel, bởi họ cho rằng tòa án quá quyền lực và thiên vị đối với phong trào định cư, cộng đồng tôn giáo cực đoan của Israel và dân Mizrahi, người Do Thái gốc Trung Đông. Đặc biệt, nhiều người theo cánh hữu của Israel chưa bao giờ tha thứ cho quyết định rút quân khỏi Dải Gaza vào năm 2005 của tòa án. Riêng đối với ông Netanyahu, cái lợi ông được “ăn theo” đề xuất cải cách tư pháp là biện pháp cải cách này có thể giúp ông tránh bị truy tố trong các phiên tòa xét xử tham nhũng.

Kế hoạch cải cách tư pháp đã gây ra phản ứng dữ dội từ các chính trị gia trong nội bộ đảng Likud cũng như đảng phái đối lập và một bộ phận khá đông người dân Israel. Sự phản đối lên đến đỉnh điểm vào hôm 27/3 khi các bệnh viện, trường đại học và công đoàn lớn nhất đất nước tuyên bố tổng đình công để phản đối kế hoạch hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao. Công chức và nhân viên công nghệ địa phương cũng tham gia hành động, ngoài đường phố, hàng trăm nghìn người dân xuống đường tại Tel Aviv và các thành phố lớn. Các cuộc đình công diễn ra kịch tính bắt nguồn từ quyết định của ông Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì ông này phản đối các kế hoạch cải cách tư pháp và sau sự phản kháng đáng kể từ quân đội, lĩnh vực công nghệ cao quan trọng của Israel và các đồng minh ở Mỹ.

Sau khi một loạt bộ trưởng thuộc đảng Likud lên tiếng cảnh báo “Đảng sẽ ủng hộ ông Netanyahu nếu ông chịu tạm hoãn kế hoạch cải cách tư pháp”, ông Netanyahu đã nhượng bộ. Ngay lập tức, các cuộc đình công lắng xuống.

Pháp: “Lửa cháy” vì tuổi hưu

Tình trạng của nước Pháp còn nghiêm trọng hơn. Tính đến ngày 27/3, các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp đã lôi kéo hơn 1 triệu người tham gia. Biểu tình dẫn đến đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình; cảnh tượng đập phá, khói lửa đốt phá các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, trụ sở công cộng,... bốc lên khiến nước Pháp trông giống như thời chiến tranh.

Ngọn nguồn của tình trạng biểu tình phản đối dẫn đến bạo lực, đập phá ở Pháp chính là việc chính phủ thông qua chính sách tăng tuổi hưu. Hệ thống hưu trí hào phóng và nghỉ hưu sớm là một điểm đáng tự hào của nước Pháp kể từ khi chúng được ban hành sau Thế chiến II. Theo luật mới, tuổi nghỉ hưu của hầu hết người lao động sẽ là 64, vẫn là một trong những mức thấp nhất trong thế giới công nghiệp hóa.

Khi chính sách tuổi hưu mới được công bố vào tháng 1/2023, Chính phủ Pháp cho biết các cải cách là cần thiết để ngăn chặn khoản thâm hụt ngân sách dự kiến 13,5 tỷ euro (14,7 tỷ USD) trong hệ thống hưu trí vào năm 2030. Ngay sau khi được công bố, đã có nhiều người lên tiếng phản đối do người lao động Pháp đang bị đặt trước viễn cảnh phải làm việc kéo dài thời gian, mất đi quyền lợi hưu trí đã được hưởng bấy lâu nay. Các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron quyết định tiến hành cải cách tuổi hưu bất chấp những lời phản đối. Những cuộc biểu tình phản đối nhỏ lẻ đã diễn ra rải rác từ 2 tháng qua, nhưng mức độ biểu tình rầm rộ chỉ bùng nổ sau khi Tổng thống Macron bảo vệ các cải cách trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Pháp vào tối 23/3, xác nhận cải cách sẽ được thực hiện vào cuối năm nay. Chính phủ Pháp đã phải huy động hàng chụ nghìn cảnh sát, trong đó riêng tại Paris là hơn 5.000 người để giữ gìn an ninh trật tự.

Biểu tình chỉ bắt đầu biến thành đụng độ bạo lực khi cảnh sát tại thủ đô Paris và một số thành phố lớn dùng đạn hơi cay để giải tán đám đông. Các cuộc đụng độ khiến hơn 130 cảnh sát bị thương, vài chục người biểu tình bị bắt vì có hành vi quá khích.

An ninh rối loạn vì các cuộc biểu tình đã khiến cho chuyến thăm Pháp chính thức cấp nhà nước của Vua Charles III của Vương quốc Anh phải hoãn lại vô thời hạn.

Chưa hết, nhiều tổ chức công đoàn lớn của Pháp đã công bố tiếp tục tiến hành những cuộc biểu tình trên toàn quốc vào cuối tuần.

An Châu (Tổng hợp)
.
.