Số phận những người nước ngoài kẹt lại ở Sudan

Thứ Năm, 04/05/2023, 08:45

Những vụ đảo chính liên tục diễn ra ở châu Phi trong vòng 4 năm trở lại đây. Các quốc gia như Mali, Guinea, Burkina Faso, Gambia, São Tomé và Príncipe sau giai đoạn tạm yên ổn, bất ngờ đảo lộn khi quân đội của họ làm binh biến. Sudan cũng không thoát khỏi số phận này. Vào năm 2019, quân đội Sudan nổi dậy lật đổ nhà độc tài Omar Al-Bashir.

Trong vòng 2 năm Sudan nằm dưới sự điều hành của một Hội đồng Dân sự - quân sự, quốc gia này đã chứng kiến cuộc đảo chính thất bại do các sĩ quan trung thành với chế độ cũ tiến hành. Thế rồi, đến tháng 10/2021, chính tướng Abdel Fattah Al-Burhan là lãnh đạo phe quân đội trong Hội đồng cai trị lại lật đổ Hội đồng.

Hiện nay tình hình ở Sudan đang hết sức hỗn loạn. Quân đội chính phủ của Al-Burhan đang giao tranh ác liệt với nhóm phiến quân RSF. RSF vốn là một đơn vị dân quân tuyển mộ từ các bộ lạc du mục người Arab. Dưới thời Omar Al-Bashir, RSF là “cánh tay đắc lực” của nhà độc tài trong cuộc nội chiến diễn ra ở Dafur vào năm 2003. Sau đó chỉ huy của RSF là tướng Mohamed Hamdan Dagalo cũng tham gia vào hội đồng dân sự - quân sự.

Số phận những người nước ngoài kẹt lại ở Sudan -0
Công dân châu Âu lên máy bay quân sự Pháp di tản khỏi Sudan.

Việc Abdel Fattah Al-Burhan tập trung quyền lực vào tay mình đã khiến rạn nứt xảy ra giữa ông ta và Dagalo, từ đó dẫn đến giao tranh giữa quân chính phủ và RSF. Chỉ có những người ở giữa - dân thường - là chịu thiệt trong cuộc tranh chấp này.

Ước tính đã có hơn 30.000 người tị nạn Sudan chạy sang các nước láng giềng. Còn những người nước ngoài ở Sudan thì sao?

Quân đội Chính phủ Sudan và RSF vào cuối tháng 3 đã 2 lần ký kết biên bản ngừng bắn nhân dịp ngày lễ Eid AlFitr. Cả 2 lần ngừng bắn đều thất bại chỉ sau vài giờ. Lệnh ngừng bắn mới nhất được ký vào ngày 27/4 vừa qua và có vẻ chắc chắn hơn những nỗ lực trước đó.

Một lý do buộc các bên tham chiến phải giữ bình tĩnh là vì không ai muốn chịu tai tiếng cản trở việc di tản của người nước ngoài và tiếp tế cho những người còn kẹt lại. Tận dụng việc ngừng bắn, các quốc gia đang đẩy mạnh việc di tản công dân của mình khỏi Sudan. Có thể kể đến việc New Dehli phái tàu viễn dương đón hơn 500 người Ấn Độ đang chờ ở cảng Sudan, hay Uganda tổ chức đoàn xe buýt đón 300 công dân của họ từ Sudan đến Ethiopia rồi sau đó bay về nước. Những chiến dịch di tản quy mô nhất vào thời điểm hiện tại đều do chính phủ các nước phương Tây tổ chức.

Số phận những người nước ngoài kẹt lại ở Sudan -0
Một sĩ quan quân đội và những người ủng hộ chính phủ của AbdeL FaTTah AL-Burhan.

Bộ binh và máy bay quân sự của Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan và Anh hiện đang có mặt ở những quốc gia láng giềng của Sudan để đưa công dân mình hồi hương an toàn. Việc sơ tán đang diễn ra hết sức chậm chạp vì các bên tham chiến đều nhắm vào hệ thống cơ sở hạ tầng.

Khi RSF mở đòn đánh phủ đầu vào quân chính phủ, trong số những mục tiêu của họ có sân bay quốc tế Khartoum cùng với 2 căn cứ không quân Merowe và El Obeid. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy gần chục chiếc máy bay tấn công Su-25 và máy bay trực thăng Mi-24 nằm bốc khói quanh đường băng ở El Obeid.

Chưa hết, ngoài những cuộc đọ súng, quân chính phủ và RSF còn liên tục nã pháo vào các sân bay. Vậy nên mới có chuyện 2 chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 và phi cơ chở khách Airbus A330 được Hà Lan phái tới phải bay vòng nhiều tiếng đồng hồ trên không phận Sudan trước khi buộc phải đỗ xuống sân bay ở Jordan. 152 công dân Hà Lan sau đó phải đi tàu vượt Biển Đỏ để đến được Jordan rồi lên máy bay về nước. Pháp hiện giữ vai trò điều phối trong nỗ lực chung nhằm giải cứu công dân của các quốc gia châu Âu.

