Quan hệ Ai Cập - Israel bên bờ vực
Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến kéo dài hơn 4 tháng ở Dải Gaza và việc Israel quyết tâm thực hiện mục tiêu kiểm soát biên giới giữa Gaza và Ai Cập có thể đẩy mối quan hệ giữa Ai Cập và Israel đến bờ vực khủng hoảng.
Kể từ khi Ai Cập và Israel ký Hiệp ước Hòa bình vào năm 1979, quan hệ giữa hai nước được mô tả là “lạnh nhạt”. Hai nước đã cố gắng giữa mối quan hệ nguyên vẹn trong một khu vực đầy biến động. Hòa bình giữa hai quốc gia láng giềng đã tồn tại hơn 40 năm, trải qua 2 cuộc nổi dậy của người Palestine và một loạt cuộc chiến giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Tuy nhiên, hiện nay, theo giới phân tích, quan hệ Ai Cập - Israel đang trong giai đoạn hết sức nguy hiểm khi cuộc chiến Gaza ngày càng leo thang phức tạp. Israel đã phớt lờ những lời kêu gọi nhất quán về lệnh ngừng bắn của Ai Cập và các nước Arab khác, tiếp tục cuộc tấn công một cách tàn bạo Dải Gaza. Con số thường dân thiệt mạng ngày càng tăng. Những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Israel phải kiểm soát biên giới của Gaza với Ai Cập có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước, gây áp lực lên Hiệp ước Hòa bình được ký hơn 44 năm trước. Và, với việc ông Netanyahu thề sẽ đưa quân tới thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, căng thẳng giữa hai nước đã gần đạt đến “điểm sôi”.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 12/2 đã nhấn mạnh Ai Cập sẽ tuân thủ Hiệp ước Hòa bình năm 1979 với Israel miễn là Tel Aviv vẫn thể hiện “có đi có lại” với Cairo. Ông nói thêm rằng, Ai Cập đang nỗ lực để đảm bảo đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi những người bị giam giữ ở cả hai bên cũng như tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Shoukry được đưa ra vào thời điểm một nguồn thạo tin ở Ai Cập nói với Kênh Tin tức Cairo rằng “tất cả các kịch bản và lựa chọn đều được để ngỏ trong trường hợp Israel quyết định đưa quân vào thành phố Rafah, bao gồm cả việc đình chỉ Hiệp ước Hòa bình năm 1979”. Các nguồn tin khác nói với Kênh truyền hình Al-Arabiya rằng, Ai Cập đã nhiều lần cảnh báo nước này sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Israel nếu Tel Aviv tấn công thành phố biên giới Rafah.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid mới đây nêu rõ “những bình luận mang tính khiêu khích của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Israel như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đang hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước cũng như các nỗ lực đàm phán nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn”, cho rằng các tuyên bố như vậy bộc lộ ý định giết chóc và hủy diệt của Israel. Ông Smotrich được cho là đã tuyên bố rằng Ai Cập phải chịu trách nhiệm đáng kể về những gì đã xảy ra trong sự kiện tháng 10/2023, đồng thời nói thêm lực lượng Hamas đã buôn lậu vũ khí qua biên giới Ai Cập. Ông Abu Zeid nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể chấp nhận những cáo buộc nhắm vào Ai Cập trong một nỗ lực thất bại nhằm biện minh cho những thiếu sót của họ”.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Cơ quan Quản lý thông tin nhà nước Ai Cập Diaa Rashwan nhấn mạnh: “Bất kỳ nỗ lực nào của Israel nhằm khôi phục quyền kiểm soát an ninh đối với dải đất ngăn cách giữa Gaza và Ai Cập đều là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quan hệ giữa hai nước”. Phát biểu của ông Rashwan đề cập đến “các hoạt động quân sự có thể có” của Israel dọc Hành lang Philadelphia. Hành lang Philadelphia, dải đất dài gần 14 km ngăn cách Dải Gaza của Palestine với Ai Cập, được thiết lập làm vùng đệm với Israel như một phần của Hiệp ước Hòa bình năm 1979. Theo Hiệp ước, số lượng quân bố trí dọc biên giới bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.
Một số phương tiện truyền thông trước đó đưa tin Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã từ chối nhận cuộc gọi từ Thủ tướng Netanyahu khi ông này muốn thảo luận về việc triển khai quân Israel dọc Hành lang Philadelphia.
Theo nhà phân tích quân sự và chính trị Samir Farag, việc Israel chiếm đóng thành phố Rafah và Hành lang Philadelphia sẽ khiến Ai Cập có đủ lý do để đình chỉ - mặc dù không hủy bỏ - Hiệp ước Hòa bình 1979 với Israel. Các nguồn tin an ninh tiết lộ, trong 2 tuần qua, Ai Cập đã điều động 40 xe tăng và xe bọc thép tới phía Đông tỉnh Bắc Sinai nhằm tăng cường an ninh dọc biên giới với Dải Gaza. Ông Farag khẳng định động thái này hoàn toàn mang tính phòng thủ vì Tổng thống El-Sisi không muốn Ai Cập bị lôi kéo vào bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào.
Thành phố Rafah nằm ở biên giới Ai Cập - Gaza. Chỉ với số dân ban đầu chưa đến 300.000 người, Rafah hiện đang là nơi trú ẩn của khoảng 1,4 triệu người Palestine phải di dời ở Gaza do các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các khu vực khác ở dải đất Địa Trung Hải này. Ông Netanyahu nói Rafah là nơi các con tin Israel còn lại đang bị giam giữ và là căn cứ của các thủ lĩnh Hamas mà ông thề sẽ loại bỏ. Theo các nguồn tin từ Ai Cập, mặc dù không có cách nào để ngăn ông Netanyahu ngừng tấn công Rafah, nhưng điều mà Ai Cập đang cố gắng làm là ngăn chặn một cuộc xâm lược trên bộ.
Kể từ khi cuộc xung đột Gaza nổ ra, Ai Cập đã gấp rút xây dựng bức tường bê-tông với hàng rào thép gai dọc biên giới dài hơn 13 cây số với Gaza, cùng với các biện pháp an ninh được tăng cường, người Palestine không thể vượt qua biên giới từ Gaza. Tuy nhiên, một nguồn tin cho rằng nếu Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Rafah thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, bao gồm cả việc hàng trăm nghìn người Palestine vượt biên vào Bán đảo Sinai của Ai Cập.
Ai Cập, nước từng quản lý Dải Gaza từ năm 1948 đến 1967, đã kiểm soát chặt chẽ biên giới với Gaza, nơi lực lượng Hamas nắm quyền kiểm soát từ năm 2007.