Rào cản hoãn thanh toán nợ của G20

Thứ Hai, 21/03/2022, 09:15

Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi G20 đưa ra Sáng kiến Hoãn Thanh toán Nợ để giúp các nước có khả năng vỡ nợ nhưng nhiều nước đang phát triển vẫn chưa được hưởng các lợi ích từ kế hoạch này. Theo Mỹ và các tổ chức phương Tây, điều này một phần do Trung Quốc gây ra.

Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã thiết lập Khuôn khổ chung vào cuối năm 2020 để giúp 70 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ. Theo kế hoạch này, các nước tham gia phải đồng ý tái cơ cấu nợ với các bên cho vay song phương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các quốc gia sau đó sẽ tìm cách xử lý các khoản nợ tương tự từ các chủ nợ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có 3 quốc gia là Chad, Zambia và Ethiopia đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ sáng kiến này. Nhưng, không một quốc gia nào trong số họ nhận được bất kỳ khoản giãn nợ nào, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã khiến tình cảnh nợ nần của họ trở nên tồi tệ hơn.

Đầu tháng 2-2022, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã nhóm họp để xem xét các đề xuất của IMF và Ngân hàng Thế giới về việc đình chỉ nợ ngay lập tức đối với các nước đang tìm cách tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, cuộc họp đã không tán thành các đề xuất và các cuộc đàm phán kết thúc mà không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ.Một điểm mấu chốt là Trung Quốc không muốn cắt giảm hoàn toàn các khoản nợ.

Eric LeCompte, Giám đốc điều hành của Jubilee USA và là chuyên gia tài chính của Liên Hợp quốc, người đã theo dõi các cuộc họp G20 và G7 kể từ năm 2010, cho biết cuộc thảo luận về nợ là một trong những cuộc đối thoại khó khăn nhất tại cuộc họp G20. LeCompte nói: “Các nước đang phát triển phải vật lộn với tình trạng thiếu tài nguyên trước khi đại dịch ập đến. Giờ đây, họ phải vật lộn với doanh thu thấp và các khoản nợ ngày càng tăng. Nếu không được xóa nợ, chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng vỡ nợ và các quốc gia sẽ cạn tiền mặt để trả cho các chủ nợ”.

Rào cản hoãn thanh toán nợ của G20 -0
Hội thảo G20 về tài trợ chính phủ và thống kê nợ vào tháng 3-2020.

Ông cho biết cam kết trong Khuôn khổ chung của G20 là nó có thể tập hợp tất cả các chủ nợ, bao gồm cả Trung Quốc và khu vực tư nhân. Thật không may, khu vực tư nhân đã từ chối hợp tác, còn Trung Quốc đang làm chậm quá trình này.

Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể nợ chính phủ. Trong “Báo cáo Phát triển thế giới 2022”, Ngân hàng Thế giới cho biết: “Tổng gánh nặng nợ trung bình ở các nước có thu nhập thấp và trung bình tăng khoảng 9% GDP trong năm 2020, so với mức trung bình 1,9% GDP mỗi năm trong thập kỷ trước”.

Ban đầu, các nước G20 tìm cách giải quyết vấn đề bằng Sáng kiến đình chỉ nợ, có hiệu lực từ tháng 5-2020. Sáng kiến này đã mang lại cho 48 nền kinh tế dòng tiền tạm thời cứu trợ và đến cuối tháng 6-2021, nó đã mang lại khoảng 10,3 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới. Thời gian đình chỉ nợ kết thúc vào tháng 12-2021 và nhường chỗ cho Khuôn khổ chung của G20. Năm 2020, Zambia trở thành quốc gia đầu tiên ở châu lục này vỡ nợ trái phiếu mệnh giá 3 tỷ USD trong kỷ nguyên đại dịch.

Ethiopia, quốc gia đã nộp đơn xin xóa nợ theo Khuôn khổ chung, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng ngoại hối bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Tigray đang diễn ra, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải tha hương, Bắc Kinh là một trong những nhà cho vay lớn nhất đối với cơ sở hạ tầng của Ethiopia, bao gồm cả đường sắt Addis Ababa-Djibouti trị giá 4,5 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều vấn đề cản trở các quốc gia đang tìm cách giãn nợ. Đầu tiên, các công ty cho vay tư nhân đã không sẵn sàng hành động. Ví dụ, trong khi một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và các thành viên của nhóm chủ nợ phi chính thức được gọi là Câu lạc bộ Paris, đã đồng ý tái cơ cấu nợ nước ngoài của Chad, vấn đề lại trở nên phức tạp bởi các khoản vay mà nước này nhận được từ các công ty tư nhân như Glencore. Ngoài ra, rạn nứt đã xuất hiện giữa một số quốc gia và chủ nợ, với việc Mỹ, IMF và Ngân hàng Thế giới đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã không tham gia đầy đủ còn Trung Quốc đổ lỗi cho các tổ chức cho vay đa phương.

Theo Scott Morris, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu ở Washington, nhìn chung, những thách thức trong việc giải quyết tình trạng khó khăn ở các nền kinh tế đang phát triển ngày càng phức tạp hơn, bởi hiện có rất nhiều chủ nợ và các hình thức tài chính khác nhau trên thế giới. Vì vậy, những tranh cãi mà chúng ta đang thấy trong G20 có lẽ là không thể tránh khỏi. Trung Quốc tham gia rất nhiều vào các cuộc thảo luận vì Chính phủ Trung Quốc cho đến nay là chủ nợ chính phủ lớn nhất, với các khoản cho vay lớn hơn hẳn của các chính phủ G7 và các nước mới nổi khác. Ông cho biết, Trung Quốc cũng tạo ra ranh giới giữa chủ nợ chính phủ và chủ nợ thương mại, điều này làm phức tạp những nỗ lực nhằm hợp lý hóa vai trò của các nhóm chủ nợ khác nhau

Phát biểu trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Virag Forizs, một nhà kinh tế châu Phi tại công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London, cho rằng Trung Quốc có xu hướng “chơi khó” trong các cuộc đàm phán xóa nợ, bởi họ ưa thích cách tiếp cận song phương.

Forizs nói: “Điều này đã củng cố mối quan ngại của các chủ nợ tư nhân về việc đối xử bất bình đẳng có thể xảy ra giữa các chủ nợ”. Trong khi đó, về phía các nước đang mắc nợ, chính phủ các nước này vẫn cảnh giác về những hậu quả tiêu cực của việc ký kết các sáng kiến xóa nợ. Ví dụ, xếp hạng tín dụng của Ethiopia đã bị hạ cấp sau yêu cầu tái cơ cấu nợ của chính quyền theo Khuôn khổ chung.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.