Bà Anne-Claire Legendre, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp, phát biểu trên sóng truyền hình CNN: “Phía Pháp đã di tản được 500 người nước ngoài khỏi Sudan, trong đó gần 200 người là công dân 36 quốc gia khác. Số người này đang ở căn cứ quân sự của Pháp ở Djibouti để chờ máy bay về nước”.

Bà Anne-Claire cũng từ chối bình luận về thông tin một lính đặc nhiệm Pháp đã bị bắn trọng thương. Báo chí phương Tây trước đó đưa tin phía Sudan nổ súng vào đoàn nhân viên ngoại giao Pháp khi đó đang được lính đặc nhiệm hộ tống khỏi lãnh sự quán nước này. Trước đó đã có trường hợp nhà ngoại giao Mohamed Al-Gharawi bị bắn chết khi đang trên đường đến Đại sứ quán Ai Cập ở Sudan.

Số phận những người nước ngoài kẹt lại ở Sudan -0
Một trong số những sân bay quanh thủ đô KharToum bị tấn công.

Về phần mình, cả quân đội Chính phủ Sudan lẫn RSF từ chối trách nhiệm về vụ nổ súng và cáo buộc bên kia đã làm vậy. Ngoài đại sứ quán, một địa điểm khác tập trung nhiều người nước ngoài lánh nạn là các bệnh viện cũng đang bị đặt vào vòng nguy hiểm.

Bệnh viện Ibn Sina, Bệnh viện Al Moa’lem và Bệnh viện Đại học Y Khartoum trong thời gian gần đây liên tục phải hứng chịu những quả đạn cối. Trong các bệnh viện này ngoài người ngoại quốc lánh nạn còn có một lực lượng bác sĩ, y tá nước ngoài đông đảo làm công việc giảng dạy và điều trị từ thiện.

Một bác sĩ người Pháp làm việc cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới chia sẻ về điều anh ta làm khi quả đạn cối đầu tiên nổ: “Ai cũng la hét bảo chạy vào bệnh viện, nhưng rồi lại có người bảo trong bệnh viện không an toàn. Đám đông mất phương hướng chạy vòng vòng... Tôi bỏ chạy một mạch khỏi cổng bệnh viện mà không ngoái đầu lại. Lúc đấy tôi chỉ sợ sẽ bị giẫm đạp đến chết”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/4 vừa qua đã điều động tất cả các quân nhân của nước này đang đóng tại Sudan và những quốc gia láng giềng tham gia bảo vệ công dân của họ trên đường sơ sán. Mục tiêu của chiến dịch di tản là đưa được người Mỹ đến đại sứ quán của họ ở Khartoum, sau đó trực thăng sẽ đưa họ sang một quốc gia lân cận đủ an toàn để máy bay dân sự cất cánh như Djibouti. Nhân cơ hội này, phía RSF công khai tuyên bố các lực lượng của họ đã cộng tác chặt chẽ với quân đội Mỹ để hộ tống công dân nước ngoài đi di tản. Tuyên bố này đã sớm bị phía Mỹ bác đi.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass phát biểu: “Hành động tỏ thái độ hợp tác duy nhất từ phía RSF là việc họ không nổ súng vào đoàn xe chở người Mỹ di tản”.

Những trường hợp trầy trật lắm mới thoái khỏi Sudan là còn may mắn. Còn có không ít công dân ngoại quốc còn đang mắc kẹt tại Sudan.

Cô Safia Mustafa sinh ra tại thành phố Ontario, Canada. Sau khi bố cô mất cách đây 2 năm, Safia chuyển về quê nội tại Khartoum nhằm chăm sóc người bà đã 90 tuổi. Safia chia sẻ trên Đài truyền hình CTV: “Bà tôi không có quốc tịch Canada nên không được đưa vào diện di tản. Tôi không thể bỏ lại bà một mình ở Sudan được... Tôi không dám đi ra ngoài nửa bước vì sợ đạn lạc. Hai nhà ở phía Bắc và phía Nam nhà tôi đều đã bị trúng đạn RPG, nhưng may là không có ai chết... Bây giờ chúng tôi sáng thì ngủ, còn đêm thì thức vì lúc nào cũng nghe thấy tiếng bom nổ, sợ chết khiếp đi được”.

