Ranh giới nào cho tự do?

Thứ Năm, 09/06/2022, 19:53

Theo hãng tin AP, ngày 6-6, Thống đốc bang New York Kathy Hochul đã ký một sắc luật mới, theo đó cấm người dân của bang dưới 21 tuổi mua súng trường bán tự động.

Như vậy, New York đã trở thành bang đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ban hành một công cụ pháp lý kiểm soát vũ khí lớn và quan trọng, ngay khi cả nước Mỹ còn đang chấn động bởi những vụ thảm sát kinh hoàng. Tuy nhiên, việc liệu sẽ có bao nhiêu bang khác sẵn sàng thay đổi quyết liệt như New York vẫn còn là một mệnh đề để ngỏ.

Ranh giới nào cho tự do? -0
Mỗi năm, danh sách những vụ xả súng kinh hoàng ở Mỹ lại dài thêm.

Chuỗi ngày khủng khiếp

Bà Kathy Hochul cũng tuyên bố: “Hôm nay là ngày bắt đầu và chưa phải là kết thúc. Những suy nghĩ hay những lời cầu nguyện sẽ không thay đổi được gì, nhưng hành động mạnh mẽ thì có thể. Chúng tôi sẽ làm điều đó nhân danh những sinh mạng đã mất đi và vì những phụ huynh sẽ không còn thấy con mình bước xuống xe buýt đến trường nữa”.

Mới chỉ một ngày trước khi bang New York quyết định hành động mạnh mẽ như vậy, ngày 5-6, đã lại có thêm một vụ xả súng hãi hùng nữa xảy ra ở Philadelphia, thành phố lớn nhất bang Pennsylvania, miền Đông nước Mỹ. Theo truyền thông địa phương, một đối tượng đã nã súng vào đám đông trên phố South Street tại khu trung tâm, đúng thời điểm xảy ra vụ xả súng, có hàng trăm người đang tụ tập vui chơi dịp cuối tuần. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 11 người khác bị thương, cho dù vào thời điểm ấy, cảnh sát đang có mặt để tuần tra.

2 giờ sau, một tấn thảm kịch khác xảy ra tại thành phố Chattanooga (bang Tennessee). Cảnh sát trưởng thành phố - bà Celeste Murphy - xác nhận: “Đã có 14 nạn nhân trong vụ xả súng và 3 nạn nhân bị va chạm với các phương tiện giao thông khi cố gắng chạy trốn. 3 trường hợp tử vong đã được xác nhận, 2 người do bị súng bắn và 1 người do va chạm với phương tiện giao thông”. Ngoài ra, bà Murphy cũng tiết lộ rằng, ít nhất có 1 trẻ vị thành niên là nạn nhân của vụ việc và một số vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, đồng thời khẳng định có nhiều hơn 1 tay súng liên quan đến vụ việc ở trung tâm Chattanooga, thành phố có 180.000 dân.

Đến thời điểm New York ban hành sắc lệnh mới, ở cả hai vụ việc trên, các hung thủ đều chưa bị bắt. Song, đúng ngày 6-6 ấy, lại có thêm một vụ tấn công bằng súng xảy đến ở Bệnh viện UNC Health Care tại thành phố Goldsboro (bang North Carolina). Điều may mắn là chỉ có 1 người bị thương nhẹ.

Tuy vậy, đây vẫn là sự tiếp nối của một chuỗi những sự vụ khủng khiếp và bi thảm đã và đang dày vò nước Mỹ, liên quan đến câu chuyện muôn thuở chưa hồi kết: Quyền sở hữu súng đạn của công dân.

Ranh giới nào cho tự do? -0
Tổng thống Mỹ Biden đã phải thốt lên “Quá đủ rồi!” trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 2-6.

Theo số liệu từ kho lưu trữ thông tin bạo lực súng đạn của Mỹ, trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, tại nước này xảy ra tổng cộng 213 vụ xả súng hàng loạt, bao gồm cả 27 vụ xảy ra ở trường học. Trong đó, đẫm máu nhất và vẫn còn nóng hổi, là vụ xả súng xảy ra chiều 24-5 tại Trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde (bang Texas) khiến 19 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng - hành động mà các nhà chức trách mô tả là “chủ nghĩa cực đoan bạo lực có động cơ chủng tộc”, trong khi vụ xả súng trước đó một tuần tại siêu thị Tops Friendly, thành phố Buffalo, bang New York, khiến 10 người tử vong.

