Siêu thanh - yếu tố thay đổi cán cân địa chiến lược

Thứ Hai, 22/11/2021, 08:15

Tháng 7-2021, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên phóng một phương tiện bay siêu vượt âm - thiết bị bay có điều khiển, di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh - bay vòng quanh Trái đất. Việc nước này theo đuổi các loại vũ khí tiên tiến có thể tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa làm dấy lên những lo ngại về tính bền vững bởi khả năng răn đe của học thuyết quân sự Đảm bảo hủy diệt lẫn nhau (MAD).

Do sự ra đời của vũ khí nhiệt hạch có sự tàn phá khủng khiếp hơn trong những năm 1950, các quốc gia được trang bị hùng mạnh lúc bấy giờ đã tránh được một cuộc chiến với nhau bởi áp dụng một lý thuyết tàn bạo, đó là MAD. Hiểu nôm na, đó là nếu một khi xảy ra chiến tranh thì tất cả đều diệt vong, bởi thế, tốt nhất là không chiến tranh. MAD có vẻ như là một yếu tố giúp cho cả một thời kỳ tồn tại tới hơn 40 năm sau Chiến tranh Lạnh mà không có một cuộc xung đột lớn nào và chỉ mất thêm 30 năm để có một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và công nghệ cao xuất hiện trở lại giữa các cường quốc.

Siêu thanh - yếu tố thay đổi cán cân địa chiến lược -0
Lực lượng đổ bộ đặc biệt của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Học thuyết MAD đến nay được cho là vẫn hạn chế việc sử dụng vũ lực một cách không kiềm chế. Tuy nhiên, những bộc lộ gần đây về tham vọng hạt nhân của Trung Quốc và việc nước này theo đuổi các vũ khí tiên tiến có thể tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa làm dấy lên những nghi ngờ về tính bền vững bởi khả năng răn đe của nó.

Trở lại câu chuyện của Trung Quốc, phương tiện bay siêu thanh nói trên được phóng bởi một loại tên lửa có tầm bay vượt qua Nam Cực, né tránh các tuyến phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu tập trung ở phía Bắc. Theo tờ Financial Times, vụ thử này là mới nhất trong một loạt sự kiện tiết lộ về năng lực hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Đầu tháng 11 vừa qua, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ tin rằng Trung Quốc đã đẩy nhanh các kế hoạch hạt nhân và sẽ tăng gấp 4 lần kho vũ khí, lên ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030.

Trên thực tế, trong 2 thập niên qua, Bắc Kinh đã khiến Washington choáng váng với tốc độ xây dựng quân đội thông thường của nước này, từ máy bay chiến đấu, máy bay ném bom đến tàu ngầm và tàu chiến. Hải quân Trung Quốc hiện nay được coi là một trong những lực lượng lớn nhất trên thế giới. Nhưng, phải đến vụ thử tên lửa lần này, người ta mới lờ mờ nhận ra rằng sự kết hợp giữa tên lửa siêu âm và cảnh báo đầu đạn hạt nhân có vẻ như đã có tác động thay đổi nhất định trong thế bố trí hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh.

Siêu thanh - yếu tố thay đổi cán cân địa chiến lược -0
DF-17 - tên lửa mang đầu đạn tầm trung có thể trang bị trên phương tiện bay siêu thanh - diễu binh trên Quảng trường Thiên An Môn năm 2019.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã mô tả cuộc thử nghiệm này rất gần với “khoảnh khắc Sputnik”, ám chỉ việc Liên Xô trước đây phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 1957, khơi mào cuộc chạy đua không gian kéo dài cho tới tận ngày nay. Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh các lực lượng hạt nhân Mỹ, thì cho rằng từ kinh ngạc “có thể là không đủ” để mô tả các khả năng mới của Trung Quốc.

Sự mở rộng năng lực hạt nhân của Trung Quốc cũng dẫn đến một cuộc tranh luận ở Washington về việc Mỹ nên cơ cấu lại các lực lượng hạt nhân của mình như thế nào. Jeffrey Lewis, một chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury nói rằng hoạt động xây dựng năng lực của Trung Quốc đã cho thấy kết quả thất bại trong chính sách của Mỹ.

Kể từ khi Trung Quốc tiến hành vụ thử bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, nước này đã duy trì một chính sách răn đe tối thiểu được củng cố bởi “lực lượng hạt nhân tinh gọn và hiệu quả”. Lực lượng này được thiết kế riêng để đảm bảo rằng Trung Quốc, quốc gia có chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”, có đủ vũ khí hạt nhân để trả đũa bất kỳ cuôc tấn công đầu tiên nào. Còn trong Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc mới đây, mọi sự có vẻ như đã khác xa. Theo đó, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc hiện có thể có bộ ba hạt nhân “non trẻ” - bao gồm tên lửa phóng từ đất liền, trên biển và trên không - sau khi nước này triển khai một máy bay có khả năng mang bom hạt nhân vào năm ngoái.

Siêu thanh - yếu tố thay đổi cán cân địa chiến lược -0
Thiết bị bay siêu thanh không người lái WZ-8 của Trung Quốc.

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được cho là cũng đang phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới có thể mang nhiều đầu đạn và đang chế tạo hàng trăm hầm chứa cho các ICBM trên đất liền. PLA đã thử nghiệm 250 tên lửa đạn đạo vào năm 2020, nhiều hơn phần còn lại của cả thế giới cộng lại. Một minh họa rõ hơn nữa cho việc Trung Quốc mở rộng năng lực hạt nhân, đó là việc Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc hiện có hơn 200 vệ tinh cảm biến và do thám trong không gian, so với 120 vệ tinh cách đây 2 năm. PLA cũng bắt đầu thực hiện một phần trong khả năng “cảnh báo trước khi phóng” (launch-on-warning), có thể cho phép họ phản công trước khi một tên lửa của đối phương lao tới mục tiêu, thay vì trả đũa sau khi một cuộc tấn công nhằm vào họ xảy ra.

Xem ra, những ngày Trung Quốc lên án vũ khí hạt nhân là “con hổ giấy” và vui vẻ chấp nhận một sự răn đe hạt nhân tối thiểu đã qua lâu rồi.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.