Safia đã cân nhắc đến chuyện đưa bà nội đến bệnh viện để lánh nạn. Vấn đề nằm ở chỗ cô không tìm được ô tô để chở người bà đã yếu, mà có tìm được xe đi chăng nữa thì cũng không dám ra ngoài trong khi người ta đang đánh nhau trên đường. Đường phố ở thủ đô Khartoum đang trở thành “mạng nhện” chết người. Cả hai bên tham chiến đều cho rải mìn, đặt chốt gác vũ trang và bố trí lính bắn tỉa trên các tòa nhà cao tầng. Mặt khác các bệnh viện Sudan đều đang quá tải. Ở Khartoum có 79 bệnh viện nhưng chỉ có 22 cơ sở còn đang hoạt động.

Số phận những người nước ngoài kẹt lại ở Sudan -0
Cảnh tàn phá của chiến tranh đã trở thành chuyện thường ngày ở Sudan.

Bác sĩ Howeida Al-Hassan công tác tại Bệnh viện Alban Jadid trả lời phóng viên CNN: “Chúng tôi liên tục phải thực hiện mổ cho những nạn nhân trúng 3-4 phát đạn vào người. Một kíp trực mổ có thể phải làm việc khoảng 12 tiếng mới được nghỉ. Ai cũng kiệt sức và sợ hết sạch thiết bị y tế”.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế mới đây tuyên bố đã di tản được một số bác sĩ, y tá của họ từ Khartoum đến Kassala và Gedaref. Những vị chuyên gia này sẽ tiếp tục việc điều trị cho người Sudan. Một số khác sẽ được di chuyển bằng xe đến Ethiopia và Chad. Ủy ban cũng kêu gọi cả hai bên tham chiến tạo điều kiện để xe chở thiết bị y tế và nhu yếu phẩm đến được các bệnh viện trong vùng chiến sự.

Một trường hợp người nước ngoài khác đang mắc kẹt ở Sudan là nhà báo Mỹ Isma’il Kushkush. Từ hơn chục ngày nay nhà báo Isma’il ở tại một tòa chung cư mini gần dinh Tổng thống Sudan. Ở cùng với anh là 29 người khác, trong đó có trẻ em và người ngoại quốc. Isma’il miêu tả hoàn cảnh của mình qua tin nhắn gửi cho các đồng nghiệp: “Không có điện và nước đã 5 ngày nay. Mọi người không dám dùng chút nước còn lại trong bể chứa. Lương khô đã gần cạn. Không thể ra ngoài tiếp tế vì đánh nhau dữ dội ở dinh Tổng thống chỉ cách 2 tòa nhà”.

Giữa lúc khó khăn, người dân Khartoum tìm mọi cách để cầm cự qua ngày. Thực phẩm và nước uống được ưu tiên dành cho trẻ con và người già, còn máy phát điện chỉ chạy để phục vụ việc thông tin liên lạc. Những lúc thế này, các nhóm trên WhatsApp trở nên vô cùng quan trọng đối với người dân. Họ trao đổi đủ loại thông tin trên các nhóm này: Nơi nào có nước, nơi nào có điện, có xăng, có thuốc men, hay thậm chí là có tài xế sẵn sàng chở người di tản đến Ai Cập hay Ethiopia.

Bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện Anh mới đây đã lên sóng BBC để trả lời chất vấn: “Chúng ta đang có khoảng 3.000-4.000 người có quốc tịch Anh đang chờ để được di tản... Bộ Ngoại giao vẫn chưa học được bài học gì từ sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan cũ. Hiện nay không có đường dây liên lạc nào ổn định giữa đại sứ quán và các công dân Anh ở Sudan. Nhiều người bị mắc kẹt không khỏi có cảm giác rằng họ đang bị London bỏ mặc”.

Bà Alicia cũng chia sẻ một số câu truyện mà người Anh ở Sudan đã chia sẻ với bà: “Một người phụ nữ đang dự đám tang của người em họ thì phải bỏ chạy vì đạn pháo rơi vào nghĩa trang. Cô ấy và họ hàng trốn trong một cái huyệt mới đào gần 6 tiếng thì mới hết đạn pháo...

Một sinh viên cao học đang nghiên cứu tại Sudan kể với tôi rằng anh ấy đã phải ăn thịt chuột sau khi ký túc xá hết sạch thức ăn dự trữ”. Alicia Kearns kết thúc buổi phỏng vấn bằng lời hứa sẽ gây sức ép buộc Bộ Ngoại giao tiến hành khẩn trương việc thiếp lập liên lạc, tiếp tế và giải cứu các công dân Anh còn ở tại Sudan.

Cùng thời điểm đó, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố đã điều động 1.700 binh lính Anh hỗ trợ quá trình sơ tán. Ông Sunak cũng cho biết mình mới có cuộc hội đàm qua điện thoại với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi về việc tạo ra một hành lang an toàn cho người nước ngoài di tản khỏi Sudan.

Lê Công Vũ
.
.