Ở một đánh giá khái quát hơn, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 2-6: “Trong 2 thập kỷ qua, số trẻ em trong độ tuổi đi học chết vì súng nhiều hơn cả số lượng các sĩ quan cảnh sát đang làm nhiệm vụ và quân đội tại ngũ hy sinh cộng lại”.

“Đủ rồi! Quá đủ rồi!” - Tổng thống Mỹ Joe Biden thốt lên hết lần này đến lần khác trong bài diễn văn, khẩn cầu Quốc hội Mỹ hành động chống lại bạo lực súng đạn sau những vụ xả súng hàng loạt mà như cách diễn đạt của ông, đã biến trường học, siêu thị và những nơi bình thường khác thành “những cánh đồng giết chóc”. Ông cũng cảnh báo: Nếu các nhà lập pháp không hành động, cử tri nên biến “sự phẫn nộ” của họ thành vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Ranh giới nào cho tự do? -0
Vụ xả súng ở trường Sandy Hook, nỗi đau khôn nguôi.

Ở đây, chỉ qua lời phát biểu này, giới quan sát quốc tế có thể thấy được rất nhiều vấn đề đang xoay quanh câu chuyện và làm hằn lên những sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ.

Sẽ còn bao nhiêu vụ thảm sát nữa?

Đầu tiên và cuối cùng, cái hiện trạng những vụ thảm sát cứ diễn ra năm này qua năm khác, trong điều kiện hầu như mọi công dân Mỹ đều có thể dễ dàng mua một khẩu súng (hoặc nếu đủ tiền, thì cả một kho vũ khí) như mua một thanh kẹo. Đó là một thứ văn hóa đặc trưng của nước Mỹ kể từ thời lập quốc, trên tiến trình không ngừng mở rộng từ bờ Đông sang bờ Tây, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương.

Thứ văn hóa này, hun đúc thành một tình yêu kỳ lạ đối với súng đạn (đến độ súng tiểu liên tấn công M-16 tiêu chuẩn dành cho quân đội Mỹ cũng vẫn luôn được sản xuất song song bản dân sự AR-15 và được bán rộng rãi kể từ những năm 1970), được Hiến pháp và pháp luật Mỹ bảo vệ, ngay ở Tu chính án số 2 của Hiến pháp Mỹ (được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 15-12-1791): “Người dân có quyền giữ và mang vũ khí mà không vi phạm luật pháp”.

Song, đến thế kỷ XXI này, quy định của Tu chính án số 2 ấy cũng có nghĩa là bất cứ công dân Mỹ nào, trong một cơn mất kiểm soát lý trí nhất thời - hệ quả của tâm trạng xã hội mỗi lúc một trở nên phức tạp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau (kể cả việc sống trên mạng ảo nhiều hơn trong đời thực) - cũng hoàn toàn có thể trở thành kẻ thủ ác, khi quá dễ dàng sở hữu những công cụ chết chóc.

Thứ hai, sự xung đột giữa hai luồng tư tưởng: Cần phải kiểm soát chặt chẽ súng đạn và bảo vệ quyền tự do sở hữu súng đạn vẫn luôn tồn tại trong lòng nước Mỹ cho đến hiện tại, tạo nên những sự chia rẽ cũng như những trở lực đối với bất cứ nỗ lực áp đặt chế tài kiểm soát vũ khí nào.

Có lẽ, nhiều người trong chúng ta còn nhớ, Tổng thống Barrack Obama cũng đã bất lực trong những việc mà ông chủ hiện tại của Nhà Trắng đang cố gắng làm hôm nay. Cho dù, vào cuối nhiệm kỳ thứ nhất của ông, ngày 24-12-2012, đã xảy ra vụ xả súng trường học đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ: Vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook (bang Connecticut), gây ra bởi tay súng 20 tuổi Adam Lanza. Hung thủ đã hạ sát 20 trẻ em, tuổi từ 6-7 tuổi và 6 người lớn.

