Quốc tế hướng về tâm chấn, Syria tranh thủ nguồn lực

Thứ Hai, 13/02/2023, 09:26

Tổng thống Syria Bashar al-Assad được cho là đang tìm cách rút ra những lợi thế chính trị từ trận động đất đã tàn phá nặng nề Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, bằng cách thúc đẩy để viện trợ nước ngoài được chuyển qua lãnh thổ của Syria.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với những người dân Syria bị ảnh hưởng bởi trận động đất, chính quyền Damascus đã nắm bắt thời điểm này để nhắc lại yêu cầu lâu dài rằng viện trợ phải được phối hợp với Chính phủ Syria, vốn bị phương Tây xa lánh kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến năm 2011.

Trận động đất kinh hoàng

Các khu vực do Chính phủ Syria nắm giữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất. Tính đến sáng 8/2/2023, vụ động đất 7,8 độ Richter vào sáng sớm ngày 6/2 tại miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã khiến hơn 21.000 người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, theo các thống kê chính thức. Thiệt hại nặng hơn ở phía Thổ Nhĩ Kỳ, với con số được báo cáo là 17.674 người. Tổng số người chết được báo cáo cho đến nay ở Syria là 3.377 người - được chia đều giữa khu vực do chính phủ kiểm soát và khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Nga, đồng minh chủ chốt của chính quyền Damascus, đã hỗ trợ bằng cách gửi các đội cứu hộ và triển khai lực lượng đã có mặt ở Syria để tham gia các hoạt động cứu trợ.

Quốc tế hướng về tâm chấn, Syria tranh thủ nguồn lực -0
Đoàn công tác của lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an nhân dân Việt Nam lên đường sang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cường quốc phương Tây không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này hoặc phối hợp với chính quyền Tổng thống Assad, nhưng thực tế cho thấy đang có những rào cản ngầm với những dòng xe chở hàng viện trợ xuyên biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Bắc Syria, vùng lãnh thổ hiện do quân nổi dậy nắm giữ. Các dòng hàng viện trợ, thiết yếu cho 4 triệu người trong khu vực, đã tạm thời bị dừng kể từ sau trận động đất, mặc dù một quan chức Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng có thể tiếp tục trong tuần này. Các nỗ lực cứu hộ tại Syria gặp nhiều khó khăn do bão đang càn quét, Syria lại thiếu phương tiện do đang có chiến tranh và bị phương Tây trừng phạt. Damascus từ lâu đã nói rằng hàng viện trợ cho phiến quân phía Bắc phải đi qua Syria chứ không nên qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Aron Lund, chuyên gia về Syria tại Tổ chức Thế kỷ, cho biết: “Rõ ràng có một số cơ hội trong cuộc khủng hoảng này để Tổng thống Assad thể hiện rằng “bạn phải làm việc với tôi hoặc thông qua tôi”. Nếu ông ấy thông minh, ông ấy sẽ tạo điều kiện cho việc viện trợ những khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của Damascus và đây là cơ hội chứng tỏ ông là một người có trách nhiệm”.

Phương Tây từ lâu đã xa lánh chính quyền ông Assad, viện lý rằng chính quyền Syria dưới sự lãnh đạo của ông trong hơn 11 năm nội chiến đã làm chết hàng trăm nghìn người, khiến hơn một nửa dân số phải rời bỏ quê hương và buộc hàng triệu người phải tìm nơi ẩn náu ở nơi xa lạ. Nhưng, các tuyến đường biên giới đã bị đóng băng trong nhiều năm và chính quyền Assad, được Nga và Iran hậu thuẫn, hiện kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ ý kiến cho rằng trận động đất có thể là cơ hội để Washington tiếp cận với Damascus, nói rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho người Syria ở các khu vực do chính phủ kiểm soát thông qua các tổ chức phi chính phủ chứ không phải chính quyền Damascus. Ned Price, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một cuộc họp giao ban tuần này: “Sẽ là một điều khá mỉa mai, thậm chí phản tác dụng nếu chúng ta chìa tay với một chính phủ chịu trách nhiệm cho phần lớn những đau khổ mà người dân phải chịu đựng”. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Arab liên kết với Mỹ đã liên lạc với chính quyền Assad kể từ sau thảm họa động đất, bao gồm cả Vua Jordan và Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập. Jordan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, từng ủng hộ phe đối lập Syria nhưng đã bình thường hóa quan hệ với chính quyền Tổng thống Assad trong những năm gần đây, đã gửi viện trợ cho Damascus, truyền thông nhà nước Syria đưa tin.

Tranh thủ nguồn lực

Nga, bị mắc kẹt trong cuộc xung đột ở Ukraine và chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đã vội vàng giúp đỡ Syria. Moscow coi liên minh với Damascus là một con bài mặc cả với phương Tây.

Moscow từ lâu đã lập luận rằng việc cung cấp viện trợ cho Tây Bắc Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ là vi phạm chủ quyền của Syria. Việc gia hạn nhiệm vụ cho hoạt động viện trợ này đã gây ra tranh cãi ngoại giao giữa Nga và các cường quốc phương Tây trong Hội đồng Bảo an.

Quốc tế hướng về tâm chấn, Syria tranh thủ nguồn lực -0
Nhu cầu viện trợ nhân đạo tại miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất là rất lớn, nơi có hàng triệu người vốn đã rất khó khăn do mất nhà cửa vì cuộc xung đột vũ trang kéo dài.

Người Syria ở vùng đất này lo sợ Damascus có thể cắt viện trợ nếu tuyến đường Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng và chính phủ kiểm soát dòng hàng viện trợ. Trong khi đó, các cơ quan viện trợ đang tìm cách duy trì dòng viện trợ vào khu vực, kể cả thông qua các khu vực do chính phủ kiểm soát. “Liên hợp quốc và các đối tác sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng các điểm tiếp cận và đảm bảo viện trợ đến được với những người dễ bị tổn thương nhất. Để viện trợ đến được những người cần nhất sẽ đòi hỏi ý chí chính trị từ tất cả các bên”, El-Mostafa Benlamlih, Giám đốc nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria cho biết.

Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bassam Sabbagh đã đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres giúp đỡ trong cuộc họp hôm Thứ hai tuần này. Nhưng, ông cho biết các dòng hàng viện trợ phải được phối hợp với chính phủ và được chuyển qua Syria chứ không phải qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad cho biết, chính quyền Damascus sẵn sàng “cho phép viện trợ đến tất cả các khu vực miễn là nó không đến tay các nhóm khủng bố vũ trang”, ám chỉ lực lượng nổi dậy.

Ông Mekdad nói với Đài truyền hình Arabal-Mayadeen rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây “sẽ càng làm tăng mức độ khó khăn của thảm họa”. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria có trụ sở tại Damascus đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Chính phủ Syria từ lâu đã cho rằng tình trạng khó khăn kinh tế ngày càng tăng là do các rào cản này gây ra. Washington siết chặt trừng phạt Syria vào năm 2020. Các quốc gia phương Tây nói rằng họ muốn gây sức ép buộc ông Assad phải chấm dứt đàn áp và tìm kiếm một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, Mỹ cũng cho biết các biện pháp trừng phạt không nhắm vào viện trợ nhân đạo.

Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, cho biết Damascus đang cố gắng tận dụng viện trợ “để hợp pháp hóa chính quyền. Tất cả người Arab và thế giới nói chung đang tràn đầy lòng trắc ẩn đối với những người Syria đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ. Ông Assad sẽ cố gắng khai thác điều đó”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.