Sẽ đưa người được đặc xá về nơi cư trú an toàn
Ngày 30-6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021 nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh (2-9). Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện đặc xá khi Luật Đặc xá năm 2018 có hiệu lực.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định, tiêu chuẩn cũng như ý nghĩa của công tác đặc xá, đặc biệt là việc thực hiện đặc xá trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an.
Chuẩn bị điều kiện tốt cho người được đặc xá tái hòa nhập
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của đợt đặc xá lần này.
Trung tướng Lê Minh Hùng: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc xá lần này tiếp tục khẳng định và thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ, đồng thời khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, phấn đấu, rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Phóng viên: Đây là đợt đặc xá đầu tiên kể từ khi Luật Đặc xá 2018 có hiệu lực. Vậy, đợt đặc xá lần này có gì khác so với các đợt đặc xá trước đây, thưa đồng chí?
Trung tướng Lê Minh Hùng: Theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, đối tượng được đặc xá là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Khác biệt cơ bản của đặc xá năm 2021 so với các lần trước đây, đó là đối tượng được xét đặc xá là những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, điều kiện để được đề nghị đặc xá được quy định chi tiết, cụ thể và chặt chẽ hơn cho từng đối tượng, điều đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tính nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với những người phạm tội đã thực sự ăn năn hối cải, có nhiều cố gắng trong quá trình chấp hành án, tích cực học tập, lao động cải tạo tiến bộ, quyết tâm hướng thiện, hoàn lương để trở về với gia đình và xã hội. Đặc biệt, đặc xá năm 2021 diễn ra trong tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, do vậy trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ sở giam giữ.
Phóng viên: Từ năm 2009 đến nay, chúng ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá với số lượng lớn phạm nhân. Đồng chí cho biết tỉ lệ tái phạm của những người được đặc xá như thế nào? Khi họ được đặc xá có ảnh hưởng tới an ninh, trật tự của các địa phương hay không?
Trung tướng Lê Minh Hùng: Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc, từ năm 2009 đến nay, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 87.000 phạm nhân. Phần lớn những người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, hoàn lương, hướng thiện, có việc làm và thu nhập ổn định. Họ đã được giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng, nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân làm ăn phát đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Tỷ lệ người tái phạm tội là không đáng kể (trung bình khoảng 1,18%), tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương được bảo đảm, không xảy ra các vụ việc phức tạp do người được đặc xá gây nên. Qua theo dõi, số người được đặc xá đã ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng chiếm tỉ lệ cao (khoảng 85,87%).
Phối hợp với địa phương đưa người về
Phóng viên: Đồng chí cho biết Bộ Công an đã chuẩn bị những gì để tạo điều kiện cho những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống?
Trung tướng Lê Minh Hùng: Để giúp đỡ những người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện tổ chức các lớp chuẩn bị hòa nhập cộng đồng cho những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, trang bị những kiến thức cơ bản cho phạm nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Phóng viên: Đây là đợt đặc xá đặc biệt nhất từ trước đến nay, được tổ chức trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng chí cho biết Ban Chỉ đạo về đặc xá năm 2021 của Bộ Công an đã triển khai công tác như thế nào để vừa đảm bảo đúng tiến độ, vừa phòng ngừa dịch bệnh.
Trung tướng Lê Minh Hùng: Để thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 đảm bảo đúng tiến độ và các yêu cầu đề ra, đồng thời đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo về đặc xá năm 2021 của Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, các tổ thẩm định liên ngành triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian thẩm định hồ sơ đặc xá. Song song với đó, Bộ Công an yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, đặt công tác này ở vị trí hàng đầu với một cấp độ cao hơn so với ngoài cộng đồng, quyết tâm không để lây lan dịch bệnh trong các cơ sở giam giữ.
Các tổ thẩm định liên ngành trước khi đến các đơn vị, địa phương để thẩm định hồ sơ mà ở đó đang thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phòng, chống dịch, xin ý kiến của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) ở địa phương; thành viên các tổ thẩm định liên ngành thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đồng thời trước khi đến các cơ sở giam giữ thẩm định hồ sơ đều được tiêm vaccine và phải làm các xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính. Các trại giam, trại tạm giam phải bố trí nơi làm việc độc lập cho tổ thẩm định, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa các thành viên với CBCS tại đơn vị...
Phóng viên: Bộ Công an đã chuẩn bị những gì để Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 được trang trọng, đúng pháp luật và phòng ngừa dịch bệnh; đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 qua ngày 2-9 như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... thì việc tổ chức đặc xá sẽ thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tướng Lê Minh Hùng: Sau khi Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước, các cơ sở giam giữ có người được đặc xá sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước và cấp giấy chứng nhận đặc xá cho người được đặc xá. Ban Chỉ đạo về đặc xá năm 2021 của Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức trang trọng, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời yêu cầu các cơ sở giam giữ phạm nhân phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ cao nhất, không để dịch bệnh lây lan vào các cơ sở giam giữ, không để phạm nhân được đặc xá không về được nơi cư trú do các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang thực hiện phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục sẽ phối hợp với công an các đơn vị, địa phương có kế hoạch đưa người được đặc xá trở về nơi cư trú đảm bảo an toàn.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Người được đặc xá phải có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn. Nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.