Ranh giới nào cho tự do? -0
Bước đột phá từ bang New York.

Ở một tầng cao hơn, trong bối cảnh chính trường, mâu thuẫn tư tưởng này cũng chính là biểu hiện của trạng thái cạnh tranh quyền lực gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, giữa phái cách tân với những người muốn bảo lưu các giá trị cổ điển.

Điều đáng sợ là đến tận lúc này, trong bối cảnh này, trạng thái giằng co ấy vẫn chưa có chiều hướng thay đổi mạnh mẽ. Ngay trước khi bang New York nâng độ tuổi sở hữu súng - như bước đầu đột phá về kiểm soát vũ khí, thì ngày 5-6, Thống đốc bang Tennessee Bill Lee vẫn khẳng định: Ông không ủng hộ kiểm soát súng đạn. Lập luận của Bill Lee, cũng như của rất nhiều nghị sĩ và cử tri đảng Cộng hòa (cũng như những người yêu thích súng ở Mỹ), là: Công dân có quyền được trang bị công cụ tự vệ, ở chính ngôi nhà của mình.

Đó cũng chính là thông điệp Hạ nghị sĩ phe Cộng hòa Greg Steube truyền tải qua hành động lần lượt rút 4 khẩu súng ngắn trong lúc tham gia buổi họp trực tuyến khẩn cấp hôm 2-6 của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, theo Reuters. Trong lúc nói, ông Steube lần lượt giơ các khẩu súng ngắn ra trước camera để người dự họp quan sát. Ông chỉ ra rằng, dự luật kiểm soát súng đạn đang được xem xét sẽ cấm nhiều loại súng ngắn như ông đang cầm.

Bên cạnh đó, những người ủng hộ súng đạn cũng chú trọng đến chuyện “kiểm soát nhân thân người sở hữu vũ khí” nhiều hơn là “cấm tiệt vũ khí”. Không thể bỏ qua một thực tế, theo Viện nghiên cứu Gallup, tháng 11-2021, chỉ có 19% người Mỹ nói với Gallup rằng họ mong muốn một lệnh cấm súng ngắn và 52% người Mỹ ủng hộ việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Đây là tỷ lệ thấp nhất về vấn đề này kể từ năm 2014. Trạng thái tâm lý này có lẽ chỉ còn có thể được giải thích bởi nguyên nhân là: Người Mỹ nhìn chung muốn được bảo đảm rằng họ có khả năng tự bảo vệ mình trước khi được cảnh sát giúp đỡ. Ta hãy nhớ lại, ngay sau vụ thảm sát Sandy Hook, doanh số của súng tiểu liên AR-15 (tốc độ bắn 30-45 viên/phút) cùng các loại vũ khí dân dụng khác lại tăng vọt, ngay trong kỳ Giáng sinh năm ấy.

Ranh giới nào cho tự do? -0
AR-15, thứ vũ khí có mặt trong nhiều vụ thảm sát ở Mỹ.

Và đến đây, một “chướng ngại vật” khác chắn trước các chế tài pháp lý dành cho kiểm soát vũ khí có lẽ đã trở nên rõ ràng hơn: Lợi nhuận khổng lồ từ ngành công nghiệp chế tạo súng. Điều này lại có liên hệ trực tiếp đến mệnh đề mà Tổng thống Mỹ Joe Biden không quên “nhắc nhở” cử tri: Cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới, hay nói rộng ra là mọi cuộc bầu cử quan trọng. Nhưng, dù sao, trong chuỗi ngày kinh hoàng này, đó vẫn thực sự là hành động nhiều ý nghĩa.

Thực tế, trong cương lĩnh tranh cử, Tổng thống Joe Biden từng hứa sẽ hành động quyết liệt để tăng cường kiểm soát súng đạn. Song, 18 tháng qua, ông vẫn còn bị phân tâm bởi nhiều vấn đề hệ trọng hơn, như đối ngoại, ngăn chặn đại dịch COVID-19, hay khôi phục kinh tế.

Và, giờ là lúc ông quay lại với câu chuyện ấy, với sự cổ vũ mạnh mẽ từ các hành động như sắc luật mới nhất của bang New York.

Mây Linh
.
.